Bạn sẽ làm gì? Nếu biết, bạn chỉ còn sống đúng một ngày!

Bạn sẽ làm gì?

Nếu biết, bạn chỉ còn sống đúng một ngày!

Hãy đọc kỹ bài THỐNG HỐI, suy nghĩ và comments nghe các bạn!

Còn chúng ta, mỗi người sẽ làm gì? khi biết rằng mình chỉ còn sống đúng một ngày nữa. Đôi khi chúng ta cũng nên tự đặt ra tình huống (có thể không có thực) để biết rằng nếu nếu trường hợp đó xẩy ra (cũng rất có thể có thực lắm chứ! Chúa đã từng nói: con người đến như kẻ trộm đó sao?) chúng ta sẽ phải đối phó với tình huống đó như thế nào? Chắc sẽ có nhiều comments lý thú lắm đây! Hãy comments để cho nhau biết những giải pháp tối ưu của bạn khi điều đó xẩy ra nào!

Nào mời các bạn cùng Comments: ….

 

suy tưởng 2

THỐNG HỐI

                                     (Is 11, 1-10; Rm 15, 4-9; Mt 3, 1-12)

 Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ còn sống đúng một ngày nữa thôi? Đây là câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625 học sinh người Đức trong 12 trường học và có kết qủa như sau: 20% trả lời rằng các em sẽ dùng thời gian còn lại để vui chơi và ăn uống say sưa cho thỏa thích. Có một số em muốn về gặp gỡ những người thân trong gia đình. Một số khác không thể quyết định sẽ thực hiện điều gì. Cuối cùng có một nữ sinh 18 tuổi trả lời: Tôi sẽ dành thời giờ còn lại để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành buổi tối cuối cùng để đến gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một đời sống hạnh phúc và đầy đủ.

sám hôi 2Vào Mùa Vọng, mọi người tín hữu lại có cơ hội nghe lời Chúa khuyên dạy: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến” (Mt 3, 2). Ăn năn thống hối là một diễn tiến đi vào nội tâm của chính mình. Thống hối ăn năn là một trong những sự việc ngại ngùng và khó khăn nhất trong đời sống. Bước tới và lăn xả vào cuộc sống thì dễ dàng hơn là dừng lại và kiểm điểm xét mình. Tâm hồn của chúng ta rất dễ hướng ngoại và nhìn vào cuộc sống của người khác. Chúng ta nhận diện những sai lầm và tội lỗi của người khác rất nhạy bén. Sự phê bình chỉ trích và kết án tha nhân thật dễ dàng. Nhưng để nhìn lại mình và xét mình lại là điều không dễ thực hiện. Chúng ta có thể tán gẫu hằng giờ về những tật hư, thói xấu và truyện riêng của người khác nhưng dừng lại đôi chút để xét mình thì thật khó. Xét mình để nhận ra lỗi lầm của mình. Có lỗi mới có lời xin lỗi. Xin lỗi là tự biết mình đã làm một điều gì không đúng. Nhận lỗi và xin lỗi là bước đầu để tiến tới việc sửa lỗi.

Xét mình giúp chúng ta biết mình đang ở đâu và sống trong bậc thang nhân đức nào. Một người thánh thiện, tốt lành và kiên vững hệ tại đời sống nội tâm chân thành. Chúng ta khó có thể đo lường được sức mạnh của ý chí và đời sống tâm linh của người khác. Xét về diện mạo và cách cư xử bên ngoài thì nhiều người có vẻ giông giống nhau, nhưng đời sống nội tâm, người ta có thể khác nhau một trời một vực. Có sự khác biệt tâm linh giữa người đại tâm và tiểu tâm, giữa sự thánh thiện và tội lỗi, giữa sự quảng đại rộng lượng và bủn xỉn ích kỷ. Sự sâu thẳm của lòng người là một bí nhiệm không thể dò thấu. Mỗi con người là một huyền nhiệm. Đôi khi chúng ta thấy vậy mà không phải vậy. Tiên tri Isaia đã diễn tả sự xét đoán của Thiên Chúa: Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở (Is 11, 3-4). Thiên Chúa thấu suốt mọi tâm can. Chúng ta có thể đóng kịch lừa dối người khác, nhưng trước sự sáng láng của Thiên Chúa, chúng ta chỉ là thụ tạo trần trụi và yếu đuối tội lỗi.

sám hối 3Mỗi người chúng ta có kinh nghiệm bản thân cả về thân bệnh và tâm bệnh. Về thân bệnh, có nhiều người sợ hoặc ngại đi khám bác sĩ. Nói rằng tôi đang khỏe, cần gì đi khám bệnh. Đi khám, lại sinh ra đủ thứ bệnh và lo lắng. Có người than rằng bác sĩ chỉ bới ra bệnh để kiếm tiền của các bệnh nhân. Thế là chúng ta cứ khất lần để nuôi con bệnh trong người. Thực tế, ai trong chúng ta cũng có chút bệnh nào đó, không nặng thì nhẹ. Nếu được phòng ngừa hay chữa trị sớm sẽ mau bình phục. Đời sống tâm linh cũng giống như thế, đôi khi chúng ta ngại xét mình và sửa mình. Biết rằng chúng ta có tâm bệnh nhưng không muốn động chạm vào, sợ nó quấy rầy lương tâm. Và thế là chúng ta để tâm bệnh ngủ yên cho lòng bớt gợn sóng. Chúng ta cố gắng ẩn dấu những vết thương âm ỉ trong lòng. Đôi khi còn muốn phấn son lớp da non mịn màng bên ngoài để trình làng. Để rồi cứ tháng này qua tháng khác hoặc năm này qua năm kia, chúng ta chôn vùi, khỏa lấp và che dấu những lỗi lầm và tội lụy. Mùa Vọng, Giáo Hội quan tâm giới thiệu cho chúng ta nhiều phương thế, cơ hội và dược phẩm để chữa lành tâm linh.

Khi bắt đầu ra rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã gặp ông Gioan Tẩy Giả. Gioan là vị Tiền Hô đi trước dọn đường cho Chúa. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Mt 3, 3). Văng vẳng bên tai lời mời gọi chuẩn bị dọn đường đón Chúa. Con đường nội tâm rẽ ra muôn nẻo. Đời sống nội tâm nơi mỗi người không khác gì những hình ảnh đồi núi của sự kiêu hãnh, những hố sâu của sự tham lam, gian tà và dâm ô, những quanh co của gian dối và những khúc mô gồ ghề của tị hiềm, ghen ghét. Hãy sửa đường cho ngay thẳng, có nghĩa là chúng ta phải bỏ công gắng sức lấp san cho bằng phẳng để trở nên hồn trong tâm sạch. Chúng ta có thể đã nhận biết, suy gẫm và thấu hiểu tình trạng nội tâm, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải thực sự bước vào sự phấn đấu tinh luyện. Đòi hỏi sự chiến đấu liên lỉ và bền tâm vì ngày tháng cuộc đời tiếp tục làm soi mòn và vỡ lở tâm can. Hãy nhắm hướng mà tiến tới trên con đường trọn lành. Đừng bỏ cuộc!

Trước mỗi thánh lễ, chúng ta cùng xưng thú các tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu xót. Và đấm ngực lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng nhưng ra khỏi thánh đường, chứng nào lại hoàn tật đó. Có một sự thật không mấy vui là ý chí phấn đấu của chúng ta trên đường trọn lành còn qúa non yếu. Chúng ta không thể dứt khoát ngay với các cơn cám dỗ hướng về đàng xấu và tội lỗi. Hình như có một ma lực nào đó luôn cuốn hút chúng ta đòi hỏi thỏa mãn tham sân si và nhục dục. Chúng ta dễ dàng gieo mình vào những sự dối trá, bất công, ghen tương, hận thù, gièm pha, gây rối và dục tình. Mỗi ngày chúng ta đối diện với nhiều cám dỗ mới, mỗi dịp tội này lại mang một vẻ mặt mới và với sự hấp dẫn riêng. Hầu như khi đối diện với các cơn cám dỗ, tâm chúng ta lại yếu xìu và buông thả. Ý chí phấn đấu hầu như co cụm và đầu hàng. Thế là chúng ta lại rơi vào lỗi lầm. Ý chí quyết định của chúng ta qúa mỏng dòn và yếu nhược.

sám hốiVới thời gian, cuộc sống đạo của chúng ta rơi vào nhiều thói hư và tật xấu. Nhiều thói xấu đã bám rễ dần dần. Minh họa: Nếu bạn để một con nhái vào trong bình nước nóng, nó sẽ lập tức phóng ra ngoài. Nhưng nếu bạn để nó trong một bình nước lạnh, rồi đun nóng lên từ từ. Con nhái không cảm thấy gì lạ cả vì nước âm ấm, cứ ở yên trong đó. Nó quen dần nên không cảm thấy nguy hiểm gì cả. Muốn nó nhảy ra, thì cần phải lấy một vật gì chọc vào thân nó. Đối với các dịp tội cũng thế, những cách tốt nhất có thể thắng được các cơn cám dỗ là tỉnh thức, cầu nguyện và đào vi thượng sách. Hãy tránh khỏi, chạy trốn, cắt ngang và dứt khoát không nhùng nhằng, không nhìn, không nghe và không nói thêm bớt những điều không đúng, không thật và không thanh lịch.

Thánh sử Matthêô đã viết: Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa (Mt 3, 10). Lời nhắn nhủ này là một lời cảnh cáo mạnh mẽ và mời gọi mọi người hãy biết làm sinh lợi số vốn đã lãnh nhận. Mục đích của chủ vườn trồng cây là mong rằng cây sẽ sinh hoa kết trái tốt lành. Thiên Chúa cũng mong con người sinh hoa trái tốt qua việc thực hành các nhân đức, làm việc phúc thiện và sống đạo tốt. Ai trong chúng ta cũng có khả năng làm thiện và sống tốt lành. Hãy bước theo đường lối Chúa, Chúa Giêsu đã nêu gương sống hòa đồng, yêu thương và quan tâm đối với mọi người dù họ là những kẻ tội lỗi, nghèo hèn và cùng đinh trong xã hội. Thánh Phaolô đã khuyên dạy: Vì thế, anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa (Rm 15, 7). Sinh hoa trái trong Chúa Kitô qua việc bái ái yêu thương lẫn nhau. Đức ái là đầu mối của tất cả các nhân đức.

Lạy Chúa, tâm hồn chúng con đã bị vương nhiễm bụi trần đời, xin giúp chúng con can đảm san bằng chỗ gồ ghề, lấp đầy nơi hố sâu vũng lầy và uốn ngay mọi khúc quanh co gian xảo. Xin ban ơn phù trợ để chúng con dọn đường ngay thẳng đón Chúa.

 Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.

 

Check Also

Trúng số!!!

TRÚNG SỐ 1. Cuối cùng, ba ngày Tết rồi cũng đã qua đi. Và ai …

4 comments

  1. Hình thánh Savio cũng được đặt câu hỏi tương tự khi còn là cậu bé, và ngài trả lời: Tôi đang vui chơi, thì sẽ vui chơi tiếp. Tôi cũng nghĩ thế: ai đang đi tu thì cứ đi tu, ai đang đọc kinh thì cứ đọc kinh, ai đang ăn nhậu thì cứ ăn nhậu, ai đang ăn cướp giết người, đĩ điếm thì cứ thế mà làm, phải không các bạn!? Vì cuộc đời chúng ta đã được định phận rồi, Chúa an bài mà lị (một sợi tóc roi xuống cũng do thánh ý ngài). Cuộc đời đôi khi cũng cần những ngựa chứng để răn đe người khác chứ! Phải có những người đóng vai Dương Chí Dũng (thậm thủng tài sản nhà nước), Lê Văn Luyện (cướp vàng giết người) bị tử hình, Du Đa (bán CHúa), hai tên kẻ trộm dữ và lành…đều phải chết nhục nhã, thì kịch bản mới hoàn thành vở kịch tại đại hý sảnh cuộc đời được chứ! Không có những nhân vật chịu làm vật tế thần đó, Giáo hội lấy gì để hù doạ giáo dân theo đạo cho nghiêm nhặt được, có mà loạn à!
    Bởi thực sự nếu biết chết, mà có ăn năn thống hối thì cũng muộn màng rồi, phải không các bạn. Trong Công giáo xem hành vi đó là ăn mày chết chẳng trọn lành. Xí xọm một chút nha các bạn!!! Điều đó, cũng là thông điệp mà tôi muốn nhắn gửi các bạn: trong cuộc sống hằng ngày đừng dại chi chọn vai nhân vật đầu têu nhé! Xuống hoả ngục không thì chẳng biết, nhưng tự đánh mất nhân cách, danh dự của con người thì chẳng đáng sống chút nào. Vậy thì mỗi ngày chúng ta hãy sống thánh thiện, tốt lành, để khi được hỏi thì theo Savio mà vui chơi bình thường phải không các bạn!!!

  2. Đáp lại lời mời gọi của diễn đàn tôi trả lời ngay.
    Tôi ước mình đang ở trong tình trạng mà dù chỉ còn sống một ngày nữa thì tôi cũng không cần thay đổi cách sống của mình, không cần phải sống đối phó với Chúa.
    Nghĩa là nếu tôi luôn ở trong tình trạng đẹp lòng Chúa, sống tốt lành thánh thiện, ngày Chúa đến là một ngày như mọi ngày, và Ngài sẽ mang tôi lên … hoặc nếu tôi đang tội lỗi ngập tràn (cái này thực tế hơn) thì tôi đã biết thống hối mỗi ngày, nỗ lực để tốt hơn mỗi ngày, ngày Chúa đế cùng là một ngày như mọi ngày, và Chúa đến, Ngài nhìn nhận nỗ lực của tôi và tha thứ cho tôi rồi đưa tôi lên…
    Ước gì cuộc đời tôi không cần phải thay đổi trong ngày cuối, giả như nó đến hôm nay.

  3. Có sự ngộ nhận rất lớn khi đánh đồng giữa chuyện thánh Savio “chơi thì vẫn cứ chơi” và chuyện “ăn cướp thì vẫn ăn cướp”. Dương Quá ơi là Dương Quá, ông thánh ông ấy sống trong đường lối của Chúa và khi chơi vẫn chơi theo tinh thần đó nên ông ấy cứ bình an chờ Chúa đến, trong khi ăn cướp là nghịch lịch Chúa, nếu Chúa đến mà vẫn cướp thì coi chừng Chúa cho … ăn đòn.
    Bạn lại còn khẳng định hùng hồn: Bởi thực sự nếu biết chết, mà có ăn năn thống hối thì cũng muộn màng rồi. Tiếc quá, bạn Dương Quá đã xé mất đoạn “người công nhân giờ thứ mười một” khỏi sách Tin Mùng mất rồi.
    Đoạn kết thì bạn nói rất hay, nhưng sao đoạn giữa lại phán câu này: “Giáo hội lấy gì để hù doạ giáo dân theo đạo cho nghiêm nhặt được, có mà loạn à!”
    Dương Quá này đúng là Quá giương!!!

  4. Có lẽ, tiền đề và thân đề Dương Quá mở ra có sự tương phản, nhưng cũng có nghịch lý trong đó. Có thể bạn ấy cường điệu lên cho hấp dẫn câu chuyện!!? Cái quan trọng là cái kết có hậu, khi đưa ra lời:
    “trong cuộc sống hằng ngày đừng dại chi chọn vai nhân vật đầu têu nhé! Xuống hoả ngục không thì chẳng biết, nhưng tự đánh mất nhân cách, danh dự của con người thì chẳng đáng sống chút nào. Vậy thì mỗi ngày chúng ta hãy sống thánh thiện, tốt lành, để khi được hỏi thì theo Savio mà vui chơi bình thường phải không các bạn!!!”
    Thế là tốt rồi, tôi chỉ sợ bạn ấy lạc lối về thì mới đáng sợ, phải không bạn ThamthanY!
    Cũng đừng nên quá cầu toàn, một chiều trong comments như vậy sẽ gây nhàm chán, và không thu hút người đọc. Cũng như trong âm nhạc phải có quãng nghịch mới lạ tai, gây sự khúc trắc để khi về đoạn kết, làm nổi bật thanh âm hoà điệu êm ả chứ!