ÂM NHẠC TRONG TIỆC CƯỚI, MỘT CÁCH BIỂU HIỆN VĂN HÓA!

ÂM NHẠC TRONG TIỆC CƯỚI,

MỘT CÁCH BIỂU HIỆN VĂN HÓA!

          Có người ví von tếu táo: ăn một ổ bánh mì không có giò, thịt, si mại, nước xốt, như nhai giẻ rách, nhạt nhẽo và vô vị giống như đám cưới không có dàn nhạc đàn trống, ca hát.
          Quả vậy, ngày nay không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của âm nhạc khi lấn sân vào mọi lĩnh vực: Ca, vũ, kịch, điện ảnh, thời trang, game show, lễ hội…Vì thế, âm nhạc đã hiệu ứng như một chất phụ gia, không thể thiếu được trong lễ hội tiệc tùng nữa rồi.
          Vậy tại sao đám cưới tiệc tùng lại không có âm nhạc gia vị kia chứ!?
         anh đám cươi 1 Âm nhạc trong Đám Cưới – Vu Quy (nhà gái) hoặc Tân Hôn (nhà trai). Đây chính là điều chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này.
          Đã có một thời kinh tế khó khăn thập niên 80 thiên niên kỷ trước, đám cưới không hề có dàn nhạc ca hát, khiến cho đám cưới nhạt như nước ốc, và phẳng lặng như đám tang. Nhưng bước qua thập niên 90 cho đến nay, dàn nhạc luôn là yếu tố hàng đầu trong đám cưới, dù nhà nghèo cách mấy cũng phải thuê cho được dàn nhạc. Và dàn nhạc gần như là mỹ phẩm trang điểm cho bộ mặt sĩ diện của nhà chủ hôn.
          Vậy âm nhạc trong tiệc cưới phải thể hiện là như thế nào là văn hóa?
          Thông thường, Âm nhạc trong đám cưới ở GX ta, diễn ra trong hai thời điểm: Bữa tối giúp đám và bữa tiệc cưới chính vào trưa hôm sau.
         ảnh đám cưới 2 Âm nhạc trong buổi tối giúp đám, có một sự lệch pha, là giờ dùng bữa thường rất sớm, vào lúc 17 giờ chiều, và dàn nhạc lại bắt đầu khá muộn từ 19 giờ tối. Thành ra, những người giúp đám dùng bữa chiều xong là họ ra về. Mà nếu muốn ở lại hát hoặc nghe hát, phải chờ hơn cả giờ thì quả là phiền toái. Hiện nay, việc lệnh pha này vẫn chưa tìm ra được giải pháp thỏa đáng để hòa hài giữa bữa tối và ca hát. Nên chăng, nhà chủ hôn cho bà con dùng bữa tối trễ đi một tiếng, bắt đầu lúc 18 giờ, đến 18 giờ 30 ban nhạc khởi động là thuận tiện một công đôi việc.
          Âm nhạc buổi tối giúp đám thường được chia ra làm hai phần: từ 19 giờ đến 20 giờ 30, thông thường là bà con bên chủ hôn, bạn bè và bà con lối xóm. Thành phần tham dự hát giúp vui, thường là do các bạn Tráng niên hoặc các chị (Phụ nữ) tuổi sồn sồn, vì thế họ thường hát nhạc cũ, phần đa là thể loại Bolero, Habanera, Blue, Tango…của các nhạc sĩ: Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Minh Kỳ, Trịnh Lâm Ngân…của một thời lính chiến thời trước 1975. Một số khác hát nhạc quê hương: Thông Đạt, Hoàng Thi Thơ, Phạm Thế Mỹ…Rồi nhạc trữ tình: Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Lam Phương…Hoặc nhạc trẻ trước 75 của Lê Hữu Hà, Nguyễn  Trung Can, Đức Huy…Du ca Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Quang…Phải nói, nhạc cũ trước 75, rất có đất diễn trong đám cưới, nhất là thể loại Bolero: Giai điệu bình dân mượt mà, nghe thân quen gần gũi, ca từ lại dễ hiểu nên dễ đi vào lòng người. Dù đám tiệc ở nhà hàng TP hay ở miền quê, âm nhạc trước 75, là một mảng không thể thiếu trong đám cưới được nữa rồi.
anh đám cưới 3Phần hai từ 20 giờ đến 22 giờ, thông thường là dành cho các bạn trẻ, bạn của cô dâu chú rể, vì họ được mời đến họp mặt để dùng bữa trễ…Âm nhạc của lớp trẻ thường là nhạc thời mới. Nhạc trẻ của các tác giả: Ngọc Châu, Hoài Sa, Hồ Hoài Anh, Đức Trí, Anh Quân, Huy Tuấn, Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Mỹ Tâm, Bức Tường…Nhạc quê hương…Tuy nhiên, nhạc Tây Nguyên của hai tác giả Nguyễn Cường và Trấn Tiến rất được ưa chuộng để các bạn trẻ chọn hát. Loại âm nhạc này mang tính chất rock sôi nổi, nếu có chút giọng khàn và âm vực cao, sẽ dễ kích động và cuốn hút người nghe. Nhìn chung âm nhạc của các bạn trẻ mang nhịp tiết hiện đại nên sôi động, ồn ả với những giai điệu nhanh…
Bầu khí âm nhạc của đêm trước ngày cưới rất ấm cúng và mang tính thưởng ngoạn, hát cho nhau nghe, hơn là âm nhạc bữa tiệc cưới, bầu khí xô bồ, ồn ào, nhất là khi bia đã ngà ngà, người hát xong lúc nào cũng chẳng ai hay.
Thực ra bài viết này nhắm đến âm nhạc trong bữa tiệc chính: Thành Hôn và Vu Quy (họ trai và họ gái).
         anh đam cưới 4 Trước đây, vài trò MC chưa được phát huy đúng mức, nên tiết mục góp vui văn nghệ mang tính ngẫu hứng tự phát, ai đăng ký trước là hát trước. Âm nhạc trong tiệc cưới bây giờ, vai trò MC chủ động nắm chương trình lớp lang theo một kịch bản có sẵn, nên khó ai có thể chen chân vào được. Cũng đi lấy danh sách đăng ký người hát, nhưng là bên họ trai và họ gái luôn được ưu tiên đăng ký hát trước. Hết lượt cô, gì, chú, bác…rồi đến lượt các anh chị em trong nhà của hai họ, đến bạn bè lớp học hồi xưa của ba mẹ, sau đó mới đến nhóm bạn, hội đoàn của ba mẹ…Sau cùng mới đến hàng xóm, khách mời thập phương…Lúc này đây, MC cũng có chút mánh khóe khi “đưa rượu ngon đãi trước, rồi mới đến rượu lạt tiếp sau”. Thường là chọn mặt gửi vàng cho những “giọng hát vườn” đã được định danh ăn khách, rồi sau mới đến “ca sợi” bất đắc dĩ hoặc nghiệp dư. Xét ra cũng hơi bất công, nhưng ngày vui trăm năm mới có một lần, tâm lý chủ hôn nào cũng muốn tuyển lựa “ca sợi bậc nhất” hát trước, khi đang có quan khách đông đủ để phô trương thanh thế, âu cũng là phấn xức mặt chứ có ai muốn xức chân bao giờ. Chúng ta có thể thông cảm được cho gia đình chủ hôn.
          anh đám cưới 5Không khí âm nhạc trong tiệc cưới, mang tính minh họa cho bữa tiệc thì đúng hơn là thưởng ngoạn, vì ai hát cứ hát, ai ăn uống cứ ăn uống, ai cười nói hô hoán dô dô mặc ai…Còn thể loại âm nhạc thì bất nháo đủ loại, từ: nhạc trẻ, nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc xanh, nhạc quê hương, nhạc trữ tình, nhạc thiếu nhi, nhạc ngoại, nhạc rock, hài tấu tạp lục…
Theo tôi, Âm nhạc trong tiệc cưới nên chọn những bản nhạc tươi vui, trong sáng, rộn ràng, du dương, với lời hay ý đẹp, để đem lại niềm vui và sự hưng phấn cho đôi bạn trong ngày vui hạnh phúc. Không hiểu sao, có bạn vô tâm để chọn bài có nội dung: “tình đầu là tình cuối đau lòng nhau, và hát một cách nức nở…Có bạn rên rỉ, hát đi hát lại điệp khúc: “Vẫy tay, vẫy tay chào nhau, lần đầu và lần cuối…”. “Ta tiếc cho em, ta tiếc cho em…người đời vô tình giết chết đời em… Hay: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi, xin úp mặt bùi ngùi…”. Trong khi đôi bạn đang cần những lời ca tiếng hát thật rộn rã, tươi sáng để góp vui, chứ không phải là những lời bi ai, chua xót, chia tay nhau não nề, khác nào tiệc cưới mà có người vào khóc như đưa đám, chủ hôn không đuổi ra là may lắm rồi! Có bạn lại hát những bài một thời chiến tranh: Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Tiếng đàn TaLu, Tiểu đoàn 307…nghe phản cảm lắm!! Những bài ca đỏ này chỉ hát và những dịp kỷ niệm…của đất nước, không thích hợp với đám cưới.
        anh đam cuoi 7  Theo thiển ý chúng tôi, âm nhạc trong đám cưới, các bạn cần phải có một sự lựa chọn nghiêm túc, không nên tùy tiện, ngẫu hứng, hát được răng hay chớ; không nên chọn hát những bài hát có lời ca: ủy mị, buồn rầu da diết, sầu thảm như đưa đám là không thích hợp. Bạn cũng nên tránh hát những bài máu lửa binh đao chiến tranh, có những lời phản cảm như: đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào!!! Bạn cũng đừng nên lạm dụng khi hát những ca khúc quá rock, quá kích động, chỉ thích hợp cho sân khấu ca nhạc hơn là gào thét trong một bữa tiệc cưới, đang cần một không khí tươi vui, lành mạnh, rộn rã. Tốt nhất là các bạn nên chọn những bài hát ca ngợi: tình yêu lứa đôi, hạnh phúc uyên ương, tình người…Và vô thưởng vô phạt nhất là hát những ca khúc về: Tình cha, nghĩa mẹ, công ơn sinh thành…về tình yêu quê hương, tình yêu đất nước…nhưng cũng nên tránh những bài hát quê hương mang hơi hám nhạc đỏ. Với bầu khí ồn ào, thiết tưởng bạn không nên chọn những ca khúc tiền chiến, vì thể loại này cần có một không gian lắng đọng và rất kén người nghe. Có lẽ, những bài hát thuộc nhịp điệu: Bolero, Ballade, valse, tango, pop, twist… du dương rộn ràng là những tiết điệu thích hợp cho âm nhạc đám cưới hơn cả. Tuy nhiên, ngoài những giai điệu đẹp và tiết điệu tươi vui, bạn cần phải chọn nội dung lời ca lành mạnh, tránh những lời phản cảm trong tiệc vui…Đừng vì cá nhân bạn mà làm cho bầu khí của tiệc cưới mất vui, thì đáng tiếc lắm thay!!!   anh tiec cuoi 1 Bạn nên biết rằng: thể hiện âm nhạc trong tiệc cưới là một cách biểu hiện văn hóa của chính bạn và cũng là biểu hiện mặt bằng văn hóa chung của GX chúng ta nữa đấy!    
Còn các bạn thanh niên GX chúng ta thì sao? Các bạn có đồng ý hay bất đồng với ý kiến trên của tác giả? Xin các bạn hãy bày tỏ quan điểm của mình về “âm nhạc trong tiệc cưới…”, để vấn đề được sáng tỏ hơn. Xin cám ơn.
(trên đây chỉ là hình ảnh minh họa)
Nguyễn Vĩnh Căn

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …