Thánh lễ on line, có nguy cơ làm suy giảm đạo đức của giới trẻ!!??

Sau hơn 9 tháng giản cách xã hội để chỉ xem thánh lễ on line. Nhưng vừa có lệnh được trở lại xem thánh lễ trực tiếp tại nhà thờ chỉ đúng một tuần 20.02 đến ngày 27.02, đã có lệnh cấm sinh hoạt tụ tập đông người trong cộng đồng xã hội và tôn giáo, vì dịch Covid đang bành trướng một cách mãnh liệt với con số chóng mặt.

Những ngày này, cả nước có con số lây nhiễm từ 80 – 100 ngàn người. Ở tỉnh nhà Daklak ngấp ngóe 2 ngàn ca mỗi ngày…Đây là con số báo động đỏ, vì hai năm qua, chưa bao giờ có con số lây nhiễm vượt ngưỡng như lúc này.

Thế là “vũ như cẩn” để xem Thánh lễ on line trở lại. Nếu diễn tiến dịch bệnh Covid cứ ngày một hoành hành một cách rộng rãi trên cả nước thì, nguy cơ xem Thánh lễ on line dài dài, mà dường như khó có điểm dừng trong nay mai…

Qua những tháng ngày xem Thánh lễ on line, cũng đã đem lại nhiều điều lợi ích tinh thần đạo đức tích cực cho giáo dân. Chỉ cần bật TV là có thánh lễ ngay trong nhà mình mà khỏi phải mất công đi đến nhà thờ. Nhiều người lười biếng xem lễ nhà thờ ngày thường, lúc này có thánh lễ trong nhà cũng đã chịu khó thức dậy để tham dự.

Điều tích cực thứ hai mà ai cũng nhận thấy: Xem thánh lễ on line nghiêm trang và sốt sắng hơn xem lễ nhà thờ, vì gần gũi, một mình một TV nên nghe các bài đọc và bài giảng rất rõ ràng. Trong khi xem lễ nhà thờ, âm thanh trong nhà thờ loãng ra để nghe các bài đọc không rõ. Không gian trong nhà thờ lại đông người, nên dễ bị lo ra và chia lòng chia trí hơn thánh lễ on line. Tuy nhiên phải biết chọn thời điểm yên tĩnh để xem Thánh lễ on line, nếu không sẽ bị tác động bởi tiếng ồn ào sinh hoạt và tiếng nhạc xập xình gây nhiễu thánh lễ.

Nhưng liệu thói quen xem lễ on line tiện lợi tại nhà có làm cho người giáo dân sẽ biếng trễ hơn không, khi mở lại Thánh lễ ở nhà thờ?? Thực ra, xem lễ trực tuyến on line cũng chỉ là cách đối phó tạm thời cho đời sống đạo đức mà thôi. Bởi nói gì đi nữa thì, thánh lễ on line cũng sẽ không có tính thánh thiêng bằng xem lễ tại nhà thờ.

Còn giới trẻ thì sao?? Về đạo đức, giới trẻ rất đáng để giáo hội và gia đình quan ngại, vì đây là những cây trồng đức tin mới lớn lên, vừa mới được chăm trồng và vun quén. Hơn nữa, cây trồng đức tin non nớt này, lại đang đứng trước những thử thách lớn lao, những quyến rũ hào nhoáng vật chất của một xã hội thực dụng thời đại 4.0, nên rất dễ bị lay chuyển đức tin…

Đời sống đạo đức của giới trẻ vốn đã khô khan, biếng nhác. Ngay cả khi đi xem thánh lễ nhà thờ mà còn bê trễ…Nay lại xem thánh lễ on line, phải chăng là tạo điều kiện suy thoái đạo đức cho giới trẻ hơn???

Xem thánh lễ on line trong gia đình ngày lễ Chúa Nhật, buổi đầu còn sum họp cả gia đình đông vui. Nhưng rồi dần dà, lớp trẻ tách rời ra mỗi người xem thánh lễ riêng phòng ở nhiều khung giờ…khác nhau. Thậm chí là xem thánh lễ trên Đtdđ…Vậy thì làm sao cha mẹ có thể kiểm soát con cái có xem lễ hay không??

Quả là thật khó cho cha mẹ để kiểm soát được con cái trong thời đại này. Chúng ta nhận thấy, càng ngày con cái càng xa rời sự bảo bọc của cha mẹ, để rất khó bảo ban và giáo dục chúng nó. Phải nói thẳng: Cha mẹ gần như bất lực với con cái, và con cái đã nằm ngoài tầm tay của cha mẹ mất rồi.

Đáng nói nhất là các cháu thiếu nhi là những hạt mầm đức tin mới nảy nở, cần phải có bàn tay vun trồng chăm sóc của cha mẹ và các anh chị cộng đoàn trưởng, thì nay, không có điều kiện để được chăm sóc trực tiếp, sẽ là một thiệt thòi rất lớn để hạt mầm đức tin lớn dậy.

Ngay cả thánh lễ ngày Chúa Nhật trong gia đình, cha mẹ có quan tâm để nhắc nhở các cháu thiếu nhi xem lễ mỗi tuần không??

Trong điều kiện còn phải xem Thánh lễ on line lâu dài, chính cha mẹ phải là nguồn động viên và nhắc nhở cho giới trẻ con em mình phải luôn ý thức:

Thánh lễ là nguồn lương thực và là nguồn năng lượng cho đời sống đức tin, để cây trồng đạo đức vươn lên lớn mạnh giữa phong ba bão táp của cuộc đời. Thánh lễ còn đem đến cho chúng ta sự bình an và ân sủng của Đức KiTô.

Nguyễn Vĩnh Căn

Check Also

NHỮNG CÁI CHẾT BẤT ĐẮC KỲ TỬ TẠI GX CHÂU SƠN

Sống trên đời này chuyện “sinh ký tử quy” – sống gửi thác về – …