Trái tim tan nát – Gia đình đổ vỡ – Tình thân hóa tình thù!!! Phần II

 Cách nay đúng ba năm, tôi đã viết phần I của đề tài này với ước mong gióng lên một tiếng chuông để chia sẻ với những cuộc hôn nhân bị đổ vỡ. Lần đó tôi có gặp cha Chính Xứ và đưa ra con số thống kê do các Ấm Nước Mới Châu Sơn cung cấp là có khoảng trên 30 cặp đôi trong Giáo xứ bị đứt gánh giữa đường và đang sống trong tình trạng ly thân ai về nhà nấy nhưng Cha Xứ khẳng định con số thực tế còn nhiều hơn thế nữa khiến tôi rất ngạc nhiên.

Ngạc nhiên vì độ chính xác của các “tám sĩ” bên các Ấm Nước Mới chưa chuẩn. Ngạc nhiên vì với một con số như vậy là khá cao so với một Giáo Xứ toàn tòng  có truyền thống chung thủy và mộ đạo như Giáo Xứ ta. Và còn ngạc nhiên hơn nữa vì sự im hơi lặng tiếng của các đấng “bản quyền” trong Giáo Xứ.

Tôi nghĩ, dù sao, một lời nói trên tòa cũng đem đến rất nhiều “ép phê” với Giáo Dân vốn bao giờ cũng biết kính sợ Thiên Chúa và nể sợ các đấng bản quyền. Bởi, những ai đang sống trong tình trạng đó cũng phải nơm nớp lo sợ thôi. Có tịt thì biết thút thít chứ phải không nào? Ở các thời Linh Mục tiền nhiệm, các ngài đã cảnh cáo, đã áp dụng nhiều biện pháp chẳng hạn như nếu ăn-cơm-trước-kẻng thì chỉ được chịu bí tích hôn phối trong nhà mặc áo hay ngoài giờ lễ phụng vụ, hay các ngài sẽ đi mục vụ đến từng trường hợp để nối kết, để khuyên can, để giải bày hay để cảnh cáo, ra vạ…Thế mà sao bây giờ mọi sự vẫn bình chân như vại, mackeno và xem đó là chuyện-thường-ngày-ở-huyện vậy? Hay luật lệ cũng phải chuyển biến, đổi mới theo từng giai đoạn, từng thời điểm của cuộc sống nhân loại? Nhưng dù sao đi nữa, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp,loài người không được phân ly vẫn là bất biến.

Và nếu cứ theo cái đà phát-phát-triển-không-ngừng đó thì NHỮNG TRÁI TIM TAN NÁT, NHỮNG GIA ĐÌNH ĐỖ VỠ, NHŨNG TÌNH THÂN HÓA THÀNH TÌNH HẬN đến lúc này e rằng phải lên đến con số 50 hoặc 60.

Bây giờ ta hãy làm một con tính xem thử Giáo xứ ta có bao nhiêu phần trăm các gia đình bị tan vỡ, bị đứt gánh giữa đường nhé! Hiện nay Giáo Xứ ta có khoảng hơn 7.000 Giáo dân kể từ rửa tội cho đến những người gần kề miệng lỗ (từ khoảng 0 – 80 tuổi). Ta sẽ chia 7.000 Giáo Dân làm bốn độ tuổi từ 0-20, từ 20- 40, từ 40- 60 và từ 60- 80. Rồi trích hai độ tuổi cốt cán trong đời sống gia đình từ 20 – 60 . Như vậy, ta sẽ có chừng 3500 Giáo Dân đang sống đời sống hôn nhân gia đình. Và nếu ta thực hiện một phép tính tam suất chia cho 50 gia đình ly hôn, tan vỡ thì tỷ lệ mon men là 3%. Cứ một trăm gia đình thì có 3 gia đình đổ vỡ. Ôi! Một con số trên cả mức báo động đối với một Giáo xứ toàn tòng như chúng ta.

Nêu lên điều này, tôi chỉ muốn nói đến một thực tế đáng buồn cho Giáo Xứ trong một chừng mực nào đó thôi chứ không có ý phê phán đâu nhé. Xin đừng hiểu lầm mà tội nghiệp!!! Bởi tôi vẫn biết quy-luật-nay-anh-mai-tôi, biết đâu ngày mai con cái tôi cũng có thể vướng vào nghiệt chướng này…(Que sera sera???) Chỉ tiếc một điều là trong một thế giới mở  như thế này, chúng ta chưa đủ bản lãnh để vượt qua. Thế thôi.

Nhưng điều tôi muốn đề cập ở đây, trong bài này, không phải là chuyện tìm hiểu nguyên nhân vì sao? làm thế nào? Hay tại ai, nữa? Mà phải xem NHỮNG TRÁI TIM TAN NÁT, NHỮNG GIA ĐÌNH ĐỔ VỠ, NHỮNG TÌNH THÂN HÓA THÀNH TÌNH HẬN ấy, bây giờ họ đang sống ra sao? Con cái họ như thế nào (nếu họ đã có con cái)?

Đầu tiên, ta hãy tìm hiểu về tâm trạng, về tình hình của các bậc phụ huynh có con cái lâm vào tình trạng oái oăm này. Dĩ nhiên là họ buồn, rất buồn vì đó là điểm xấu trong dòng họ, trong Giáo Xứ (trừ một vài trường hợp chính cha mẹ lại là thủ phạm chia uyên rẽ thúy con cái mình). Nhưng cách tiếp cận vấn đề mỗi gia đình mỗi khác. Đứng trước sự việc này phần đa họ đã tìm nhiều cách thế để níu kéo nhưng họ đã không vượt qua được bức rào cản về thể diện, về gia thế, về tự ái nên họ đành buông xuôi. Nói tóm lại là tất cả đều không tích cực và mặc cho nước chảy bèo trôi. Điều này linh mục Nguyễn Huy Bắc, hôm giảng Tỉnh Tâm cho Đoàn Tráng Niên nhân dịp lễ KiTô Vua năm 2017 cho biết, qua nghiên cứu của ban chuyên trách: 80% các gia đình trẻ đổ vỡ hôm nay đều do chính các bậc phụ huynh gây nên vì bênh vực một cách mù quáng và đôi khi trở nên oa tòng với con cái.

Còn chính các đương sự trong cuộc thì sao? Tình cảnh của họ, bây giờ, thật là  muôn hình vạn trạng. Kẻ thì âm thầm sống cô đơn trong mặc cảm, trong sự dè bỉu của mọi người. Có người bỏ xứ ra đi biền biệt đến một phương trời xa lạ nào đó hầu chắp nối một cuộc sống mới. Có kẻ lại tổ chức một đám cưới khác và coi như chưa hề có cuộc chia ly nào trước đó. Lại có kẻ khác bồng con về khoe làng xóm như một chiến lợi phẩm để muốn nói lên rằng ta đây đâu phải là thứ dỏm sao lại dám bỏ ta.

Những điều này xảy ra thường thì rất bất công đối với phái nữ, bởi họ luôn  phải ở trong thế thụ động. Cho nên, các cha mẹ nên ý thức trách nhiệm, đừng vì để thỏa mãn cái tự ái nhất thời của gia đình mình mà phải ân hận suốt đời cho phần số của con gái mình. Đã vừa trái lẽ Đạo lại vừa hệ lụy đến cả cuộc đời của con, của cháu. Bởi vậy, trừ trường hợp một vài cô nàng có sắc vóc đẹp và phóng đãng còn đa số đều nhận lấy phần nuôi con đơn thân hay ở vậy suốt đời.

Thực ra, khi được hỏi về cách giải quyết trái với lẽ đạo sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly như vậy, phần đa các bậc cha mẹ đều rất bối rối trong cách lý giải của mình.

Có người thú nhận một cách rất chân thành: Gia đình đã tìm mọi cách để nối kết nhưng không thu được kết quả như mong muốn nên đành thả nổi để mặc con cái tự giải quyết. Rồi họ tâm tình, quả thật là không nỡ nhìn con cái phải chịu cảnh sống cô đơn vò võ suốt đời. Hoàn cảnh chúng thật đáng thương.

Cũng ý đó, nhưng người khác lại lý luận một cách rất tự tin: biết sao được bây giờ, tuổi chúng còn trẻ đang sung sức căng tràn nhựa sống nếu cứ giữ đúng lề luật thì phải ở giá suốt đời sao? Làm sao chúng có thể chịu đựng được cái libido hành hạ hằng ngày. Không chừng, chịu đựng không nỗi lại sinh bệnh hay làm bậy làm bạ thì lại là một tệ nạn trong xã hội như thế còn nguy hiểm hơn. Vì thế đành phải tìm cách giải quyết vấn đề thực tế dù biết mình đang đi về phía  lề trái. Rồi họ còn đế thêm: Ôi, Chúa lòng lành vô cùng mà…

Lại có kẻ trất trất, nhã nhã trả lời ngang xương: thôi kệ, đứt là phải nối thôi. Không thấy Chúa nói: Người đàn ông ở một mình không tốt đó à? Xã hội bây giờ người ta sống như vậy hà rầm. Tay này đúng là đang nói liều. Đây đâu phải là đứt tự nhiên. Mà cố tình kéo cho nó đứt đấy chứ. Nên không thể so sánh khập khiễng như vậy.

Tóm lại, có nói cách nào đi chăng nữa thì những lý giải trên cũng chỉ là ngụy biện hay là nói cứng một cách gượng gạo cho qua chuyện thôi, chứ thực lòng ai cũng mang mặc cảm tự ti. Bởi vì, lề luật Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly đang rành rành ra đó.

                                                            NGÀI VẪN THẾ

 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …