Phần II
Rồi đến một ngày 75…
Cuộc chiến xảy ra…mà rủi thay, Châu Sơn lại là điểm nóng của trận đánh cuối cùng khi tất cả những chiến lũy khác trên khắp mặt trận BMT đã buông súng tháo chạy.
Vỏn vẹn chỉ có 5 ngày. Năm ngày lửa đạn binh đao. Chỉ với 5 ngày lịch sử, người Châu Sơn đã tử thủ một cách kiên cường cho thành trì cuối cùng…Nhưng rồi bánh xe lịch sử đã nghiền nát cái thành trì đó như một lẽ tất yếu của cuộc đời…Con châu chấu nhỏ bé không thể đá ngã ông voi được, cũng là phải thôi.
Nhưng nỗi đau lại đọng trong tâm hồn của những người con GX Châu Sơn, khi hai đấng bậc tu trì vô tội đã bị chết một cách oan khiên, mà không có một lời giải thích nào…Hai cái chết âm thầm lặng lẽ, mà không một giáo dân nào hay biết, để phút cuối tiễn biệt cha và thầy, cho trọn nghĩa tình cha con, thì nỗi đau này sẽ day dứt và quặn lòng biết là dường nào!!??
Diễn tiến của những phút cuối đời của cha Tâm và thầy Hoa…Xin được trích đoạn trong tập Hồi ký cuộc chiến Châu Sơn của tác giả Nguyễn Văn Trọng, trong đó có đoạn viết như sau:
“Đoàn người càng lúc càng đông. Tất cả đều bị lùa về tập trung tại khu vực đất chung của Giáo xứ (bây giờ là tượng đài Thánh Gioan Baotixita). Sau đó, họ bị áp giải băng qua ruộng trực chỉ hướng đồn điền cà phê. Đi đầu là cha Lê Hùng Tâm và thầy Nguyễn văn Hoa. Trên đầu cha quấn băng trắng, máu rịn ra đỏ lòm. Nghe đâu cha bị một cánh cửa phòng rớt ra đập phải khi đạn pháo bắn tứ tung vào nhà Xứ và Nhà Thờ. Nhiều người nhìn cảnh cha như thế, quên cả thân phận mình cũng đang quá đỗi bi đát, đã âm thầm khóc thương cha”.
Đoàn người phần đa là các cụ già, phụ nữ và trẻ con. Nhìn cảnh họ thật thảm não, tay dắt tay bồng nheo nhóc. Giữa trưa nắng chang chang của tháng ba Cao nguyên, họ lầm lủi xiêu vẹo bước đi bên nhau làm ta liên tưởng đên đám nô lệ trong các cảnh phim thời kỳ Trung Cổ.
Khoảng 3 giờ, sau khi lê lết qua các đám ruộng khô và những con suối đá nóng bỏng doàn người cũng đã đến được điểm dừng chân. Đây là đồn điền cà phê của tay ba tàu Chìn Xang. Mọi người bị dồn xuống các giao thông hào dọc ngang trong rẫy. Ai cũng hết hồn nghĩ rằng mình sẽ bị chôn sống dưới lớp đất này. Tiếng khóc lóc sợ hãi đã vang lên. Mọi người đều cầu khẩn Chúa và Mẹ. Đâu đó, tiếng kinh xin được chết lành vang lên. Lạy chúa con, Chúa định cho con chết cách nào…Tiếng kinh như một dây chuyền vang lên cùng khắp…
Nhưng điều đó đã không xảy ra. “Và tối hôm đó (14.03.1975), mỗi người được phát một củ mì để ăn cầm chừng. Còn cha Tâm và thầy Hoa thì mất biệt từ đó”.
Những năm sau đó, không ai biết số phận của cha và thầy Hoa ra sao?? Đã chết hay bị đem đi tù cải tạo??
Thực ra, cái chết của cha Tâm và thầy Hoa rất mù mờ…
Sau này có người kể lại với tôi, nhưng lâu quá rồi nên tôi chỉ nhớ lờ mờ như sau: Có anh bộ đội trong nhóm dẫn cha Tâm và thầy Hoa đi vào cái đêm 14.03, biết chính xác và rõ ràng về cái chết của hai người. Về sau, anh bộ đội đó về đóng quân ở doanh trại Bộ đội 84, có gặp người Châu Sơn và thổ lộ cho biết nơi chôn cất cha Tâm và thầy Hoa…để cho người Châu Sơn biết mà cải táng về nghĩa trang GX. Nhưng rồi có lẽ, nấm mộ đào vội chôn vùi, nên mấy mùa mưa đã san bằng, để không có thể tìm thấy dấu tích ngôi mộ nữa.
Thấy câu chuyện về cha Tâm vẫn còn mập mờ, tôi chợt nghĩ đến anh Trần Xuân Trương vì anh có mấy vần thơ về cha Tâm đăng trên FB vào dịp giỗ cha, chắc là anh sẽ biết ít nhiều về cha!!??
Và tôi đã tới gặp anh Trương, người đã giải mã cho tôi nhiều điều…Sở dĩ, gia đình anh thân thương với cha Tâm, vì ba của anh là ông Cảnh, lúc trước lái xe cho cha Tâm, nên sự đi lại thâm tình cha con.
Anh kể: Sau khi cuộc chiến ở Châu Sơn đã kết thúc mấy ngày…Em cùng với hai người bạn là Chi (Phong) và Tự (Nhung) xuống khu vực nhà thờ và vào nhà xứ. Thấy cảnh tan hoang của nhà xứ do bị đạn pháo rót xuống xới tung sách vở và hình ảnh tung tóe khắp phòng. Em nhặt được một tấm hình cha Tâm, mặc quân phục với gắn ba mai vàng Đại úy và đầu đội mũ sắt trông rất oai phong. Em lấy làm tiếc vì tấm hình đã bị thất lạc.
Sau này, em nghe ông Mỹ (Nghĩa) kể lại: Thấy tình thế nguy nan, trước khi cha bị bắt dẫn độ đi một vài ngày…cha đã đi đến quyết định treo cờ trắng đầu hàng, vì pháo dồn dập vào nhà xứ gây kinh hoàng và đổ nát tan hoang quá…(sáng thứ tư). Và để tránh việc đổ máu cho cả đôi bên, giáo dân và Bộ đội. Nhưng rồi có một kẻ chỉ huy, đã bức bách cha: Nếu cha đầu hàng, con sẽ xử cha. Anh Mỹ (Nghĩa) tay cầm cây Cabin cũng đã kịp thời lên tiếng: Nếu anh ra tay xử cha, tôi sẽ bắn anh. Trong tình thế giăng co đó, cha đành phải thúc thủ trước thời cuộc.
Anh lại tiếp lời: Gia đình em vốn có rẫy Rú Le trước 75, nên cha con em đã ra sức sục sạo tìm kiếm khắp khu vực hai bên khe suối Rú Le, từ rẫy ông Văn, ông Tài và cố Lan…, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra dấu tích của ngôi mộ.
Bẵng đi một thời gian dài…không có tăm hơi nào về cha Tâm và thầy Hoa!!??
Rồi bỗng một hôm, người ngoài phố vào cày lô đất Rú Le, họ phát hiện ra mảnh áo có cổ cồn. Trước đó, họ có nghe chuyện cha Tâm bị giết ở khu vực này, nên họ nghi đó là cha Tâm. Rồi họ cắm cọc xung quanh hai nấm mộ đó!
Theo lời ông Hoàng Minh Phụng kể: khu vực Rú Le sau 75, được phân chia về cho Phường Thành Công, và người dân khu phố Phạm Ngũ Lão được chia canh tác lô đất đó! Khi họ vào nhà ông Ân (Lân) mua hạt giống để trỉa vại, có người báo cho ông Ân biết, họ phát hiện ra hai nấm mộ, không biết có phải là của cha và thầy không?? Sau đó, ông Ân báo lại cho ông Phụng và ông Điểm biết. Thời gian đó hai ông đang làm HĐGX – Nhiệm kỳ 1982 – 1987.
Đó là thời cha Nguyễn Thanh Tâm đang làm quản xứ…Một thời điểm hết sức nhạy cảm. HĐGX khẩn cấp mở cuộc họp để bàn tính về việc cải táng cho cha và thầy. Nếu cải táng về nghĩa trang GX Châu Sơn, thì tình hình tôn giáo lúc đó còn đang căng thẳng với chính quyền địa phương, ắt sẽ gặp nhiều khó khăn và bất lợi. Sau đó, ông Điểm đã báo lại cho người nhà của cha ở Giáo họ Xuân Phong, GX Vinh An biết, để lo liệu cải táng hài cốt của cha Tâm về quê nhà.
Vẫn theo ông Phụng cho biết: Ban đầu người nhà cha Tâm lên Châu Sơn có một người, để xem vị trí ngôi mộ và xem tình hình thời cuộc… Người đó ngủ qua đêm tại nhà ông Phụng, để sáng mai theo cố Điểm đi xem mộ cha ở lô đất ông Văn – Rú Le.
“Đem về rồi đâu được yên anh. Phải đem thu giấu hài cốt ở gác chạn người nhà của cha. Mãi đến sau này, khi tình hình yên ổn rồi mới đem cải táng, chôn cha ở nghĩa trang Giáo họ Xuân Phong”. Anh Trương cho biết, một người bạn em ở Vinh An kể lại.
Về hài cốt của cha Tâm đưa về GX Vinh An…Tôi có liên hệ qua điện thoại một người bạn thời học Hưng Đức là chị Vũ Thị Nga. Chị vốn là người em dâu của cha Tâm, chồng chị là Lê Cương (tên thường gọi là Lý) người con thứ 8 trong gia đình bà cố.
Chị cho biết: Khi nghe HĐGX Châu Sơn báo cho biết đã tìm ra mộ của cha Tâm, mấy anh em trong nhà cấp tốc lén lút lên Châu Sơn để bốc mộ cha. Sau đó gói kín hài cốt, ngụy trang rồi đưa lên xe đò về quê nhà. Thời gian đầu, chưa dám đưa hài cốt của cha về nhà bà cố, mà phải cất giấu nơi nhà người anh rể bà con ở Đức Mạnh – GX Vinh Hương. Ngay cả đến vợ con, mấy ông anh cũng giấu kín như bưng.
Sau đó mấy ngày, cha về báo mộng với bà cố. Thế là anh em đưa hài cốt chuyển về nhà bà cố. Sau khi tắm rửa hài cốt, đọc kinh cầu nguyện cho cha, rồi lại đưa hài cốt của cha lên gác thu giấu.
Thời điểm đó, tình hình nhà nước với người dân đang rất căng thẳng, nên mọi chuyện phải giấu kín, nếu nhà nước biết chuyện sẽ gây khó dễ và phiền toái là khó tránh khỏi.
Được vài tuần, anh em đưa hài cốt của cha Tâm vào chôn ở sau tượng Thánh giá nghĩa trang Giáo họ Xuân Phong, rồi san lấp bằng và làm dấu cho lần sau dễ tìm thấy. Phải mãi đến sau này, có đến hàng chục năm, ngôi mộ mới được cải mộ lần thứ 3 và được chôn cất gần bàn thờ nghĩa trang GH Xuân phong….Lúc này, ngôi mộ đã được sự cho phép của HĐGX để công khai với mọi người giáo dân.
Đến dịp kỷ niệm giỗ 50 ngày mất của cha năm 2015, ngôi mộ này mới được sửa sang ốp đá, làm đẹp hoàn chỉnh như ngày nay…
Chị cho biết: vì lâu ngày quá, nên chi tiết ngày tháng không nhớ rõ, nhưng diễn tiến cải mộ thì xác thực như thế!
Để biết về số phận cái chết của thầy Hoa, tôi đã tìm gặp ông cố Nguyễn Hữu Vinh là bào huynh của thầy Nguyễn Văn Hoa.
Ông cố cho biết: Người nhà cha Tâm ở GX Vinh An lên cải táng mộ cha Tâm trước mấy tháng. Sở dĩ không dám cải mộ thầy Hoa cùng một lúc, vì nghe theo lời khuyên của cha già GB Trần Thanh Ngoạn: Đây là hai cái chết nhạy cảm của thời cuộc năm 1975, không nên cùng một lúc cải mộ cả cha Tâm và thầy Hoa, sẽ không có lợi. Nếu nhà nước biết chuyện, sẽ gây phiền hà và rắc rối to!!
Ông cố cho biết: Năm 1985, sau khi người em Nguyễn Văn Quý đi cải tạo về, hai anh em đã tiến hành cải táng mộ cho thầy Hoa. Theo ông cố cho biết thêm: Hai ngôi mộ này được chôn trên lô đất của ông Văn, nhưng cha Tâm được chôn với tư thế nằm, bên trái dòng khe chảy xuống phía Tây Nam, còn mộ của thầy Hoa được chôn bên phải dòng khe, bó vào một cái hầm nhỏ. Khi bốc mộ, thi thể của thầy Hoa ở tư thế ngồi, và hai tay bị trói cặp cánh sau lưng bằng dây điện thoại.
Ông cố Vinh có vẻ bức xúc để tỏ bày: Cuộc bách hại cha Tâm và thầy Hoa đến chết…Tôi cho rằng: cha Tâm và thầy Hoa đã chết như danh xưng của những KẺ TỬ ĐẠO. Hai người đã đổ máu và chết vì con chiên của mình…
Về chiếc áo chùng thâm đẫm máu…
Anh Trương bảo tôi: Nếu anh muốn biết rõ về chiếc áo chùng thâm đẫm máu đó, anh nên tìm chị Nhàn, vì chị Định (bà bọ nấu cơm cho cha Tâm) nhặt được chiếc áo chùng thâm đưa về nơi chị Nhàn (Xuân).
Tôi tìm tới chị Nhàn và chị cho biết:
“Sáng hôm sau, thứ bảy ngày 15.03.1975, chị Định được thả về cùng với những người Châu Sơn bị bắt đi ngày 14.03.1975. Trên đường về, chị Định nhặt được chiếc áo chùng thâm đầy máu của cha Tâm treo trên đọt cây chuối. Chị đưa về nhà chị Nhàn, và sau đó, chị Nhàn giặt áo cho cha vừa khóc, vì thương cảm cho cái chết của cha quá đau đớn”.
Theo chị, máu dường như đỏ thắm hết cả chiếc áo chùng thâm của cha. Chị cho biết: chị phải giặt 14 lần mới ra nước trong, và hết dấu máu.
Tôi hỏi: Khi giặt, chị có thấy chiếc áo chùng thâm có vết đạn xuyên qua không?
Chỉ bảo: Chiếc áo vẫn còn nguyên, nhưng dãy cúc áo của cha bị họ giật đứt hết.
Chị kể tiếp: Sau khi phơi khô và ủi phẳng, chị đã đưa vào giao cho nhà xứ.
Cũng theo lời chị: Hình như chiếc áo chùng thâm của cha Phê Rô Lê Hùng Tâm được gửi về Tòa Giám Mục!!??
Chị cho biết: Những ngày sau cùng của cuộc chiến: thứ tư và thứ năm… ở nhà xứ và nhà thờ bị đạn pháo kích tới tấp…gây kinh hoàng và đổ nát nhiều nơi. Hầm của cha bị trúng đạn pháo, khiến cho ba đứa trẻ chết tại chỗ. Một đứa cháu chị Định. Một đứa bụi đời. Một đứa con Trung Tá gửi nơi cha. Chính cha Tâm và thầy Hoa cũng đã bị thương khi ở dưới hầm. Còn thầy Bảo ở trong hầm chạy ra vừa quay lại thì thấy hầm bị pháo. Quá kinh hãi, thầy đã chạy ngược ra đầu làng mới thoát chết, nếu không thầy cũng sẽ bị bắt đi với cha Tâm và thầy Hoa.
Chị Nhàn kể: Sau cuộc chiến, chỉ có hai cha con: cha chị (ông Xuân) và chị chôn cất ba đứa ở trong vườn nhà xứ. Mãi sau này mới cải mộ ra chôn ở nghĩa trang GX.
Trên đây là diễn tiến hai cái chết của cha Phê Rô Lê Hùng Tâm và thầy Nguyễn Văn Hoa…
Dưới đây là những lời lẽ phản biện về cái chết của cha Lê Hùng Tâm và thầy Hoa với lý chứng rất hùng hồn. Tôi xin trích đoạn trong Hồi ký cuộc chiến Châu Sơn của tác giả Nguyễn Văn Trọng.
“Đầu tiên là hai cái chết của Linh Mục Quản Xứ Phê Rô LÊ HÙNG TÂM và thầy Giu Se NGUYỄN VĂN HOA. Tôi không hiểu các ngài tội tình gì mà có kết cuộc cay đắng như thế. Các ngài không hề làm chính trị. Các ngài cũng không hề ác ôn, không hề có nợ máu gì với nhân dân. Các ngài không chủ trương chiến tranh. Cuộc đời các ngài là cuộc đời tu thân tích đức. Các ngài luôn giảng dạy cho giáo dân biết mến Chúa và yêu người. Đích đến của các ngài là chân thiện mỹ.
Vậy mà các ngài đã chết một cách tức tưởi như một tên tội phạm. Một vài phát đạn, một vài xẻng đất lấp vội ở một ven rừng nào đó, là một kết thúc phần đời của các ngài. Phải chăng tội lỗi của Linh Mục LÊ HÙNG TÂM là ngài đã tham gia Tuyên Úy Quân đội? Điều này tôi nghĩ rằng không có gì sai trái cả, bởi ngài chỉ là một giáo sĩ hổ trợ mục vụ cho binh sĩ cũng như thực hiện các nghi lễ về tôn giáo. Vả lại, Tuyên Úy là một chức trách nhân đạo giúp con người giải quyết vấn đề linh thiêng.Trên thế giới, chức vụ này đã có từ thế chiến thứ I, không chỉ đạo Công Giáo mà tất cả các tôn giáo đều có và trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể bị coi là tù nhân chiến tranh”.
Người viết, tôi không phải là nhân chứng trực tiếp trong chiến cuộc 75 ở Châu Sơn, vì lúc ấy tôi đang là sinh viên ở Sài Gòn. Vì vậy, bài viết này, tôi chỉ là người ghi nhận lại các sự kiện qua các nhân chứng mà thôi.
Bài viết đã khép lại, nhưng vẫn còn nhiều điều ẩn khuất chưa được sáng tỏ, ví như: Hai cái chết cùng một lần, tại sao không có sự thống nhất về ngày chết?? Trong Kỷ Yếu 50 năm GX Châu Sơn, ghi ngày chết của cha Lê Hùng Tâm là ngày 14.03.1975. Trong khi bia mộ của cha Tâm ở giáo họ Xuân Phong GX Vinh An lại ghi ngày 15.03.1975. (Theo chị Nga cho biết, bia mộ cha Phê Rô Lê Hùng Tâm ghi ngày 15.03, chính là ngày giỗ mà gia tộc quy định cho dễ nhớ). Và bia mộ của thầy Hoa lại đề ngày 17.03.1975. Tại sao không có chung một ngày chết???
Tại sao chiếc áo chùng thâm của cha Tâm không có một vết đạn nào mà máu lại đổ ra, nhuộm hết cả áo?? Phải chăng, trước khi xử, cha đã bị đánh đập và tra tấn để máu chảy đẫm cả áo?? Nhưng sao lại không để nguyên áo chùng thâm đẫm máu chôn lấp cha luôn thể, mà lại phải giật cúc áo để cởi áo cha ra, rồi lại treo lên đọt chuối?? Phải chăng, họ muốn để lại dấu tích cho giáo dân biết nơi chôn cất cha??
Tất cả vẫn còn nhiều nghi vấn về cái chết của cha Tâm và thầy Hoa đang bị chôn vùi vào dĩ vãng.
Xin được chân thành cám ơn ông cố Nguyễn Hữu Vinh, cố ông Hoàng Minh Phụng, anh Trần Xuân Trương, bà Trần Thị Nhàn và bà Vũ Thị Nga em dâu của cha Tâm ở Giáo họ Xuân Phong – GX Vinh Hương, đã cung cấp cho tôi những tư liệu quý báu về cái chết của cha Phê Rô Lê Hùng Tâm và Thầy Giuse Nguyễn Văn Hoa, mà dường như chưa mấy ai hay biết về điều này.
Xin cám ơn ông Nguyễn Văn Trọng đã viết Thiên Hồi ký chiến cuộc Châu Sơn để tôi có thêm tư liệu trích đoạn, hầu làm sáng tỏ một vài sự kiện lịch sử chiến cuộc Châu Sơn năm 1975, đã bị chôn vùi 52 năm nay…
Cái chết của cha Phê Rô Lê Hùng Tâm đã viết nên một khúc bi tráng diễm lệ. Bởi chính cái tên của cha đã được mặc định là Hùng Tâm, để chỉ cái tâm hùng tráng mạnh mẽ.
Một cái chết bi ai, gieo vào lòng người con dân Châu Sơn nỗi buồn đau vô hạn…Nhưng cái chết đó đã dệt nên trang sử thi của tấm gương tử đạo đầy kiên trung và anh dũng.
Một nghĩa cử cao quý thay! khi người chủ chiên đã chở che cho con chiên mình qua cuộc chiến. Và cuối cùng, chính chủ chiên đã lấy thân mình tận hiến cho đoàn chiên mình được sống an bình. Tưởng không còn bút sách nào để diễn tả hết cái vẻ đẹp của sự dâng hiến đó!!
Máu đã chảy ra, và đã viết nên một thiên bi hùng ca tráng lệ, cho dẫu rất đỗi bi tráng và đau thương. Nhưng những giọt máu đào đó, đã vẽ nên nét Anh Hào của người chiến sĩ Tuẫn Đạo vì Nước Trời. Cái chết của cha, đẹp long lanh và rực rỡ như pha lê, chiếu sáng rạng ngời cho muôn thế hệ con dân Châu Sơn mãi đời sau.
Dù (cha) đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người…tạ ơn ai đã cho tôi cuộc sống này…(TCS)
Lời cuối: Xin cầu cho linh hồn cha Lê Hùng Tâm và thầy Giuse Nguyễn Văn Hoa sớm về hưởng dung nhan Chúa trên cõi vĩnh phúc. Xin cha và thầy phù hộ cho đoàn con GX Châu Sơn được luôn an lành và tràn đầy ân sủng Chúa Kitô.
NVK
Xin trích mấy vần thơ của tác giả Di Tĩnh Đắc trong Sử thi, Châu Sơn đất nở hoa nhân sinh:
Cha đi khi đó ngỗn ngang
Mùa hè chiến cuộc tương tàn binh đao (1975)
Châu Sơn tử thủ chiến hào
Quyết tâm bảo vệ lũy bờ xóm thôn
Năm ngày chiến đấu ngoan cường
Làm cho kẻ địch bao lần rút quân
Sau rồi thất thủ tan hoang…
Người dân như nước loạn quân vỡ bờ…
Xin mượn câu thơ của anh Trần Xuân Trương để kết thúc bài viết:
Cha ơi !
Mai vàng nghiêng đổ chiều tắt nắng .
Máu hồng thắm đượm đất quê hương
Cha ơi! Còn mãi nhớ thương
Giáo Đường Vô Nhiễm, hồi chuông khóc người…
Bình luận