Kinh Mân Côi – Lời Kinh Cuộc Đời

Trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa Sứ thần Gabrien với Trinh nữ Maria trong Tin Mừng Thánh Luca đã trở thành điểm khởi đầu cho một chuỗi 20 mầu nhiệm Mân Côi, được chia ra bốn phần: Mùa Vui, Mùa Sáng, Mùa Thương và Mùa Mừng.  Với lời thưa “Xin vâng” của Trinh nữ Maria, Ngôi Lời đã nhập thể làm người và cư ngụ giữa nhân loại.  Đây là khởi đầu của một cuộc sáng tạo mới.  Cuộc sáng tạo thứ nhất đã bị hoen màu tội lỗi do sự bất tuân của Ađam và mọi thế hệ kế tiếp.  Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ canh tân mọi vật mọi loài.  Khởi đi từ mầu nhiệm Truyền tin, Kinh Mân Côi dẫn chúng ta từng bước theo Đấng Cứu thế, chiêm ngưỡng và suy tư từng biến cố của cuộc đời Người.  Từ thời thơ ấu của Chúa ở làng quê Nagiarét, đến tuổi trưởng thành, lên đường thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng.  Từ lời giảng dạy đơn sơ mà đầy khôn ngoan đến những phép lạ kỳ diệu chứng minh quyền năng Thiên Chúa.  Từ cuộc khổ hình thập giá đến sự phục sinh và lên trời vinh quang.  Mỗi mầu nhiệm đều mời gọi chúng ta đón nhận những thông điệp Chúa muốn truyền đạt.  Qua Kinh Mân Côi, dung nhan Chúa Giêsu được phác họa, giáo huấn của Người được chuyển tải và tình thương của Thiên Chúa được thể hiện.

Một nhân vật luôn hiện diện trong suốt hai mươi mầu nhiệm Mân Côi, đó là Trinh nữ Maria thành Nagiarét.  Qua lời Sứ thần truyền tin, Đức Maria được Chúa mời gọi cộng tác với Ngài trong chương trình nhập thể và cứu độ con người.  Trong mọi biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu, Mẹ luôn diện hiện một cách âm thầm, khiêm tốn.  Đó không phải là sự hiện diện thụ động, cam chịu, nhưng là sự đồng hành, cảm thông, cộng tác với Chúa Giêsu.  Nếu mọi hành động của Chúa Giêsu đều có giá trị cứu rỗi nhân loại, thì Đức Mẹ là người cộng tác thiết thân gần gũi vào những hành động ấy.  Vì vậy, Đức Mẹ được tuyên xưng là Đấng Đồng công cứu chuộc.  Từ mầu nhiệm thứ nhất là Truyền tin, cho đến mầu nhiệm cuối cùng là việc Đức Mẹ được Chúa thưởng triều thiên vinh quang, chúng ta thấy chân dung và cuộc đời Đức Mẹ được phác họa một cách đầy đủ và sâu sắc.  Đức Mẹ từng bước chiêm ngắm những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Đấng Cứu thế, cũng là con của Mẹ.  Mẹ gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, đến nỗi ta có thể gọi Mẹ là người môn đệ đầu tiên và môn đệ trọn lành của Người.  Thánh Luca đã viết: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51).  Đức Mẹ vui niềm vui của Chúa Giêsu, khi Người được người ta lắng nghe và ca ngợi tôn vinh.  Đức Mẹ chia sẻ sự đau khổ của con mình, khi Người bị xúc phạm, sỉ nhục và nhất là khi Người chịu đóng đinh trên thập giá.  Bốn giai đoạn Vui, Sáng, Thương, Mừng trong kinh Mân Côi, vừa phác họa cuộc đời Đấng Cứu thế, vừa diễn tả hành trình đức tin của Đức Mẹ.  Hai mầu nhiệm cuối cùng, tức là sự chết lành của Đức Mẹ, và việc Người được tôn vinh trên hết các triều thần thánh, là phần thưởng cho một đời trung kiên, đồng thời cộng tác với Chúa Giêsu để mang lại ơn cứu độ cho trần gian.  Suy niệm mỗi mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta đọc mười kinh “Kính Mừng.”  Khi đọc kinh này, chúng ta cùng với Đức Mẹ chiêm ngưỡng và suy tư những biến cố được diễn tả trong Tin Mừng, đồng thời cầu xin cho chúng ta được những ơn cần thiết trong đời sống, để trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Bốn mùa Vui-Sáng-Thương-Mừng của cuộc đời Chúa Cứu thế cũng phác họa những giai đoạn khác nhau của cuộc sống chúng ta.  Lúc sinh ra khỏi lòng mẹ là ta khởi đầu cuộc sống trần gian.  Thế rồi, từng bước ta lớn lên trưởng thành vào đời.  Cuộc đời dạy ta những bài học sâu sắc.  Có những lúc thành công, có những khi thất bại.  Mỗi lần thất bại làm ta già dặn kinh nghiệm hơn.  Chắng có ai sống trên đời này mà không gặp gian nan thử thách.  Từ bậc quân vương vua chúa cho tới thảo dân nô lệ, ai ai cũng phải trải qua những thử thách đau thương để từng bước trưởng thành.  Kinh Mân Côi giúp ta nhìn thấy chính hình ảnh mình qua cuộc đời Chúa Cứu thế.  Kinh Mân Côi cũng khẳng định với chúng ta, Chúa Giêsu đang hiện diện trong cuộc đời này.  Người chia vui sẻ buồn với chúng ta.  Người nâng đỡ chúng ta trên mọi bước đường trần gian.  Người lau khô giọt lệ nơi đôi mắt chúng ta và khích lệ chúng ta trỗi dậy kiên cường trước phong ba bão táp của cuộc đời.  Nếu ngày xưa, Chúa đã chịu khổ hình để dạy chúng ta bài học khiêm nhường và để bày tỏ tình thương của Thiên Chúa, thì hôm nay, Người lại đang đau khổ nơi những mảnh đời bất hạnh.  Người đồng hoá với những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề cuộc sống.  Vì thế, khi giúp đỡ người nghèo là chúng ta giúp đỡ Chúa (x. Mt 25, 31-46).

Cỗ tràng hạt rất gần gũi thân thuộc với người tín hữu chúng ta.  Tràng hạt không phải là một đơn vị đong đếm, nhưng là mối dây liên kết chúng ta với Đức Mẹ với anh chị em mình.  Tràng hạt cũng là chuỗi hoa hồng thiêng liêng, kết lại để dâng kính Mẹ Thiên Chúa.  Mỗi kinh Kính Mừng là một đóa hồng huyền nhiệm, thể hiện lòng yêu mến hiếu thảo và cậy trông của chúng ta.  Truyền thống Giáo hội công nhận Thánh Đaminh là người đã cổ võ lần hạt Mân Côi theo lệnh truyền của Đức Mẹ để đem lại bình an hiệp nhất cho Giáo hội, trong bối cảnh có nhiều rạn nứt, chia rẽ.  Thánh Đaminh cũng là người đầu tiên kết những bông hoa hồng làm thành tràng hạt dâng kính Đức Mẹ, vì thế, chuỗt hạt ngày nay chúng ta sử dụng, dù được làm bằng chất liệu gì, cũng được gọi là “Chuỗi Mân Côi”, có nghĩa là tràng hoa hồng.

Miệng đọc, trí suy, tay lần tràng hạt, Kinh Mân Côi đơn giản mà huyền diệu.  Mỗi kinh Kính mừng, ta lần một hạt, như tiến một bước trên đường đời, giúp ta đến gần Chúa Giêsu hơn.  Qua Kinh Mân Côi, chúng ta gửi gắm nơi Đức Mẹ niềm vui nỗi buồn của cuộc đời nhân thế.  Những chuỗi hạt thiêng liêng nhân lên mãi trong cuộc đời chúng ta, kéo ơn từ trời xuống, giúp ta nên thánh.  Ước chi mỗi người tín hữu cảm nhận dồi dào ân sủng Chúa ban qua Kinh Mân Côi, để cuộc đời chúng ta được biến đổi và nên hoàn thiện.

  Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Check Also

CÁO PHÓ ANH AN TÔN PHẠM PHÚ QUỐC

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …