Một cuộc cải “Hóa” đầy ngoạn mục!!!

Mấy tháng nay, thánh lễ sáng, trong nhà thờ đã để lại một khoảng trống…Một khoảng trống mà mấy chục năm nay, dường như không khi nào thiếu vắng.

Bao giờ cũng thế, khi những tiếng đọc kinh sáng bắt đầu rân vang…Có một người phụ huynh, tóc tai chải chuốt mượt mà, ăn mặc tươm tất, áo quần đóng thùng gọn gàng, đi giày ba ta…bước đến nơi bàn quỳ mà ông thường “chiếm giữ”. Hình như ông “mua vé thuê bao” nơi ấy quá lâu ngày, nên dường như ai cũng biết mà chừa chỗ lại cho ông.

Sự trống vắng trong nhà thờ lâu ngày, chắc chắn sẽ để lại những niềm băn khoăn tự hỏi với những người xung quanh? Sao lâu nay vắng ông ấy? Ông ấy đi đâu? Hay ông ấy xuất cảnh đi Mỹ rồi? Có lẽ, cũng không khó để trả lời những câu hỏi đó. Chỉ cần hỏi những người xung quanh là biết hết cớ sự.

Thời gian là một dòng chảy vô tư đến vô tâm, cứ trôi hoài mà chẳng cần biết cớ sự của kẻ này vắng, của kẻ kia còn…

Bỗng đâu hôm nay, ông ấy lại xuất hiện giữa dòng chính nhà thờ một cách trang trọng, trong sự đưa đón đầy trân trọng của người thân, bạn bè, xóm giềng và BTS giáo họ Giuse…

Bây giờ thì cớ sự đã rõ. Mấy tháng nay, ông ấy đi “tu đức tại bệnh viện” Sài Gòn nên trống vắng trong nhà thờ. Lúc này, ông đã vượt ngưỡng “cõi trần gian” nên về lại GX để chào vĩnh biệt ra đi về quê thật của một cõi vĩnh phúc.

Đó là ông cố Phao Lô Nguyễn Đình Hóa. Một người bạn không mấy thân, nhưng tôi biết rõ ông ấy cái thuở còn đi học ở trường Hưng Đức.

Đến khi Tiến Đức lên cáo phó, tôi mới thấy ông ấy gây cho tôi nhiều bất ngờ.

Bất ngờ đầu tiên là ông ấy có tuổi sinh 1951, hơn tôi một tuổi, nhưng học sau tôi đến 2 lớp. Thế nên lâu nay tôi cứ nghĩ ông ấy phải thua tôi vài ba tuổi.

Bất ngờ thứ hai là ông ấy có được danh xưng là Ông Cố. Tôi hỏi những người chung quanh: ông Hóa có con đi tu làm cha đâu mà được gọi là ông cố? Ông chẳng biết đấy thôi, ông cố đây là “ông cố ngồi” đó, vì có con đi tu làm Soeur vĩnh khấn rồi! Tôi suýt bật cười, kể ra dân ta cũng tài điện chuyện để phân biệt “ông cố đứng” và “ông cố ngồi”.

Nhưng cái bất ngờ lớn nhất về ông ấy là “một sự cải hóa” về đời sống đạo đức….Chính trong Kỷ yếu Tiến Đức, 55 năm hoài niệm về trường xưa, trong phần sơ yếu lý lịch lớp nhất niên khóa 1966 – 1967, tôi có viết một câu: Đây là một tay chơi ngày xưa ngỗ ngáo và ngang ngược…Vậy mà bây giờ đạo đức siêng năng đi lễ sáng hằng ngày, khó ai có thể sánh được. Không khéo sau này lên thiên đàng cả dép. Đó là Nguyễn Đình Hóa (mát).

Không quậy phá sao mà phải di tản sang trường Bồ Đề di trú. Trong đó, người anh đầu đàn là Đậu Văn Sinh, đến Nguyễn Đình Hóa, sau có tôi và TNH…

Mỗi lần đi lễ ra, gặp tôi, Hóa thường bắt tay và: Chào Paulking – tên thời tôi còn chơi nhạc ngoại. Lâu này khỏe không? Tôi cám ơn, và thăm hỏi sức khỏe của Hóa lâu nay bệnh tiểu đường có đỡ không? Hóa lạc quan trả lời: Được ngày nào hay ngày đó Kính ơi! Cuộc sống của mình đâu còn là của mình nữa, mà tất cả đều thuộc về Chúa, tùy quyền Chúa quyết định. Tôi phải há hốc mồm, khi nghe câu trả lời đầy tín thác trong Chúa của những bậc tu trì mới có được một nhãn quan cậy trông như thế.

Có lần tôi hỏi: Cho mình hỏi thật, không biết vì lý do nào mà ông đổi đời, “cải hóa” đạo đức đến 180 độ như thế? Hóa cười: Cuộc sống có nhiều điều chuyển biến: đau ốm, làm ăn thất bát, con cái…tạo cho con người ta có cơ hội suy tư, trăn trở…để tự lựa chọn con đường đi ngắn, dài…hay vĩnh cửu cho mình. Chính Chúa đã tác động vào sự “cải Hóa đời mình” đấy! Tôi thầm khen Hóa đã có được sự “cải hóa” như cái tên gọi của Hóa, và đã chọn con đường đi chính đáng cho đời mình.

Nhiều khi tôi tự ganh tỵ với Hóa, sao mình không đạo đức được như Hóa? Không có được niềm tin mãnh liệt như Hóa để tín thác vào Chúa?

Hôm nay, ngày Hóa ra đi…Đó như là một sự khơi nguồn cho mình để gẫm suy về sự chết, và để biết chọn con đường chính đáng như Hóa đã từng chọn…

Cầu chúc cho Hóa ra đi bình an trong ân sủng Đức Ki Tô!

Một cuộc “cải Hóa” đầy ngoạn mục là thế đấy!

Nguyễn Vĩnh Căn – Một người bạn

 

Check Also

NHỮNG CÁI CHẾT BẤT ĐẮC KỲ TỬ TẠI GX CHÂU SƠN

Sống trên đời này chuyện “sinh ký tử quy” – sống gửi thác về – …