SOI BÓNG NGƯỜI XƯA
Phần II
Đập gương xưa tìm bóng…
Tuỳ bút
“Người từ trăm năm về qua sông rộng…ta ngoắt mòn tay, ta ngoắt mòn tay, nào có hay đời cạn, nào có hay cạn đời..”. Lời thơ của Nguyễn Tất Nhiên chảy trên dòng nhạc phiêu lãng của nhạc sĩ Phạm Duy, đã chơi vơi trong tiếng ca trầm buồn của Duy Quang, làm tôi chợt mênh mang nỗi nhớ về một cõi trời, bên kia bờ đại dương.
Và hình bóng những người thân thương thủa nào, chợt về đây trong trí nhớ nhỏ nhoi.
Nhân ngày 60 năm Ngọc Khánh GX, người viết xin được mạo muội, mạn phép chắp bút viết về những con người thân thương của GX ở bên kia bờ đại dương, là một khúc ruột thân thương, không thể thiếu được của GX. Nếu có chi sai sót hoặc phản cảm đối với bà con ta, người viết rất mong được quý bà con ta niệm tình bỏ quá cho…Cũng chỉ là “mua vui cũng được một vài trống canh” (ND) vậy thôi. Tuỳ bút này được viết năm 2006, và được cập nhật thêm năm 08.2016.
Sau 75, tôi lại có thêm những người bạn vong niên (cao tuổi). Được thân quen với các anh qua một hoàn cảnh chung thời thế, mà gặp thời thế, thế thời phải thế. Sống chia sớt, cảm thông những nỗi niềm, tâm tư, tình cảm và hoàn cảnh sống, cùng những câu thơ tiếng nhạc mộc mạc chân tình cho nhau. Đó là các anh: Thành, Huy, Lập…
Anh Huy, (Nguyễn Huy) một người chưa từng thân quen khi ở VN, nhưng qua các lá thư cũng rất thấm đậm tình cảm của con người đằm thắm ít nói. Những lời thư ngắn gọn đầy súc tích và những bài thơ đầy tâm trạng của người con viễn xứ. Nói như nhà văn Vũ Ngọc Phan phê bình Huy Cận: Dùng lời thơ thương vay khóc mướn, để diễn đạt tâm trạng của mình. Sống kín đáo và rất có nội tâm. Anh là một cây viết châm biếm, phê phán và là cây bút chủ biên nổi tiếng ở trang Dân Làm Báo với bút danh Bá Chổi trong các loạt bài: Phượng Yêu, Văn hoá Kiều Trinh…Chiếc nón cối…
Mặc dầu không quen biết anh, nhưng ký ức tôi vẫn nhớ về anh…Người Châu Sơn vẫn gọi anh một cách thân thương là Bình Lọ (anh Hồ Sĩ Bình). Ngày xưa, không biết anh làm phận vụ chi bên cảnh sát đặc biệt…nhưng sau 75, anh phải cải tạo lâu năm…Những năm tháng đó, chị Loan một mình với đàn con dại cũng hết sức cơ cực. Có lẽ trong thâm tâm chị oán trách chế độ lắm: sao bắt chồng tôi đi cải tạo lâu vậy!? Nhưng ở đời, trong cái rủi lại có cái may, nhờ đi cải tạo lâu năm mà gia đình anh chị mới được sớm ưu tiên qua Mỹ. Bây giờ thấy trên Phây, con đàn cháu đống của anh chị sum vầy, nở mặt nở mày với đời. Xin chúc mừng anh chị!!
Và anh Lê Xuân Lập, một sự thay đổi thể hình đến lạ lẫm. Lần về VN, tôi không còn nhận ra anh nữa. Đâu rồi con người gầy còm, khắc khổ. Tất cả đã đổi đời cho một dáng vóc đầy đặn, trẻ trung lẫn đẹp trai. Và phải chăng, anh đã quên mất bạn bè gian nan một thời rồi sao? Nhắc lại, mới thấy thương chị Kim. Một thời, gánh nặng đè vai chợ búa, truân chuyên dâu bể không tả xiết. Nhưng chị vẫn luôn vui vẻ tươi cười, để chấp nhận số phận người vợ trong thời hậu chiến. Xin thắp một nén hương cầu cho chị được sớm về cõi vĩnh hằng. Nghe nói bên nớ anh lập trang web chi đó…?? của Hội Đồng Hương Châu Sơn, sao chưa thấy trình làng cho bên quê nhà xem. Cho gửi thăm đến các con của anh: Phát Trâm, Hùng Thuỷ, Đan Thanh…
Qua trang web tôi được biết thêm về anh Lương, anh Giáo, Cha Hùng, chị Dần…
Có lẽ, trên 40 năm, tôi chưa gặp lại anh Đậu Quang Lương, (Bác sĩ, Tốt nghiệp cử nhân Y khoa (Ý) nhưng hình ảnh của anh trong tôi vẫn còn nguyên vẹn như thủa nào. Không biết bây giờ anh ra sao, nhưng trong ký ức của tôi, anh là người đàn ông có kiểu dáng rất lý tưởng: Vóc người tầm thước, mặt vuông chữ điền, da trắng nõn hồng như thiếu nữ, điểm nụ cười nhẹ nhàng trên môi hồng thắm. Con người nho nhã và hiền hoà trong dáng dấp của một nhà tu hơn là sống bộ đời. (trích trong kỷ yếu Tiến Đức – 10 học sinh tiêu biểu trường Tiến Đức)
Anh Đậu Quang Giáo: Con người hao gầy, khắc khổ. Có cặp mắt sắc, tính tình nghiêm nghị, phép tắc, là giảng viên Đại học Mỹ. Có vợ con “chương trình tây” nhưng sống nền nếp, gia phong Á Đông và dạt dào tình cảm nghe đâu hơn cả người Việt tại quê nhà. Xin ngã mũ ngưỡng mộ anh: “chốn quê người mà dám khai hoá được tâm hồn Mỹ ra tâm hồn Việt”. Bái phục! Bái phục!! (trích trong kỷ yếu Tiến Đức – 10 học sinh tiêu biểu trường Tiến Đức)
Cha Hùng, rất tiếc, con biết rất ít về cha. Linh mục là thiên hướng rất thích hợp với cha, nếu không ở VN cha sẽ phải đi lính phòng không mất thôi. Đùa với cha một tí nhé!
Chị Dần, trong tâm tưởng của tôi vẫn đọng lại: Mái tóc đen cún cớn ngang vai, đôi mắt tinh quái, và nụ cười, hình như là có chiếc răng khểnh, hơi bị duyên dáng. Thế mà ngày ấy, tôi lại dại dột để thầm yêu chị đấy! Có buồn cười không chứ ! Sorry nhé chị Dần ! Nói khẻ thôi nghe! Anh Khang mà biết thì chết em!!!
Những người “quy mã” sau…
Cũng không thể quên một người bạn có cái bộ mặt rầu rỉ, khắc khổ, thế mà cuộc sống nhàn nhã phong lưu nhất làng. Suốt ngày ngồi dười tàn cây trướng cá, đánh cờ tướng, bây giờ qua bên nớ có duy trì được phong độ đó chăng? Đó là Phạm Đình Tầng nhà ta chứ ai vô đó nữa. Gửi lời thăm Nho, bạn của vợ tôi.
Một người, nếu ngày xưa, có ông thầy bói bảo: Số anh sau này sẽ “quy mã”, chắc là người đó sẽ bảo: Bói ra ma, quét nhà ra rác! Phét lác!! Làm gì có chuyện đó!! Đó là anh Phạm Văn Hồng nhà ta. Ngày xưa ở cùng xóm, thân nhau lắm! Có lần, “con gà gắt nhau tiếng gáy”, để hai đứa đấm đá nhau một trận te tua. Ai ngờ, hắn thuộc thành phần “nông dân chuyên chính”, “răng đen mã tấu”, rứa mà có số qua Mỹ làm công dân của TT Obama mới hay chứ! Nhưng phải nói, hắn sống chân chất với tấm lòng nhiệt tình thì không ai bằng!! Cho gửi lời thăm o Thuyên, bạn của vợ tôi. Nhớ tháng ngày gian khổ năm xưa: chở mật bằng xe bò, lọc cọc đi bán…Ngày đi làm rẫy, nhổ ngò, tối về đi bán chợ đêm…Bây giờ, được Chúa trả công bội hậu, cho được ở thiên đàng nước Mỹ, sướng quá lẽ!!!
Một con người đẹp trai, tướng tá phông độ, tính tình hiền hoà vô tư. Gặp nhau là tay bắt mặt mừng, xởi lởi. Ngày xưa, anh là một người đã từng làm “phòng bộ” nhà xứ: Từ giúp lễ, nổ máy điện, sửa chữa điện nhà thờ, nhà xứ…phụ trách chỉnh âm ly gác đàn…Đó là anh Trần Văn Tân.
Một người qua Mỹ khá muộn màng. Đó là Nguyễn Liên, một con người có cảm nhận nhạy bén và sâu sắc về cuộc sống. Cuộc đời vẫn còn những gập ghềng, trăn trở về phía trước (2006). Nghe đâu gia đình anh chị bây giờ ổn định, cuộc sống an cư lạc nghiệp lắm rồi. Chúc mừng!! Cho gửi lời thăm “mã oàm” Trung Nghĩa nhà ta.
Một người em là Đậu Quang Thành. Ngày xưa cũng hay bù khú ăn nhậu với nhau vui lắm. Con người đẹp trai, tính người hiền hoà. Nghe đâu bây giờ làm ca trưởng, hay làm ông trùm xứ chi đó,,,! Nhất rồi Thành ơi! Cho gửi lời thăm Diễm Quỳnh (là o Phượng đấy! Diễm Quỳnh MC của chương trình VTV 6, rất giống o Phượng nhà ta).
Trưởng Ban Huấn Giáo một thời của đoàn thanh niên, phục vụ không biết mệt mỏi. Bỗng đâu, có cây đũa thần “con gái lấy Việt kiều”, hiển nhiên là có ơn gọi của TT Obama, mời sang Mỹ ngay. Lập Kỷ lục, người Châu Sơn qua Mỹ, chỉ 6 tháng sau là về thăm VN sớm nhất!?
Một con người, chẳng cần xem tướng cũng biết là cuộc đời của anh tiền vận long đong, dâu bể truân chuyên muôn vàn. Dáng người cao, hao gầy, bát văn, chân đi vòng kiềng chữ bát, thì lấy đâu làm sướng trời! Nhớ năm xưa, anh làm cà phê ở Buôn Ba Nghĩa bình, cơ khổ biết dường nào. Nhưng được cái tài ăn nói, lý luận sâu sắc thì Châu Sơn nỏ ai bằng. Đó là anh Lê Ngọc Chương.
Cả O Hoàn nhà ta cũng tất bật sớm tối với nợ cơm áo gạo tiền…Mỗi sáng đi chợ, chạy xe mơ màng vừa chạy vừa ngủ không hay…Vậy mà hậu vận thanh nhàn, khó ai ngờ! Xem ra, các nhà tướng số bói toán đều trật lất hết. Cuộc đời ăn thua nhau nước quay thôi. Cầu chúc cho gia đình anh chị sớm an cư lạc nghiệp.
Ai cũng bảo, sang Mỹ như lên thiên đường! Vậy mà ngày ra đi an chị cứ nấn ná mãi. Một phần vì nặng tình nhà con cái chưa ra cửa nhà rỡ rang, một phần vì ngại đất khách quê người, lạ cái lạ nước…tuổi tác cũng đã luống, sợ công ăn việc làm khó khăn, mà ăn bám nhờ con mãi cũng cũng sợ phiền. Quả những điều anh trăn trở luôn là tâm trạng của người qua Mỹ muộn màng…Đó là anh chị Trung Liên (Nguyễn Quang Trung). Cầu chúc anh chị sớm ổn định đời sống để an cư lạc nghiệp.
Dịch vụ nấu nướng đám đình Trâm Huấn chừ răng rồi, có tiếp tục “nhất nghệ tinh” nữa không? O Trâm nhà ta sang bên nớ có xông xáo xoay trở được như ở Châu Sơn? Chú Huấn sang bên nớ chừ răng! Đã kiếm đủ tay binh cho bàn nhậu chưa? Kiếm được một nhóm bạn bè ăn nhậu bù khú như ở quê nhà, kể ra, ở Mỹ hơi bị khó đấy! Nố mô chư nố ni, thì Ơ me ri ken thua VN là cái chắc!! Tình (ga ra) và Tâm (Đào) nhớ và hỏi thăm luôn đấy!
Cho gửi lời thăm đến các gia đình anh chị: Viên Hoa, Giáo Lâm, Hùng Phượng…Có rất nhiều bà con Châu Sơn ta ở Mỹ mà tôi không nhớ hết, nếu lỡ quên nhắc đến trong dịp 60 năm GX, thì cũng xin quý bà con thông cảm cho!
Viết đên đây, tôi định khép lại trang tuỳ bút: Soi bóng người xưa. Dù có người Châu Sơn thân quen nào, hay có ai hối lộ 500 Đô, tôi cũng quyết không cho vào. Thế mà, có một người không phải là Châu Sơn, tôi chẳng đặng đừng để quên anh được.
Đó là Anh Phạm Mạnh Trí, có biệt danh là lão già Cali, người Đông Tràng, Mường Mán. Hiện nay, gia đình anh “quy mã” định cư ở Cali. Anh có dây mơ rễ má với Châu Sơn là, cọc chèo với ông Thanh (Kiều). Là anh rể, vợ của ông Hiền (Cửu). Anh đã trở nên rất thân thương với lớp đàn em bạn bè Châu Sơn. Mỗi lần về, anh em mình trắng đêm hàn huyên tâm sự chuyện đời không vơi cạn. Nơi anh, luôn có sự thân thương của một người anh đầu đàn. Anh sống giản dị và chân tình. Có lần anh nói: “Châu Sơn bây giờ đã trở nên rất thân thương và là một phần không thể thiếu trong anh”. Cho em gửi lời thăm sức khoẻ chị.
Trên đây là những ký ức gợi nhớ về một thời đã qua. Người viết truy cập vào cái ổ cứng cùn mằn kém cỏi, chỉ để tìm về ăn mày dĩ vãng, trong chút ngọt ngào của ký ức hồi tưởng. Nhưng cũng thành thật xin lỗi các anh các chị về sự tếu táo, đùa dai làm phiền lòng các anh chị.
Rất mong quý anh chị, cảm thông và thứ lỗi.
Xin được đính chính về một chi tiết sai về anh Lưu Vĩnh Tuấn, thời bình nghiệp anh là một sĩ quan Pháo Binh chứ không phải là sĩ quan Thiết Giáp. Người viết xin cáo lỗi cùng anh Lưu Vĩnh Tuấn.
Nguyễn Vĩnh Căn – Châu Sơn 2016
Bình luận