????????????????????????????????????

PHỎNG VẤN NHÀ KHOA HỌC NÔNG DÂN NGUYỄN ANH HÀO – GX CHÂU SƠN

Bài phỏng vấn

Nhà khoa học nông dân Nguyễn Anh Hào – GX Châu Sơn

Tiến Đức Châu Sơn: Xin chào ông Nguyễn Anh Hào. Cổ nhân ta có câu: Trăm nghe không bằng một thấy. Vốn mọi người trong GX đã được nghe nói nhiều về ông trên trang web TĐCS cũng như qua TV. Nay TĐCS muốn “mục sở thị” qua những chia sẻ của ông về hành trình để trở thành một nhà Khoa học nông dân.

TĐCS: Xin được vào đề: Sáng tạo khoa học và Toán học luôn có sự tương quan hữu cơ với nhau. Xin được hỏi ông: ngày xưa khi đi học ở nhà trường ông có giỏi môn toán không?

Nguyễn Anh Hào: Lời đầu tiên tôi xin được chào anh, người đại diện cho TĐCS đến phỏng vấn tôi và tôi xin chúc anh và TĐCS một mùa xuân như ý.

Xin được thưa với anh, tôi tốt nghiệp cấp 3 trung học phổ thông với điểm giỏi của ban C (toán) bây giờ là ban A. Tôi vinh dự có được bài lưu toán mỗi năm ở trường. Đến năm lớp 10, vì hoàn cảnh gia đình phải ở nhà giúp cha mẹ, nghỉ đến 78 ngày không có phép. Nhưng may nhờ được sự động viên của nhà trường, tôi vẫn được tiếp tục theo học một cách tốt đẹp mà không bị lưu ban như thông lệ nhà trường, nghỉ học quá 1 tháng không có giấy phép sẽ bị ở lại lớp. Đó cũng nhờ môn toán vượt trội để tôi được nhà trương ưu ái cho tôi tiếp tục học.

TĐCS: Lần đầu tiên ông phát hiện được khả năng khoa học trong ông là thời điểm nào?

NAH: Ngay từ hồi nhỏ, tôi vốn đã có óc khoa học là thích quan sát và thường tọc mạch hiếu kỳ với những vật dụng trong nhà: xe, máy, đồ điện gia dụng….Nhưng phải đến năm 1971, lần đầu tiên, khi tôi hãy còn nhỏ mà đã dám táo bạo để có ý tưởng cải tiến bơm tưới. Đó là khi cha tôi mua bơm Noda 3 về tưới cà phê, nhưng khi ra tưới, so với sức bơm không hơn máy xăng là mấy. Khi mở bơm ra xem, tôi đã thấy những khuyết điểm cấu trúc của bơm tưới, nên đã đưa ra tiệm sửa bơm, nhờ họ sửa lại theo ý tưởng cải tiến của tôi. Thợ sửa thấy tôi còn nhỏ tuổi (13 tuổi) nên không dám tin tưởng để sửa chữa lại bơm theo ý của tôi. Cũng may, trong nhà, cha tôi vốn thường tin tưởng tôi, thấy vậy, ông bèn cam kết với thợ sửa: nếu sửa theo ý tưởng của cháu mà bơm hư, nhà sẽ sẵn sàng mua lại bơm khác. Và sau đó, họ đã sửa bơm lại theo ý tưởng của tôi và bơm tưới rất đạt. Chính người thợ đó cũng ngạc nhiên, vì chưa bao giờ thấy bơm Noda 3 mà tưới mạnh như thế!

Sau đó, với tính tò mò và hiếu kỳ, tôi đã độ lại chiếc xe máy Sach từ số tay côn tay, chuyển sang cần số như xe Ô tô. Không ngờ việc cải tiến đó thành công ngoài mong muốn. Hiệu quả làm cho việc sử dụng xe máy một cách dễ dàng và thuận lợi, khiến cho trong xóm ai cũng ngạc nhiên…

TĐCS: Xin ông cho biết khoảng thời gian nào, những sáng kiến của ông được trình làng ở cấp Tỉnh, Thành Phố hay ở Trung ương và được ông đã được tham gia vào hội khoa học ở cấp trung ương?

NAH: Có lẽ, tôi có chút thuận lợi khi có chút tiếng tăm với TP và Tỉnh DakLak với những cải tiến khoa học vào lãnh vực máy móc nông nghiệp như: tưới cà phê khi nguồn nước hết, máy tự động tắt, và một vài cải tiến về xay xát cà phê…nên được Tỉnh và TP biết đến và rất ưu đãi tôi với một nhà khoa học không văn bằng.

Nhưng phải đến năm 2009, tôi mới có 4 sáng kiến ứng dụng máy móc được trình làng cấp Trung Ương:

  1. Bộ chế tự động hoa tan phân hoá học

  2. Máy làm cỏ, rãi phân, lấp phân, vun gốccùng một lần cho cây trồng mì, bắp. Áp dụng cho nhiều cấp máy nông nghiệp: xe càng, xe cày tay, xe cày 4 bánh…

  3. Máy đào rãnh, đào mương được nhà nước lưu vào Cục sở hữu trí tuệ ở VN.

  4. Kỹ thuật chăm sóc cà phê lão: vun trồng, tưới tắm, phân bón, cắt tỉa…đúng quy trình thì hiệu quả cây cà phê lão mới được khôi phục và cho năng suất cao.

TĐCS: Đến nay ông đã nhận được bao nhiêu bằng khen, kỷ niệm chương…?

NAH: 3 bằng khen, 1 giải 3 cuộc thi sáng tạo kỹ thuật và 3 Kỷ niệm chương năm 2009. Và năm nay 2018 vinh dự được nhận kỷ niệm chương cao quý trong lễ tôn vinh nhà khoa học nông dân.

TĐCS: Đơn vị nào đã mời ông tham dự ngày lễ Tôn vinh nhà Khoa học Nông dân? Ông có hài lòng chế độ đãi ngộ khi tham dự ngày lễ tôn vinh?

NAH: Hội nông dân Trung ương VN chính thức mời tôi tham dự lễ tôn vinh. Trong đó họ mua vé máy bay khứ hồi đi về BMT – Hà Nội.

Cùng với 53 nhà khoa học nông nghiệp ( gồm 29 nhà khoa học chuyên nghiệp và 14 nhà khoa học nông nghiệp) được đãi ngộ ăn ở ngủ nghỉ tại khách sạn 3 sao Âu Việt. Chiêu đãi đại biểu tiệc mừng ở nhà hàng Vạn Hoa.

TĐCS: Ông có cảm tưởng gì khi tham dự lễ tôn vinh nhà khoa học nông dân?

NAH: Lễ tôn vinh được tổ chức tại Cung Văn Hoá Việt Trung rất đẹp và hoành tráng. Với sự tham dự đông đảo của 1.500 đại biểu từ các tỉnh thành và các nhà khoa học quốc tế, cùng tập đoàn các nhà tài chính thế giới về tham dự lễ tôn vinh.

Khâu tổ chức được dịch vụ sự kiện chuyên nghiệp đảm trách, nên rất bài bản, không có một sự sai sót nào, so với những sự kiện ở Tỉnh và TP BMT thì thường rất chệch choạc. Nhờ có được sự tổng dượt trước nên rất chu đáo ở mọi khâu.

Nhìn chung, là việc tổ chức lễ tôn vinh hoành tráng, bài bản và hoàn chỉnh một cách tốt đẹp.

Khi người lên nhận kỷ niệm chương, có hai vị quan chức trao tặng bằng khen, giải băng danh xưng nhà khoa học và kỷ niệm chương với lý lịch cá nhân hiện lên màn hình phía sau hàng chữ:

 – Nguyễn Anh Hào – địa chỉ: 319 đường C thôn 3, xã Cư Ebur, TP BMT, Tỉnh Daklak.

Ngoài ra còn có sự đóng góp các tiết mục văn nghệ càng làm cho buổi lễ tôn vinh thêm phần trang trọng và đặc sắc hơn.

Chi phí cho buổi lễ này lên đến trên 4 tỷ VNĐ.

TĐCS: Xin cám ơn ông đã chia sẻ cho độc giả TĐCS biết được hành trình đi đến một nhà Khoa học nông dân.

Nhân dịp năm mới, TĐCS xin cầu chúc ông một năm mới an khang thịnh vượng, nhiều sáng kiến mới với những thành công mới trong lãnh vực khoa học nông nghiệp.

NAH: Cho phép tôi được gửi lời cám ơn đến ban TĐCS, vì đã tạo điều kiện cho tôi có dịp được chia sẻ về những thành công trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp của tôi trên trang web site: tienducchauson.net.

Xin kính chúc quý ban luôn gặt hái được những thành quả tốt đẹp trong lĩnh vực truyền thông xã hội.

Bài phỏng vấn TĐCS

 

 

Check Also

Trúng số!!!

TRÚNG SỐ 1. Cuối cùng, ba ngày Tết rồi cũng đã qua đi. Và ai …