THÁNH GIUSE NGOẠI TRUYỆN

Tháng ba lại về. Về cùng với mùa chay quen thuộc.

Tháng ba cũng là tháng Giáo Hội mừng kính Thánh Giuse hằng năm. Thánh Giuse là một vị Thánh lớn bậc nhất của Giáo Hội Công Giáo. Bởi ngài là nghĩa phụ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đồng thời là chồng của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Ngài được Giáo Hội dành cả một tháng để kính nhớ. Và mỗi năm còn có hai ngày lễ lớn (19/3 và 01/5) để tôn vinh ngài. Ngài được tuyên xưng dưới nhiều tên gọi như Thánh Giuse thành Nazareth, Thánh Giuse Thợ, Thánh Cả Giuse và nhất là danh xưng NGƯỜI CÔNG CHÍNH.

 Ngài được tôn vinh với nhiều danh xưng như vậy bởi ngài xứng đáng với công đức của mình. Ngài đã có một đức tin rất mạnh mẽ, một đức cậy biết phó thác và một đức mến thiết tha. Ngài đã tin và đã thực hiện tất cả những trọng trách Thiên Chúa giao phó, qua lời Sứ thần truyền, trong những hoàn cảnh rất khó khăn bi lụy, dỡ khóc dỡ cười. Những điều này được ghi chép trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm nhất là Tin Mừng theo Thánh Matthêu:

  -….“Khi tỉnh giấc ông Giuse làm như lời Sứ Thần Chúa dạy (Mt 1,24)”.

   -….“Ông Giuse liền chỗi dậy và đang đêm đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập (Mt 2, 14)”.

 -…. “Ông liền chỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người  về đất Israen (Mt 2, 21)”.

Các sách Tin Mừng chỉ đề cập về Thánh Giuse một cách rất đơn giản và sơ sài thế thôi. Nhưng để hoàn thành điều đơn giản và sơ sài đó lại là một trọng trách rất lớn lao. Chính vì thế Ngài đã không ít lần chùn bước ngã lòng. Mà Ngài chùn bước ngã lòng cũng phải thôi, bởi nhìn qua hình ảnh mà các họa sĩ đã phác nét lại thì Ngài chỉ là một ông thợ mộc già nua hiền lành, chất phác quê mùa, với râu tóc  bạc trắng trên khuôn mặt hốc hác và đặc biệt với đôi mắt trầm tư, xa vắng.

Vâng, đôi mắt của Ngài thật sâu lắng, hầu như bao giờ cũng đang ấp ủ một điều lo lắng khôn nguôi nào đó. Điều đó chứng tỏ rằng Ngài là con người có trách nhiệm cao, bởi ngài đã tự hứa với lòng sẽ hoàn thành nhiệm vụ Thiên Chúa giao, sẽ chăm sóc che chở cho Thánh Gia Thất đến nơi đến chốn…

Ở đây, chúng ta đang nói về một vị Thánh Giuse trong CHÍNH SỬ được các tác giả Tin Mừng dành nhiều cảm tình và sự quý trọng, nhưng phần “lý lịch” của ngài chưa được sáng tỏ lắm, xuất xứ của ngài cũng còn rất mù mờ và thiếu sót. Nói chung là chúng ta đang biết về Ngài trong “Nội truyện”, trong “chính sử” mà thôi.

Vậy muốn hiểu rõ hơn về Ngài, cũng như để kính phục và yêu mến Ngài hơn, chúng ta hãy tìm hiểu qua “Ngoại truyện”: những góc khuất, những suy tư sâu kín mà một con người bình thường trải qua. Và “Ngoại truyện” ở đây chính là những giai thoại, những suy nghĩ trong mỗi con người hay, thậm chí, là những NGỤY THƯ.

Xin dừng lại một chút: Chúng ta không nên hiểu NGỤY THƯ là sách nói bậy bạ. Bởi, nguyên gốc Hy Lạp NGỤY THƯ (Apocrypha) có nghĩa là sách giấu kín, nó ám chỉ là những sách không được ghi vào sổ bộ sách Thánh mà thôi, chứ không hề bôi bác bậy bạ ngược với nền tảng Giáo Lý căn bản. Ngược lại, đôi khi, còn giúp sáng tỏ được nhiều điều mà ta chưa biết khi chỉ dựa vào những chính phẩm. Chẳng hạn, như qua tác phẩm mang danh là “tiền Phúc Âm của Giacôbê” nhờ đó mà ta biết được danh tánh của song thân Đức Maria là Gioan Kim và Anna, cũng từ tác phẩm đó mà phụng vụ đón nhận lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thờ.

Và từ những phần “Ngoại Truyện” đó, ta có thể phác thảo lên một lý-lịch-trích-ngang về ông Thánh Giuse  sau đây :

Ông Giuse vốn dòng hoàng tộc, là hậu duệ đời thứ 40 của vua David, cha ông tên là Heli quê ở Bethlem, thành Nazareth. Tuy nhiên, gia cảnh của ông thuộc lớp bình dân đương thời. Ông sinh sống bằng nghề thợ mộc và vì nghèo nàn nên không màng đến chuyện lập gia đình. Tính ở vậy cho đến khi toan về già.

 Ngày ấy, xẩy ra có cô Maria, nức tiếng đạo đức, thùy mị nết na đến tuổi cập kê. Cô vốn đã dâng mình vào Đền Thờ ngay từ thuở nhỏ, nên các vị thượng tế ép cô đến tuổi phải lấy chồng. Bắt cô phải tìm ý trung nhân, mặc dù cô không muốn một tý nào cả. Nhưng mặc kệ, luật là luật, phải thi hành cho đúng. Mà luật Do Thái ngày ấy kể cũng hay, trong khi ở các quốc gia khác  người ta gieo tú cầu hay một hình thức lãng mạn nào đó, thì ở Do thái lại bắt các chàng trai mỗi người phải mang một khúc gậy đem đến đặt trong Đền Thờ. Ông Giuse cũng bắt buộc phải nộp một khúc gậy, mặc dù ông không muốn một tý nào cả, bởi ông nghĩ mình không xứng đáng, không có cửa: Mình già rồi và không mấy sáng sủa thế này làm sao xứng đáng với cô ấy?

Nhưng thánh ý Thiên Chúa nhiệm mầu vô cùng nào ai có thể đoán biết? Sáng hôm sau, vị Thượng Tế vào Đền Thờ cầu nguyện thì thấy các khúc gậy  vẫn còn nguyên si và các chàng trai buồn bã đến thu hồi gậy đem về. Trong Đền Thờ chỉ còn sót lại duy nhất khúc gậy của Giuse. Nghĩ mình không có cơ hội, nên mãi đến gần trưa, Giuse mới lừ đừ như ông từ vào Đền Thờ. Khi Giuse vừa lấy lại khúc gậy của mình thì một con chim bồ câu thoát ra và đáp xuống trên đầu ông. Và ngay tức thời, khúc gậy của ông Giuse liền nở hoa (chẳng biết là hoa gì nhưng có lẽ là hoa huệ vì thấy sau này trên bàn thờ Thánh Giuse lúc nào cũng đầy nhóc hoa huệ). Đúng là một dấu lạ, khiến ông Giuse rất bỡ ngỡ không dám dẫn Maria về nhà mình. Đến nỗi các Thượng Tế phải nói, phải dọa mãi ông mới chịu. Cuối cùng ông cũng dẫn Maria về trong ánh mắt ghen tỵ của các chàng rể hụt. Họ âm thầm tức tối vì niềm hạnh phúc của Giuse. Có kẻ đã thốt lên: “Đúng là mèo mù vớ cá rán !!!”

….Rồi, không hiểu Maria đã thỏ thẻ thuyết phục ông chồng già của mình thế nào mà sau đó hai người  nhất trí giữ mình thanh sạch không hề vương vấn tội trần. Và để giữ gìn sự “lửa gần rơm lâu ngày thế nào cũng bén”, ông Giuse đã tách ra, đi hành nghề ở một nơi xa để tránh những phút yếu lòng xác thịt khi hai người ở chung một mái nhà.

Nhưng ở đời có phải lúc nào cũng bằng phẳng cả đâu?

 Sáu tháng sau, khi đang ở nơi xa ấy, ông Giuse đã  loáng thoáng nghe được tiếng bấc, tiếng chì về vợ mình. Ông đã âm thầm trở về để xác nhận sự thật. Và sự thật xót xa đã phơi bày khi ông nhìn thấy bụng vợ đã lùm lùm… trong chiếc áo đình chiến (áo bầu). Ông thật sự bị sốc. Đúng vậy, một chuyện động trời như thế không sốc mới là lạ. Thật ra, trong trường hợp như thế, mỗi người sẽ xử sự theo cách thế khác nhau. Có anh sẽ ghen tuông đập vợ một trận thừa sống thiếu chết cho thừa thói gian dâm. Có anh bắt vợ phải phá thai. Có anh sẽ mua rượu uống cho say mềm rồi đi kiếm kẻ tình địch(?) quyết ăn thua đủ. Hay như Chí Phèo của Nam Cao thì sẽ rạch mặt ăn vạ rồi chửi vung lên cho  cả trời và cả làng Vũ Đại cùng biết.

 Nhưng ông Giuse đã không làm như vậy, bởi ông là một con người đạo đức, hiền lành, khiêm nhường, nhẫn nhục và nhất là ít nói (điều này đã được chứng minh trong Tin Mừng) . Ông ngồi lầm lỳ suy xét thiệt hơn. Ông toan tính làm cách nào để sự việc xuôi chèo mát mái, không “oang làng, oang xóm”. Ông là người Công Chính nên không muốn tố giác Maria. Vả lại làm như vậy thì cũng “xấu thiếp, hổ chàng” mà thôi.. Ông cũng không hề có một lời trách móc đối Maria. Cuối cùng, ông định âm thầm bỏ bà ra đi một cách kín đáo. Trong lúc đang mơ màng trong giấc ngủ như vậy thì Sứ Thần Chúa hiện đến báo mộng, bảo  ông đừng ngại vì đứa con bà đang cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người đến trong chương trình của Thiên Chúa. Người là EMMANUEL nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

 Khi tỉnh giấc, ông bán tín bán nghi, nhưng vẫn làm theo lời Sứ Thần truyền. Dẫu ông biết rằng rồi đây  dư luận sẽ đàm tiếu, cười cợt và thậm chí là coi thường ông. Họ sẽ bảo rằng: ông nhu nhược, ông cuồng tín, ông không có lập trường. Họ sẽ mỉa mai ông: không ăn ốc mà phải đổ vỏ. Họ trêu ông: Tò vò mà nuôi con nhện… Thậm chí họ con dung những lời lẽ dung tục như là không được trớt meo chi cả mà cúi đâu  chịu báng.

Nhưng ông mặc  kệ, ông cứ ung dung thầm lặng đi theo con đường mà chính Thiên Chúa đã chọn cho ông. Nên bởi thế, ông đã được Thiên Chúa cho hưởng phần cao sang bằng những danh hiệu cao quý cùng  sự sùng kính đến tuyệt đối của Giáo Hội.

Như vậy là phần lý-lịch-trích-ngang của Thánh Cả Giuse đến đây đã kết thúc. Một kết thúc thật hoàn hảo   giữa CHÍNH SỬ và NGOẠI TRUYỆN để vẽ nên một vị Thánh Cả cao trọng. Không những dưới trần thế Ngài được tôn vinh mà ở trên Thiên Đàng Ngài cũng rất quyền uy theo cách thế và địa vị của Ngài.

 Sau đây, ta hãy thưởng thức một câu chuyện vui về lòng thương người của Thánh Giuse khi Ngài ở trên Thiên Đàng.

 Một hôm Thánh Phêrô thấy một đoàn người “khố rách áo ôm” đã vào thiên đàng lúc nào mà Ngài không hay. Ngài hỏi Đức Tổng Thần Micae, vị này cũng không biết. Dò hỏi mãi mới hay là do Thánh Giuse cho vào. Thánh Giuse có một cái thang dây mắc vào cửa sổ cho họ leo lên. Khi biết chuyện, Thánh Phêrô liền cự Thánh Giuse:

        -Thiên Đàng là chốn linh thiêng toàn vẹn. Sao Ngài lại vượt rào, xem nhẹ luật pháp thế nhỉ?

 Thánh Giuse ôn tôn bảo:

     –Được, nếu ông không cho họ vào thì tôi cho vào. Nếu ông phản đối thì tôi sẽ đi. Tôi sẽ dẫn bà Maria vợ tôi đi. Vợ tôi sẽ dẫn Chúa Giêsu con tôi đi. Gia đình tôi sẽ đi khỏi thiên đàng, các Thiên Thần và các Thánh sẽ đi theo. Ông cứ ở đấy mà gác cổng.

 Thánh Phêrô nghe thế, hốt hoảng vội vàng xua tay:

       -Thôi , thôi con lạy Ngài, Ngài muốn sao cũng được ạ. Chúa Giêsu mà đi khỏi thiên đàng thì con bị thất nghiệp mất!     (hùng huynh sưu tầm)

Thay Lời Kết  

 Lạy Thánh Cả Giuse, nhân tháng kính Ngài đến, con viết lên những dòng NGOẠI TRUYỆN này với tất cả  lòng thành kính, không hề có ý định bôi bác hay làm xấu đi hình ảnh của Ngài. Ngược lại con muốn mọi người trên thế gian này, ngày càng biết, càng yêu mến và tôn kính Ngài nhiều hơn. Và khi đó, nếu Thiên Chúa sai Ngài xuống thế diễn lại cảnh dắt lừa chở Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập để tránh sự bắt bớ của Hêrôdê, thì ắt hẳn sẽ có rất nhiều người tự nguyện đem những chiếc xe đắt tiền nhất, sang trọng nhất, không chừng cả ông Trump cũng đem xe “quái” thú” của mình, đến chở cả nhà Thánh Gia cho an toàn cũng nên

                                                  NGÀI VẪN THẾ

 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …