Hôm Nay Là Ngày Của Chúa

Hôm Nay Là Ngày Của Chúa

 

Khi Đức Gioan 23 lâm bệnh lần cuối, không biết vì lý do gì mà các bác sĩ muốn dấu nhẹm sự nguy kịch của căn bệnh, họ bảo ngài chỉ bị chứng lở bao tử. Nhưng Đức Gioan 23 biết rõ bệnh tình của mình hơn ai hết, vì thế ngài nói: “Tôi đã dọn sẵn hành trang”.

Ông Giacômô Manzu, một nhà điêu khắc nổi tiếng người ý viết hồi ký về những giây phút sau hết của cuộc đời Đức Gioan 23 như sau: Vào ngày cuối cùng của chuỗi ngày đau đớn kéo dài, linh mục Capovilla, bí thư riêng của Đức Thánh Cha đến bên giường bệnh, hôn tay bệnh nhân và hỏi xem ngài thấy thế nào. Đức Gioan 23 trả lời: “Tôi cảm thấy trong mình khỏe khoắn và an bình như thể tôi đang ở trong Chúa. Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy hơi lo”.

Linh mục Capovilla thưa: “Xin cha đừng lo. Những người phải lo là chính chúng con, vì con đã nói chuyện với bác sĩ…”. Đức Gioan 23 ngắt lời hỏi: “Họ đã nói với con những gì?”.

Nghẹn ngào, linh mục bí thư của ngài nói: “Thưa Đức Thánh Cha, con muốn nói với cha sự thật: hôm nay là ngày của Chúa. Hôm nay cha sẽ được về Thiên Đàng”.

Nói xong, linh mục bí thư quỳ xuống bên giường, hai tay bưng mặt khóc. Vài phút nặng nề trôi qua, bỗng cha cảm thấy một bàn tay âu yếm xoa đầu mình và nghe một giọng ôn tồn nói: “Hãy ngước mắt nhìn lên. Bình thường, người bí thư của tôi rất mạnh mẽ, can đảm, nhưng bây giờ phải trở nên mềm nhũn. Cha đã nói với người bề trên của cha những lời hay đẹp nhất mà con người có thể nghe từ miệng của một linh mục: Hôm nay cha sẽ được vào Thiên Đàng”.

Chúng ta đang sống trong tháng 11:

– Đây là tháng Giáo Hội dành riêng để tưởng nhớ đến những người quá cố.

– Đây là tháng chúng ta đặc biệt có dịp để báo hiếu cho ông bà, tổ tiên, tháng để trả nghĩa cho cha mẹ, anh chị em, bà con thân thuộc đã qua đời bằng những kinh nguyện, bằng những chuỗi lần sốt sắng, nhất là bằng cách siêng năng tham dự tích cực và cố gắng sống thành lễ để thực hành những công việc bác ái như thánh lễ đòi hỏi.

Nhưng, vào tháng 11 hằng năm, Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở chúng ta phải nhớ bến bờ chúng ta phải tới, nhắc nhở khúc quẹo ngoặt nhất trong đời chúng ta sẽ phải đi.

– Đó là từ giã cõi đời.

– Đó là nhắm mắt xuôi tay.

– Đó là sự thật: ai trong chúng ta cũng phải chết.

Ước gì chúng ta có được sự bình thản trong giờ lâm tử như Đức Gioan 23 . Ước gì, như ngài, chúng ta có được sự bình an trong tâm hồn và có niềm hy vọng để tin tưởng rằng: lời Chúa Giêsu phán với người trộm lành cũng được áp dụng cho chúng ta: “Hôm nay con sẽ được cùng Ta về Thiên Đàng”.

Nhưng, nếu Thiên Đàng là bến bờ, là Đức Mến, thì cuộc sống của chúng ta phải định hướng theo đó.

Nếu Thiên Chúa là cùng đích của giây phút cuối cùng, thì trong những chuỗi ngày sống, chúng ta cũng phải hướng mục và xây dựng theo tiêu chuẩn đó.

Tôi Tiếp Tục Cuộc Chơi!

Mới đây, tại Thụy Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng vấn 1,200 người tại 20 thành phố khác nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi được đặt như sau: “Nếu bạn chỉ còn một ngày nữa để sống, bạn sẽ làm gì?”. Kết quả của cuộc thăm dò được phân chia như sau:

– 57% những người được phỏng vấn trả lời rằng họ sẽ sống ngày cuối cùng với gia đình. 12% muốn ở một mình hoặc với bạn bè.

– 26% người đàn ông được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng đó với gia đình. 42% khác thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè.

– 32% đàn ông lẫn đàn bà muốn được sống với gia đình trong những giây phút cuối đời.

– 6% người đàn ông muốn được sống bên vợ…

Trên đây có lẽ chỉ là những con số không đại diện cho ước muốn hay suy nghĩ của tất cả mọi người. Nhưng xuyên qua kết quả đó, chúng ta cũng có thể đọc được một thái độ chung của con người khi đứng trước sự chết: đó là sự cô đơn…

Cái chết là một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt ra cho bạn giây phút này đây, bạn sẽ làm gì?

Có lẽ chúng ta còn nhớ chuyện của một vị thánh trẻ khi được hỏi về cách thế chuẩn bị chết…

Giữa một đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi: nếu ngay bây giờ, chúng con biết mình sắp chết, chúng con sẽ làm gì?

Một số trả lời rằng sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành v.v… Chỉ có một cậu bé điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát tôi có chết, tôi cũng sẽ tiếp tục cuộc chơi”.

Có lẽ đó là câu trả lời làm cho viên giám thị ưng ý nhất, bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một bẩn phận, thì việc thánh hóa trước tiên phải nằm trong bổn phận hằng ngày.

Nếu chúng tabiết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng giây phút… thì cái chết chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ đó. Người luôn trung thành với những gặp gỡ trong giây phút hiện tại, sẽ không phải hãi sợ trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái chết.

Chúng ta đang cầu cho các đẳng linh hồn. Giáo Hội kêu mời chúng ta dâng các việc đạo đức và hy sinh để cầu cho họ. Đó là những việc làm không thể thiếu sót trong nghĩa vụ liên đới của người Kitô. Nhưng còn có một việc làm khác không kém giá trị: đó là sự trung thành của chúng ta trong những bổn phận hằng ngày. Người có niềm tin trưởng thành thực sự, luôn nhìn thấy ý nghĩa và giá trị của những bổn phận vô danh và nhàm chán hằng ngày…

Xuống Núi 

 Có hai vị thiền sư vừa xuống núi. Họ đi vào trong một con đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt đã khiến một thiếu nữ xinh đẹp không thể băng qua ngã tư lầy lội được… Lập tức, một trong hai vị thiền sư đến bồng người thiếu nữ trên tay và đưa qua đường. Vị sư khác lấy làm khó chịu nên không mở miệng nói với bạn mình một lời. Mãi một lúc sau, không còn nhịn được nữa, ông ta mới lên tiếng: “Chúng ta là người tu hành, không được phép gần đàn bà, nhất là những cô gái đẹp. Sao anh lại bồng đàn bà trên tay?”.

Vị sư đã bồng người thiếu nữ trên tay mỉm cười đáp: “Tôi đã bỏ cô ta tại chỗ rồi. Còn anh sao cứ mãi mang cô ta tới đây”.

Chúa Giêsu đã nói: “Chính từ lòng người mới xuất phát mọi tội ác… Sự hoán cải đích thực chính là hoán cải nội tâm. Tất cả những thực hành đạo đức bên ngoài, nếu không đi cùng một ý hướng ngay lành và một tâm hồn sám hối thực sự, chỉ là trò giả hình…

Laogiacali SƯU TẦM 

 

 

 

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …