Giai Thoại: Chuyện Cố Ngờ và Bà Ngoét – Phần I

Cố Ngờ và bà Ngoét là hai nhân vật giai thoại điển hình ở làng Thọ Ninh – Xã Liên Minh –  Thị trấn Đức Thọ – Tỉnh Hà Tĩnh ngày xưa. Có lẽ, nhân vật bà Ngoét ít ai biết bằng cố Ngờ. Nhưng cả hai nhân vật này cũng chẳng vừa gì nhau: kẻ nửa cân, người 8 lạng của “một cặp đôi hoàn hảo”.

Sau 75, khi hai miền Nam Bắc thông thương… Người quê nhà Thọ Ninh vào thăm bà con miền Nam ở Châu Sơn, bỗng đâu người ta nhắc đến tuồng tích cố Ngờ, bà Ngoét… làm sống lại hình ảnh giai thoại một thời của hai nhân vật ấy. Tiếng là chuyện về cố Ngờ được rất nhiều người biết rộng rãi, nhưng kỳ thực, để truy tìm cho ra nguồn gốc xuất xứ lai lịch của cố, lại không mấy ai biết.

Rất may, trong một dịp nọ, tôi được nghe cố Kỳ Tương vào Châu Sơn đâu năm 1980? kể chuyện đầu đuôi khá mạch lạc.

– Con nghe nói, lão Ngờ có ba vụ (vú) phải không cố?

– Lão Ngờ có cái thân hộ pháp giống như Tây. Ngực nở nang và đầy lông lá, có 3 chùm lông nổi lên như 3 núm vụ (vú).

Mấy đứa tôi ngồi nghe mà sốt ruột:

– Rứa chuyện cố Ngờ ra răng nựa cố!

Cố Kỳ Tương chậm rãi, nâng ly rượu lên nhấm nháp, trong khi mấy người ngồi nghe nóng ruột để nghe về cố Ngờ.

– Muốn nghe giai thoại chuyện cố Ngờ, tưởng cũng cần phải biết bà Ngoét, mới tạo nên bộ đôi giai thoại một cách đầy đủ được.

***

Khác với cố Ngờ, bà Ngoét không mấy xa lạ với người dân Thọ Ninh. Bà Ngoét người nụ nằn, càng làm cho con người thấp xuống trong dáng bộ, khi đi nũn na nũn noẵn. Nhưng khuôn mặt lại choắt võ vàng với cái mồn chu chéo điêu ngoa ơi là ngoa!!

Bà Ngoét vốn ở bên kia sông, xóm Tân Định, sau lấy chồng sang Thọ Ninh. Bà thường buôn chè tươi, thuốc lào, bánh quà, kim chỉ… Mua hàng ở chợ Hôm – cầu sắt Thọ Tường, về bán ở Thọ Ninh. Số trời run rủi, bà làm một lều tranh trước nhà cố Ngờ để bán quán hàng. Hai người này khác chi chó với mèo. Ả thì ngui ngoa ngủi ngoảy, chanh chua và đanh đá không ai bằng. Còn enh thì bặm trợn, lì lợm, tinh quái và gan cùng mình. Ả bốn chín gặp enh năm mươi là vừa đôi.

Từ đây trở đi, người viết không đưa cố Kỳ Tương vào, để câu chuyện được liền mạch…

***

 Bữa gặp đầu tiên… Bà Ngoét đã khai chiến trước. Bữa đó, không biết vô tình hay cố ý, bà vừa chạy vừa đuổi đàn gà tan tác. Bà lấy đất cục ném tới tấp: “Oài oài, vơ cục cục…”. Vô tình lão Ngờ đi qua, bị cục đất ném trúng ngay mặt. Lão quắc mặt: “Mã cha con mệ mô to gan mà dám ném trữa mặt tau!?”. Bà Ngoét cũng không vừa: “Tui ném ga (gà) tui chừ ném chi ông”. Hai bên cãi lộn qua lại suýt đánh nhau. May mà có bà con làng xóm ra can…

Nhưng rồi cùng lối xóm với nhau, trước lạ sau quen, nên cũng hòa hoãn đi lại uống nước mới mỗi sáng tối. Nhưng rồi lão Ngờ biết chắc con mệ Ngoét chơi đểu mình, nên lão cứ để bụng. Chẳng qua đi lại xóm chòm, bằng mặt chứ không bằng lòng, nên hở ra, khi nào có dịp là họ chơi ác nhau.

Bà Ngoét vốn thường hay chơi khắm cố Ngờ nhiều vố đau điếng, khiến cố Ngờ cay cú lắm! Nhưng nghĩ kế mãi không ra…

Một hôm. Trời trưa nắng oi bức, cố ngồi phe phẫy quạt mo sau hiên nhà… Tình cờ thấy bà Ngoét đi ra dãy hòe, ngồi xòe mấn… Thế là cố tương kế tựu kế…

Kiến cắm loét C…rồi bà con ơi!!!

Một đêm nọ, cố nấu ấm nước mới vừa chín tới hoe hoe, mời bà Ngoét và lối xóm sang uống và chuyện trò cà kê dê ngỗng chán chê… Bà Ngoét buồn ngủ và chào về.

Đêm ở một quê tĩnh lặng… Gió hiu hiu từ sông thổi lên như ru giấc ngủ một miền quê. Bỗng đâu, nghe bà Ngoét hét toáng lên, la làng:

– Chao ôi, chao ôi, kiến cắm tui đau quá trời ơi là trời ơi!

Cố Ngờ nhà ở gần, chạy sang hỏi thăm:

– Chi đó bà Ngoét, kiến cắm ở chỗ mô mồ, để tui xức lá trù khôông (lá trầu không) cho mồ.

Cả xóm nghe la làng vội chạy tới….

Bà bị kiến cha ôi cắn đau là thế, vậy mà khi dân làng tới hỏi bà đau chi mà la làng lên vậy. Bà chối quanh để chỉ nói là đau bụng. Nhưng rồi bà biết, mình bị lão Ngờ chơi một vố đau, mà đành cam tâm chịu trận. Khi nhà làng về rồi. Bà Ngoét cầm bừa cào chạy theo rượt vừa chửi:

– Mã cha thằng Ngờ, mi đổ kiến đây, làm bà bị kiến cắm loét c…

Cố Ngờ vừa chạy vừa là làng:

– Cứu với, cứu với! Kiến cắm loét chẹm bà Ngoét rồi làng xóm ơi!! Bớ bà con, mau cứu với!!!

Bà con lối xóm chạy tới, thấy chuyện “oan gia” của hai người, không nhịn được cười.

Số là chập tối, cố Ngờ bắt một lon kiến cha ôi, đổ ngay cái chỗ bà vẫn thường hay ra tè. Đêm đó, bà uống nước về mót đái, ra bờ hòe tè. Mấn (váy) phủ xuống, kiến men theo lên, thấy rậm rạp và có lỗ, kiến nào mà kiến không chui vô, mới là chuyện lạ!!!

Tít cắm tui đau quá! Trời ơi!!!

Bà Ngoét cũng chẳng vừa gì. Càng nghĩ lại cái bữa kiến cắm chẹm, càng tức lão Ngờ ứa gan, nhưng nghỉ mãi không ra kế để trả thù.

Bà Ngoét vốn buôn chè xanh đi hôm về trầm. Một đêm, bà về tắt qua nhà cố Ngờ, trời không mưa mà thấy nước róc rách chảy…Bà Ngoét tự nhủ: “Phen ni, mi chết cho tau, thằng già Ngờ ơi!”.

Bà tương kế tựu kế, nấu một ấm nước chè hòe, rồi mời cố Ngờ sang uống…Chuyện vãn chê chán, cố Ngờ về ngủ…Bỗng một lúc sau, có tiếng kêu cứu:

– Ớ làng xóm ơi! Cứu tui với! Cứu tui với!!

Cả xóm nhao nhác đến hỏi:

– Có việc chi mà lão van trời rứa!

Cố nhăn mặt than như bọng:

– Con tít cắm tui, con tít cắm tui ngay cái củ từ, đau quá trời ơi!

Thấy cố Ngờ cứ xắm nắm củ từ, nhảy cù quếch, cả xóm được bữa cười no trừ cơm.

Còn bà Ngoét, cũng chạy sang tỉnh bơ.

– Tít cắn chỗ mô, để tui lấy thuốc lào rịt cho mồ.

Cố Ngờ nhìn bà Ngoét, lòng căm tức lắm, nhưng không biết làm sao được. Miệng chửi thầm: “Mã cha con mệ Ngoét ni. Hãy đợi đấy!!!”. Còn bà Ngoét thì cười thầm hả hê trong lòng vì đã trả nợ được mối thù hôm trước.

Số là cái chõng tre cố ngủ đặt sát vách phên. Đêm ngủ, mắc tiểu, cố lười dậy, nên trổ một lỗ, để thò chim ra đái. Bà Ngoét biết được cơ mật, nên tương kế tựu kế, lấy cái kẹp than hơ nóng sẵn ở nhà, chờ khi nghe tiếng nước chảy róc rách là bà ra tay, lấy cái kẹp than nóng hổi, kẹp ngay cái củ từ, cơ quan nào chịu cho thấu hả trời!!!

Thế đấy, người xưa không được học hành, nhưng những trò ma mãnh, tinh quái ranh ma thì người thời này khó có ai bằng!!

Ba Bàu Tui

Xem tiếp Phần II – Hồi sau sẽ rõ….

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …