ẢNH HƯỞNG CƠN BÃO, DỊCH BỆNH COVID -19 VỚI CHÂU SƠN

Cơn bão dịch Covid – 19 đã đi qua được gần 2 tháng tại Trung Quốc, VN và gần 100 nước trên thế giới, mà dường như chẳng có sự gì tác động đến người Châu Sơn. Trong khi diễn tiến của dịch bệnh Covid – 19 ngày càng phức tạp và đe dọa tính mạng của con người hầu trên khắp thế giới qua từng giây từng phút được báo đài và mạng liên tục phản ánh thì, người Châu Sơn vẫn sống vô tư và hầu như ngủ yên trong cái pháo đài “làng Châu Sơn”. Họ giống như “điếc không sợ súng” để “ngu si hưởng thái bình”.

Tâm trạng của người Châu Sơn cũng giống như làng Vũ Đại ngày ấy. Chí Phèo chửi hết quan quyền, chửi hết Bá Kiến của làng Vũ Đại ngày ấy, ai cũng tưởng rằng nó sẽ chừa mình ra. Nhưng khi nó chửi hết tất tần tật cả làng Vũ Đại không trừ ai, thì mọi người mới ngã ngửa ra…

Người Châu Sơn cũng thế! Vì nghĩ rằng dịch bệnh Covid – 19 này nó ở xa xôi chẳng ảnh hưởng gì đến mình để kê cao gối ngủ một cách vô tư. Phải đến khi Đấng bản quyền Giáo Phận có những cảnh báo cấp bách đến giáo dân: Không được rước lễ bằng miệng và chỉ rước lễ bằng tay để tránh sự lây lan dịch bệnh. Rồi giáo quyền cũng nhắc nhở tránh tụ họp lễ hội đông người khi không cần thiết. Thánh lễ nên chia ra nhiều nhóm nhỏ cho nhiều thánh lễ.  Và ngay cả khi cảm cúm nhẹ cũng không buộc phải đi lễ ngày Chủ Nhật mà không hề mắc tội trọng như luật buộc…Rồi Giáo phận phổ biến kinh cầu nguyện riêng về dịch bệnh cho sự an lành môi trường sống, cũng  như cầu nguyện cho người mắc bệnh và người chết, thì người giáo dân Châu Sơn mới ý thức để thấy rằng, Giáo phận đã vào cuộc và quan tâm lo lắng cho người giáo dân thì, chuyện phòng tránh dịch bệnh đã không còn đơn giản như mọi người tưởng nữa rồi.

Và giống như “phát súng ân huệ cuối cùng” của giáo phận là, cử hành “phép hòa giải chung” cho cộng đồng để không phải từng người vào tòa giải tội trong mùa Chay và mùa Phục sinh…Điều này chỉ mới xảy ra một lần trong biến cố 75 mà thôi. Chỉ lúc này mới thực sự đánh động đến người Châu Sơn phải vào cuộc với sự phòng chống dịch bệnh Covid một cách tích cực hơn.

Những ngày này, người giáo dân có cảm tưởng như đã  sắp đến ngày tận thế, để giáo phận phải cảnh báo với những đối phó cấp bách như thế! Ra đường, người Châu Sơn đã bắt đầu đeo khẩu trang nhiều hơn. Và ngay cả khi đi tham dự thánh lễ, bên ngoài nhà thờ cũng đã đặt sẵn những bình thuốc sát trùng dịch bệnh Covid – 19… Người giáo dân đi lại ít hơn.

Ở xã hội, ngoài những quan tâm của truyền thông báo đài và cơ quan hữu trách, luôn cảnh báo sự hiểm nguy của dịch bện Covid và cách chống và phòng bệnh cho người dân từng ngày. Sinh viên học sinh đã bị “cấm vận tới trường” cho tới khi điều kiện phòng chống dịch bệnh khả quan hơn. Các công nhân cũng đã nghỉ làm dài hạn. Du lịch, nền công nghệ không khói cũng đình trệ, nhất là các hãng hàng không cả thế giới đều chịu cảnh “đóng băng”…Tác động cảnh báo dịch bệnh Covid -19 đã cộng hưởng với nghị định 100 cấm bia rượu khi tham gia giao thông đã tác động đến các nhà hàng quán sá nhậu nhẹt vắng tanh như chùa Bà Đanh. Giao thông trên đường phố cũng vắng thưa hơn…Nhìn chung là mọi hoạt động xã hội có phần đình trệ hơn khi chưa có dịch bệnh. Khẩu trang Y tế cũng cháy hàng không đủ cung cấp…

Những ngày này, bên ngoài xã hội, vừa phát hiện ra trường hợp nạn nhân thứ 17 vào lúc 22 giờ đêm ngày 07.03.2020, thì ngay lập tức, tất cả cơ quan công quyền và bộ Y tế Hà Nội đã vào cuộc họp khẩn suốt đêm để tìm giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh đang có nguy cơ hoành hành tại Hà Nội.

Và chỉ vài ngày sau, con số người nhiễm vi rút Covid – 19 lên đến 31 ca (09.03.2020) thì, người Châu Sơn đã hiểu ra rằng: lâu nay họ ngủ yên trong cái yên bình giả tạo…

Thế là ở ngoài xã hội bắt đầu lan ra “một cơn dịch mua thực phẩm”. Mọi người đôn đáo ngược xuôi phố phường để tranh nhau mua thực phẩm khô và thuốc vệ sinh sát trùng… Nhiều nhất là gạo – lương thực cơ bản, sau rồi đến mì tôm, dầu ăn, nước mắm, đồ hộp…Dường như người ta lo sợ hình ảnh của một thành phố chết Vũ Hán…Thế là các siêu thị, hàng quán đang ở mức báo động cháy thực phẩm khô…

Người dân nghĩ đến một sự tích trữ thực phẩm là điều rất cần thiết cho “một trận dịch thế kỷ” có nguy cơ sẽ đến với họ trong những ngày này. Khi mà dịch bệnh lan ra, mọi nẻo đường sẽ bị cách ly và phong tỏa với bên ngoài, thì thực phẩm khô sẽ là lương thực cứu sống họ qua những ngày dịch bệnh…

Với người giáo dân Châu Sơn, họ luôn tín thác và cậy trông vào Chúa để tin tưởng rằng: những lời cầu nguyện của nhân loại sẽ được Chúa nhận lời để cứu rỗi loài người qua cơn bão tố dịch bệnh khủng khiếp này, hầu mong trả lại cuộc sống yên bình và an vui cho thế giới!

Châu Sơn choa

 

Check Also

Một tri âm tri kỷ: Đời vắng em rồi, say với ai!!??

Mỗi lần nhớ đến Hùng, anh lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà …