NHỮNG TRÁI TIM TAN NÁT, NHỮNG GIA ĐÌNH ĐỔ VỠ, NHỮNG TÌNH THÂN HÓA TÌNH THÙ

           NHỮNG TRÁI TIM TAN NÁT,

           NHỮNG GIA ĐÌNH ĐỔ VỠ,

           NHỮNG TÌNH THÂN HÓA TÌNH THÙ       B1                

      Châu Sơn chúng ta là một xứ đạo toàn tòng. Chúng ta giữ đạo theo lối cha truyền con nối, trải qua từ đời nọ đến đời kia,  nên còn được gọi là đạo dòng. Cuộc sống đạo rất quy củ và phép tắc, đôi khi có vẻ cực đoan chỉ bởi vì không chấp nhận nửa vời hay thệ phản.Trung trinh tiết liệt luôn là câu răn mình.Và nhất là luôn sống đúng với giáo lý Chúa dạy. Cho nên vấn đề HÔN NHÂN GIA ĐÌNH  luôn được trân trọng hàng đầu.

Trong tâm niệm của mỗi giáo dân, lời Chúa dạy: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19.6) được xem như là một kim chỉ nam. Điều này cũng rất phù hợp với đạo lý căn bản một vợ một chồng của nền văn hóa phương Đông. Vả lại, chúng ta còn có một xuất phát điểm từ Giáo phận mẹ Vinh nổi tiếng sắt son và thủy chung nên càng cũng cố cho niềm tin của chúng ta thêm mạnh mẽ.

      Những tưởng như thế là chúng ta sẽ giữ được truyền thống tốt đẹp này lâu bền, thế nhưng khoảng từ hơn mươi năm trở lại đây tập tính này đã bị lung lay một cách mạnh mẽ. Và theo thống kê của những tay tò mò trong các ẤM NƯỚC MỚI thì hiện nay ở Châu Sơn chúng ta số các gia đình trẻ sống ly thân, cách này hay cách khác, đã lên tới con số trên ba mươi (kẻ viết bài, có dịp trao đổi với Cha Quản Xứ, ngài cũng đã xác nhận còn có thể nhiều hơn nữa).

B2

 Ôi! Một con số không thể ngờ !!?? Châu Sơn, một xứ đạo thuần túy, mà cũng dữ dzậy sao trời? Châu Sơn mà cũng có NHỮNG TRÁI TIM TAN NÁT, NHỮNG GIA ĐINH ĐỔ VỠ, NHỮNG TÌNH THÂN HÓA THÀNH TÌNH HẬN nhiều đến thế sao? Vì đâu đến nông nổi này hở trời?

       Thật tình thì lâu nay chúng ta cũng đã nghe phong thanh có đôi này, cặp nọ lăng nhăng, lít nhít (thậm chí là trong gia tộc trong dòng họ mình) nhưng cho qua, không để ý lắm và cứ nghĩ là ba chuyện lẻ tẻ nên không lấy chi làm quan trọng. Ai ngờ, khi nghe con số các nhà thống kê của ẤM NƯỚC MỚI sưu tầm thì mới thật là tá hỏa tam tinh.

      Vậy là vấn đề đã trở nên nghiêm trọng mất rồi. Dẫu biết rằng cuộc sống của thời đại bùng nổ thông tin đang thay đổi đến chóng mặt nhưng cái cội nguồn cơ bản đã thấm sâu trong máu thịt ta từ bao đời thuở nay sao lại có thể bật gốc rễ hàng loạt như thế nhỉ ??

B3

 Cho nên, chúng ta phải tìm hiểu cho rõ nguồn cơn để biết đâu, có thể thông cảm hay tạo một nhịp cầu, một giải pháp cho  các cặp “nạn nhân” nối lại khoảng cách đang chia lìa hai bến bờ lạc lối. Và rồi sau những “lượm lặt tin tức” từ bên ni, bên tê, cho dẫu có trường hợp này, trường hợp nọ nhưng chúng ta vẫn có thể vẽ nên một bức tranh toàn cảnh với những nguyên nhân như sau :

 Nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng đến từ thời thế. Cuộc sống đã làm cho con người phải xoay theo xu thế chính trị, mặc dù mình không muốn nhưng tự nhiên như có một sức hút nào đó khiến mình phải cuốn theo. Thực tế là chúng ta đang sống dưới bàn tay sắt của những người vô thần hỏi sao không ảnh hưởng đến cuộc sống, đến tâm sinh lý song hành? Làm sao ta tránh khỏi quy luật ở ống thì dài, ở bầu thì tròn đây? Đá đã dằn lên thì làm sao cỏ có thể mọc thẳng đứng được cơ chứ? Đến đây ta lại nhớ câu chuyện ngụ ngôn của ông Lã Phụng Tiên bên Pháp: Khi cò mời chó ăn trong cái ống, hay ngược lại chó mời cò ăn trong cái đĩa trẹt thì dĩ nhiên chúng phải biết cách thích nghi với môi trường, với hoàn cảnh sống để tồn tại. Con tắc kè ra giữa bãi cát nóng hay chui vào một bụi gai rậm rạp mà không biết đổi màu thì làm sao sống sót ? Phải biết thích nghi, phải biết “sống chung với lũ” chứ !

B4

Thực ra, quan niệm như thế cũng có phần tiêu cực và điều  đó chẳng qua chỉ là một lời thanh minh cho có lệ, nhưng biết làm sao được khi con người vốn bản chất yếu đuối, mỏng dòn ?

          Nguyên nhân thứ hai, sở dĩ Châu Sơn đi đến nguồn cơn này cũng là do tình trạng xã hội đang tiến triển một cách lệch lạc khi mà mọi giá trị tinh thần đang suy thoái nhường chỗ cho tiền bạc của cải, vật chất lên ngôi chi phối hết mọi sinh hoạt của con người. Những tư tưởng như : “ Tiền vi chi tiên hay Đa kim ngân phá luật lệ” là suy nghĩ thường trực trong lòng mọi người.

      Nguyên nhân thứ ba là sự tổng hòa, là hệ quả của hai nguyên nhân trên khiến cho các bậc phụ huynh khi lo việc HÔN NHÂN GIA ĐÌNH cho con cái cũng chỉ nghĩ làm sao để con mình được làm dâu con nhà giàu (bất kể đảng hay ngoại đạo) hay lấy Việt kiều là đã thỏa mãn chứ không nghĩ đến sự hòa hợp giữa hai phối ngẫu hay hai gia đình, hai gia tộc. Họ (các bậc phụ huynh), thậm chí, còn trực tiếp phân ly con mình khi không được như ý bất kể làm trái cả lề luật của Chúa như  câu Tin Mừng mà chúng ta trích dẫn ở đoạn trên.

B5

      Trên ba mươi cặp đôi không còn…hoàn hảo nữa và nếu cứ  diễn biến theo đà này trong tương lai con số đó sẽ còn tăng lên rất nhiều. Ôi! thật là đáng buồn, thật đáng xấu hổ đối với một xứ đạo bấy lâu nay nổi tiếng là trung kiên tiết liệt. Nhưng lầm lỗi nầy quy về ai đây? Phải chăng là do thời thế? Phải chăng là do hoàn cảnh xã hội? Hay phải chăng là do số phận? Có lẽ, ta không nên đổ lỗi cho những điều “phải chăng” đó, mà phải tự đấm ngực: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng mới đúng. Bởi, thời thế đâu có xúi dục người ta ly thân; hoàn cảnh xã hội đâu có dạy vợ bỏ chồng về ẩn náu nhà cha mẹ; số phận đâu có chơi khăm khi “cơm đang lành, canh đang ngọt” mà nỡ ra tay “chia uyên rẽ thúy”.

      Thật ra, trên ba mươi cặp đôi này mỗi trường hợp, mỗi hoàn cảnh đều có những điểm riêng biệt, đặc thù mà, có lẽ, chẳng ai muốn sự cố xảy ra như thế. Kẻ viết bài này cũng không dám lạm bàn hoặc là khen chê, hoặc là phê phán đào sâu vào chuyện nội bộ của riêng một ai cả (bởi mình có hoàn thiện hơn ai đâu và biết đâu con cái mình sau này cũng vướng phải trường hợp này nên, nói trước bước không qua) mà chỉ là muốn nêu lên một vấn đề đang nổi cộm trong giáo xứ mà thôi.

B6

 Thưa các bậc phụ huynh, điều gì ta có thể làm được thì nên làm trong chừng mực của ta. Hãy dẹp bớt tự ái, bớt cố chấp đi một chút, hãy nghĩ tới tương lai con cháu mình, hãy hàn lại nhịp cầu đã gãy hỡi tất cả những ai có thiện chí. Hãy nên nhớ rằng trách nhiệm ở nơi cha mẹ. Hãy khuyến khích và khuyên bảo con cái sống hợp lẽ đạo (và cả lẽ đời nữa). Ví dụ như con rể hay con dâu ta, vì sự cố chấp của ta, phạm tội ngoại tình, sai lời hứa trước bàn thờ trong ngày thành hôn: “ Giữ lòng chung thủy với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em) thì tính sao đây? Trách nhiệm sẽ quy về ai? Và ta hãy luôn luôn nhớ lại lời Chúa phán bảo: “SỰ GÌ THIÊN CHÚA KẾT HỢP, LOÀI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY”.

B7

Cho nên, nếu ai mà trái lời Chúa, kẻ ấy sẽ mang tội trọng.

                                                  Ngài Vẫn Thế

 

 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …