ĐÁNH BẮT XA BỜ

ĐÁNH BẮT XA BỜ

       Cụm từ này có lẽ xuất phát từ Thánh Kinh tân ước. Rõ ràng nhất là trong bài tin mừng Thánh Luca (5.1-11) trình thuật câu chuyện Chúa thu phục những môn đệ đầu tiên. Ngài đã gợi ý cho các ông ra xa khơi mà thả lưới. Các ông vâng lời và đã bắt được rất nhiều cá.

       Ngày nay, thỉnh thoảng, chúng ta thấy trên TV cũng đã dùng cụm từ này để chỉ các ngư dân, ngư phủ nếu muốn bắt được nhiều cá thì phải ra ngoài khơi xa. Ý nghĩa của cụm từ này, về thực tế, đơn giản chỉ có vậy. Không có một ý nghĩa gì sâu xa cả. Bởi ngoài khơi thì có nhiều cá hơn và lắm cá quý. Nhưng cụm từ này trở nên thú vị và ý nghĩa khi nó áp dụng cho các đôi hôn phối lấy vợ, lấy chồng xa ngoài xứ sở của mình.

        Không biết các xứ khác đã nghe cách nói này chưa và nghe trong trường hợp nào chứ ở Châu Sơn cha Vũ Thanh Lịch, trong một bài giảng nào đó cho giới trẻ, cách đây mấy năm, đã dùng cụm từ ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ để ví von những cặp đôi lấy nhau ngoài giáo xứ. Ban đầu mới nghe thấy lạ tai, bỡ ngỡ. Sau thấy hay hay thú vị. Rồi gật đầu tủm tỉm: “Cụ Lịch tài thật. Đúng là một nhà lập ngôn”.

         Đúng vậy, mấy năm gần đây ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ tràn vào giáo xứ Châu Sơn như một hiện tượng, một cao trào mà đỉnh điểm vấn đang ở thì tương lai. Người ta bắt đầu chia động từ. Anh lấy vợ xa. Em lấy chồng xa. Chúng ta ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ. Ở đây, cụm từ này, không chỉ dành riêng cho các chàng trai mà còn ứng dụng cho các bạn gái nữa. Bởi giờ đây nam nữ bình quyền mà. Không thấy hằng năm còn có ngày phụ nữ vùng lên đó sao? Thôi thì cá TRÀU hay cá GIÊC cùng một bè như nhau. Phải không?

         Cái hiện tượng này cho đến bây giờ vẫn chưa bão hòa trong suy nghĩ của người Châu Sơn. Chính vì vậy, đã có rất nhiều đấng phụ huynh đắt vấn đề : Tại sao? Nguyên nhân nào mà ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ trở nên tràn lan như thế? Tại sao trước đây ít mà bây giờ nhiều? Nó sẽ diễn biến ra sao? Nên hay không nên? Và nó sẽ đi về bờ bến nào đây? Có phá vỡ trật tự bấy lâu nay không?

          Những câu hỏi đặt ra tưởng bình thường, thật dễ giải thích nhưng khi đi vào phân tích nó lại thật nhiều khề và vẽ ra nhiều nguyên nhân.

          Bây giờ ta hãy từ từ tìm hiểu các nguyên nhân đó nhé!

     NGUYÊN NHÂN THỨ NHẤT:

          Bản chất dân tộc Việt Nam, chúng ta vốn khép kín, bảo thủ lấy tình làng nghĩa xóm làm chuẩn mực nên không cần nhìn ra bên ngoài, không muốn quăng mình vào các cuộc phưu lưu. Nghĩ rằng mình sống như vậy đủ rồi. Tự cho mình là cái rốn của vụ trụ. Trong tâm thế đó Châu Sơn cũng tự hào giữ bản sắc, không muốn ảnh hưởng bản địa. Suốt năm, sáu chục năm qua kể từ khi thành lập chúng ta có rất ít những cuộc giao hảo địa phương hay nhưng cuộc hôn nhân Làng-phố, Phố-làng. Châu Sơn cho dù đã phát triển nhưng vẫn tính cách của Châu Sơn cách nay 50, 60 năm về trước. Vẫn rặc giọng khê đặc Nghệ Tĩnh. Vẫn phong cách văn minh sông La. Cái bảo thủ “trâu ta ăn cỏ đồng ta” hầu như đã hằn sâu vào căn tính. Điều này đã làm cho Châu Sơn đình trệ ít nhiều.

           Trong tâm khảm các kiều nữ Châu Sơn vẫn không thoát ra khỏi sự lệch lạc, khép kín:

Lấy chồng khó giữa làng

Hơn lấy chồng sang thiên hạ

           Chấp nhận một chàng “Hai lúa” thân quen nên đã có tình trạng “bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”. Và đã không ít lần nghe được tiếng xuýt xoa của các chàng trai:

“ Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Máu, thằng Mường nó leo”

            Có những suy nghĩ cực đoan theo hệ thống. Một câu ca dao đã bảo thủ hết mức rồi vậy mà để làm tăng cho sự gắn bó, sự thủy ching đã gò cho câu ca dao đó trở nên cực đoan hơn

“ Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao “GIÀ” vẫn hơn”

            Ôi sự thủy chung thật đáng trân trọng nhưng cực đoan quá nó hóa ra mất tự nhiên. Bởi ao “GIÀ” thì làm sao bằng được ao “TRẺ” (!?). Người ta thường nói “một của lạ bằng một tạ đường phèn” mà. (Nói chơi vậy thôi chứ ao “GIÀ” đôi khi nó cũng có cái nồng, cái cay độc đáo của riêng nó. Đôi khi sự quen hơi, bén tiếng khiến mình ghiền mất rồi, không dứt ra được).

            Tóm lại, những câu hỏi do phụ huynh đặt ra đang dần dần được giải tỏa. Từ trước tới nay chỉ vì ngủ quên trong niềm tự hào bảo thủ nên bây giờ bừng con mắt dậy thấy ngỡ ngàng. Thế thôi. Thực ra mọi diễn biến của cuộc sống vẫn đang tuần tự nhi tiên. Và bây giờ đã đến lúc hòa nhập vào cộng đồng lớn. “Thời thế thế thế thời thế thế”. Rồi sẽ quen thôi. Phải không?

     NGUYÊN NHÂN THỨ HAI:

             Tôn giáo mà mỗi con người chúng ta thờ phượng kính mến và bảo vệ là rất tốt nhưng tôn giáo, đôi khi, lại là nguyên nhân chính cản trở việc ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ. Tôn giáo dạy ta gần gủi, yêu thương tha nhân nhưng chính niềm tự hào và bảo thủ của tôn giáo lại vô tình làm cho tha nhân dễ xa nhau. Đó là một nghịch lý, một cú hồi mã thương đau hơn ngựa đá. Tôn giáo nào cũng tôn mình mới là chân lý. Và cho rằng chân lý ấy không có chi lấn nối. Nhất là đạo công giáo luôn luôn cho mình là chính tông, là đạo nhà trời, là chính con Thiên Chúa sáng lập. Và các tôn giáo khác đều là lương, là ngoại, là thứ yếu.

              Cách nay 50, 60 năm, thời ông bà, cha mẹ ta theo Chúa vào Nam (?) để khởi nghiệp đạo công giáo được coi là một pháo đài bất khả xâm. Trong pháo đài ấy là sự tử thủ của lòng tự tôn, của phong kiến và của cả niềm kiêu hãnh. Ngày ấy, mỗi người công giáo được trang bị một “vòng kim cô” made in PHÉP RỬA TỘI là được tin tưởng, không sợ sự phản bội hay dối trá nào có thể lung lay.

                Năm, sáu chục năm trước, một chàng hay nàng nào đó lỡ yêu một đối tượng ngoại đạo đã là một sự kiện giật gân, gây xôn xao dư luận: rạo làng rạo xóm. Đó là chưa nói đến một cuộc hôn nhân dị giáo cho dù đối tác đồng ý trở lại đạo của người phối ngẫu. Ngày đó nhân sinh phải vị tôn giáo chứ tôn giáo không lụy nhân sinh. Con cháu chúng ta ngày nay phải biết phục và ngưỡng mộ thế hệ cha mẹ và đàn anh. Đức tin họ mạnh và vững như núi Thái Sơn. Các ngài giữ đạo một cách cuồng nhiệt và say đắm. Không gì có thể lôi cuốn cho dù các ngài cũng phải bôn ba, bươn chải với cuộc đời để kiếm miếng cơm, manh áo. Ngày xưa các ngài cũng phải đi làm thuê, làm mướn ở các vườn ương hay đồn điền Tây. Cũng phải sống trong các môi trường tập thể, làm trại đôi khi cả tuần hay một tháng mới về nhà. Họ vẫn bị cơn cám dỗ lôi cuốn. Đã có những lời rủ rê dạo trăng nơi hoang dã. Đã có những tán tỉnh chèo kéo vào nơi vắng vẻ. Hay cũng đã có những cuộc trả giá bằng tiền, bằng vật chất. Nhưng các ngài bao giờ cũng từ chối nhẹ nhàng: “nỏ mô”- “nỏ đi mô”- “nỏ được mô”- “có tội chết”. Và họ đi sao về vậy. Bảo toàn thân xác. Ra đi không thiếu. Ra về không thừa. Có chằng một vài mối tình nở hoa cùng làng cùng xóm. Có nghĩa là các ngài không bị cám dỗ bởi chước ma quỷ, không bị dục tình chi phối đến nỗi ĂN CƠM TRƯỚC KẼNG. Nhưng đừng tưởng các ngài “cù lần” nhé. Các ngài cũng se sua, cũng lụa là, cũng chảnh ra phết. Không tin các bạn cứ thủ thỉ rồi các ngài cũng kể cho mà nghe. Các ngài cũng ghê lắm. Cũng lãng mạn lắm. Nhưng lại rất nghiêm túc.

          Ôi bao giờ cho đến ngày…xưa

          Mà thật ra cũng chẳng nên trở về ngày xưa làm gì. Ngày xưa cứ để mà trân trọng, mà ngưỡng mộ, mà kính phục bởi nếu cứ theo ngày xưa thì làm sao mà tiến đến ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ. Cuộc sống biến đổi từng ngày. Thế giới bây giờ là thế giới phẳng. Mọi các biệt được sau lấp, cao bằng. Dân tộc, tôn giáo và kinh tế không còn là vật cản cho con người đến với nhau.

                  Ngày nay tuy giáo luật không thay đổi nhiều nhưng qua các cộng đồng hay các vị giáo hoàng cởi mở nên đã thoáng rất nhiều. Các ngài cũng đã hô hào thỏa hiệp và bắt tay với các tôn giáo khác nên đã xích lại gần nhau hơn cách xử lý của các đấng bề trên đối với các cuộc hôn nhân dị giáo đã cởi mở hơn hẳn. Các ngài cùng tìm cách lách luật để giải tỏa cho những đôi hôn phối khó khăn bằng những phép tha nhẹ nhàng.

     NGUYÊN NHÂN THỨ BA VÀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHÁC:

          Khác hẳn hai nguyên nhân trên, những nguyên nhân này lại cởi mở ra cơ hội cho các cặp đôi ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ mà đang tạo nên một cơn sốt khiến các bậc phụ huynh phải đặt vấn đề.

          Sau một thời gian “bế quan tỏa cảng” vì nhiều lý do giờ đã đến lúc Châu Sơn không thể cứ “mũi nỉ che tai” mãi được nữa. Thời này là thời mở cửa, thời thông tin bùng nổ lớp trẻ không thể cứ ru rú “ở nhà nhất mẹ nhì con”, không thể cứ dựa vào nương rẫy, dựa vào sức vóc “chàng vọi” để xênh xang làm ông “hai lúa” lắm “ló” mãi nơi quê nhà. Phải quăng mình ra khơi “ao làng” thôi. Phải “nở với nhân gian một nụ cười” cho thiên hạ đừng coi mình chứ. Như thế không có nghĩa là ta phải đoạn tình phản bội những thứ đã nuôi dưỡng ta trong mấy chục năm qua mà phải biến chúng thành bệ phóng đưa ta đến những thành quả cao quý hơn, tốt đẹp hơn.

          Nhưng muốn hòa nhập vào biển lớn thì phải trang bị cho mình một số vốn liếng về tri thức cũng như chuyên môn. Và đó là lý do khiến lớp trẻ đã ý thức chăm chỉ trau dồi cho bản thân để mở ra nhiều cơ hội. Thực ra trước năm 1975, thế hệ cha anh cũng đã có cơ hội thoát ra khỏi lũy tre làng với một số học sinh. Sinh viên đi học ở những nơi đô hội. Hay một số khác vào quân đội công tác ở những nơi xa xôi. Họ cũng có những cơ hội thăng hoa và đủ điều kiện để ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ nhưng cuối cùng họ vẫn trở về “thôn xưa ta hát khúc hoan ca”. Bởi họ ra đi mà vẫn nhớ lời phụ mẫu: “Con ơi, muốn lấy đâu thì lấy nhưng tiên vàn phải là người có Đạo” và nhất là câu: “nỏ chi bằng ngài nhà ta. Thật gai, thật hột. Chắc ăn”

                   Nhưng bây giờ thì khác xưa lắm rồi. Thế giới đang thay đổi từng ngày. Quan niệm sống cũng khác xưa nhiều lắm. Với lượng thông tin bùng nổ, lớp trẻ cập nhật rất nhanh. Họ tiêm nhiễm những ý tưởng táo bạo và vượt thoát ra khỏi lễ thói xưa cũ. Họ phóng khoáng hơn. Họ yêu người họ thích và dám đi tới cùng với ý thích đó.

                   Bất kể rào cản tôn giáo, tín ngưỡng. Bởi họ quan niệm sống là sống cho mình. Lấy là lấy cho mình nên họ ít nghe lời các đấng phụ mẫu chỉ bảo. Họ moa phủ hết và dễ dàng quên đi những mối tình thơ đẹp như mơ của những ngày-xưa-thân ái ở quê nhà. Họ sẵn sàng đánh bắt xa bờ.

                   Có một thực tế khá buồn phiền trong những năm gần đây, số lượng nữ học sinh, nữ sinh viên luôn chiếm đa số. Đó là hệ quả từ những người lớn. Người lớn không tin chế độ nên không khuyến khích con cái học hành (nhất là phái Nam) mà chỉ chạy theo thu nhập của gia đình. Điều này gián tiếp làm cho các chàng vênh mặt, tự coi mình quan trọng nên trở thành kiêu binh trong gia đình. Một năm sản xuất dăm ba tấn cà phê là lên mặt, coi thường cái học, coi thường tri thức. Còn con gái lại hưởng lợi từ kinh tế có phần hồ hởi nên đã thay còn trai đi học. Và thế là có sự chênh lệch trình độ giữa Nam và Nữ. Chính vì điều đó, mấy năm nay hiện tượng ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ của phe nữ lấn áp phe Nam.

                    Nhưng bắt nguồn chuyện ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ có lẽ do cao trào Việt Kiều về nước tìm hôn nhân. Như đã biết sau 30-4-1975, một số người bỏ đất nước ra đi bằng nhiều cách di tản, vượt biên. Họ hay bão lãnh nên mười lăm năm sau lớp con cháu trở về tìm người phối ngầu. Và thế là phong trào lấy Việt Kiều dấy lên. Nhà nào có con gái xinh, sạch nước cản là tìm đủ cách để lọt vào mắt đen của một chàng Việt Kiều nào đó. Bởi nếu con lấy Việt Kiều thì gia đình có nhiều cơ hội thay đổi. Có người đã nói vui: “nhà nào có con gái đẹp thì như có một đôi đũa thần có thể đổi đời một cách ngoan mục”. Đã có nhiều gia đình đang sống trong cảnh nghèo hèn (bị mọi người khinh chê) bỗng nhiên như có phép tiên thay đổi. Châu Sơn cũng không thoát khỏi vùng phủ sóng ấy.

                    Điều đó đã trở thành chất xúc tác manh nha cho lớp trẻ mơ chuyện ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ

                    Tất cả những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng đến biểu đồ ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ của giới trẻ Châu Sơn. Nhưng để hỏi chuyện ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ lợi hay hại, nên hay không nên thì thật khó có câu trả lời chung nhất. Người thích thì bảo rằng có lợi. Người dị ứng thì cho rằng không nên. Thật ra chuyện hôn nhân ta thường quan niệm do số phận, do duyên số. Theo cách nói của Châu Sơn nhà “mềng” là thánh ý Chúa. Nếu đã có duyên phận thì bất cứ ở đâu cũng tìm được nhau. Đôi khi gần ngay trước mặt. Đôi khi xa tận chân trời.

                    Nhìn chung những mối tình, những cuộc hôn nhân ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ  cũng có nhiều điều không như ý, ít nhất là dưới nhãn quang của người lớn. Bởi phần đa không đồng tôn giáo, không cùng phong tục, tìm hiểu chưa kỹ. Và cũng là chuyện bất đắc dĩ, theo cho được việc kiểu

Con thờ lạy Chúa Ba Ngôi

Con lấy được vợ con thôi nhà thờ

                     Chuyện này thực ra cũng khó đinh đoán bởi có thể, nó chưa ảnh hưởng tức thời có khi dăm mười năm nữa với thấy hệ lụy

                      Có một thực tế là những đám cưới kiểu này rất tốn kém cho các bậc phụ mẫu. Khiến họ phải lo lắng vất vả bạc cả đầu.

                       Còn người ủng hộ việc ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ thì sao? Dĩ nhiên họ là lớp trẻ, bởi chính họ là người chủ động. Họ có cái nhìn thoáng hơn và họ hướng đến những tương lai tươi sáng hơn. Có như thế họ mới có cơ hội thoát khỏi ao làng để nhập vào biển lớn.

            Bởi,

–         Nếu không ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ thì Thầy Võ làm sao có thể “thò vậy” được cô Ngọc Khánh

–         Nếu không ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ thì làm sao cựu CVK Trần Văn Hiều có thể đi Châu Âu, Châu Mỹ như ta đi CHỢ ĐẦU LÀNG

–         Nếu không ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ thì làm sao KTS Trần Minh Triết đi cùng khắp đất nước với công ty… của mình.

–         Nếu không ĐÁNH-BẮT-XA-BỜ thì làm sao Lê Thị Linh (Thành) có thế trúng một mánh lớn tiền bạc còn nhiều hơn cả quân Nguyên

–         Nếu không thoát ra khỏi ao làng để nhập vào biển lớn thì cháu Thiên Ly làm sao có thể trở thành Á HẬU HOA ANH ĐÀO.

                 Tất cả là những điều hay có nhưng có những điều không hay thì cũng chẳng hay đâu. Cho nên hãy giữ một chừng mực nào đó. Các bạn nhé!

                                                                     NGÀI VẪN THẾ

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …