Ô HAY! ĐỜI BỖNG NHIÊN VUI!!!
tienducchauson
21/01/2016
Thời Sự Châu Sơn
536 Views
Ô HAY! ĐỜI BỖNG NHIÊN VUI!!!
Cánh thiệp đến vào những ngày đầu năm 2016 như những cánh én từ miền xa bay về, tưởng sẽ làm hân hoan lòng người lắm chứ! Rủi thay, lại rơi vào thời điểm cực kỳ ngặt nghèo khó khăn.
Thất bát sau một năm mất mùa cà phê, sản lượng chưa bằng một nửa mọi năm, giá cả lại bèo bọt, tưởng chừng như lập lại giá kỷ lục thấp nhất 4.000 đồng/1kg năm 2001. Đã thế, cả tháng nay đám đình liên miên, ăn uống đến khờ người. Tiền xuất ra đám cưới chóng mặt, đến nổi máy in tiền ra chưa kịp khô mực, cũng bèn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để bỏ phong bì đi mừng. Nghĩ sao cánh thiệp đến vào lúc dầu sôi lửa bóng thế này mà lòng người có thể vui cho được. Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du).
Số là Đan viện Phước Vĩnh – Trà Vinh mời ba chị em chúng tôi tham dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất nhà nguyện Đan viện Thánh Mẫu Phước Vĩnh và lễ tấn phong tân chức Linh mục. Sở dĩ chúng tôi có được niềm vinh dự này, cũng vì nhờ cây dây leo: cha Đan viện trưởng là em con cô con cậu với chúng tôi, và hơn hết là có cha Huề đồng hương đồng khói Châu Sơn với nhau. Thú thật, lần đi này của ba chị em là để trả nợ cha Đan viện trưởng cái ngày 50 năm kim khánh lỡ thất hẹn…
Một chuyến trẩy đi chơi xa thăm thú miền tây Trà Vinh, quả là có tốn kém thật, nhưng cũng thú vị lắm đây!! Với tôi, miền Tây luôn là điểm đến kỳ thú, dù chỉ là một chuyến đi chơi “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi.
Một hành trình trải dài qua bao miền quê sông nước Mỹ Tho, Bến Tre đến Trà Vinh, mà cứ một đỗi cánh đồng cò bay thẳng cánh với lúa mạ xanh rờn đến chân trời, lại đến một khúc sông màu nước đỏ au, cuộn cuộn chảy liên tu bất tậnVà như để làm giảm bớt khúc chiết của con sông, một chiếc cầu bắc ngang qua làm cho cảnh quan trở nên lãng mạn, nhẹ nhàng và thanh thoát hơn. Tôi lấy làm lạ là, tại sao một miền sông nước luôn ẩn chứa nhiều tai họa mà lại sản sinh ra những con người dân nam bộ hiền hòa chất phác đến thế!!?? Đúng là người dân nam bộ luôn phải sống chung với lũ…
Từ độ cao trên cầu, có thể dõi tầm mắt nhìn tổng quát về một miền quê sông nước ĐBSCL thật hữu tình. Có lẽ, chỉ cần dùng 4 từ: ruộng, sông, cầu, dừa…là có thể thâu tóm đầy đủ được hình ảnh của một miền Tây Nam bộ.
Xa xa, những nhà cửa miền quê thấp thoáng bên hàng dừa vươn cao, đang chấp chới thả tóc bay vờn trong gió. Những con kênh rạch thẳng tắp nước chảy xuôi dòng đổ về sông mẹ…Đặc biệt là những cây cầu được xây cất quy mô và hoành tráng để nối liền hai bờ sông…Có lẽ, nhờ những nhịp cầu thông thương này đã nâng cao đời sống kinh tế của người dân miền quê, nhưng lại vô tình xóa đi hình ảnh quen thuộc của những chiếc cầu tre lắt lẻo từ bao đời! Những mái nhà xây khang trang thay cho những mái nhà tranh lụp xụp rách nát. Có thể điều này đã đánh mất đi hình ảnh một miền quê thân thương mộc mạc, nhưng đổi lại, người dân được nâng cấp lên trong sự sung túc của cuộc sống thì sự mất mát đó cũng chẳng đáng để tiếc nuối! Tôi trộm nghĩ, miền tây bây giờ giống như một cô gái mộc mạc chân quê, đang chuyển mình điểm trang để trở thành một cô gái tân kỳ diễm kiều hơn, và “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” là khó tránh khỏi.
Mải mê ngoạn cảnh sông nước miền tây mà xe vào cổng Đan viện Phước Vĩnh lúc nào không hay…
Ở đây, khung cảnh mở ra một vùng đất rộng thênh thang khoảng 18 ha, những cây cối bàng bạc khắp cả khu vườn, làm cho cái nắng trưa gay gắt cũng dịu đi dưới màu ngọc bích của tán lá cây. Từ đây, đã thấp thoáng thấy các ngôi nhà nguyện, nhà sinh hoạt, lễ đài đang được thiết kế…Nhưng bụng đã đói, muốn cao đạo cách mấy cũng phải có thực mới vực được đạo chứ! Một bữa ăn ngon miệng toàn thịt bò được nhà dòng tự biên tự diễn: bò nuôi của dòng, làm thịt cũng các thầy, nấu nướng cũng các thầy, rau củ quả…tất tần tật là sản phẩm của nhà dòng.
Cha Huề nhà ta bận công việc tối mặt tối mày, phải đến lúc này mới gặp được. Tay bắt mặt mừng, cha lên tiếng: “Chào các bác, chào bà…Đi đường có vất vả lắm không?”. Vẫn con người thân quen thuở nào ở Châu Sơn, bây giờ có chăng đẫy đà hơn, nhưng lại tỏ ra hoạt bát và năng nổ hơn xưa nhiều! Vẫn cái cách chào hỏi đôn đả. Vẫn nụ cười xuề xòa thân thương…“Cha ơi! Bây giờ mới biết là mình bị cha lừa rồi!”. Cha bảo: “Sao lại bị lừa?”. “Chẳng bị lừa là chi mà nhà dòng chẳng mời Đức Minh, Hà Lan, Bình Giã…mà lại mời Châu Sơn, chỉ ba chị em thôi là sao!? Cha cười: “Để bù lại cái tội 50 năm kim khánh của cha Ngọc, mà các bác không đi đấy thôi”. Cha con đồng hương đồng khói, vốn quen kiểu ăn nói xởi lởi, nên được dịp là đùa tếu với nhau vui lắm!
Nhưng lúc này không đùa được đâu nha! Cụ Huề nhà ta làm quan to ở Đan viện này! Nghe đâu, cha viện trưởng đang muốn cha Huề nhà ta qua mặt soán ngôi Viện trưởng mà ngài chưa nhận đấy! Lên đây mới biết, cha Huề nhà ta làm quản lý nhà dòng, nên mọi công việc: từ giao dịch đối nội, đối ngoại, thiết kế lễ đài, ca đoàn…đều phải lo tất tần tật
Chiều xuống thật thấp với những bóng cây ngã dài trên sân tu viện, nhưng cái nắng hanh vàng vẫn còn gay gắt, tưởng như cái nóng ra giêng…Nhàn tản, chẳng có việc gì làm, và để khỏi phải lãng phí một buổi chiều tẻ nhạt, không gì bằng làm một vòng tham quan Đan viện thì còn gì thích thú hơn.
Điểm tham quan đầu tiên phải là nhà khách tĩnh tâm, vì đối diện với cổng ra vào tu viện…Đây là một tòa nhà rộng lớn, có gần đến 100 mét chiều dài. Nhà được thiết kế tầng lầu với mái ngói mà chúng ta thường thấy ở các tu viện. Trước hiên nhà, những gian sạp, bàn ghế…đang được dựng lên để chuẩn bị cho bữa tiệc mừng lễ đặt viên đá nhà nguyện vào ngày mai.
Trở ngược ra cổng, nhà Nguyện Đan Viện được thiết kế theo kiểu đông phương. Những hoa văn với nét giản dị tương phản âm dương của màu đen trắng chủ lực. Vào thời điểm 1988, không dễ có điều kiện để đổ mê cột trụ, nên bộ khung nhà nguyện được thiết kế khung sắt tiền chế với mái lợp tôn, nhưng cũng đủ tươm tất và thanh cao cho một ngôi nhà nguyện. Phía sau nhà nguyện là phòng của cha Viện Trưởng, và viện phó…phòng ốc nhỏ hẹp và bài trí khiếm tốn lắm! Điều này cũng phản ánh lên cuộc sống khó nghèo của người lãnh đạo tinh thần của Đan viện.
Vây quanh nhà nguyện là hoa viên với lối đi dẫn đến tượng đài Đức Mẹ, đứng trên tòa sen của một hòn non bộ với một vòng hồ nước nhỏ, trông xinh xắn và thanh tịnh chi lạ!! Kề cận là lối đi ra khóm rừng với những cây cao bóng cả của thời lập viện đến nay cũng đã có dư 40 năm rồi.
Chín ngôi mộ dọc theo lối đi sơn màu trắng, mái che ngói đỏ trên bia mộ, là nơi yên nghỉ của các thầy, các cha đã bỏ mình trên mảnh đất từ thời lập viện đến nay…Và không thể quên được tượng đài Thánh Tổ Phụ Hendri Denis Benoit, người sáng lập dòng Hội Dòng XiTô Thánh Giá VN…Tất cả đã làm cho cảnh quan thêm đầm ấm mầu sắc tâm linh.
Và muốn sống để giữ đạo, ắt hẳn không thể bỏ sót được nhà cơm, nhà bếp của đan viện. Những căn nhà này được xây dựng vào thời kỳ khó khăn buổi đầu lập viện, nên rất sơ sài của mái tôn vách ván, trông rất nghèo nàn…Một vườn rau sạch lồng kiếng kế cận, đủ cung cấp cho nhà dòng tự cung tự cầu…
Tất cả những ngôi nhà khiêm tốn của tu viện phía trước như để che lấp một khung trời hoành tráng và đẹp đẽ của những công trình mới xây cất, mà người tham quan phải đi ra phía sau mới thấy được.
Nhìn hai tòa nhà Nhà Khấn và nhà Tập Viện độ sộ và khang trang đứng đối diện nhau, ai dám bảo Đan viện Phước Vĩnh kinh tế khó nghèo! Quả thật, đời sống tu viện luôn sống trong tinh thần khó nghèo và chỉ đủ lương thực hằng ngày dùng đủ là đã may lắm rồi. Phải nói, sự đạo đức và uy tín của dòng đã vượt qua lãnh địa Trà Vinh để có rất nhiều ân nhân trong và ngoài nước nở những tấm lòng vàng để góp phần làm nên một cơ ngơi của Đan viện tốt đẹp như ngày nay.
Một lễ đài được giăng mắc bởi một màu xanh nhạt dịu mắt phủ kín, nằm giữa hai tòa Nhà Khấn và nhà Tập Viện vừa mới được khánh thành. Công việc bề bộn ngỗn ngang với nhiều hạng mục đang được khẩn trương thi công gấp rút cho kịp thánh lễ ngày mai. Một lễ đài cao, với ô vuông lớn đủ để cho quý cha đồng tế thánh lễ. Những hàng ghế cũng được sắp đặt cho người giáo dân quan khách tham dự thánh lễ. Âm thanh ánh sáng cũng khẩn trương lắp đặt.
Ca đoàn và nhạc công cũng ráp nối với nhau để hòa phối cho nhịp nhàng…Và thủ cầm Piano dẫn dắt ca đoàn, lại cũng là người con Châu Sơn, anh Trần Ngọc Hy (Hân). Ngón nghề thành thạo với những Intro…những gian tấu giữa các tiểu khúc và điệp khúc được hòa thanh một rập ràng, tạo hiệu ứng cho ca đoàn hát được phấn chấn và cảm xúc dâng cao. Phải nói, ca đoàn chỉ chừng 30 thành viên là các thầy cha, mà nghe bè phối rất hòa hài, giọng hát sung sức, nhất là những lúc lên cao trào, nhưng lại rất biết tiết chế êm ái ở những đoạn tràn đầy mênh mang cảm xúc…Và cũng phải hết lời khen một giọng ca teno lĩnh xướng đầy nội lực. Khi lên cao khỏe khắn và trong sáng, khi xuống thấp đậm đà trầm ấm…hòa thanh với ca đoàn tạo nên một khối hòa thanh đan quyện vào nhau…
Tất cả những chuẩn bị trên, như đang chờ giờ xuất trận cho một ngày lễ hội ngày mai…mà tưởng không thể quên được sự tất bật ngược xuôi của cha Huề trong vai trò tổng đạo diễn.
Dù muốn hay không, trách nhiệm vẫn đè nặng lên vai cha Đan Viện Trưởng – M. Vianey Nguyễn Văn Ngọc, tuổi đã gần 80, lại vừa trải qua cơn tai biến, nhưng trông ngài còn linh lợi lắm! Mặc dầu phải đa đoan và bận rộn lắm việc, nhưng ngài cũng không quên đến tình cảm chị em chúng tôi. Chính ngài đã chủ động tới thăm hỏi vồn vả trong bữa cơm trưa. Rồi chiều nay, ngài lại tìm đến chuyện trò và gợi lại những kỷ niệm khi ở Gia Hòa, Hà Tĩnh ngày xưa…
Là người được vinh dự đi du học Pháp vào những năm 67…nhưng con người của cha vẫn luôn dung dị, hiền hòa, sống tinh thần đạo đức và khiêm tốn của một đan sĩ. Tuy nhiên, trong cách nói chuyện của ngài vẫn rất cởi mở và tếu táo với những câu chuyện dí dỏm cười no bụng…
Chúng tôi là những con người thế tục, nên cảm thấy vui sướng và hãnh diện lây khi có được hai người thân, có công đóng góp lớn lao cho Đan Viện, âu cũng là niềm tự hào chính đáng.
Một ngày mới bắt đầu…
Nắng tỏa lên cao…Những chuyến xe đến Đan viện càng lúc càng đông: ĐakNông, Sài Gòn, Kiên Lương, Thủ Đức…đã tới bến, hứa hẹn một buổi lễ hoành tráng lắm đây.
Quả vậy, tiếng hát của ca đoàn vang lên những giai điệu hân hoan để đón chào đoàn rước đi từ nhà nguyện để bước lên lễ đài, với sự hiện diện của Đức Giám Mục GP Vĩnh Long và hơn 70 linh mục cùng toàn thể quý quan khách và giáo dân thôn Rôn tới chung dự thánh lễ đặt viên đá đầu tiên của Nhà Thờ Đan Viện Phước Vĩnh và lễ tấn phòng tân chức LM.
Lời đầu tiên của cha Đan viện trưởng: “Xin chào mừng quý quan khách đã đến chung dự thánh lễ hôm nay, làm cho bầu khí trang trọng và sốt sắng hơn”. Ngài sơ lược qua sự thành hình của nhà dòng từ thời mới đặt chân đến mảnh đất này và sự phát triển đến nay.
“Cảm tạ hồng ân của Chúa và Mẹ Maria đã quan phòng cho mọi việc một cách tốt đẹp. Xin cám ơn Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân và quý cộng đoàn giáo dân đã chung tay vun đắp cho đan viện để có được một cơ ngơi bề thế như ngày hôm nay, thật là một tấm thịnh tình quý báu mà Đan viện luôn ghi nhớ”.
“Nay nhà nguyện đã xuống cấp, đan viện đang rất cần một nhà nguyện mới lớn hơn, khang trang hơn, để đáp ứng những nhu cầu mà đan viện hằng đang mơ ước. Rất mong một lần nữa, quý vị lại chung tay xây đắp cho nhà nguyện mới này”.
Mô hình nhà nguyện sắp xây cất:
Sau đó, Đức Cha đi rẫy nước thánh toàn phần diện tích nhà nguyện và xông hương cùng làm phép đặt viên đá đầu tiên của nhà nguyện Đan viện một cách long trọng.
Nghi thức phong chức thầy M. Micae Trần Công Thành lên hàng Linh mục cũng rất trọng thể với tuần tự: Huấn dụ, Tuyên hứa, Chúc phúc…Tất cả đã được cha Huề dẫn dắt với sự phối hợp đồng bộ ăn ý, làm cho thánh lễ diễn tiến một cách sốt sắng và trang trọng.
Sau thánh lễ, chúng tôi còn được gặp cha nhạc sĩ Ân Đức (cha Hoan). Cha khoe: mình mới đi Mỹ về, và đã hoàn thành album thứ 10…Sau đó chúng tôi chụp hình lưu niệm với cha.
Đúng giờ ngọ, bữa tiệc mừng bắt đầu một cách tưng bừng và rôm rã! Chúng tôi được thưởng thức chén rượu Quách thơm nồng, là đặc sản của nhà dòng…Cuộc vui nào rồi cũng có khi tàn…
Dường như mọi người còn tiếc nuối cho “ngày vui ngắn chẳng tày gang”(Nguyễn Du) đã qua đi, để khi vẫy tay chào ra về, “cây dài bóng xế ngẩn ngơ…”. (Huy Cận)
“Đi một ngày đàng bằng học một sàng khôn” quả không sai. Ngoài những thưởng ngoạn về chuyến thăm thú cảnh quan, ở Đan viện này, chúng tôi còn được học một tình thần sống: vui tươi, lạc quan nhưng đầy khiêm tốn và tín thác vào Chúa. Điều đó đã chuyền lửa cho chúng tôi để “Ô hay, đời bỗng nhiên vui!!!”. Vì mới ngày nào đây, Đan viện này hãy còn hoang sơ đồng hoang mà giờ đây đã trở nên một nơi “đất lành chim đậu”, với 60 cha thầy về đây đoàn tụ, để cùng chung một mái ấm tâm linh.
Ngày chúng tôi ra đi, tưởng như đi trong nước mắt, để bây giờ ra về trong reo vui…
Tin tưởng và phó thác vào Chúa. Vậy thì còn lo gì, để tại sao lại phải “hoãn cái sự sung sướng lại”. Và trong chúng tôi: “Ô hay, đời bỗng nhiên vui lạ thường!!!”.
Ghi nhận Châu Sơn Choa