Sau bài viết: “Thôn 2 và thôn 3 kiến nghị thay đổi vị trí cơ sở hỏa táng” đăng trên trang web TĐCS của tác giả TĐCS, khiến dư luận xôn xao: Liệu kiến nghị của người dân thôn 3, có làm thay đổi được vị trí cơ sở hỏa táng chăng???
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hồng – thôn trưởng thôn 3 cho biết: Việc chọn vị trí xây dựng cơ sở Hỏa táng ở thôn 3, Xã Cư Ebur là chưa có gì là xác thực, vì ngay cả đến Bí thư – ông Lương trong UBND Xã Cư Ebur cũng chưa nhận được một văn bản nào của UBND TP.
Vì thế, Ban thời sự TĐCS đã làm một phóng sự thực địa và tìm hiểu vấn đề kiến nghị của người dân thôn 3 đã diễn tiến như thế nào??
Trước hết, chúng tôi đã vào ghi hình ở vị trí địa điểm bãi rác trước kia, để xem thực hư, sau khi bãi rác đã được chỉ thị hủy bỏ, và hiện trường bãi rác đã có diễn biến xây dựng công trình mới nào không?
Trưa ngày 10.05.2020 chúng tôi có mặt tại hiện trường bãi rác. Hai hàng cây, cành lá xác xơ dưới cơn nắng hạ như thiêu đốt đã dẫn đường vào bãi rác. Bãi rác thải 3 Ha ngày trước, chất gò đống ngỗn ngang rác thải, nay đã bị vùi lấp bởi những xe đất đắp cao lên, nên chỉ còn dấu tích của những bao ni lông, rác rưởi lác đác đây đó nữa mà thôi.
Quang cảnh vắng lặng giữa trời nắng chang chang càng làm cho thêm cảnh vật thêm hoang vắng. Ở nơi chòi canh, có hai ông bà người dân tộc vào trú nắng ở đó…Chúng tôi hỏi:
– Nhà nước thay đổi bãi rác bằng công trình gì vậy thưa ông?
Người dân tộc trả lời:
– Mình không biết rõ công trình gì, nhưng nghe đâu là cơ sở hỏa táng gì đó!??
– Thường ngày có công nhân nhà nước làm không?
– Những ngày trước có công nhân làm việc ở công trình: trồng hoa, trồng cỏ, và tưới tắm cho cây trồng. Nhưng mấy ngày nay không thấy họ làm nữa.
Chúng tôi đi vòng lên một đỗi đất đã được đắp lên cao gần 3 mét. Đó là một khoảng đất rộng 2 Ha, chạy dài hướng Đông Tây vào tận chân đồi núi Cư Ebur. Trên đó, công trình đã được trồng cỏ, quy hoạch theo từng luống chạy dài với ống dây và bét tưới còn để ngỗn ngang tại hiện trường. Mặc dầu, công trình đã đắp “một bờ hồ dã chiến” trải nilong để bơm nước lên, nhưng vì là mùa nắng hạn, nên cỏ trồng cũng đã khô cháy tiêu điều xác xơ. Thi thoảng thấy những ống chữ T bằng sắt, trông giống như lỗ thông hơi, đặt cao hơn mặt đất khoảng 30 cm, thiết kế cách xa nhau khoảng vài trăm mét.
Rõ ràng đây là một công trình đã được thiết kế và xây dựng rất công phu.
Chúng tôi rời hiện trường bãi rác cũ và ghé nhà anh Phạm Quang Tân. Vì nghe rằng, anh là người làm đơn kiến nghị xin thay đổi vị trí cơ sở hỏa táng tại thôn 3 Xã Cư Ebur sang một vị trí khác.
Anh cho biết: sau khi thấy bài báo trên trang điện tử “Thống nhất địa điểm quy hoạch xây dựng cơ sở hỏa táng tại xã Cư Êbur”. Trong đó có đề cập đến “UBND tỉnh vừa có văn bản thống nhất địa điểm quy hoạch cơ sở hỏa táng tại khu vực xử lý chất thải rắn ở thôn 3, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) với diện tích sử dụng khoảng 3 ha”. Các ấm nước mới khu vực xóm trong tỏ ra xôn xao: Tại sao Nhà nước xây dựng cơ sở Hỏa táng mà không hội ý với người dân thôn 3? Một lò hỏa thiêu xác người, chắc chắn phải gây ô nhiễm nghiêm trọng đến bầu không khí nơi người dân thôn 3 sống??
Từ những thao thức và trăn trở của người dân sẽ bị tổn hại khi nhà nước xây dựng cở sở Hỏa táng ở sát liền kề với thôn 3 dân mình, nên mọi người đã đi đến quyết định chung là, làm đơn kiến nghị xin nhà nước, vì ích lợi đời sống của người dân thôn 3 mà thay đổi vị trí cơ sở hóa táng cho thích hợp hơn.
Ông Phạm Quang Tân cũng cho biết, sau khi các hộ dân ký vào văn bản đơn kiến nghị, ông đã ra trình đơn với Cha xứ và đã được cha xứ đồng thuận.
Chúng tôi cũng được ông Tân cho xem đơn kiến nghị đề ngày 12/3/2020 và những chữ ký của người dân thôn 3. Chúng tôi nhận thấy qua đơn từ của ông rất bài bản, khi nêu ra những lý do rất chính đáng về những mối nguy hiểm độc hại nghiêm trọng đến đời sống của người dân khi nhà nước xây dựng cơ sở Hỏa táng, một vị trí liền kề với khu dân sinh thôn 3. (Bản văn đơn kiến nghị được chúng tôi chụp hình đăng ở phần sau bài viết này).
– Xin ông cho biết diễn tiến sau khi ông gửi kiến nghị lên UBND Tỉnh như thế nào thưa ông?
Ông Tân: Khi UBND Tỉnh nhận được đơn kiến nghị của thôn 3, “UBND Tỉnh đã chuyển đơn kiến nghị này xuống UBND TP Buôn Ma Thuột (kèm đơn kiến nghị) để xem xét, trả lời, trường hợp phát sinh những nội dung vượt thẩm quyền thì chủ động làm việc với Sở xây dựng để thống nhất, đề xuất UBND tỉnh”.
Nhận được công văn này, UBND thành phố Buôn Ma Thuột triển khai thực hiện, hoàn thành trước ngày 31/3/2020./. (Trích văn bản của UBND Tỉnh gửi UBND TP).
– Lúc này đã là ngày 10/5/2020, vậy UBND TP đã hồi đáp và giải quyết đơn kiến nghị theo chỉ thị của UBND Tỉnh là phải triển khai, thực hiện, hoàn thành trước ngày 31/3/2020 chưa?
Ông Tân: người dân thôn 3 chưa có được sự hồi đáp nào của UBND TP.
Khi chúng tôi xem lại cuối văn bản gồm toàn thể nhân dân thôn 3 đồng ký tên theo phụ lục đứng kèm.
Chúng tôi hỏi ông Tân:
– Ông không ghi địa chỉ rõ ràng người đại diện tập thể của đơn kiến nghị, làm sao mà UBND TP có thể làm việc hay tiếp xúc được khi cần thiết?
Ông Tân: Đây là đơn kiến nghị của tập thể thôn 3, không thể đứng tên một cá nhân nào được.
– Nghe nói người dân thôn 8 cũng có có đơn kiến nghị thay đổi vị trí cơ sở hỏa táng? Ông Tân: tôi cùng nghe nói như thế, chứ không biết rõ về việc này.
Phải chi thôn 8 và thôn 3 đồng bộ phối hợp với nhau để làm đơn kiến nghị, sẽ tạo được tiếng nói chung và tác động đến nhà nước thì sẽ hiệu quả hơn. Sau nữa, đơn kiến nghị cần phải có người đứng tên đại diện để cơ quan công quyền có thể dễ dàng gặp gỡ tiếp xúc và trao đổi, chứ không có người đứng tên sẽ rất khó trong việc giải quyết vấn đề.
Xin cám ơn ông Phạm Quang Tân đã có cuộc trao đổi với ban thời sự TĐCS.
Ban Thời sự TĐCS – Hình ảnh Đình Hy
Bình luận