Phần II SOS!!! Giá Tiêu đang trên đà trượt dốc thảm hại!!!

Cũng là một dân khu tư, nhưng trong việc bỏ vốn kinh doanh làm ăn, người Hà Lan gan liều và chịu đầu tư hơn các người giáo xứ khác. Họ đặt mua cả hàng ngàn trụ tiêu đúc xi măng, có giá từ 70 đến 80 ngàn đồng một trụ, hoặc trụ gỗ xẻ ra, có giá từ 30 đến 50 ngàn một trụ. Còn cây gòn thì miệt dưới đưa lên BMT có đủ loại to nhỏ, giá từ 15 đến 100 ngàn đồng, chở cả xe tải lên để sẵn dọc đường, ai muốn mua tha hồ lựa chọn.

Những loại trụ trên đây, chỉ cần khoan lỗ trồng trụ xong là đưa giống đi trồng ngay đầu mùa. Có năm nắng hạn dài đã khiến cho số giống tiêu mua về bị chết cháy, họ lại phải đi mua giống khác thế vào. Tiêu giống mua về, đâu phải giống nào cũng lên tươi tốt. Có giống phát cành nhìn đẹp mắt, nhưng về trồng phát triển chậm, có thứ giống trông cằn cỗi nhưng về trồng lên theo tay. Đúng là trồng tiêu giống nhiều khi cũng hên xui…

Khi phong trào trồng tiêu rộ nở, người dân ta có thêm dịch vụ đua nhau đúc trụ tiêu xi măng kín cả sân. Đúc để nhà trồng cũng có, mà bán cũng không ít. Trụ đúc xi măng không cao, chỉ khoảng hơn 4 mét…Được một điều là không phải chờ như cây muồng một hai năm rồi mới xuống giống được. Chôn trụ xong là xuống giống tiêu được ngay. Mặc dù trụ xi măng không cao, nhưng tránh được công thuê người chặt tán cành mỗi năm…Nhược điểm của trụ xi măng là cây tiêu khó bám, vào mùa nắng cây tiêu có thể chết cháy vì trụ xi măng ủ nhiệt độ cao.  

Vì thấy cây tiêu siêu lợi nhuận, nên nhà làng trồng tiêu chăm lắm! Có cảm tưởng như họ muốn đốt giai đoạn cho cây tiêu mau chóng có sản lượng sớm để kịp thời giá cao, nên họ không tiếc công của bỏ ra. Cuốc xới vun trồng, tưới tắm phân chuồng…không thua gì cây thanh long. Rồi còn phải phun thuốc sâu rầy bệnh, thuốc kích thích…hàng tuần. Mùa mưa còn phải đổ thuốc vào gốc để chống nấm hai lần. Tiền thuốc này cũng khá cao. Tính ra chi phí cho mỗi mẫu tiêu cũng lên đến vài ba chục triệu đồng chứ không ít đâu.

Được một điều là năng xuất tiêu khá cao. Một mẫu tiêu có thể cho đến 5,6 tấn tiêu khô là chuyện bình thường. Trong khi cà phê lão mỗi năm chỉ cho 1,5 đến 2 tấn mà thôi.

Người dân Gia Lai, Chư Né cũng bị cuốn theo cơn sốt trồng tiêu. Nghe đâu họ thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để đầu tư vốn mua trụ, giống tiêu…Nhưng ngờ đâu, cây tiêu vừa lên mơn mởn và sắp cho trái thì bị nấm chết hàng loạt và bị phá sản đến phải bán nhà bỏ đi khỏi biệt xứ…Một số trụ tiêu gỗ chở xuống bán cho Châu Sơn giá tương đối mềm.

Vậy mà đến thời điểm giáp hạt năm nay, giá tiêu xuống thảm hại chỉ còn 60 ngàn một ký tiêu khô. Vậy thì đến mùa thu hoạch rộ tiêu, giá phải xuống đến mực nào?? Có người tiên đoán giá mùa tiêu năm nay sẽ rớt xuống chỉ còn 40 hay 50 triệu đồng một tấn nữa mà thôi. Nếu giá tiêu xuống như lời tiên đoán thì quả là thảm họa cho nhà làng sẽ dở khóc dở cười với cây tiêu….

Chỉ cần thuê công hái 1 tấn tiêu khô thành phẩm mất dứt 20 triệu đồng rồi, chưa nói đến thuốc xít rầy bệnh và phân bón cũng đã mon men đến 50 triệu. Vậy thì nếu duy trì nuôi dưỡng cây tiêu sẽ chỉ chuốc vào họa vào thân, lỗ lớn là có. Điều này thì đã từng xẩy ra vào những năm 1990 rồi. Tiêu cả nước ứ đọng giá còn thua cả cà phê nữa là….

Chẳng lẽ lại đang tay chặt đốn phá cây tiêu do công sức mình đã đổ ra biết bao công sức bằng mồ hôi nước mắt, thậm chí là còn phải bị đổ máu, què chân dập đầu….vì hái tiêu cao 5, 6 mét té ngã là chuyện bình thường. Có người phải đi cấp cứu ở Sài Gòn. Quả là bỏ thì thương mà vương thì nặng…Thật là tiến thoái lưỡng nan. Đó là chưa nói đến, muốn thu hoạch tiêu cũng không dễ dàng chút nào, vì thuê nhân công rất khó, lại giá cao….

Chúng ta thử nhìn lại chu kỳ thời giá của tiêu trong vòng gần 30 năm nay. Nhìn vào biểu đồ giá hồ tiêu từ năm 1980 đến 2018 có 4 giai đoạn giá:

– Trước năm 1980 giá thấp, sau đó phục hồi và tăng cao nhất ở các năm 1986, 1987, 1988, với giá hồ tiêu đen khoảng 5.000 USD/tấn.

– Sau đó, giá hồ tiêu trở về chu kỳ giảm và thấp nhất vào các năm 1992, 1993, khi chỉ còn khoảng 924 USD/tấn.

– Từ khoảng năm 1995, giá hồ tiêu bắt đầu hồi phục và đạt đỉnh vào năm 2000 với giá 5.300USD/tấn.

– Từ năm 2001 – 2006, giá hồ tiêu lại quay đầu giảm xuống. Đến năm 2007 bắt đầu đi vào chu kỳ giá cao, giá tăng dần và chinh phục đỉnh cao mới vào các năm 2011, 2013 và nhất là các năm 2014, 2015 với giá trên 7.800USD/tấn.

Năm 2017, dù giảm nhưng giá hồ tiêu vẫn ở mức cao. Như vậy, chu kỳ giá cao của hồ tiêu lần này kéo dài gần 10 năm, kéo dài nhất so với những lần trước

Năm nay 2017, giá hồ tiêu đầu năm giảm rồi phục hồi vào giữa năm, sau đó lại đi xuống… Nhưng những tháng cuối năm, có vẻ như hồ tiêu chuyển vào giai đoạn giá thấp. Hệ lụy này la do cung vượt cầu…

Xem ra, giai đoạn này đang là giai đoạn khủng hoảng của thời giá tiêu…

Không biết khi con người đặt tên cho cây trồng này có biết nó sẽ đem đến bi lụy cho người trồng hay không? Bởi tên nó luôn gắn liền với: tiêu điều, tiêu tan, tiêu tán, tiêu tùng, tiêu diêu…Tiêu nào cũng thảm hại cả.

Nói vậy thôi, chúng ta cũng không thể phụ lòng cây tiêu, vì mấy năm nay, nhà làng ta làm ăn phát lên cũng nhờ tiêu. Có tiền tỷ rồi thì: nào là mua đất rẫy cà phê, sắm vườn tược, xây nhà cửa ra riêng cho con cái, sắm sửa xe máy, xe con…

Làm nghề nông thì phải biết cái quy luật muôn đời của kinh tế: cung cầu đối ứng để tự biết mà điều tiết giữa cây trồng và giá cả sao cho bình ổn, đừng để thặng dư. Đúng như cha ông ta đã nói: Đắt thì củi ra quế, mà ế thì quế ra củi. Chứ cứ bầm bù đua nhau chạy theo phong trào thì chết cả chùm thôi.

Đó cũng là do cái câu để đời sai lạc của cha ông ta là: dại đàn hơn khôn độc. Nhưng kinh tế có cái quy luật riêng của nó là phải khôn độc hơn dại đàn!!!

Châu Sơn choa

 

 

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …