Thay lời tiễn chào!!!

 

          Thay lời tiễn chào!

 dòng carmen 1

          Nhân đọc bài viết “Bỗng dưng muốn khóc” của chị Kim Dung, tôi thoáng chút bồi hồi xúc động, khi biết, các chị dòng tu Cát Minh đã chẳng còn ở lại với GX Châu Sơn chúng ta nữa rồi, và tôi cũng xin được có đôi lời trần tình gửi quý chị.

          Quý chị thân mến,

          Ngày các chị về GX Châu Sơn âm thầm và phẳng lặng như mặt nước hồ thu, đến nỗi phải hơn hai năm sau tôi mới biết được, sự có mặt của các chị, nhân một hôm…

          Chiều nọ, có một bà luống tuổi, khoảng trên 70, bước vào ngõ nhà tôi trong tu phục trông khá lạ lẫm. Một chiếc áo choàng màu nâu thẩm phủ kín cả người, làm nổi bật lên vuông cổ cồn màu trắng tinh, nói lên sự mộc mạc, chân chất đầy khiêm cung của người nữ tu dòng kín. Chỉ có tấm khăn choàng đầu màu đen là giống các nữ tu NVHB mà thôi.

          Tôi chưa kịp chào, bà đã lên tiếng:

          – Chào anh, anh đang hái cà đấy ạ!

          – Chào Sơ, Sơ đi mô rứa! Mời Sơ vô nhà con chơi.

          – Đi mua ít cà về luộc đây anh.

          Đúng lúc đó, vợ tôi vừa ra và hái cho Sơ một bịch cà. Sơ cám ơn rối rít.

          Khi Sơ về rồi, tôi mới hỏi:

          – Bà Sơ này ở đâu mà đến đây mua cà nhà mình?

          – Anh đoảng thật, dòng tu kín ở sau lưng nhà mình cả mấy năm nay rồi mà không biết.           

dong carmen 3Quả là tôi vô tâm thật! Nhưng cuộc đời vốn là dòng chảy hờ hững trôi đi, để sau đó, tôi cũng chẳng mấy quan tâm đến các chị nữa. Thậm chí, tôi còn tự hỏi: Sao thời bây giờ mà vẫn còn có những dòng tu kín, kỳ quặc như thời “Những kẻ khốn khổ” của đại văn hào Pháp, Victor Hugo? Tại sao lại phải tự làm khổ, giam mình trong bốn bức tường thầm lặng để cầu nguyện? Tại sao không nhập thế vào xã hội như những dòng tu khác, bắt tay vào những công tác từ thiện: giúp đỡ người khuyết tật, người cơ nhỡ, người phung cùi…làm giảm nổi đau của nhân loại???

          Trong khi bà con lối xóm, lại tỏ ra quý trọng và thân thương với các Sơ lắm! Trong những ngày đầu khi về đây, các Sơ còn thiếu thốn, khó khăn mọi bề, nhưng luôn được mọi người trong lối xóm quan tâm giúp đỡ, từ: những bó rau cải, những chai nước mắm, đến mấy lượng thịt, nửa ký cá…bữa người này, mai kẻ khác.

Đặc biệt là ông Hoàng Biên ở trước nhà dòng Cát Minh. Đây là một đại ân nhân của nhà dòng. Không có việc gì là không đến tay ông, từ: bắt điện, sửa sang lại nhà cửa, cưa cây, bửa củi, chăm sóc cà phê tưới tắm, làm cỏ, trảy mầm tược cà phê…Sửa máy cắt bánh lễ, chở bánh lễ đi phân phối…

          Chưa hết, mấy năm trước, sáng nào ông cũng dậy sớm, chở cha Lễ ở Tòa Giám Mục vào làm lễ, xong rồi chở về, không quản ngại mưa nắng công lao khó nhọc. Rồi lo dịch vụ chạy giấy tờ mua bán đất sang tên đổi chủ…giống như chủ hộ của nhà dòng. Mấy tuần trước, ông đã lo dọn dẹp sửa sang cho khang trang nhà cửa để các Sơ dọn xuống GX Kim Mai – nhiệm sở mới. Thấy ông làm giúp nhà dòng nhiệt tình hơn cả việc nhà, tôi mới đùa: “Ông Biên mà chết, chắc lên thiên đàng cả dép quá! Có chi hôm nào, ông để lại đôi dép cho tôi níu lên với!!!”. Ông thật xứng đáng với danh xưng là “Ông Ngoại” của các Sơ dòng Cát Minh. Chẳng những thế, ông còn nhận hai ngươi con dự tu dòng Cát Minh.    

dong carmen2

 Ở xóm đó, còn phải kể đến ông Hoàng Minh Phụng, tuổi tác cũng đã bát thập mà vẫn còn sang giúp đỡ công nặng việc nhẹ, xây cất nhà cửa cho Sơ…Và cả xóm đường C đó nữa, cũng đã tận tình giúp đỡ lo dọn dẹp trước đó cả tuần, để chuyển đồ đạc cho các Sơ về nhiệm sở mới.         

Còn tôi, xem nhà dòng như một ốc đảo, một nhóm người xa lạ từ hành tinh khác đến trú ngụ tại GX, và chẳng có ảnh hưởng “bão lụt” chi đến mình. Chỉ một lần duy nhất, tôi được vào nhà dòng qua lời giới thiệu của ông Biên: “Nhà dòng sùng kính Thánh Giuse lắm!”. Đó là năm làm kỷ yếu cho giáo họ Giuse, tôi đến để nhờ các chị viết một bài về Thánh Giuse, nhưng rồi Sơ Khoa không đồng ý, vì tu luật không muốn các chị tham gia các hoạt động bên ngoài xã hội, để chỉ chuyên tu và chiêm niệm. Tôi mới biết rằng, tu luật dòng kín nghiêm ngặt thật!!

          Còn các chị, cuộc đời quanh năm suốt tháng vẫn âm thầm lặng lẽ, sống khép kín trong ngôi nhà số 310 đường C, chỉ đề đọc kinh, chiêm niệm về Thánh thể Chúa Giêsu gần như suốt ngày đêm. Các Sơ không ra ngoài và cũng không giao tiếp với xã hội, chỉ khi cần kíp việc gì lắm, như mua thức ăn buổi sáng, cần sửa sang nhà cửa, mua các đồ gia dụng mới ra ngoài tiếp xúc với đời. Cuộc đời các Sơ xem như đã bị xóa sổ ở ngoài xã hội rồi.

dong carmen 4        Cánh cửa tu viện hầu như đóng kín suốt ngày. Chỉ những ai có việc cần liên hệ, phải bấm chuông điện, Sơ Mẹ ra mở cửa để mời vào phòng khách. Tuy nhiên không phải vì vậy, mà giáo dân Châu Sơn lại đánh mất sự gần gũi thân thương với nhà dòng. Hầu như ngày nào cũng có người ra vào thăm viếng nhà dòng: người đến để giúp đỡ nhà dòng tiền bạc, quà biếu…đổi lại các Sơ giúp lời cầu nguyện…Vì thế mà người dân Châu Sơn mỗi lần có việc gì tai ương hoạn nạn: mất bò, mất nai, chuyện nhà lục đục cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, con cái bỏ đi, mất tiền của…đều đến khấn xin, nhờ các Sơ cầu nguyện rất linh ứng…Ngay cả vợ tôi, ngày làm nhà mới cũng sang khấn: xin cho được sự bình yên. Ngày khoan giếng cũng xin lời khấn cho được như ý. Và lạ thay, chẳng những người trong giáo xứ, ai đến xin cũng đều được việc, mà ngay cả nhà tôi xin điều gì được điều đó. Tôi vốn cứng lòng tin…Vậy mà có một lần…

          Đó là những năm 2004, 2005 tôi bị chứng Tâm phế mãn khiến khó thở vào mùa đông, và sức khỏe suy kiệt, nguy cấp đến tính mạng, nhưng không làm sao đi xe khách vào Sài Gòn được. Có người mách bảo: Nhà dòng linh lắm! Sang khấn là được ngay. Quả thế thật! Từ chuyến đi chữa bệnh Sài Gòn về đến nay, nhờ ơn trên, tôi trở lại khỏe mạnh bình thường. Hình như Chúa biết tôi có bụng dạ cứng tin như Thoma nên ngài nhãn tiền cho tôi biết, đời sống tâm linh cầu nguyện là cần thiết và quan trọng như thế nào. Lúc này đây, tôi mới biết được hiệu ứng lời cầu nguyện của các chị là cần thiết cho đời sống hàng ngày vô cùng.

cac so cac men

 Đến bây giờ tôi mới nhận ra, mình quá thiển cận để quên rằng: Cầu nguyện là một khí cụ bình an, rất thiết thực và hiệu ứng tâm linh cho đời sống người KiTô được sự an vui và thăng bằng trong cuộc sống chao đảo này. Tôi há quên bài phúc âm, trong đó Chúa trách cứ Macta cứ lo những chuyện trần thế, mà quên đến Chúa, chính là người khách cao trọng cần được gần gũi và trân quý như Maria đã từng quan tâm. “Tiên vàn hãy tìm nước trời”.

          Quý Sơ thân mến,

          Thấm thoát mới ngày nào chân ướt chân ráo về GX, đến nay đã ngót 20 năm, để hôm nay Chủ Nhật ngày 27/05/ 2013, các Sơ đã chính thức nói lời chia tay với GX. Xúc động biết bao khi Sơ đại diện nói lời cám ơn quý LMQX, HĐGX và quý cộng đoàn, bà con lối xóm đã cưu mang giúp đỡ Tu viện Cát Minh trong những ngày đầu mới đến, còn nhiều khó khăn, cho đến 20 năm nay, nhà dòng luôn được sống trong vòng tay yêu thương của GX. Sơ cũng không quên cầu chúc cho quý cha quản xứ, HĐGX, Tu sĩ Nam nữ, quý cộng đoàn Châu Sơn luôn được dồi dào sức khỏe, và tràn đầy ân sủng Chúa Kitô. Sau hết, cũng vì tình yêu thương, xin quý cộng đoàn bỏ qua cho những thiếu sót không tránh khỏi của nhà dòng trong 20 năm qua…

          dong carmen 5Từ đây, GX mất đi một chỗ dựa tinh thần…để rồi những lúc khốn khó, biết nhờ cậy ai cầu khẩn Chúa giùm cho đây!? Từ đây, GX mất đi một trái tim yêu thương với nhịp đập cầu nguyện đều đặn cho giáo xứ mỗi ngày.

         

          Xin gửi đến quý Sơ dòng Cát Minh lời chào ân sủng và bình an trong Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính chúc quý Sơ luôn hồn an xác mạnh, để chu toàn sứ mạng mà nhà dòng đã giao phó, để các chị “ra đi sinh nhiều hoa trái”. 

          Xin cám ơn lời cầu nguyện của quý Sơ đã đem lại niềm an bình trong mỗi tâm hồn chúng con suốt 20 năm qua. Xin Chúa trả công bội hậu cho những hy sinh cao cả của quý Sơ với GX. Xin quý Sơ cầu nguyện cho GX chúng con luôn.

          “Dù đến rôi đi, tôi cũng xin tạ ơn người…”(TCS)

Nguyễn Văn Kính

            

Check Also

CÁO PHÓ: CỐ ÔNG PHÊ RÔ NGUYỄN VĂN KINH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …