Mạn đàm cùng mùa xuân

Mạn đàm cùng mùa xuân

Tạp bút

Đã có một mùa xuân như thế….

md41. Cái nắng oi ả, bức bối của ngày đầu xuân như bánh xe lu nặng nề uể oải, chậm tiễn cái Giêng đi trong sự ngột ngạt từ những ngày sau “mồng” cho đến “hâm”, những tưởng đi đứt cái Giêng rồi. May mắn thay, những tờ lịch cuối giêng lại đang rơi rụng trong bầu khí se lạnh của ngày đông muộn mằn còn theo sang xuân như để tiếc nuối những ngày đông còn quá ít ỏi!

Một căn nhà mới cáu cạnh, chỉ được “bóc tem” trước tết độ vài ngày, và chủ nhân sợ cái “tháng giêng là tháng ăn chơi” qua mất, để vội nhóm tụ bạn bè “chiến hữu” – những người bạn thất thời lỡ thế, sau chiến tranh, quy hồi cố hương – có dịp “bù khú” ăn tục, nói phét với nhau cho thoả thích.

Cái bầu khí “bù khú” này bị lãng quên dễ gần đến 20 năm nay, nên khi được hội tụ thì phát tiết ra hết những hưng phấn, hào khí rộ lên bừng bừng… Quả thật là lý tưởng, khi được ngồi mạn đàm trong một ngôi nhà xinh đẹp, khang trang với cái bầu khí “hồi đông” của buổi chiều “nhất chập choạng…”, càng làm cho tình bạn ngày xưa thêm ấm lại!

md5Nhưng trước hết vẫn là cái mục lỉnh kỉnh không thể thiếu được “cái miếng trầu đầu câu chuyện” của một bữa tiệc thịnh soạn đã được chủ nhà bày sẵn. Rõ ràng là có thực mới vực được đạo mà lị!!

Những cốc bia sụt sùi bọt cúc cụng nhau côm cốp, bên những ly rượu chuối ngọt nồng màu hổ phách cũng được chiếu cố hết sức tận tình, làm cho bầu khí ban đầu có vẻ dè dặt, giữ ý, thì lúc này sự hưng phấn được đẩy lên cao, mở toang cõi lòng ra để bắt đầu một cuộc mạn đàm sôi nổi đầu xuân.

2. Không khí bỗng hưng phấn lên khi ba tuần bia rượu đà đà, ai cũng hăng tiết vịt lên tranh cãi ào ạt. Và cái chuyện “thời thế thế thời” bấy lâu ấm ức, cũng được xé toang ra bàn cãi.

Thế hệ học sinh Tiến Đức chúng tôi, hầu hết đều sinh ra vào thời buổi ly loạn chiến tranh. Chưa biết mô tê chi về chính kiến thời cuộc thì đã phải theo cha mẹ di cư vào Nam. Từ đó, chúng tôi lớn lên trong cuộc chiến tương tàn Nam Bắc. Là những người mới lớn, chúng tôi chỉ biết ngày hai buổi cắp sách đến trường học hành, theo chương trình của chế độ miền Nam VNCH. Và hầu như chưa kịp phân định đúng sai của cuộc chiến đó, thì phải động viên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi tổ quốc: Đi lính để thể hiện trách nhiệm của kẻ sĩ trong một đất nước. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách.

3. Rồi ngày 75, ập đến. Miền Nam VNCH thất trận, và miền Bắc CHXHCN thắng trận. Thực tình mà nói, chúng tôi chẳng hề mong đợi cái ngày đó đến, là điều quá dễ hiểu; bởi, “ăn cây nào rào cây ấy!” là chí phải! (nhưng chế độ lại không muốn hiểu, để áp đặt chúng tôi phải tẩy não ngay cái cũ, để bức bách phải theo cái mới). Khi lý trí của chúng tôi chưa biết trái phải, trắng đen, phi nghĩa và chính nghĩa thuộc về bên nào, thì cái ngày đó đã đến một cách đột ngột ngỡ ngàng đến phủ phàng. Tất cả đã làm sụp đổ não trạng chúng tôi trong tận sâu thẳm. Sự thất trận đó, không đơn giản là sự thảm bại của “mạnh được yếu thua”, hay “được làm vua thua làm giặc”; mà là một sự thất trận trong ý thức hệ giữa Tư bản và Cộng Sản. Thành ra nó đau xót và thảm hại ghê gớm!!! Cái đau đớn không chỉ ở vật thể ở thể xác mà đau đến tận trong sâu thẳm tâm can. Nhưng, những người thắng trận không nhận ra được điều đó, để luôn chưởi rủa chúng tôi là Nguỵ quân, Nguỵ quyền này nọ…tiếp tay cho bọn Mỹ, bán nước cầu vinh…Và chỉ chờ những sai phạm về chính kiến là phủ đầu giáo điều để bắt đi tù tội, cải tạo….Với những mất mát to lớn và sự bại trận thảm hại như thế, bảo sao chúng tôi có thể vui vẻ để hoà nhập vào cái ngày thống nhất đất nước ấy được chứ!?

md6

4. Sau đó, chúng tôi bị cưỡng chế vào trại tù, trại cải tạo…Mà lại phải cải tạo cái tư tưởng, cái não trạng đã hằn sâu dấu đinh hoen những hơn 20 năm của chủ nghĩa quốc gia, bây giờ bắt biến đổi sang chủ nghĩa Cộng Sản một sáng một chiều, quả là một sự bức bách đầy phi lý. Mà nếu có biến đổi được cũng chỉ là một sự man trá, dối lừa. Một sự man trá như thế, đến Thừa tướng Tào Tháo cũng biết “xem mặt bắt hình dong” để hô quân sĩ đem ra xử chém hết tất tần tật. Và lạ thay, Tào Tháo đã nhục nhằn để tin dùng và biệt đãi những kẻ vừa thất trận, chưởi rủa Tào Tháo thậm tệ; Bởi, Tào Tháo biết rằng: Chỉ có thể tin dùng những kẻ có lòng trung thành một dạ sắt son với vua tôi mà thôi. Tiếc thay, kẻ chiến thắng lại không nhìn thấu đáo hết cái lẽ đời, lẽ chiến chinh để chỉ tin dùng vào những kẻ vừa mới “ăn cơm quốc gia, lại đi thờ ma Cộng sản” (câu nói thời danh của TT Thiệu VNCH). Và nhiều điều bất cập đáng tiếc đã xảy ra: biết bao bi kịch thảm khốc sau cái ngày 75 đó, khi chế độ tin dùng những hạng người tham sống sợ chết, cầu vinh như thế. Chính những hạng người ấy đã làm lem luộc không ít đến cái thanh danh của chế độ, là bởi cái đoái tội lập công đến “ngu dốt cộng với sự nhiệt tình đâm ra phá hoại” là thế đấy! Những cảm tình riêng tư: ganh ghét, đố kỵ, hoặc tư thù cá nhân cũng được những con người man trá đó lồng vào quan điểm chính trị để trả thù nhau, và việc tố cáo để bị bắt đi tù tội cải tạo những người vô tội là khó tránh khỏi.

5. Và với bản lý lịch nghiệt ngã: di cư, chống Cộng, Công giáo, Châu Sơn…thì tưởng chu di tam tộc còn sướng hơn là sống khổ sở lây lất như thế… Làm phó thường dân nam bộ, hết tù đày, cải tạo đến bị đưa đi kinh tế mới…thì ở trần gian này, còn nỗi khốn khổ nào hơn nữa hả trời!!!

Cuộc sống đời thừa bên lề xã hội của những kẻ có bằng cấp cũng bị vứt xó, và được xã hội xếp vào loại: “bất khiển dụng”. Thế hệ đàn ông chúng tôi, những người gia trưởng hầu như bất lực để không làm nên tích sự gì cho gia đình, mà chỉ biết sống ăn nhờ ở đợ vợ con sau cái ngày 75. Nên đâu đó, đã có câu thơ ngậm ngùi cay đắng để than thở: “Thế hệ chúng tôi sinh lầm thế kỷ. Chế độ giam tù. Đất nước ruồng bỏ. Giống nòi coi khinh. Vợ con ruồng rẫy…?”.

md7

6. Thế thì làm sao bắt chúng tôi phải phân đinh rạch ròi bên nào chính nghĩa, bên nào phi nghĩa vào lúc đó được chứ! Quả là trong thực trạng đó, không dễ gì để phân định trắng đen được nữa rồi. Đối với cuộc chiến tranh tương tàn Nam Bắc, người dân cũng chỉ là những con rối của hai thế lực Tư bản và Cộng Sản mà thôi. Đó là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ, hai thế lực ngoại bang: Liên Sô và Mỹ. Và Việt Nam là một sân khấu để thể nghiệm những mưu đồ toan tính và kể cả vũ khí bom đạn huỷ diệt dã man người Việt Nam của hai thế lực. Hơn nữa, muốn nói đến chuyện chính nghĩa, khán giả phải vào trong chính hậu trường sân khấu để biết rõ đâu là ý đồ, đâu là kịch bản thực sự của những nhà đạo diễn tài tình, chứ ở ngoài sân khấu, làm một người khán giả bàng quan thì làm sao biết được đâu là chính nghĩa và đâu là nghĩa. Có điều, thích hay không thích chế độ XHCN, thì chúng ta cũng phải chân nhận một sự thật hết sức hiện thực, bằng mắt thấy tai nghe của bên chế độ miền Bắc là, họ trưng bày chính nghĩa của họ lên báo đài, cả trong lẫn ngoài nước, những câu từ, khẩu hiệu Slogan: “Tất cả nhân dân miền Bắc chiến đấu để dành độc lập, dành tự do cho đất được thống nhất”. Xét hai bên Bắc Nam, chẳng có bên nào độc lập hơn bên nào, vì bên nào cũng có quan thầy, bên Nam có Mỹ thì bên Bắc có Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba và các nước anh em XHCN xen vào chuyện nội bộ, cung cấp vũ khí lẫn sách lược leo thang chiến tranh. Xem ra miền Nam có vẻ độc lập hơn miền Bắc, vì chỉ có Mỹ mà thôi, trong khi miền Bắc có tập đoàn XHCN. Còn Tự do ư? Hãy để cho người miền Bắc nói, nhà văn XHCN Huy Đức và Dương Thu Hương đã bộc bạch: Tôi cứ ngỡ miền Nam bị đế quốc cùm kẹp, áp bức người dân, nào ngờ họ còn được tự do hơn người dân miền bắc cả về đời sống lẫn ngôn luận…Vậy thì đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa đây?? Quyền thẩm định tối cao đó, chỉ có lịch sử đánh giá được mà thôi. Thành ra, việc phân định rạch ròi đâu là người có công, và đâu là kẻ có tội cũng không đơn giản một chút nào.

Đêm theo gió xuân hun hút sâu vào khuya…Những “vó ngựa” trên bàn ăn cũng tăng tốc cho kịp với nhịp độ tranh cãi đầy bão táp…khiến cho mâm bàn “cạn tàu ráo máng” của những món “hảo xực”.

md8

7. Một ý kiến khác làm thay đổi cục diện của cuộc tranh cãi: “Tôn giáo mà chưa chuẩn mực đạo đức nữa là chính trị, xã hội…”. Có ý kiến phản bác: “Sao lại không chuẩn mực đạo đức khi Kinh tin kính đã đã xác tín tuyên thệ rõ ràng: Một hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền” (kể cả ơn bất khả ngộ đó sao!). Có ý kiến cho rằng: “Duy nhất, tông truyền, Công giáo thì có, chứ thánh thiện thì e rằng phải xét lại; vì giáo hội là cuộc hành trình lữ thứ trần gian, còn vướng bận những tục luỵ yếu đuối của con người lắm lắm!!! Thế thì làm sao có thể thánh thiện được!? Phải nói, bản chất của Giáo hội – lẽ đạo, thánh kinh…là thánh thiện, nhưng con người của giáo hội chưa thể thánh thiện được. Còn ơn bất khả ngộ của giáo hội thì, hình như không còn được mặc định nữa rồi!!? Bởi sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dũng cảm để đưa ra lời xin lỗi trong “vụ án Galile” một cách công khai và hết sức chân thành thì, dường như ơn bất khả ngộ đã bị vô hiệu hoá rồi?”.

8. Dù chuyện đạo đời có rối rắm, phức tạp…thì “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” phải không các bạn!? Một lời chữa cháy mang tính dĩ hòa vi quý.

Lời phát biểu trên, như để tránh một sự bàn cãi: “ngồi lâu khoai nát” những chuyện quá lớn, ngoài tầm sức mình. Những vấn đề nhạy cảm của xã hội và tôn giáo có khi tai bay vạ gió bi luỵ vào bản thân mình là có!!!.

md9Thế rồi, một chủ đề thực tại về con người được đề ra thay thế những chủ đề hóc búa trên. Nhưng rõ là tránh võ dưa lại gặp võ dừa, khi đụng đến thân phận con người, quả là mông lung bao la thiên địa, không biết đâu mà lần.

Có ý kiến cho rằng: “Cuộc đời là xâu chuổi của may rủi đi liền kề nhau như chuyện “Tái ông thất mã vậy”. “Trong cái rủi, có cái may, và ngược lại..”. Ví như những kẻ tù tội cải tạo sau 75, đi tù lâu từng nào thì sớm được xét duyệt qua mỹ theo diện HO sớm chừng ấy! Ý kiến khác: “Khi rủi ro, nếu mình biết chấp nhận như một thánh giá, thì cái ách nặng đó sẽ biến ra nhẹ nhàng, êm ái”. Có ý kiến cho rằng: “Vào tuổi ngũ thập niên tri thiên mệnh đã thấy lòng an vui với một cõi đi về rồi”.

Nhưng có người lại phản biện: “Càng đi hết cuộc đời, càng thấy cuộc đời hết sức phi lý, vô nghĩa, mà thân phận con người phải nằm trong sự kiềm toả của vòng “kim cô” sinh, lão, bệnh, tử một cách hết sức nghiệt ngã”. Mà cái đau anh ách của kẻ càng hiểu biết chừng nào, lại càng rối rắm, bức bối với chuyện đời thiên lý vạn lý chừng ấy. Và quả thật, vòng đời như một cõi mê cung, không biết đâu mà lần cho ra chân lý. Thôi thì chịu thủ phận: “ngu si hưởng thái bình” là tốt hơn cả!?”.

9. Những tưởng rằng, cái câu “ngu si hưởng thái bình” có thể kết thúc được buổi mạn đàm thì, nào ngờ, có người lại không chịu an vị để đưa ra mệnh đề mới: “Nhưng chúng ta đã từng một thời mang danh là kẻ sĩ, há lẽ lại tự thui chột mắt mù loà và câm điếc trước những nhiễu nhương cuộc đời?”.

Nhớ ngày xưa, chúng ta đã từng mài mòn đũng quần trên ghế nhà trường để học cái đạo thánh hiền của kẻ sĩ: trí, nhân, trung, dũng. Thế mà giờ đây, cái đạo đức đó đã bị rơi rớt, suy tàn trước dâu bể sóng gió cuộc đời rồi sao? Cơn bão táp cuộc đời đó, đã làm cho chúng ta chao đảo, để ngày mỗi còng lưng khuất phục trước những thế lực cuộc đời. Trí thì bị cùn mằn với tuổi đời lão hoá. Nhân thì ngày càng sơ cứng, vô cảm để chỉ biết vị kỷ, lo cho cái bản thân mình êm ấm, còn “sống chết mặc bay”. Trung thực thì luôn bị bóp méo bởi những gian trá, lọc lừa; và nếu có dám trung thực thì bị xem là dại dột; bởi, “quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói lại mới là quân tử khôn”. Dũng khí thì bị đốn ngã trước những thế lực thần quyền, thế quyền…

Ngoài xã hội, thấy điều sai trái không dám lên án; thấy bất công, áp bức không dám đứng ra bênh vực, bảo vệ. Chỉ vì ngại luỵ vào thân, để rồi sợ tiếng đời mỉa mai: “Thổi lửa phỏng mồm”. “Ách ngoài đàng mang hoạ vào thân”.

Trong đời sống tôn giáo, không thiếu những điều áp chế thần quyền: xây dựng công trình quá tải, thần quyền hố phong hoán vũ áp đặt đủ điều xuống giáo dân…mà giáo dân chỉ biết than vắn thở dài lặng câm, không dám nói ra; bởi nếu có ai đó trung thực nói ra, sẽ bị dư luận trù dập cho là bác cha phản đạo…để rồi bị cô lập sống ngoài quỹ đạo của một giáo xứ. Nhục nhằn và đau thương là thế đấy!!??

Thế là cái điều sai, lẽ trái, luôn có chốn ẩn náu dưới áp lực thế quyền và thần quyền.

10. Đâu rồi bài học năm xưa của kẻ sĩ Chu Văn An, dám ngang nhiên dâng sớ tấu vua, chém bảy nịnh thần. Đâu rồi lời nói hào khí của Tướng Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”? Đâu rồi cái hào hùng của “chí làm trai – lên đông đông tĩnh, xuống đoài đoài đoài tan” của cụ Nguyễn Công Trứ? Hình như, tất cả những điều đó cũng chỉ là giáo điều, kinh kệ, nhằm trang điểm cho vẽ hào nhoáng bên ngoài của kẻ sĩ? Cuối cùng, kẻ sĩ cũng chịu thúc thủ để sống trong sự bạc nhược, ươn hèn trước thời cuộc!! Có uổng công ăn học, dùi mài kinh sử của kẻ sĩ? Há chăng, kẻ sĩ cũng chỉ tầm thường như “dân ngu khu đen”, ngại đấu tranh, để tránh đau cho “lão giả yên chi” và chấp nhận: “ngu si hưởng thái bình”??

Nhưng trước khi “hãy để ngày ấy lụi tàn” thì, “Mạn đàm cùng mùa xuân” của một cựu học sinh Tiến Đức, cũng muốn nói lên một đôi điều suy tư, trăn trở: Vẫn còn đâu đó những điều trung thực đang bị khuất lấp trong cuộc sống, mà dẫu đôi khi nói ra, cũng chỉ là lời gió thoảng mây trôi, thì người viết vẫn cứ muốn bộc bạch, như để phần nào trả nợ cầm thư của kẻ sĩ vậy.

Bên ngoài, phố khuya đã hắt hiu vàng “ánh điện câu”. Đêm vẫn đang rạo rực phát tiết hương xuân; Há lẽ, chúng ta đã đánh mất cái khí tiết “chí nam nhi” của kẻ sĩ thủa nào rồi ư!!!???

NVC – Một cựu học sinh Tiến Đức Châu Sơn

Check Also

NHỮNG CÁI CHẾT BẤT ĐẮC KỲ TỬ TẠI GX CHÂU SƠN

Sống trên đời này chuyện “sinh ký tử quy” – sống gửi thác về – …