Chuyện phiếm: LẠY CHÚA, CON LÀ THẰNG MỌI BỮA.

1.   Thuở ấy, cách nay hơn 60 năm, chúng tôi còn nhỏ lắm, học lớp nhất lớp nhì với thầy Chấp và thầy Hoàn là những giáo viên đầu tiên của trường Tiến Đức. Chúng tôi theo ông bà, cha mẹ vào Nam để giữ đạo nên còn “ ngờ nghệch và dại ngài” lắm và thường là giữ đạo theo quán tính. Người lớn, nhất là các đấng bản quyền bảo sao là vâng lời ngay không một chút do dự.

Hồi đó cha Nguyễn Trí Thức là Linh Mục Quản Xứ mà ngài lại rất đạo đức. Hằng ngày, Ngài dạy cho chúng tôi phải nhớ đến Chúa nhiều lần bằng cách lẩm nhẩm trong miệng “Lạy Chúa! con mến Chúa. Lạy Chúa! Con mến Chúa….”. Cho nên mỗi lần gặp Ngài câu hỏi đầu tiên là: Ngày hôm nay con nhớ Chúa  mấy lần. Nếu đứa nào nhớ ít thì Ngài thường vỗ về và khuyên nên nhớ Chúa nhiều. Cho nên chúng tôi thi nhau nhớ Chúa thật nhiều. Có đứa khi được hỏi, đã thưa là mình nhớ Chúa trên cả ngàn lần trong một ngày.

2.   Như thế đó, chúng tôi sống thân ái như trong một nhà, có điều gì chưa biết thường hỏi ý nhau. Chẳng hạn, rất siêng đi nhà thờ nhưng  mỗi lần đến với Chúa chúng tôi không biết mở đầu chào Chúa như thế nào? Đứa thì bảo cứ làm dấu là được. Đứa lại bảo phải xưng tên tuổi đàng hoàng cho Chúa biết. Đang lúc chưa biết cách nào hay thì có đứa phang một câu xanh rờn: “ Theo tao là cứ nói đại Lạy Chúa, con là thằng mọi bựa”. Câu nói của thằng bạn bật thốt  khiến tất cả đều tức cười nhưng nghĩ lại thấy cũng hay hay. Câu nói theo âm giọng Hà Tĩnh ta, tuy hơi có vẻ  thô thiển nhưng lại rất thật, rất thân thương. Mà đúng thế, ngoài vấn đề không văn vẻ, nhưng nó lại khá đầy đủ ý nghĩa, vừa giới thiệu mình siêng đi lễ hằng ngày, vừa kính Chúa cao cả, vừa khiêm nhượng mình chỉ là (thằng) bé mọn đối với Chúa. Tác giả đồ rằng Chúa thích cách chào hỏi thân mật, chất phác và dễ thương này nhất.

3.   Nói đến chuyện thân mật và yêu thương, nhất là với đám trẻ con, có lẽ không ai bằng Chúa Giêsu. Cả ba Tin Mừng của Matthêu – Luca – Maccô đều đã chứng minh điều đó.

Người ta còn đem cả trẻ thơ đến với Đức Giêsu để người đặt tay trên chúng. Thấy vậy, các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêu Su gọi chúng lại mà nói: “Cứ để chúng đến với thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận nước Thiên Chúa với một tâm hồn trẻ em, thì chẳng được vào.” (Luc 18,18-23).

Đoạn Tin Mừng trên cho biết tiêu chuẩn để vào  nước Thiên Đàng chúng ta phải có tâm hồn ngây thơ trong trắng như trẻ con.

Nhưng, ắt hẳn trong những lúc Chúa thân mật với đám trẻ con như thế, đã không ít lần Chúa để cho đám trẻ con bẹo tai, bẹo má hoặc  cù léc nhưng Chúa chẳng hề chấp nê điều đó. Có thể, đôi khi ngẫu hứng Chúa còn dùng giọng Hà Tĩnh ta để hỏi một chú bé nào đó: Cu ni cu chi hè ? Con enh mô đây hè ?

4.   Chúa Giêsu đón nhận các trẻ thơ với một tâm hồn bao dung trìu mến của một người cha nhân ái. Nếu ai đó nói rằng “chơi chó, chó liếm mặt” thì e rằng kẻ đó đang lấy thước tiểu nhân mà đo lòng quân tử rồi đó! Không thể áp đặt câu nói đó vào trường hợp này được, bởi Thiên Chúa là vị vua cao cả của đất trời đã xuống thế làm người thì không thể có sự so sánh hay ví von quàng xiên như thế được. Câu nói này chỉ hợp với những tay chơi trống bỏi thích những trò xà nẹo đú đởn hay những kẻ hạ thấp nhân cách xuống để bị “chó” nó giỡn mặt .

5.   Đạo Phật có câu ca dao:

           Gần chùa gọi bụt bằng anh,

           Thấy bụt hiền lành, cõng bụt đi chơi.

Câu ca dao này như là một lời trách móc nhẹ nhàng kẻ lợi dụng tình thân thiết để đồng hóa với đấng thần linh mình tôn thờ. Thực ra, cũng nên thông cảm vì tâm lý con người vốn nó như thế. Nhưng mà nếu có một hình ảnh thực tế như vậy nhỉ? Một buổi chiều nào đó chúng ta bắt gặp một anh chàng vai u thịt bắp đang loay hoay cõng ông bụt hiền lành đi chơi quanh làng với đám trẻ con kéo nhau đi xem cười nói rộn ràng! Dễ thương đấy chứ !!! Còn hơn xa những kẻ mưu đồ chính trị đem “bụt lên chọng” để đi biểu tình.

Tóm kết: Đôi khi, trong cuộc sống đa đoan, phức tạp chúng ta đã vô tình có thái độ ứng xử chưa đúng mực với Chúa, với Đức Phật và các đấng Thần Linh ta tôn thờ, thậm chí còn coi thường các Ngài vì các Ngài đã quá dễ dãi, quá nhân từ. Vậy thì từ nay chúng ta phải biết sống xứng đáng với những ơn huệ mà các Ngài ban cho.

                                                           NGÀI VẪN THẾ

 

 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …