TÂM TÌNH CỦA MỘT NGƯỜI CON TRƯỚC LÚC ĐI XA, NGHĨ VỀ GX CHÂU SƠN

Nghe tin anh Nguyễn Thế Hùng, một người con của trường Tiến Đức Châu Sơn bị đột quỵ trầm trọng và người nhà cho biết, Bác sĩ bảo: anh chỉ còn tại thế được vài ngày nữa thôi. Tôi một người bạn chí thân với anh, chỉ biết cầu nguyện cho anh chóng hồi phục. Và nhân tiện mượn trang Web TĐCS để giải bày nỗi niềm của anh với GX Châu Sơn qua bài viết “Châu Sơn với tôi” đăng trong Kỷ yếu Tiến Đức năm 2011.

Châu Sơn với tôi,

Tôi tha hương đến nay đã 25 năm thế mà Châu Sơn với tôi vẫn mãi là một phần của cuộc sống trong tôi như một vùng quê còn nghèo nhưng giàu sức sống và đầy ắp tình người, tạo nên một nét rất riêng khiến tôi nhớ mãi mỗi lần quay trở lại, vẫn còn là một cái gì để nhớ, để thương và vẫn mong được trở về.

Vừa rồi Bác ruột tôi mất, tôi mới biết được ước muốn cuối đời của ông là được về an nghỉ ở nghĩa trang Châu Sơn cho dù giáo xứ sở tại đã dành cho ông một nơi yên nghỉ cho xứng với những đóng góp không nhỏ của ông cho giáo xứ nơi ông sống từ những năm mới di cư vào Nam.

Rời nghĩa trang Châu Sơn trong tiết trời se lạnh của buổi hoàng hôn vùng đất cao nguyên đất đỏ trong những ngày chuyển mùa với những cơn gió đầu đông nhè nhẹ thổi về, sau thánh lễ kính các đẳng linh hồn được cử hành tại nghĩa trang như mọi năm, lòng tôi ấm lại, ấm vì cảm nhận đủ tình liên đới, sự nối kết dù chưa trọn vẹn giữa những người con của giáo xứ, ấm vì cảm nhận trọn vẹn được mối dây liên kết giữa người còn sống và những người thân đã khuất xuyên suốt trong thánh lễ bắt đầu từ bài dẫn nhập với lời gợi nhớ “người chết nối linh thiêng vào đời”.

Một khoảng lặng linh thiêng vừa đủ để gợi lại cho tôi một khoảng trời kỷ niệm thời thơ ấu pha lẫn buồn vui, ở đó vẫn còn một chút ân hận dằn vặt, một chút ấm áp, một chút gì đó để thấy cuộc đời không phẳng lặng đến nhàm chán, trống rỗng.

Với tôi, cuộc sống nơi đây vẫn yên bình, êm ả hơn nhiều so với vùng thị tứ nơi gia đình tôi sống hiện nay. Cuộc sống không quá im ắng, nhưng cũng chẳng  khi nào bị đánh thức bởi những âm thanh làm đảo lộn tất cả. Châu sơn trong trái tim tôi là cả một quê hương với hình ảnh một xứ đạo toàn tòng gần thành phố, một mảnh đất ấm áp tình người, tượng Đức Mẹ đầu làng như một lời nhắn gửi đến không chỉ những đứa con xa quê trở về hoặc những khách thập phương, mà còn cả những ai bôn ba với cuộc sống thường ngày: qua Mẹ và nhờ Mẹ, Châu sơn luôn sẵn sàng mở rộng cửa đón chào họ với tất cả tấm lòng.  Ngôi thánh đường khang trang với hoa viên các Thánh đã trở thành trung tâm kết nối tất cả mọi thành viên gần xa. Tượng Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi như dang rộng vòng tay chở che cho mỗi người con đang sống dưới mái ấm Chậu sơn cũng như những đứa con lưu lạc mỗi khi đặt chân về.…

Mẹ tôi mất lúc tôi lên 3, thiếu vắng hơi ấm và những lời ru ngọt ngào của mẹ, tôi lớn lên bằng những chắt chiu cơm áo và tình thương có lẽ không tròn đầy của bố tôi trong cái cảnh gà trống nuôi con trong những năm đầu sau khi mẹ tôi mất, của Dì cùng họ hàng lối xóm, bởi lẽ chỉ đến năm tôi lên mười, bố tôi cũng lại ra đi.

Dù muốn lãng quên, tôi cũng không thể nào quên được những biến cố khó có thể xóa nhòa trong ký ức tôi, bởi lẽ hành trang tôi mang theo là một tuổi thơ với ngày 1 buổi đến trường, một buổi chăn bò với ít nhiều cái mặc cảm của một đứa con sớm mồ côi cha mẹ, mới 7 – 8 tuổi đã phải đi cuốc rẫy, bên cạnh những nỗ lực vươn lên để có thể bù đắp phần nào thiệt thòi của tuổi thơ, để hòa đồng với bè bạn cùng trang lứa, không thiếu những cảnh đùa nghịch của tuổi thơ trong cái giản đơn và sự thiếu thốn của cuộc sống Châu sơn lúc đó như đánh trận giả, kể cả ra suối tắm truồng…., nhưng vẫn đem lại niềm vui cho những đứa đầu trần, chân không dép, quanh năm chỉ biết lăn mình với đất cát như chúng tôi.

Đọng lại trong ký ức của tôi là hình ảnh của một Linh Mục Chính xứ không chỉ lo viêc đạo, đời sống tinh thần, giáo dục đức tin, công việc của một vị chủ chăn, mà còn là người vạch ra chương trình theo dõi sức khỏe của thiếu nhi giáo xứ, có vậy tuổi trẻ chúng tôi thời đó mới có khái niệm về việc phát triển thể lực với việc cân định kỳ để biết mình phát triển ra sao.

Tôi còn lưu giữ mãi hình ảnh của ông Đức thôn trưởng, vì ích lợi chung và để tránh cho đường sá khỏi bị hư hỏng và trơn trượt vào mùa mưa, đã mạnh dạn cầm sào dựng thẳng đứng để mọi người chặt bỏ những cành mít lấn che lòng đường; hình ảnh của ông Công, học có lẽ không nhiều, nhưng khả năng tính toán, giám sát và xây dựng những công trình nhà thờ, tháp chuông,…. không thua gì một ông kỹ sư xây dựng được đào tạo bài bản; tài năng đến vậy, nhưng khi gặp người nhỏ tuổi hơn mình bất cứ nơi đâu, ông lại là người mở lời chào hỏi thăm ân cần trước; hoặc hình ảnh của một thầy giáo dành phần lớn thời gian của mình để dạy kèm lũ trẻ không công tại nhà chỉ với niềm mong ước góp phần cho tuổi thơ thế hệ của chúng tôi được chắp cánh bay xa.

Tôi còn giữ mãi ký ức về những bà mẹ già, góa bụa, hình ảnh những người chị phúc hậu đảm đang, chắt chiu từng đồng với rổ khoai từ, khoai sọ, từng quả mít thối một phần, trái đu đủ, mớ ớt, mớ ngò… để góp thêm tiền trang trải cho con mình đi tu, đi học; còn văng vẳng đâu đó trong tôi tiếng sáo vang vọng những đêm trăng thanh : “Lời mẹ ru con đến những khu vườn, ru con chưa nắng í a… ru mộng còn thơm … lời mẹ ru con nghe ra nỗi niềm … con ngủ giấc tròn cho mẹ ngồi trông … ru bạc tóc thôi… Rồi một mai con đã lớn khôn rồi… mẹ rời chiêm bao… lá đổ ngoài sân để ru mẹ ngủ” (Lời mẹ ru – Trịnh Công Sơn).

Để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi là hình ảnh thế hệ đàn anh chúng tôi mỗi ngày còng lưng trên những chiếc xe đạp cọc cạch trên con đường gập ghềnh lầy lội mùa mưa hoặc đầy bụi đỏ mùa khô, mang theo gamen cơm cà dưa muối, với niềm ước mơ được tung cánh bay xa, chen chân với thế hệ trẻ thành thị cùng lứa tuổi, thế mà sau này không ít trong họ đã trở thành những người chỉ huy, nhà giáo, những “thiên thần” mũ đỏ, mũ nâu … Châu sơn với tôi còn là cái nôi sản sinh không ít những ơn gọi tận hiến dâng mình cho Chúa, những người thành đạt trong xã hội, du học hoặc công tác nước ngoài, những người hăng say làm việc từ thiện, những nhân tài, nhạc sĩ nhưng không qua trường lớp….

Vâng, Châu Sơn được như ngày hôm nay là nhờ tâm huyết của thế hệ cha ông chúng tôi, những người đã vượt khó, vượt khổ, góp từng viên gạch bằng chính mồ hôi và cả nước  mắt xây dựng nên Châu sơn hôm nay, tạo nên những bệ phóng và góp nên những hành trang cho bao thế hệ con cháu vươn ra xa.

MỘT CÕI ĐI VỀ

Như một tất yếu, với thời gian, ông bà cha mẹ, người thân của chúng ta và mai này cả chúng ta nữa sẽ an nghỉ ở nghĩa trang.

Cùng chung tay xây dựng nơi an nghĩ ấy ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn, chắc không chỉ làm ấm lòng người tiền nhân, những người đi trước, mà những người còn lại như chúng ta cũng có nơi để tìm cho mình những khoảng lặng.

“ Châu Sơn nơi ấy ta khóc cười

Cũng là chốn an nghĩ người thân”

Châu Sơn ơi, xa rồi sao vẫn nhớ, vẫn thương thế!

Mai này cho tôi về an nghỉ với nhé!

Nguyễn Thế Hùng – lớp 65-66 Tiến Đức

 

 

Check Also

LỜI NGƯỜI TRỞ VỀ !

Qua bao năm chờ đợi, rồi thời gian thấm thoát trôi, ấy vậy mà sau …