Khi Chúa thương gọi vợ con về…

Tựa đề của bài viết: Khi Chúa thương gọi vợ con về, lòng con hân hoan như trong một giấc mơ….là lời bồng đùa của các đấng mày râu, đọc trại từ câu: Khi Chúa thương gọi tôi về…lòng con hân hoan như trong một giấc mơ….

Đây là một bài hát thánh lễ An táng, rất nổi tiếng của Nhạc Sư Kim Long…

Có lẽ, cũng nên nhắc lại xuất xứ của bài hát này khá buồn cười. Cha Kim Long cho biết:

Chuyện là ngày đó, đi giúp xứ, được các đấng bản quyền gọi về để lãnh sứ vụ linh mục, thế là Cha giáo sáng tác ngay : “Khi Chúa thương gọi con về, hồn con hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng con nức vui tiếng cười, lưỡi con vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô: con thật vinh phúc …”. dựa trên TV 126. Niềm vui, niềm hân hoan về để chịu chức trở thành bài hát bất hủ trong các lễ … an táng!

Nhưng rồi không biết từ khi nào, lời: khi Chúa thương gọi tôi về, lại hát trại ra: Khi Chúa thương gọi vợ con về…lòng con hân hoan như trong một giấc mơ…được các đấng mày râu chế tác ra.

Hình như, trong vô thức của các đấng mày râu, luôn có ý tưởng phụ bạc vợ mình để trù yểu?? Đó là tư tưởng ngoại tình trong cuộc sống??

Phải chăng vì cái phong kiến ngàn năm luôn đề cao nam giới: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô…?? Rồi trai dăm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng…vẫn còn đọng lại trong tâm tưởng của các đấng ông chồng??

Dưới chế độ phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội Trung Quốc vô cùng nặng nề. Đàn ông làm quan, có thể đến lầu xanh tìm thú vui, và một cách công minh chính đại lấy 5 thê 7 thiếp. Trong khi đó, nữ giới không có bất cứ một quyền hạn gì. Họ phải sống phụ thuộc vào người khác, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Bản thân họ không được có chủ kiến, và quan trọng nhất nữ giới vô tài mới là đức hạnh.

Trong một bài báo, kể tâm sự một người phụ nữ: tôi thật sự đã chứng kiến quá nhiều đàn ông coi ngoại tình là điều bình thường và đương nhiên, họ ngoại tình một cách thoải mái và được khuyến khích…

Ngay chính bản thân tôi, bố mẹ cũng dạy: Đàn ông có ngoại tình là chuyện bình thường. Đừng có làm ầm ĩ kẻo… mất chồng.

Như vậy, tôi nghĩ ngoại tình ngày càng tràn lan, phổ biến như bệnh dịch, phần nhiều là do lỗi của xã hội và lỗi của chính những người vợ. Các anh ngoại tình thì phần lớn các chị bỏ qua, tha thứ. Các chị thử ngoại tình xem, hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào? Còn cả quan niệm xã hội nữa. Đàn bà lẳng lơ là một tội lỗi cực kỳ nghiêm trọng, đàn ông ngoại tình thì chỉ là chuyện… “ăn bánh trả tiền”; rồi thì “Trai anh hùng năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”…

Mình đã mệt mỏi với bao tranh đấu nội tâm và cuối cùng đành chấp nhận: Đã là đàn ông thì phải ngoại tình. Đành chịu vậy thôi!”.

Thành ra, khi các ông hát trại ra câu: Khi Chúa thương gọi vợ con về…Trong tiềm thức vẫn có sự phụ bạc và trù yểu người vợ. Một cách nào đó, các anh vẫn có tội đấy nha!!! Tội ngoại tình và tội phũ rẫy vợ!!!

Chẳng thế mà cha Phao Lô Võ Quốc Ngữ trong một bài giảng lễ cưới đã nói: “Trong cuộc đời, người đàn ông có hai ngày vui sướng nhất đời. Đó chính là ngày cưới vợ và ngày vợ chết”.

Thế thì trách nhiệm bất công với Phụ nữ này thuộc về ai???

Xã hội phong kiến ngày xưa để lại? Xã hội đương đại chưa tích cực để đem lại sự công bằng cho Phụ nữ, mà còn đồng lõa?? Do sự buông tuồng của các Đấng mày râu?? Do chính Phụ nữ không dám quật cường bùng lên để đấu tranh đòi lại bình quyền cho Phụ nữ???

Câu trả lời không dễ một chút nào, khi toàn thể hệ thống xã hội đã áp đặt lên người Phụ nữ một ý thức hệ bất bình quyền, trọng nam khinh nữ…

Mỗi người chúng ta phải tự ý thức, để ngày một nâng cao quyền bình đẳng Phụ nữ, ngõ hầu người Phụ nữ mới có thể bình quyền với Nam giới.

Lý Nhân Văn

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …