Phiếm bàn – Câu Chuyện Gia Trưởng

Tất cả những ai đã từng xem chương trình BẠN MUỐN HẸN HÒ do hai Mc nổi tiếng Quyền Linh & Cát Tường hướng dẫn đều chú ý đến một chi tiết khá nổi bật. Đó là khi hỏi cô gái tiêu chuẩn để chọn một người bạn trai phải như thế nào, thì hầu như cô gái nào cũng loại trừ điều kiện đầu tiên là không GIA TRƯỞNG.

Ngoài ra, nhiều Games Show khác cũng thường hay khai thác chủ đề này và xem GIA TRƯỞNG như một tính cách xấu, mọi người không mấy thiện cảm nhất là đối với phần đa chị em phụ nữ thời nay. Vậy thì GIA TRƯỞNG là gì, mà khiến mọi người, khi đề cập đến đều muốn lãng tránh theo kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” ?

GIA TRƯỞNG, hiểu theo nghĩa thông thường, là chủ của một gia đình. Nghĩa là người làm chủ, người trụ cột, gánh vác, quán xuyến mọi việc trong gia đình. Từ xưa đến nay, xã hội ta vẫn công nhận chỉ ở người đàn ông mới có khả năng mang lại hạnh phúc trong gia đình. Bởi đàn ông có thể trạng, cơ địa và kể cả tư duy cũng tốt hơn đàn bà. Ngoài ra, theo Khổng Tử người đàn ông, chủ gia đình, phải biết “tu thân, tề gia,” để lãnh trách nhiệm lèo lái gia đình. Do đó, GIA TRƯỞNG được xem như thuộc tính của người đàn ông. Nếu như vậy thì đó là điều tốt đẹp và rất chính đáng chứ sao lại bóp méo để nó trở thành một điều mỉa mai đáng ghét bỏ nhỉ?

GIA TRƯỞNG có ảnh hưởng từ nguồn gốc xa xưa của thời Nho Khổng. Nó được xem là sự tiếp nối của chế độ phong kiến theo quan niệm trọng nam khinh nữ, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đi ngược lại sự tiến bộ của loài người. Phải chăng vì vậy, nên trong cuộc sống vô thường này đã khiến cho một số các đấng mày râu có tính cách độc đoán, bảo thủ, cực đoan, luôn bắt người khác phải làm theo ý mình, lợi dụng vào quan niệm đó để bộc phát tính xấu của mình khiến mọi người muốn tránh xa kẻ GIA TRƯỞNG.

Ngoài những người đàn ông có tính cách cá biệt và thô lỗ kể trên, chúng ta cũng không nên quy kết lỗi GIA TRƯỞNG hoàn toàn do  người đàn ông chủ động. Phải nói rằng phong tục tập quán hay văn hóa vùng miền cũng thực sự ảnh hưởng nhiều, tạo ra tính cách chủ quan của người đàn ông. Một phần nữa nó được cho là phát sinh từ chính phía các vị phu nhân. Ngày xưa, người ta thường ví: “phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu…”. Người phụ nữ có chồng được xem như: “thuyền theo lái, gái theo…” và thế là phải cam tâm ngụp lặn vô vọng trong cái bến nước đục ngầu của mình, phó mặc cho người đàn ông làm sao thì làm.

Nhưng đôi khi chúng ta cũng không nên cầm nhầm vơ đũa cả nắm, hễ ông chồng nào to tiếng hay nghiêm khắc với vợ trong một tình huống nào đó là chụp ngay cái mũ GIA TRƯỞNG  cho họ. Đôi khi lại còn cà khịa họ giữa chốn đông người là không nên. Bởi đã là GIA TRƯỞNG, có lúc họ cũng phải lập uy chứ nhỉ? Cho nên, không thể cứ gia trưởng là xấu cả đâu.

Còn các quý ông Châu Sơn thì sao, có gia trưởng không nhỉ? Dĩ nhiên là cũng có thôi bởi dân Khu Tư choa mà, có điều thời buổi văn minh tiến bộ, nam nữ bình đẳng nên cái mác GIA TRƯỞNG cũng phai đi ít nhiều. Tuy nhiên, trong cục bộ vẫn còn có những cách: dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Nghe đâu vẫn có những đức ông chồng mỗi khi vợ làm sai điều gì vẫn bắt nằm xuống “troắt” cho mấy roi rồi bắt quỳ xin lỗi hoặc có anh thì phạt không cho ăn cơm. Mấy chuyện này là có thật, không xạo đâu nha!!!

Nhưng đâu phải các đấng mày râu mới độc quyền GIA TRƯỞNG , phụ nữ cũng không thiếu các ả GIA TRƯỞNG đâu nha, cho dù bản chất họ dịu dàng, yếu đuối. Phần đa họ cai chồng theo lối “củ cà rốt”  hoặc một vài bí quyết mà họ có hay như gia thế họ giàu, họ là “chị đẹp” chẳng hạn. Tuy nhiên, cũng có nhiều chị em trong thực tế GIA TRƯỞNG đến lộng quyền, khinh rẻ áp đặt chồng, ra lệnh chứ không đối thoại.

Đến đây, xin kể một câu chuyện vui như sau :

“ Trong khu gia binh có gia đình trung sĩ Khiết, trẻ tuổi và đẹp trai. Nhưng anh lại cưới một cô vợ nhan sắc không mặn mà lắm. Vậy mà, anh lại sợ vợ một phép. Trong nhà vợ anh là gia trưởng còn anh chỉ là gia phó. Bạn bè thương, nên khích anh một lần ra oai cho cô ta biết tay. Nghe bạn bè xúi, anh cầm cái chổi lông gà chạy về. Thấy vợ đang ngồi nơi hiên thềm quay lưng về phía mình.  Anh chạy tới quất vợ hai phát. Và vì lật đật (hay tại run quá) anh chỉ quất nhẹ thôi. Quất xong, anh chạy ra ngoài hàng rào la lớn: “Đã sợ ta chưa ?”. Sau mấy giây ngạc nhiên, vợ anh nói vọng ra: “Tối nay về đây sẽ biết”.

Ngày hôm sau, anh dậy muộn hơn. Và người ta thấy anh, chân đi hai hàng.

                                                                  TRỌNG THI

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …