TỰ HÀO THAY CHÂU SƠN!!!

TỰ HÀO THAY CHÂU SƠN!!!       

                                                              Phần tiếp theo

Mấy hôm nay mãi lo tưới tắm và công việc lu bu nên không theo dõi trang Tiến Đức Châu Sơn, nay về mở Diễn Đàn thấy bài viết của tác giả Châu Sơn Choa với tựa đề: TỰ HÀO THAY CHÂU SƠN!!! trong đó nói về tác giả NGUYỄN THANH VIỆT đoạt giải Pulitzer (Mỹ) 2016 với Tiểu Thuyết Sympathizer (Cảm Tình Viên) về mảng tiểu thuyết hư cấu có nguồn gốc là Người Châu Sơn.

Đọc xong bài viết của Châu Sơn Choa, quả thật tôi cũng rất tự hào, vì, tôi chính hẩu là con dân Châu Sơn. Hơn thế nữa, tôi còn là bà con họ hàng với tác giả ( có phải thấy sang bắt quàng làm họ không đây ???). Mà tự hào cũng phải thôi vì vinh dự này quá lớn, vượt thoát cả không gian nhỏ bé của lũy tre làng vươn lên tầm cỡ quốc gia và thế giới. NGUYỄN THANH VIỆT với Sympathizer bây giờ được đặt ngồi một chiếu ngang hàng với Margaret Mitchell (Cuốn Theo Chiều Gió), với John Steinbeck (Chùm Nho Uất Hận) và nhất là Ernest Hemingway (Ông Già Và Biển Cả)… Toàn là đỉnh cao của Văn Học Thế Giới.

Nhưng rồi. qua cơn hưng phấn của sự tự hào, nghĩ lại thấy mình hơi “vơ vào” khi cho rằng tác giả của Tiểu Thuyết Sympathizer : “lại là người gốc Châu Sơn”. Đành rằng, Châu Sơn Choa có chứng minh: “Bà Nguyễn thị Bảy vốn là người con thứ sáu của ông bà cố Nguyễn Ngọc Thu (chết) sinh sống ở xóm trong trước 1975…” “hiện nay, bà Nguyễn thị Bảy còn có một người chị là Nguyễn Thị Ngụ (bà Đậu Quang Lễ) ở Châu Sơn và hai người em là Nguyễn Thị Bát (bà Cao Văn Nhung) ở Châu Sơn và Nguyễn thị Cửu (bà Lưu NgọcThông) hiện ở Trung Hòa…”(hết trích).

Như vậy, xem ra ông NGUYỄN THANH VIỆT chỉ mới một nửa là nguồn Châu Sơn, chứ chưa phải là gốc Châu Sơn, bởi ông bà Thanh Thu (xưa nay người ta thường gọi thế) chưa có một ngày nào cư ngụ tại Châu Sơn cả. Nếu nói đúng thì nguồn gốc tác giả Sympathizer phải là Cầu Khóng vì ông Nguyễn Ngọc Thanh và bà Nguyễn Thị Bảy đều là người Cầu Khóng, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Nhưng nếu chúng ta có “vơ vào” thì cũng tốt thôi, bởi chúng ta đã có đến 50% sự hợp lý rồi cơ mà. Và tôi cũng rất đồng ý với Châu Sơn Choa khi cho rằng: “Hai người con của ông bà Nguyễn Ngọc Thanh đã làm rạng rỡ và vinh danh cho người Việt Nam ở hải ngoại đã đành, nhưng dù sao, thì cái nôi Châu Sơn cũng đáng tự hào khi có những con cháu quê mình thành đạt ở đất Mỹ”.

Thôi, bỏ qua cái chuyện “vơ ra vơ vào” đi, kẻo nhiều người lại bảo: thấy sang bắt quàng làm họ. Thế thì tại sao không nhân cơ hội nầy mà tự hào về những niềm- tự- hào- rất- Châu- Sơn của chúng ta nhỉ?

 Để có thể tự hào, Châu Sơn cũng không ít nhân tài đâu nhé. Mà lại là chính gốc trăm phần trăm nữa. Tôi xin kể ra đây một số nhân tài tiêu biểu để chúng ta biết  mà tự hào.

  • Mở đầu danh trạng ta hãy kính đến bậc tiền bối Ngô Đức Diệm (con cố Mậu). Ông tên thật là Ngô Đình Diệm nhưng ở cái thuở mới di cư vào Nam, khi mà Chí Sĩ Ngô Đình Diệm vừa về chấp chánh trong vai trò nguyên thủ quốc gia, sợ phạm húy nên ông đã tự đổi tên mình thành NGÔ ĐÚC DIỆM. Khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ trước ông đã là Giáo Sư dạy Triết và Việt Văn của trường Công Lập Võ Tánh nổi tiếng ở Nha Trang. Sau 1975, ông sang Mỹ giữ chức Giám Đốc điều hành công ăn việc làm cho người tỵ nạn Việt Nam. Nghe đâu, ông còn điều hành một Đài Phát Thanh nổi tiếng nào đó nữa (??). Như vậy, ông không đáng để là niềm tự hào Châu Sơn hay sao?

  • Người thứ hai trong danh trạng này, tôi muốn dành cho người bạn nối khố của tôi từ thuở còn học trường Tiểu học Tiến Đức đó là ông Đậu Quang Lương. Sau khi hết bậc Tiểu Học,ông đi tu ở CVK. Ở đây, ông hóa thân, học hành xuất sắc nên đã được gửi sang Ý du học cùng một lấn với Đ/Ô Hoàng Minh Thắng, Nguyễn văn Tố và Nguyễn Đình Thái. Nói như trong phần sơ yếu lý lịch của cuốn KỶ YẾU Trường Tiến Đức thì ông Đậu Quang Lương có cái dung mạo rất chi là “Menkicede” nhưng Chúa đã không chọn, Sau đó, ông trở thành Bác sĩ. Hiện sống và hành nghề bác sĩ tại miền Nam nước Pháp. Ở thời điểm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước mà đã đậu bằng Bác Sĩ tại Pháp thì đâu phải tầm thường, phải không?

  • Người thứ ba mà tôi muốn đề cập trong niềm tự hào thay Châu Sơn!!! là Linh Mục Ân Đức Trần Ngọc Hoan. Ngài là tu sĩ dòng Xitô Phước Sơn và là một nhạc sĩ Thánh ca rất tiếng tăm, được xếp vào top ten những nhạc sĩ hàng đầu Công Giáo Việt Nam. Hiện đã phát hành khoảng 10 CD với sự góp mặt của các Ca Sĩ nổi tiếng ở hải ngoại như: Khánh Ly, Giao Linh, Thanh Tuyền, Lệ Thu…Nhạc của ngài nổi tiếng ở Hải ngoại còn hơn ở trong nước. Vậy thì Châu Sơn tại sao lại không tự hào về ngài chứ?

  • Một người nữa cũng rất đáng là niềm tự hào của người Châu Sơn nhờ thông minh và chăm chỉ nên đã có học hàm cao và vị trọng đó là ông Đậu Quang Đại mà những bạn bè thân thường gọi với cái tên cúng cơm là “Thảo mụi”. Ông này cũng một thời là CVK. Sau năm 1975 ông theo làn sóng tỵ nạn sang Mỹ. Cô đơn giữa một đất nước lạ ông đã cố gắng dùi mài kinh sử, tay không bắt giặc nên đã lấy liền hai bằng tiến sĩ Cơ Khí Đại Dương và Quản Trị Kinh Doanh (điều này thật khó à nghen). Nhìn vẻ ngoài dễ thương và sống rất nghĩa tình không ai nghĩ rằng ông đã đạt được những học vị cao như thế.

  • Có hai người mà tôi muốn đưa vào bản danh trạng này cùng một lần, bởi họ có điều gì đó na ná như nhau. Cùng xuất thân từ trường Tiểu học Tiến Đức, cùng học chung một lớp, cùng đi CVK một lần, cùng đỗ đạt như nhau, cùng thành công trên đường đời và cùng phục vụ KMF, kẻ tung, người hứng rất nhịp nhàng. Hai người này còn được Kỷ Yếu trường Tiến Đức dưa vào 10 gương mặt tiêu biểu cựu học sinh của trường. Đó là cặp bài trùng: Nguyễn Anh Võ và Trần Văn Hiền.

    • Nguyễn Anh Võ đã từng đậu thủ khoa Tú Tài II toàn miền Nam VN (1973-1974). Ông có bằng thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh và đã từng là giảng viên Đại Học Sư Phạm Ngoại Ngữ Sài Gòn . Ông vẫn được người Châu Sơn và CVK gọi là Thầy Vọ (thò vậy).

    • Trần Văn Hiền cũng không “thua kém lẹm cằm” gì. Ông cũng đã có Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh và là Giám Đốc công ty tư vấn ASIA nước ngoài …Mỗi năm ông đi Tây, đi Mỹ còn nhiều hơn cả bà xã chúng ta đi chợ BMT nữa đó. Ở trong CVK người ta thường gọi ông là Chef Hiền.

Vậy thì thử hỏi hai người này có đáng để Châu Sơn mình tự hào hay không?

  • Người cuối cùng tôi muốn đưa vào bảng danh trạng này là một nông dân bình thường. Tuy là một nông dân bình thường nhưng những sáng kiến về khoa học, máy móc, độ chế của ông không bình thường một chút nào. Đó là ông Nguyễn Anh Hào (thường được gọi một cách thân mật là Hào An). Ông có những sáng kiến về kỷ thuật làm nông rất đa dạng. Ông được tôn xưng là một “Thomas Edison” của Châu Sơn. Ông còn được đài Truyền Hình Đắc Lắc đưa hình phỏng vấn nhiều lần. Chiếc máy cày được độ chế ben làm máy ủi cũng do sáng kiến của ông. Tôi tâm đắc nhất là chuyện ông độ chế bộ phận tự động tắt của máy bơm nước. Có ai đã từng tưới cà phê từ suối lên với độ dài 14 -15 cuộn dây hoặc thậm chí trên 20 cuộn dây, mới biết lễ độ. Giữa đêm tối mịt mùng, suối cạn nước, mà phải chạy hùng hục “bất xăng chi số” giữa gai góc, sỏi đá cả cây số thì thật không có cái khổ nào bằng. Nếu không chạy, để máy nổ như thế, có khi máy sẽ lột “dên”. Quả thật, ông Hào đã cứu cho nông dân Châu Sơn nhiều bàn thua trông thấy. Đáng tự hào về ông Hào quá đi chứ!!!

 Còn nhiều, còn rất nhiều niềm “tự hào Châu Sơn” nữa mà trong nhất thời chưa thể kể hết được vì độ dài bài viết có hạn. Nếu niềm tự hào nào đó chưa được nhắc tên lên bảng danh trạng này, xin thông cảm bỏ quá cho. Nhất là đối với lớp trẻ như Chu Tiến Sỹ (Liễu), Lê thị Linh (Thành), Trần Ngọc Minh Sa (Hợi) hay Nguyễn thị Nhung (Bá)…Bởi tôi chưa có dữ liệu về các bạn, vả lại, các bạn đang trong thời gian định hình tài năng và vị trí. Hẹn các bạn một dịp khác khi các bạn đã thực thụ là niềm “tự hào Châu Sơn”. Nhé!!!

 Cuối cùng,Thưa các vị là niềm tự hào Châu Sơn, nếu các vị đọc qua những dòng chữ này, mong các vị nhớ cho rằng: Châu Sơn luôn tin yêu và tự hào với các vị. Ngược lại xin các vị hãy luôn: Nhớ Về – Giúp Đỡ – Hướng Dẫn lớp đàn em con cháu. Đừng để làm phúc nơi nao cầu ao rách nát. Nhé!!!

     NVT

 

 

 

 

 

 

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …