Anh Từ ơi! Vĩnh biệt tay vẽ tài hoa một thời…

Nghe cháu Quynh (Hy) báo qua điện thoại: nhờ dượng lên cáo phó trang TĐCS cho ông Từ. Ông Từ nào? Ông Từ vẽ đó dượng.

Lúc này, ký ức một thời trong tôi bỗng hiện về…

Tôi thua anh Từ hơn một giáp tuổi, nếu kể là bạn thì không đúng. Nhưng gặp nhau khi nào cũng chuyện trò xuề xòa xởi lởi rất thân tình. Tạng người anh hiền hòa, kiệm lời, chuyện trò đằm thắm, không thích phô trương. Trông người anh khiêm tốn là thế, nhưng nghe đâu anh có cử nhân bên Khoa Xã hội học ấy chứ! Thực ra, tôi quen anh Từ cũng nhờ cây dây leo qua bạn Ngọc Tuấn (cha).

Hồi đó, Ngọc Tuấn và anh Từ làm việc với nhau bên Cửa hàng Hợp tác xã Nông nghiệp của Xã, nên tôi thường có dịp gặp gỡ anh. Gặp anh, từ đàng xa, anh đã nở một nụ cười hiền hòa, rồi chìa tay ra bắt niềm nở giống như một người bạn thân lâu năm không gặp.

Tôi quý mến và trân trọng cái tình bạn vong niên với anh lắm! Vì anh lớn tuổi hơn tôi nhiều mà cứ xưng “mình” với Kính. Anh hỏi thăm tôi chuyện làm ăn ra sao? Chuyện vợ con…? Chuyện đàn địch sáng tác…Tôi hỏi thăm anh chuyện trước 75, nghe đâu anh đi lính được đặc cách sang bên phòng Văn nghệ quân đội và học vẽ trong đó. Sau 75, anh thường giúp vẽ trang trí cho nhà dòng và các GX…

Những lúc rỉ rả chuyện trò, anh cho biết những diễn biến xã hội, chính trị trước 75 khá tường tận. Anh quen biết nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà thơ… trước 75. Xem ra anh cũng có tầm hiểu biết về xã hội và giới văn nghệ một cách khá rộng rãi đấy chứ!

Còn nhớ ngày xưa, anh là một trong bộ tứ trong ban phụng mỹ, trang trí cung thánh nhà thờ, gồm có: Ngọc Tuấn (cha), Ngọc Minh, Văn Xuân (Từ) của thập niên 80 thời LMQX Nguyễn Thanh Tâm. Anh là người chuyên vẽ Pano cảnh trí: Giáng sinh và cánh gà sân khấu. Anh đúng là một hoa tay đầy tài năng.

Những năm sau này, tôi ít khi gặp anh, chỉ thi thoảng gặp anh lái xe cày Hinomoto đi rẫy. Anh chỉ cười và vẫy tay…Dòng đời cứ thế trôi cuốn để hai chúng tôi lãng quên nhau hồi nào không ai hay.

Anh là người đàn ông độc nhất trong gia đình, nên phải gánh vác công nặng việc nhẹ tất tần tật đến tay anh. Người anh vốn đã hao gầy, nay lại phải cáng đáng việc đồng áng, càng làm anh thêm gầy gò tiều tụy. Số anh vẫn khổ, so với những người lứa tuổi đàn em đã về hưu, nghỉ làm rẫy từ lâu rồi. Nhiều khi thấy anh tháng ngày vẫn còn còm cỏi lái xe cày đi rẫy, nghĩ mà thương.

Nhớ có lần đến thăm anh cách đây hơn hai năm, trong căn nhà ván tối tăm, trông anh tiều tụy lắm rồi! Thấy tôi vào, anh vẫn gắng gượng dậy và nở nụ cười hiền hòa như độ nào. Tôi hỏi: “Lâu lắm rồi không thấy anh lái xe cày đi rẫy nữa?”. “Đi cái nỗi gì hả chú, nằm bẹp dí những mấy năm nay rồi, lễ cũng chẳng đi được nữa là rẫy”. “Anh đau sao không đi viện chữa trị?”. “Người già ốm yếu, bệnh tùm lum, không còn cứu chữa nổi đâu”. “Chẳng lẽ anh đành chờ chết hay sao?”. Tôi biết hoàn cảnh anh éo le lắm! Tôi lại hỏi: “Bạn bè có ai thường đến thăm anh không?”. Anh bảo: “chả có ai, cha Tuấn về có vài lần ghé thăm”. Khi tôi chào anh ra về, anh có vẻ bịn rịn xúc động, tưởng như lần gặp này là cuối cùng. Giọng anh bồi hồi: “Cám ơn Kính đã nhớ tới thăm mình”.

Anh sống như một kẻ sĩ về ở ẩn, mọi chuyện đời “thế sự thăng trầm quân mặc vấn” Cuộc sống của anh âm thầm tĩnh lặng như mặt nước hồ thu, dễ có đến 20 năm nay… Người Châu Sơn dường như chẳng mấy ai nhớ đến anh nữa rồi.

Người ta đã quên đi một con người với những nét vẽ tài hoa của một thời thập niên 80. Người ta đã quên đi một con người khiêm tốn, nhưng ẩn chứa một năng lực tri thức đầy mình. Người ta đã quên đi một con người nhân cách lớn trong một con người nhỏ nhắn rất đáng mến.

Cuộc đời là thế đấy anh ạ! Đến em đây mà tưởng cũng đã quên anh từ độ nào rồi, thì còn trách cứ được ai nữa hả anh. Cuộc đời là một dòng chảy, hờ hững trôi và vô tình mang đi tất cả.

Gia cảnh của anh vốn đã đơn côi và quạnh quẽ, anh lại chọn ra đi vào lúc xã hội phong tỏa dịch Covid, khiến cho cảnh tang chế thêm ảm đảm và hắt hiu buồn như cuộc đời của anh.

Thôi nhé anh!!! Bằng lòng đi nhé anh!

Cầu chúc anh ra đi an bình về cõi vĩnh phúc!!

Nhớ anh, nhớ cả một thời

Dáng người nhỏ nhắn hao gầy dễ thương

Cuộc đời anh chẳng vấn vương

Bon chen dâu bể đời thường nhẹ mang

Anh về với cõi thênh thang

Nhục nhằn rửa sạch thiên đàng đón anh

Vĩnh biệt anh – một người bạn vong niên thân thương!!

Nguyễn Văn Kính – Một người em

 

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …