CHÂU SƠN – MỘT THOÁNG NHÌN LẠI – PHẦN II

  1. Hai vị Bề trên.

Thuận lợi thứ hai Chúa ban cho tôi chính là được làm việc dưới quyền hai vị Bề trên đáng kính : Cha xứ Antôn và cha phó Đaminh.

2.1. Cha Nghĩa phụ Antôn

Một trong những cái may mắn nhất của tôi là được làm nghĩa tử của cha Antôn, trước đây tôi nghĩ thế và bây giờ tôi vẫn nghĩ thế. Ngày về Châu Sơn, bà con thường hỏi tôi những câu đại loại : « Thầy sáu trở thành con của cha xứ nhà con khi mô rứa ? » hay «  mần răng mà người ở mô lại về làm con cha Lịch rứa hè ? » …. Làm con cha Lịch đúng là một sự tình cờ. Tôi và cha Phêrô Cao Vĩnh Phúc là anh em cùng lớp cùng dòng nên chúng tôi thường về Châu Sơn thăm cha mẹ của ngài. Nghĩa phụ của cha Phúc lại là bạn thân với cha xứ Antôn. Vài lần gặp gỡ thế là bén duyên. Cha Phúc cũng thúc vào để anh em cùng lớp thân thiết hơn nhờ tương quan mới. Và rồi, chỉ trước khi tôi trở thành phó tế sáu tháng[1], tôi viết thư cho cha Antôn xin được ngài hướng dẫn về mặt thiêng liêng. Thế là thành cha con.

Cha xứ Antôn người tầm thước, đạo mạo, nét mặt nghiêm nghị dễ khiến cho người đối diện có cảm giác e ngại khi tiếp xúc. Trước đây ngài nổi tiếng nóng tính. Thời điểm tôi trở thành nghĩa tử của ngài, nghe dân chúng bàn tán « độ nóng » mười phần đã bớt được tám. Tuy nhiên, dù chỉ còn hai phần thì hai cha phó trẻ chỉ biết khép nép khi đứng trước mặt cụ. Thoạt nhìn, hoặc mới tiếp xúc, trông ngài có vẻ khó gần, nhưng với những ai có thể vượt qua những rào cản ban đầu ấy sẽ khám phá ra một tâm hồn tình cảm và dễ tâm sự. Ẩn chứa phía sau vẻ nghiêm nghị ấy là một tâm hồn tinh tế và cuốn hút. Suốt những năm tháng sống bên cạnh, tôi nhận thấy có nhiều người thích đến tâm sự với ngài.

Ngài vốn dân khoa bảng, mê sách vở và chịu khó viết lách. Tìm được một người chịu khó nghiên cứu viết lách như ngài quả là hiếm. Dù công việc của một cha xứ coi sóc gần mười ngàn dân rất bận rộn, ngài luôn dành thời gian cho việc đọc và viết. Tôi có cảm tưởng như, ngoài những giờ dành cho công việc mục vụ giáo xứ, ngài ít khi rời khỏi bàn làm việc. Ai cũng nhận thấy rất rõ ngài trân trọng giới trí thức và luôn tìm cách để cộng tác với họ. Hiếm có anh « bonaventura »[2] nào « thoát » khỏi tay ngài.

Điều tôi gọi là may mắn khi được làm con của cha Antôn không phải ở quan điểm chính trị xã hội, hay ở vị thế của ngài. Bởi tôi biết rõ vị thế và quan điểm của ngài thực sự không có nhiều lợi thế trong một xã hội cs. Thì đó, có rất nhiều điều ngài muốn thực hiện nhưng đã không thực hiện được. Ví dụ việc cử hành thánh lễ trên núi Chúa trong những năm cuối tôi ở Châu Sơn[3], hay việc chính quyền thành phố BMT stop cuộc trại do Giáo Lý Viên Châu Sơn tổ chức, một sự kiện tôi còn nhớ rõ. Hay như các buổi văn nghệ của giới trẻ giáo xứ đều phải tường trình cặn kẽ bài hát và tiết mục… một điều ở nơi quê tôi hay nơi tôi làm việc sau này[4] là một thứ xa xỉ đối với chính quyền. Cái tôi gọi là may mắn nằm ở phương diện khác và nó hữu ích rất nhiều cho cuộc đời linh mục của tôi : tôi học hỏi nơi ngài nhiều kinh nghiệm trong việc mục vụ và được dạy dỗ nhiều về đời sống thiêng liêng.

Về mục vụ, tôi có thể kể ra đây một vài cách thức điều hành giáo xứ mà tôi rất thích từ cách làm việc ngài.

Tôi nghĩ không nhiều giáo xứ có tổ chức giống giáo xứ Châu Sơn. Về mặt cơ cấu không có nhiều khác biệt, nhưng cách thức hoạt động thì lại rất khác với những nơi khác. Dù vẫn có các Ban Hành Giáo Họ, nhưng sự chú trọng tập trung nhiều hơn trên các đoàn thể. Trong khi các Giáo họ đảm trách vấn đề quản lý nhân sự như đăng ký rửa tội, hôn phối và lo việc hiếu sự, thì các đoàn thể lại là những đơn vị đảm trách hầu hết các hoạt động khác trong giáo xứ như phân chia các công tác trong giáo xứ, tham dự theo đoàn thể các thánh lễ trong tuần và lễ Chúa Nhật, hay các dịp khác như chầu lượt, các chương trình trợ huấn, …  Cái độc đáo nằm ở chỗ các đoàn thể hoạt động thống nhất trong toàn xứ, không phân biệt theo giáo họ mà theo hình thức đặc thù của đơn vị đó. Ví dụ thiếu nhi Thánh Thể được phân cấp từ nhỏ đến lớn theo độ tuổi, đoàn tráng niên theo mười chín toán, các đoàn thể khác cũng cùng một hình thức. Trong đoàn thể ít khi thấy phân biệt vùng miền, họ này họ kia. Cách thức này có lợi ích rất lớn là tạo tính thống nhất cao và rất hiệu quả trong hoạt động.

Cha Antôn thường tổ chức hai năm một lần các « buổi mục vụ » với các đoàn thể. Đây là những giây phút, mà theo quy định, người giáo dân có thể thoải mái và tự do nói tất cả mọi thứ họ quan tâm, khen ngợi hay chê bai, phê bình hay góp ý, trong tinh thần xây dựng giáo xứ. Sự gặp gỡ giới hạn trong từng toán và với thời gian rộng rãi nên mọi người đều có thể phát biểu ý kiến của mình. Nhiều người chia sẻ với tôi rằng họ rất thích những buổi mục vụ thế này vì sự tiếp nhận ý kiến của cha chánh xứ Antôn. Tôi không có nhiều cơ hội dự một buổi mục vụ như thế. Có lẽ cha xứ chưa muốn để tôi tham dự vì nó đòi hỏi « nội công phải thâm hậu ». Tôi thì lại quá trẻ và có chút hiếu động của tuổi trẻ nên có lẽ khó đủ sức để chịu đựng nổi những góp ý « trựa mặt ». Trên thực tế, nhiều sự thay đổi tích cực đến từ những buổi mục vụ này. Thỉnh thoảng, trong bàn ăn, cha phó Đaminh và tôi lại được ngài yêu cầu sửa đổi cái này cái kia cho hợp lý hơn theo sự góp ý của giáo dân. Ví dụ khi còn là thầy sáu, một ngày kia ngài bảo : « Con để ý, khi cha chủ tế đưa cao Mình Thánh và đọc ‘đây Chiên Thiên Chúa …’ thì con hãy đứng yên tại chỗ, vì đó là giây phút linh thiêng mọi người đang hướng về Chúa. Nhiều khi giáo dân họ thấy bị chia trí khi thầy Sáu đang kiệu Mình Thánh từ nhà tạm vào lúc đó. » Dĩ nhiên tôi phải sửa vì nó hợp lý.

Một hoạt động khác cũng khiến tôi rất mê, đó là Đại Hội Đồng thường niên. Đây là đại hội cuối năm quy tụ tất cả mọi đại diện của tất cả các đơn vị trong giáo xứ, nhằm tổng kết năm cũ và hoạch định kế hoạch cho năm mới. … Dĩ nhiên, xứ nào cũng có hoạt động này, nhưng tính quyết định của những Đại Hội Đồng như thế ở Châu Sơn là rất lớn. Nhiều đóng góp xây dựng, nhiều ý kiến đề xuất, nhiều sáng kiến nảy sinh từ các Đại hội thường niên này. Cái quan trọng là những kế hoạch được thông qua tại các đại hội, sau những tranh luận sôi nổi và biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu hoặc giơ tay, thường phản ánh nguyện vọng của toàn dân trong giáo xứ. Đôi khi có những kế hoạch được cha xứ và HĐGX lên chi tiết và đặt vào đó nhiều kỳ vọng, nhưng khi đưa ra Đại hội mà đa số không thông qua thì cũng phải vui lòng mà huỷ bỏ. Trên thực tế, nhiều công trình đã ra đời, nhiều kế hoạch đã được thực thi là kết quả của những Đại hội thường niên này. Nó góp phần quan trọng làm cho giáo xứ ngày càng trổi trang hơn, lớn mạnh hơn.

Tôi rất cảm kích về những hoạt động này của ngài vì nó cho thấy sự tôn trọng của người mục tử đối với giáo dân và biết lắng nghe họ.

Có một cha đàn anh chia sẻ với tôi rằng một trong những dấu hiệu cho thấy đời sống thiêng liêng của một linh mục có vấn đề, đó là khi Các Giờ Kinh Phụng Vụ không được trung thành tuân giữ hay các giờ suy gẫm và chầu Chúa trong ngày không được coi trọng. Quả thực, linh mục trẻ như tôi dễ nại vào những hoạt động mục vụ để bào chữa cho những thiếu sót đó. Cha Antôn không dạy tôi nhiều bằng lời, nhưng ngài dạy tôi nhiều bằng chính cuộc sống. Về mặt đời sống thiêng liêng, với tôi, ngài là một gương mẫu. Những giờ Kinh Phụng Vụ và suy gẫm thiêng liêng thuộc diện ưu tiên hàng đầu trong ngày sống của ngài. Có người nói rằng chiều sâu của đời sống nội tâm thiêng liêng sẽ được phả vào trong những chia sẻ Phúc Âm hàng ngày. Tôi nhận thấy điều ấy rất rõ nơi cha bố của tôi và tôi nghĩ có lẽ nhiều người cũng đồng ý với tôi về nhận định này. Và đó là sự nâng đỡ quan trọng giúp tôi tạo được sự quân bình cần thiết của một linh mục trẻ giữa hoạt động mục vụ và đời sống cầu nguyện.

2.2. Cha phó Đaminh.

Ngày về Châu Sơn, tôi được ở sát cạnh phòng cha Đaminh. Phía trước phòng tôi có hồ cá và thảm cỏ xanh và một khoảng không gian thoáng mát, dù không rộng lớn lắm, nhưng cũng đủ chỗ cho hai cha con có những giây phút tâm sự. Tôi hiểu ngài nhiều hơn qua những buổi tâm sự ấy. Ngài người Hải Hậu, Nam Định. Năm 1982, sau khi giải ngũ, chứng kiến sự bất công của xã hội và nỗi cơ cực của gia đình, ngài một mình vào Nam lập nghiệp. Vừa để mưu sinh và cũng để nuôi niềm hy vọng đưa gia đình vào Nam sinh sống, ngài chịu thương chịu khó làm lụng tích góp. Rất nhiều nghề nặng nhọc ngài đã từng kinh qua, từ đào giếng, làm thợ mộc, xẻ gỗ …. Sau khi thoả nguyện định cư cho cả gia đình tại vùng Cư-Jut, ngài quyết tâm thực hiện ước nguyện từ nhỏ : làm linh mục của Chúa. Có thể nói, ước nguyện vào Nam đã khó, ước nguyện theo đuổi ơn gọi khó gấp bội, một phần do hoàn cảnh nghèo khó dẫn đến chỗ không có nhiều điều kiện đáp ứng những đòi hỏi đối với một chủng sinh thời đó, phần khác do tuổi tác, áp lực xã hội …. Tuy nhiên tất cả những khó khăn tưởng chừng khó thể vượt qua thì ngài đều vượt qua để rồi một ngày được bước lên bàn thánh và trở thành cha phó Châu Sơn.

Ấn tượng đầu tiên ngài để lại là một mẫu người bình dân pha chút khắc khổ. Nếu đã nghe kể về cuộc đời truân chuyên của ngài, người ta có thể thấy cuộc đời của ngài dường như vận hết nơi khuôn mặt. Không những thế, chính kinh nghiệm trường đời cũng ảnh hưởng đậm nét nơi cách ứng xử hay cách nhìn nhận vấn đề của ngài. Đó là người trực tính nhưng xuề xòa, dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm của người có thể làm ngài tổn thương. Ngài sống khắc khổ và nhiệm nhặt với bản thân, nhưng với những công việc bác ái và những công việc chung của Giáo Hội, ngài lại rất rộng lượng. Bây giờ tôi không biết ngài đã có sự thay đổi nào không, nhưng ở thời điểm đó, ngài là người rất « dị ứng » với những phương tiện hiện đại. Vi tính : không, di động : không, máy in : không, xe hơi : càng không. Ngài hay nói vui : « Tớ phải chờ lúc nào nó sản xuất cái tốt nhất, không còn cái nào tốt hơn thì tớ mới mua. » Có người nói đó là những phương thế cần thiết để phục vụ, không biết sử dụng là lạc hậu. Tôi lại nhìn vấn đề ở góc độ khác : ngài chỉ sử dụng ở mức tối thiểu những gì cần thiết để làm việc, tuyệt đối không để phát sinh những nhu cầu không cần thiết, và không để những tiền bạc hay phương tiện chi phối đến cuộc sống của mình. Bằng chứng là ngài cũng sử dụng xe máy, ti vi … vốn hữu ích cho công việc. Hơn nữa, nhiều lần tôi chứng kiến việc ngài sẵn sàng móc tiền túi của mình cho ngay 10 triệu hay 20 triệu để giúp chỗ này chỗ kia xây nhà thờ, hay giúp đỡ một gia đình nghèo nào đó.

Ngài cũng là người nhiệt thành chịu khó dấn thân vào những vụ việc đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại. Nhiều con đường ngang dọc khang trang đẹp đẽ trong giáo xứ hoàn thành được cũng một phần nhờ ở sự kiên trì đồng hành của cha Đaminh. Có những cuộc xung đột giữa cha con, anh em trong một gia đình tưởng chừng khó hoá giải, thì nhờ sự chăm chỉ đến gặp gỡ tỉ tê từng người liên quan, thế mà lại thành công. Có nhiều hôm, mãi 11 h giờ khuya mới thấy cha Đaminh đi về, ghé qua phòng cha trẻ bỏ nhỏ : « Cha vừa bị chưởi xong. Chưa giải quyết được việc gì, mai lại phải đi tiếp. » Thế đấy. Nhưng đó là tính cách của ngài.

Vốn dị ứng với những bất công xã hội mà bản thân chính là nạn nhân, ngài phản ứng rất gay gắt những bất công và nghịch lý trong xã hội, ở tại địa phương hay ở những nơi ngài đến làm việc, đặc biệt với những việc làm « chướng tai gai mắt » của những người có chức có quyền. Chính vì thế mà người dân Châu Sơn vẫn thường thấy cha phó Đaminh lớn tiếng trước đám đông tại hiện trường của những vụ việc đó. Tôi nhìn thấy bóng dáng của ông thánh Phaolô đôi khi nhiệt thành với Chúa mà có những cách thức quá hăng hái, và lời lẽ hơi gay gắt một chút. Nhưng có lẽ bởi « lòng nhiệt thành nhà Chúa » mà « tim tôi như bị thiêu đốt. »

Ngược lại với cha xứ, vốn là người không bao giờ biết nấu ăn, hay ít ra tôi chưa bao giờ chứng kiến điều đó, cha Đaminh lại nấu ăn rất giỏi. Ngài cũng là người quản lý rất hiệu quả. Quả thật, tôi học hỏi ở ngài rất nhiều điều trong đời sống cộng đoàn và tinh thần khiêm hạ của người môn đệ của Chúa.

Hai vị bề trên, hai tính cách, hai thái cực, có thể nói như thế, nhưng lại có một điểm chung rất thú vị : rất rộng lượng và tận tâm với thầy sáu già JB, và từ năm 2004 là cha trẻ JB. Cảm tạ ơn Chúa vì đã ban cho tôi có được thời gian làm việc dưới quyền hai Ngài.

(Còn tiếp)

[1]  Vào dịp Tết nguyên đán 2002

[2] Một cách nói vui để ám chỉ những người đã được đào tạo trong chủng viện một cách bài bản, vì hoàn cảnh xã hội hay vì những lý do nào đó đã chuyển hướng qua đời sống gia đình.

[3] Những năm 2006, 2007

[4][4] Rời khỏi Châu Sơn, tôi được Bề trên sai ra gx. Thái Hà. Tôi đã phục vụ ở đó hai năm trước khi đi học vào tháng 9 năm 2010

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …