TƯỞNG NHỚ GIỖ, 2 NĂM NGÀY MẤT CỦA ÔNG ANDRE ĐOÀN TRUNG CHÍNH

Tính đến ngày 31.01.2022 này cũng vừa tròn 2 năm nhân ngày mất của anh Đoàn Trung Chính (2020 – 2022)

Nhớ tới anh, có lẽ người ta nhớ nhất với nụ cười tười tắn, sảng khoái đầy vô tư và cũng rất hồn nhiên, kể cả sau này, gặp anh trong những cảnh đời dâu bể.

Có người bảo: chưa thấy mặt mà đã nghe tiếng cười sang sảng là biết có sự hiện diện của anh đâu đó rồi. Nụ cười đi trước, diện mạo theo sau, theo tướng số là con người đầy thân thiện và yêu đời.

Anh hơn tôi 2 tuổi, nhưng lại trên tôi 4 lớp. Tôi có chút thân tình với anh, vì tôi học cùng lớp với người em của anh là, Đoàn Quang Vĩnh, nên thường vào chơi trò chuyện với anh trong tuổi học trò và sau này.

Con người anh đầy đặn với khuôn mặt vuông tượng, luôn điểm nụ cười xuề xòa trên môi. Đầu luôn ngước về phía trước với sự tự tin và lạc quan có thừa, dẫu trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Đó là đôi chút phác họa về con người anh.

Quả vậy, gặp anh khi nào cũng tay bắt mặt mừng, nói năng huyên thuyên, nụ cười xởi lởi vui như ngày hội. Tính anh vẫn luôn thế. Dường như cả đời anh không biết buồn giận ai bao giờ. Kể cả những bạn bè chọc khóe anh: Chính nhà ta chưa đi lính mà đã đeo lon Đại tá “ba hoa” rồi ta? Anh vẫn cười khì không câu chấp.

Cuộc đời của anh sau 75, gian nan và truân chuyên lắm! Đó là những ngày đi học tập cải tạo, vì với chức danh sĩ quan IBM trong Tổng tham mưu QLVNCH thì sao cho thoát khỏi tù tội chính trị.

Nhưng rồi ơn giời, anh đi cải tạo độ một năm sau là về làm một nông dân với đời sống nông nghiệp một nắng hai sương như mọi người dân. Xem ra con người anh trông đẫy đà là thế, nhưng vào cuộc làm nông cũng khá nhanh tay và hoạt bát. Cày bừa, trịa vại, cuốc đất…anh làm tất tần tật. Xem vậy mà anh hái đậu xanh rất nhanh, một ngày hai bao trọc xanh là “khỏe re như con bò kéo xe”.

Chỉ một năm sau (1978) anh thoát ly khỏi Châu Sơn, để “đi tìm đường cứu nước” về lại Sài Gòn. Nhưng trước đó, anh cũng đã kịp để lại dấu ấn với vài trò ca trưởng trong Trường ca Du Kích Sông Thao của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Bản phối này do chính anh hòa âm cho đêm văn nghệ năm 1977. Phải nói đây là một bài phối hòa âm đẹp. Một tổng thể hòa thanh giữa 4 bè đan quyện vào nhau như một dòng chảy: có khi nghe êm ả hiền hòa, có khi đẩy lên cao trào nghe khúc chiết hùng hồn, có khi nghe trầm lắng thiết tha…

Những năm tháng ở Sài Gòn anh đã đong nỗi cực nhục gian khổ không biết bao nhiêu cho vừa. Với cái nắng cháy Sài Gòn, tóc anh cũng ngã màu vàng hoe khi ngày ngày lang thang khắp phố thị để mưu sinh cho cuộc sống. Bản đồ đô thị Sài Gòn, gần như anh thuộc năm lòng trong bàn tay. Phải nói, khó có người Châu Sơn nào thuộc tên đường trước và sau 75 như anh.

Có lẽ, vào thời điểm đó, thượng vàng hạ cám không có nghề gì là anh không nếm trải với bao cực nhọc, để đổi lại sự bám trụ đất Sài Thành vào cái thời hậu chiến là không dễ dàng một chút nào.

Có khi tìm đường vượt biên mấy lần không thành, lại có khi “làm dân biểu” xe thồ…Có thời lên Đà lạt học nghề thầy lang Đông y. Nhưng cũng chính nhờ cái nghề này mà anh bám trụ đất Sài Gòn cho đến khi anh đưa gia đình vợ con xuống nhập cư…sống như một thị dân Sài Gòn.

Quả thật, anh cũng rất mát tay với cái nghề đông y này, nên thời mở cửa, tiếng lành đồn xa…khách trong nước và nước ngoài về chữa với anh khá thịnh. Tôi không hiểu mô tê chi về Đông y, nhưng nghe anh giải thích về lý thuyết cách chữa trị các bệnh rất bài bản mạch lạc, với giọng nói liên tu bất tận…Không chỉ về đông y, anh còn nắm bắt chuyện xã hội, chính trị… và tôn giáo khá tường tận, kể cả những chuyện “thâm cung bí sử” anh đều bật mí một cách thú vị. Còn chuyện đúng sai bao nhiêu phần trăm, tôi không có điều kiện để kiểm định!?? Trong nhà anh thời 1990 khi nào cũng có các tạp chí nước ngoài: Paris Mach, Times…

Lần nào về Sài Gòn ghé ngôi nhà 18 Ngô Thời Nhiệm Q 3 chơi, anh cũng rất vồn vã đón tiếp nồng hậu, thăm hỏi gia đình, thăm hỏi bạn bè, người thân ở GX Châu Sơn rất chí tình…Và sau đó là đưa tôi đi ăn nhậu rất thoải mái. Không chỉ tôi mà những người bạn bè Châu Sơn lên TP, anh đều nhiệt tình như thế! Có lẽ, không có ai khi đi xa rời Châu Sơn mà còn có lưu luyến tình “đồng hương đồng khói” mặn nồng như anh.

Chẳng những thế, ai đi khám bệnh, chữa bệnh về TP anh đều tận tình giúp đỡ, chở tới bệnh viện rồi lấy số các khoa mà bệnh nhân muốn khám. Sự giúp đỡ của anh, làm cho người bệnh khỏi phải chờ đợi khám nghiệm lâu giờ. Và mặc dù ở Sài Gòn lâu năm, nhưng đi đâu anh cũng “to còi” với cái giọng Nghệ Tĩnh sang sảng một cách đầy tự tin.

Những năm tháng ở Sài Gòn, mặc dù anh phải bôn ba tất bật với nợ cơm áo gạo tiền, nhưng anh luôn tham gia với vai trò HĐGX ở nhà thờ Huyện Sĩ nhiều năm. Anh còn tham gia mục vụ Giáo họ Chợ Đũi, sinh hoạt ca trưởng các ca đoàn…với nhạc sĩ Viết Chung…

Anh cũng đã từng tham gia sinh hoạt trong Tòa Tổng thời Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn với vai trò phụ tá…anh lên lịch sinh hoạt và tiếp đón hay tiếp kiến ĐHY…Đó là tôi nghe anh kể vậy. Anh còn quen biết các Linh mục nhạc sĩ như: Kim Long, Hoàng Kim, Mi Trầm, nhà thơ Xuân Ly Băng…

Có lần dẫn tôi đi nhậu, anh có công việc phải ghé vào Tòa Tổng, tôi mới thấy anh được các linh mục trẻ trân quý anh lắm, cứ một bố một con ngọt xớt…Các cha già ở trong Tòa Tổng cũng mến anh lắm, một anh Chính hai anh Chính…Và dường như phục vụ ở đó, anh được Tòa Tổng trả công để trang trải cuộc sống.

Những tháng ngày đó, anh sống một cách vô tư và thoái mái như bản tính anh vốn có.

Sau này, nghe anh chuyển gia đình về GX Fatima nên mấy lần về TP không gặp được anh…Kể cả sau này anh đau nặng, tôi cũng không ghé thăm anh được, điều đó, khi anh chết rồi, tôi mới cảm thấy tiếc nuối, vì đã không thăm anh trong những ngày anh đau ốm.

Tưởng cũng nên nhắc lại khi sinh thời, anh là một trong những người đã lập ra Đoàn Hùng Dũng GX Châu Sơn – năm 1968, thời LMQX Đỗ Trúc Đường. Anh cũng đã từng là tu sĩ Đại chủng viện Lâm Bích.

Và bài viết tưởng nhớ này, như một sự trả nợ ân tình mà tôi vay anh trong cuộc đời này vậy.

Nguyện xin Chúa đoái thương linh hồn Andre và sớm đưa anh về chốn thiên đàng hưởng vinh phúc muôn đời.

NVK

HÌNH ẢNH NHỮNG SINH HOẠT CỦA ANH ĐOÀN TRUNG CHÍNH KHI SINH THỜI Ở SÀI GÒN

HÌNH ẢNH TANG LỄ ÔNG ANDRE ĐOÀN TRUNG CHÍNH

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …