Xem phim, Em và Trịnh

Cuối cùng thì tôi cũng “ được xem” phim Em và Trịnh . Tôi nói “được xem” phim vì ngay từ những ngày đầu buổi ra mắt phim có vài người bạn già rủ tôi đi xem nhưng tôi đã từ chối vì nghĩ rằng mình già rồi, vả lại hình ảnh và con người nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lâu nay, đã đóng đinh trong tôi với những ký ức cảm mến đẹp đẽ. Bây giờ lỡ như ông đạo diễn Phan Gia Nhật Linh “làm phim” theo cách nhìn khác đi khiến cho mình phải xây dựng lại một hình ảnh khác về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì mất hay. Chính vì điều đó, nên tôi đã chẳng mấy hứng thú ngay từ đầu.

Nhưng, một thời gian ngắn sau khi phim ra mắt đã nổ ra nhiều bình luận khen chê trái chiều. Người thì bảo phim đã làm xấu hình ảnh Trịnh Công Sơn trong mắt mọi người. Kẻ lại cho rằng: Dù là một phim tiểu sử  điện ảnh đi chăng nữa, ắt cũng phải có những hư cấu cho phim phong phú thêm, lãng mạn thêm. Vả lại, ta đang xem và nghe kể về những mối tình đương thời của người nhạc sĩ huyền thoại lừng danh một thời Trịnh Công Sơn mà !!! Và bởi đây đâu phải là phim tài liệu để bắt

Cũng chính vì những khen chê trái chiều đó khiến tôi tò mò muốn xem phim để chính mình “mục sở thị”. Và, đúng lúc tôi đang tỏ ra tiếc nuối vì mình đã bỏ lỡ lời rủ rê ban đầu thì vợ chồng người cháu thân yêu của tôi lại có lời mời  xem phim. Như người sắp chết đuối vớ được cọc tôi đồng ý cái rụp.

Đó là lý do tôi “ được xem” phim như lời tôi đã mở đầu bài viết này !!!

Trước khi chia sẻ một vài cảm nghĩ về nội dung của phim, tôi chợt có một ý kiến về tên phim. Tại sao chỉ là “Em và Trịnh” vừa khô khan, cộc lốc vừa vô cảm, mà không chọn là Nàng thơ và Trịnh  hay Giai nhân và Trịnh tuy có vẻ hơi màu mè, hoa lá cành một chút, nhưng nó sẽ hấp dẫn người xem tìm đến hơn, cũng như gợi được sự tò mò nơi lớp trẻ sau này vốn không hề biết gì về ông Trịnh Công Sơn cả. Đành rằng, các nhà sản xuất làm phim cho rằng phim vị nghệ thuật chứ không chạy theo lợi nhuận, nhưng chính điều này lại gây khá nhiều nghi ngờ, bởi khi họ tính toán chi phí tổng cộng cho phim hết tất cả hơn 50 tỷ và đến cuối tuần thứ ba đã thu về được hơn 96 tỷ thì ta thấy rằng họ “nói dzậy chứ không phải dzậy”. ( hiện nay đã đạt mốc hơn 100 tỷ).

Để dánh giá khi xem xong phim, tôi thấy là toàn bộ rất được, đáng xem không như sự khen, chê cực đoan đến từ hai phía của các nhà chuyên môn. Hình ảnh đẹp, bối cảnh tốt, âm nhạc tuyệt vời tuy có hơi tham lam muốn nhồi nhét hết tất cả nhạc Trịnh vào trong khung giờ 136 phút. Các diễn viên nam cũng như nữ xứng đáng là các mỹ nam và mỹ nữ. Có một điều rất lạ, hình ảnh tuy đẹp nhưng không rõ nét lắm (phải chăng phiên bản  Đaklak không tốt?).

Câu chuyện Em và Trịnh diễn tả những mối tình đi qua trong cuộc đời của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn xảy ra từ năm 1950 đến 1990. Em và Trịnh bắt đầu với sự kiện Trịnh Công Sơn lần đầu gặp gỡ một nữ sinh viên Nhật Bản là Michiko Yoshii vào cuối thập niên 1980. Cô nàng này sang Việt Nam để tìm hiểu và làm luận văn cao học về cuộc đời và con người của nhạc sĩ họ Trịnh cũng như dòng nhạc phản chiến của ông. Rồi từ những tiếp xúc đó họ đã nảy sinh tình cảm với nhau, tạo nên một mối tình bất hủ.

Cũng từ  mối tình đó, Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã lấy cột mốc chính làm tâm điểm cho bộ phim. Qua cột mốc đó, dòng hồi tưởng của nhạc sĩ từng lớp, từng lớp ký ức được lần giở làm sống dậy một thời ong bướm, hoa mộng bên các nàng thơ. Và các nàng thơ, các giai nhân đã là nguồn cảm hứng cho các bản nhạc tuyệt vời đã lần lượt ra đời. Cái  hay của đạo diễn Nhật Linh là tráo đi tráo lại giữa mối tình trung niên (Trần Lực đóng) và những mối tình thời thơ trẻ ( Avin Lu đóng) vẫn rạch ròi, tình nào ra tình đó, không lẫn lộn vào nhau khiến người xem không thấy chán.

Trong bối cảnh đó, các giai nhân, các nàng thơ lần lượt xuất hiện cùng với các cảm tác của nhạc sỹ về họ. Đầu tiên là danh ca Thanh Thuý nổi tiếng một thời với giọng – hát – liêu – trai đã được ông tặng bài ca Ướt Mi là một trong những sáng tác đầu đời của mình. Rồi là Diễm Xưa, ông viết để tặng nàng Bích Diễm, mối tình đầu, nổi như cồn ở những năm 60 thế kỷ trước, đã trở thành bản nhạc kiều mị bất hủ, mà tuổi trẻ thời đó không ai không mê đắm. Sau đó là Dao Ánh, là Khánh Ly, là Michiko và cuối cùng là Hồng Nhung mỗi người đều có một thân phận riêng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và để đáp lại ông cũng có những ca khúc ẩn ý riêng biệt dành tặng riêng cho từng Em và Trịnh.

 Tuy không sành lắm về các cấu trúc điện ảnh, bởi tôi chỉ là một kẻ ngoại đạo đối với nghệ thuật này và cảm nhận theo cách nhìn phiến diện của một khán giả thì tôi thấy phim này đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã thực hiện khá tốt, giữa các cảnh rất nhịp nhàng và dễ hiểu. Đây là một bộ phim đáng xem, dĩ nhiên còn có nhiều hạt sạn, có nhiều cảnh lạc đề không nên cố nhồi  nhét vào, (để lấy lòng kiểm duyệt chăng ?), bởi như thế sẽ làm cho giá trị của bộ phim thấp đi.

                                                             TRỌNG THI

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …