Ký Ức của Cu Tún P. Cuối

Tình Châu Sơn

     Đi xa xứ lâu rồi nhưng Tún vẫn rất hoài niệm cái gọi là “tình làng, nghĩa xóm” ở Châu Sơn, nó không giống như “lịch sự – bất xâm phạm đời tư” như ở nhiều nơi văn minh mà hàng xóm sống sát vách không biết tên của nhau, nhiều lắm chỉ là “hi và bye” mỗi khi thấy nhau.

     Tún nhớ mẹ hay nói Tún bưng “cạu” na hay trái mít sang nhà hàng xóm và cũng thường hay nhận trái bắp đầu mùa hoặc trái sầu riêng lép hột… Một điều kì lạ là đồ của láng giềng cho thường rất ngon, mặc dù đến mùa cũng là giống bắp đó nhưng không ngọt bằng, có lẽ trái bắp của “dì Linh” hay “chú Đại” cho có thêm một cái tư vị gọi là “tình hàng xóm”.

     Tún nhớ khi nào nhà ai đó muốn “lán” cái sân hay ráp chuồng nai thì chỉ cần nói ra lúc uống “nác mới” buổi sáng sớm là sau đó bao nhiêu cuốc, xẻng, “bay”, “xà beng” được hàng xóm mang tới, cười cười nói nói, uống nước chè, hút điếu cày, ăn cơm trưa và làm xong trong ngày đó. Mấy chú thanh, tráng niên hay nói: “ầy, cấy nớ thì dệ, mần rẹc rẹc cấy là xong”, và “chỉ cần hu một cấy là có mặt liền”.

     Tún nhớ lần Tún bị điện giật tí xíu nữa mua vé đi thăm ông bà thì biết bao nhiêu hàng xóm tới hỏi thăm, cho trái cam lon sữa. Sau khi đi Sài Gòn về Tún thấy sữa “ông thọ” chất đầy một tủ nhỏ của dì, o, dượng, chú, bác, ông, bà tới thăm. Mặc dù cánh tay đau nhưng thấy ấm lòng lắm. Mỗi lần có ai bị tai nạn, gặp chuyện không may thì láng giềng gần rồi tới xa, rồi bà con tới hỏi han chia buồn, đưa cho trái cam, “đi thăm”… Hồi đi học giáo lý anh chị đưa bài bình luận có câu: “bán chị em xa, mua láng giềng gần”, lúc đó Tún không hiểu và thắc mắc lắm, và bây giờ thì… vẫn còn thắc mắc nhưng hiểu được tí chút 🙂

     Tún nhớ nhà ai đó có người thân mất, Tún theo mẹ đi thăm, rồi đọc kinh tuần 3 tuần 7. Mấy ngày tiếp theo thì có giáo họ tới đọc kinh, đoàn tráng niên, đoàn phụ nữ, anh chị huynh trưởng… người tới thăm cho mòn cả đường, đọc kinh cho “liệt” luôn. Người nhà được nhiều đoàn thể tới đọc kinh thì vơi đi được phần nào nỗi buồn, thứ hai là cầu cho linh hồn, ơn ích lắm; không bù với nhiều nơi văn minh, người già vô bệnh viện được chăm sóc kĩ càng nhưng nhiều người cả ngày nằm một mình, không một ai thăm viếng, rồi ra đi cũng chẳng ai hay.

     Tún nhớ nhiều anh chị phải đi học, lo việc nhà vậy mà vẫn cứ đều đều đi dạy giáo lý cho các em. Rồi đến lúc anh chị đi cưới vợ lấy chồng thì buồn lắm. Tún nhớ hồi cấp 3 sau khi đi lễ hai ra tập trung dưới cây phượng gần tháp chuông, chị Quyên báo cho cả cấp chị đi lấy chồng không dạy giáo lý nữa, cả đám buồn lắm, rồi đứa nào cũng đi lễ cưới cầu nguyện cho chị. Sau chị Quyên rồi đến chị Nga, anh Vũ, anh Đạo, anh Toàn, anh Phan… lúc chia tay, ôm nhau nước mắt nước mũi ròng ròng.

     Tún nhớ chuẩn bị xưng tội rước lễ lần đầu kỹ lắm, trang nghiêm lắm. Kiểm tra giáo lý không phải ngồi trong lớp rồi viết hoặc kêu lên “khảo bài” thôi đâu, kiểm tra giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu ở trong nhà thờ, có ba hay mẹ đi cùng khi lên khảo bài nữa, đâu phải chuyện đùa. Rồi anh chị hướng dẫn cho xếp hàng đi lên, chắp tay như thế nào, nếu rước lễ bằng miệng thì phải hả to bao nhiêu, lưỡi “thò” ra dài ngắn, tập đi đứng, tập thắt khăn quàng sao cho đúng. Một đám nhỏ nhỏ chưa hiểu chuyện vậy mà anh chị tận tâm giải thích, căn dặn từng li từng tí. Màu khăn của cấp Tún là màu xanh lá chuối nhạt, được anh chị hướng dẫn cho đeo rồi đứng chung trước nhà thờ với các anh chị mang khăn vàng, đỏ, tím, cam, đen… à quên, không có khăn đen :-). Lúc đầu đeo Tún nghĩ là lên mỗi cấp được phát mỗi khăn có màu khác nhau, hoá ra không phải, cái khăn lúc xưng tội rước lễ lần đầu đeo cho đến khi lên đường luôn. Ờ mà hình như Tún còn chưa được lên đường nữa.

     Tún nhớ mỗi lần cắm trại ở sân banh trước nhà thờ vui lắm, được người lớn lo hết từ dựng lều cho đến đồ ăn đồ uống; bọn con nít như Tún chỉ chạy nhảy cả ngày rồi sắp hàng, sắp vòng tròn hát hoặc chơi mấy trò “con thỏ đi ăn cỏ, con thỏ uống nước, con thỏ chui vào hang”, đến trưa thì được anh chị lo cho ăn. Buổi tối thì dựng một đống gỗ thật to và treo một sợi dây thép từ trên tháp chuông xuống rồi mấy anh Thăng, Đạo, Toàn trèo lên, đốt một vòng tròn lửa rồi thả từ trên cao xuống… lửa trại cháy thật cao, rồi bọn Tún xếp vòng trong vòng ngoài quanh lửa trại, đứa nào đứa nấy cố gắng hát thật to, vỗ tay thật kêu.

     Tún nhớ mỗi năm trung thu đều có lễ dành riêng cho các em, phát cho mỗi đứa một bịch quà rồi rước đèn xung quanh nhà thờ. Rồi những ngày Giáng Sinh, Phục Sinh đều có lễ dành riêng cho các em và hát những bài đứa nào cũng thuộc như “Hát khen mừng Chúa Giáng Sinh ra đời, Chúa sinh ra đời…”, đứa nào cũng rống thật to, át luôn cả tiếng ca đoàn, gần bể cả nhà thờ.

     Tún nhớ hồi đó có ca đoàn con nít, hát vào mỗi thánh lễ hai ngày Chúa Nhật, và không nhớ vì lý do nào đó, Tún cũng tham gia đi hát như ai. Lúc thì soeur tập, lúc thì cha Nghĩa vừa đánh đàn vừa tập cho ca đoàn con nít, gọi là ca đoàn “thiên thần nhỏ”. Có một lần soeur quên đem bài hát viết trên giấy lớn mà lễ sắp bắt đầu, soeur viết lại trên giấy nhưng quên mất câu 3, tự nhiên cu Tún đọc cho soeur rành rọt đến cả dấu chấm phẩy, mà Tún có thuộc đâu, đọc xong mới hoàn hồn lại nghĩ vừa rồi mình nói cái gì đây. 

     Tún nhớ giáo xứ cho trường Đinh Bộ Lĩnh mượn một dãy trường phía trên để con nít Châu Sơn đỡ phải đi xa. Cái thời lớp 1 ồn ào quá nên cô giáo bắt con nít cúi mặt xuống bàn để cô làm việc, Tún thì nghịch chui xuống bàn rồi bò từ bàn này qua bàn kia chọc mấy bạn :-). Nhân đây Tún có một việc thú tội: hồi lớp 1 Tún ngồi gần một cô bé, mà không hiểu vì lý do gì Tún… ăn hiếp cô bé đó nhiều lắm, từ chuyện góc vở bị quăn cho đến miếng ni-lông trải bàn, cái gì cũng bắt đền cô bé. Đến giờ Tún vẫn không hiểu tại sao học xong lớp 1 thì cô bé chuyển trường?… Từ lớp 1 đến lớp 3, Tún may mắn được học mấy lớp do các cô giáo trong làng dạy; cám ơn cô Hoa, cô Ngọc Lan, cô Minh Châu…

     Tún nhớ giáo xứ còn tổ chức phát thưởng cho các em giỏi giáo lý và học đường giỏi nữa, chỉ cần được bằng khen ở trường thì có thể tới đăng ký để lãnh thưởng sau giờ chầu ngày Chúa Nhật. Bạn nào học giỏi thì được cả 4 lần thưởng luôn: thưởng học giỏi giáo lý, thưởng ở nhà trường, phần thưởng của phụ huynh học sinh và giáo xứ thưởng khuyến khích học văn hoá giỏi. Mấy cuốn vở thôi nhưng được thưởng thì vui lắm, về nhà còn được ba mẹ thưởng nữa.

     Tún nhớ cái cự nự uể oải khi phải thức dậy đi lễ mỗi sáng, thực ra thì Tún rất không khoái đi lễ tí nào, tại giờ đó ngủ sướng “cả bà ngài” mà. Nhưng mà Tún có thằng bạn hơi bị đặc biệt, hắn đứng trước cổng kêu rủ Tún đi lễ mỗi sáng. Cái thằng đứng la làng trước cổng nhà người ta lúc 4 giờ 15 phút sáng, thiệt tình! Hắn phải nghĩ cho bà con chòm xóm nữa chớ, gà còn chưa dậy mà hắn đã đứng kêu rồi, hắn phải nghĩ cho bà con lao động cần giấc ngủ nữa chớ, hắn phải nghĩ đến các em nhỏ bị giật mình thức giấc nữa chớ, hắn phải nghĩ đến… hoà bình thế giới nữa chớ. Cái thằng! Hắn phải nghĩ cho… Tún nữa chớ, kêu la trước cổng làm Tún không dậy đi lễ không được, đi lễ thì cứ đi đi, còn kêu la cái gì không biết. Cái thằng… bạn của cu Tún 🙂

Tún được sinh ra, lớn lên và được giáo dục ở làng Châu Sơn, vậy cũng có thể nói Châu Sơn cho Tún tất cả những gì Tún có ngày hôm nay, và Tún biết ơn Châu Sơn về điều đó.

cu Tún

Check Also

Một tri âm tri kỷ: Đời vắng em rồi, say với ai!!??

Mỗi lần nhớ đến Hùng, anh lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà …