Tản mạn – CÁM ƠN CON ĐƯỜNG.

  1. Đường là lối đi được tạo ra để nối liền giữa hai địa điểm, hai nơi chốn. Đường hướng dẫn ta đến nơi ta cần đến. Đường cũng là đạo. Và Đạo cũng là đường. Đường thì thực tế, thấy được, sờ được, đi lên được. Còn Đạo là trừu tượng, là tâm linh, là phần sâu kín linh thiêng của mỗi con người. Cả hai đều hướng dẫn ta đến những bến bờ hy vọng. Cho nên đường hay Đạo đều là nhu cầu rất cần thiết cho cuộc sống. Đôi khi đường còn cần hơn cả lương thực, hơn cả nhà ở nữa. Nhà ở có thể không có nhưng đường thì phải có để dịch chuyển, để liên lạc, để tạo “công ăn việc làm” cho đôi chân.(Một đôi chân không có việc làm là một đôi chân chết, một đôi chân bất khả dụng, phải không?).

  2. Chính vì sự cần thiết như thế nên thế gian này đã có biết bao nhiêu là con đường. Nào là đường đất, đường đá, đường bê tông, đường nhựa. Nào là đường thẳng, đường cong, đường vòng cung. Nào là đường vành đai, đường cao tốc, đường hầm vân vân và vân vân… Rồi các con đường còn được thi vị hóa như: con đường tình ta đi, con đường hoa, đường vào cõi mộng hay những con đường mang nặng đau thương… Có một con số thống kê, tuy chưa chuẩn xác lắm, cho rằng, ở những thành phố hiện đại, diện tích của đường nhiều hơn mặt bằng của nhà ở. Những điều đó đã chứng minh con đường chiếm một phần rất quan trọng trong mọi sinh hoạt của nhân loại ngày nay. Cho nên con đường cần được trân trọng, cần phải cám ơn một cách sâu sắc.

  3. Châu Sơn chúng ta cũng không ngoài cái lệ ấy. Nghĩa là chúng ta cũng phải biết cám ơn những con đường đã làm cho cuộc sống chúng ta phát triển và trù phú như ngày hôm nay. Những con đường đi Choọc Ne (Cuorknia), Thôn 8 hay sang Ma Ngạc đã đem đến cho chúng ta biết bao của cải vật chất. Hay những con đường ngang, lối dọc trong làng đã đưa ta đến Thánh Đường Giáo Xứ mỗi ngày hầu nuôi dưỡng lòng mộ Đạo truyền thống của chúng ta.

Và đặc biệt, chúng ta phải cám ơn MỘT CON ĐƯỜNG MỚI. Một con đường mà sau ba năm đi vào sinh hoạt vẫn chưa thống nhất cái tên chung. Lúc thì gọi là Đường Vành Đai, Đường Giải Phóng có lúc gọi là Đường 10 tháng 3.  Con đường này (Đại Lộ) chẻ ngang giữa làng Châu Sơn, ngăn cách Trại Ngoài và Trại Trong. Một con đường mà khi mới hoài thai đã hao tổn biết bao nhiêu là nước bọt giữa các Tám Sĩ trong các Ấm Nước Mới. Kẻ thì cho rằng không hay ho gì, kẻ lại nói : rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thể nào.  Và đã trở thành chìa khóa cho  các cuộc tranh luận nẩy lửa. Phần đa, đều tỏ ra nghi ngại, không mấy tin tưởng vì nó (con đường) ít nhiều đụng chạm đến sự gắn bó máu thịt  và có thể gây ảnh hưởng đến một Giáo Xứ vốn lâu nay rất đoàn kết.

Sự nghi ngại đó còn lây lan sang các lãnh vực khác như tệ nạn xã hội (xì ke, ma túy, mại dâm…) sẽ từng bước xâm nhập.  Hay đặt vấn đề bảo vệ luân lý, đức tin khỏi các “chước ma quỷ cám dỗ” sẽ xảy đến. Thế rồi, đã có những cuộc hội thảo bỏ túi trong âm thầm của những người có tâm, có trách nhiệm (như các Giáo lý Viên chẳng hạn) để tìm kiếm cách đối phó như thế nào trước những vấn nạn trên.

Nhưng sau ba năm, con đường đã đi vào sinh hoạt chúng ta vẫn chưa thấy những nghi ngại đó phát tác một cách cụ thể. Vậy, nếu sau này có những điều mà chúng ta dự tưởng sẽ xẩy ra thì đó chính là những thách thức mà chúng ta đã chuẩn bị để đối phó . Cho nên, một cách nào đó, chúng ta cũng nên cám ơn con đường vì nó đã dự báo những khó khăn để chúng ta khuất phục.

  1. Bây giờ, ta hãy trở lại với CON ĐƯỜNG MỚI. Từ đầu năm 2011, bỗng xuất hiện những chàng trai Quy Hoạch mang theo thước đo, máy ngắm lục cục đo đo đạc đạc. Họ đón nhận thái độ hững hờ của dân làng với ánh mắt nghi ngại và không mấy thiện cảm. Bầu không khí chỉ nóng lên, khi các gia đình có quỹ đất con đường đi ngang qua, nhận được giấy mời đền bù. Ban đầu, cũng chưa mấy ai tin tưởng lắm vì cứ nghĩ : Đền bù chỉ là tượng trưng. Nỗi đau vẫn là nạn nhân gánh chịu. Nhưng sự đền bồi tương đôi khá dễ chịu. Có  người trúng mánh còn có điều kiện mua những lô đất rẻ trên đường Phan Bội Châu ở trung tâm thành phố. Cho nên đã có những anh chàng cười tủm tỉm xây được nhà to cổng lớn hay đầu tư cho con cái ăn học thoải mái. Và họ thầm cám ơn con đường.

 

  1. Chưa hết đâu, kể từ khi con đường đi vào sinh hoạt Châu Sơn bỗng nhiên như đổi đời. Cơn sốt đất mặt lộ đã biến dân Châu Sơn trở thành tỷ phú trong một sớm một chiều .

Châu Sơn bây giờ, không còn tự trách cha ông mình chọn nơi  tọa lạc như cái rọ không lối thoát nữa.

Châu Sơn bây giờ, không còn ganh nạnh với những Hà Lan, Trung Hòa, Đắc Minh hay Duy Hòa vì họ có con đường xuyên qua.

Châu Sơn bây giờ, cũng đã có con đường xuyên qua và còn hơn thế nữa Châu Sơn đang dần chuyển mình thành phố thị. Phố phường đã bắt đầu mọc lên san sát. Đây là những quán café, quán cơm, quán phở. Kia là tiệm vàng, tiệm tạp hóa.  Đại Lý EVN, Đại Lý xe khách… Quán xá  dập dìu người ra người vào. Rộn lên một bầu khí vui tươi.

Tất cả đều nhờ con đường.

Vậy thì, XIN CÁM ƠN CON ĐƯỜNG !!!

                                                        TRỌNG THI

 

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …