TỈNH ĐẮK LẮK: LỊCH SỬ – ĐỊA LÝ – DÂN SỐ

TỈNH ĐẮK LẮK:

LỊCH SỬ – ĐỊA LÝ – DÂN SỐ

Tỉnh Đắk Lắk, diện tích: 13.140 km vuông. Dân số năm 2011 là 1.750.000 người, mật độ 136 người/km vuông. Sắc dân: Kinh, Ê Đê, Nùng, M Nông, Tày, Thái, Dao. Gồm có: Thành phố Ban Mê Thuột, và 12 huyện: Ea Hleo, Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Cư Mga, Krông Búk, Ea Kar, Krông Năng, MĐrắk, Krông Bông, Krông Pắk, Krông A Na. Tỉnh lỵ ở thành phố Ban Mê Thuột. Ban Mê Thuột có cao độ 536m, là một thành phố lớn ở cao nguyên, cách Sài Gòn 360 km. Tỉnh Đắk Lắk, phía bắc giáp tỉnh Gia Lai, tây giáp nước Cao Miên (70 km), tây nam giáp Đắk Nông, đông nam giáp Lâm Đồng, đông giáp Phú Yên, Khánh Hoà. Nhiệt độ trung bình 24độ C. Chữ Đắk Lắk: Người Pháp gọi là Darlac, người Kinh gọi là Đắc Lắc (Tôi ghi chữ Đắk Lắk, vì chữ Đắk Lắk thường dùng hơn). Theo tiếng của người M Nông, Đắk là nước và Lắk là hồ.

Lịch sử tỉnh Đắk Lắk: Ngày 1-4-1950, vua Bảo Đại ban hành Dụ số 6 thành lập Cao nguyên Trung phần, trong đó có Đắk Lắk, làm hoàng triều cương thổ có quy chế cai trị riêng. Ngày 23-1-1959, chính quyền VNCH đã tách hầu hết quận Đắk Song của tỉnh Darlac, lập ra tỉnh Quảng Đức. Năm 1976, tỉnh Đắk Lắk được gộp lại từ hai tỉnh Darlac và Quảng Đức, có diện tích bao la, gồm cả thị xã Ban Mê Thuột và 5 huyện: Krông Búk, Krông Pắk, Đắk Mil, Đắk Nông và Lắk, khi đó Đắk Lắk diện tích 19.800 km2, và có tới 18 huyện.

Từ ngày 1-1-2004, tỉnh Đắk Lắk chia thành hai tỉnh: Đắk Lắk và Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk mới là phần đất phía bắc và tỉnh Đắc Nông ở phần đất phía nam của tỉnh Đắk Lắk cũ. Hai tỉnh này, hiện nay có 44 sắc tộc sinh sống (người Kinh chiếm 70%).Sông chính của Darlac là: Sông Ba, Sông Serêpôk. Đắk Lắk đất đai màu mỡ, đất Bazan thuận lợi trồng cây công nghiệp như: Cà phê, cao su, tiêu. Kinh tế Đắk Lắk phát triển vững vàng, lâm sản dồi dào, chăn nuôi thuận tiện. Giao thông tương đối dễ dàng: Quốc lộ 14 đi Pleiku (180 km), quốc lộ 26 đi Nha Trang (190 km) và quốc lộ 27 đi Đà Lạt.

Di tích và Văn hoá lễ hội: Chùa Khải Đoan ở thành phố Ban Mê Thuột, tên chùa do bà vợ của vua Khải Định đặt ra, ghép chữ Khải Định với tên bà là Đoan huy hoàng hậu. Hội Xuân, vào cuối năm âm lịch, đồng bào ở đây chuẩn bị nhà cửa khang trang, các buôn sóc lần lượt mở hội đâm trâu, đâm trâu để cúng thần Giàng, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng mạnh khỏe, đâm trâu để làm lễ bỏ mả, lễ khánh thành nhà Rông, lễ mừng chiến thắng…

Hồ Lắk có biệt điện của Hoàng đế Bảo Đại cất trên một đỉnh đồi cao nhìn ra hồ Lắk, hồ rộng khoảng 600 ha. Hồ Lắk điểm tô cho thị trấn Lạc Thiện, mặt hồ xanh biếc, rừng thông bên hồ soi bóng xuống nước lung linh. Vào mùa nắng ấm, nơi bờ hồ cỏ xanh mượt mà, vào mùa mưa hàng trăm con suối đổ nước vào hồ, diện tích mặt hồ khi ấy trông mênh mông. Trong hồ vào mùa sen, súng trỗ hoa, trông thấy lấm chấm trên mặt hồ những màu sắc trắng, hồng lưa thưa xinh dẹp lạ lùng.

Hồ Dakmin cách Buôn Đôn 2 km về hướng bắc, mặt hồ rộng khoảng 200 ha, sâu độ 15m, hồ Dakmin là nguồn cung cấp cá tôm và nước tưới đất đai trong vùng. Hồ bao bọc bởi núi Chư ké, Chư Min… nơi này voi rừng thường xuất hiện, nên còn gọi là “Thung lũng voi”, du khách có thể dùng thuyền độc mộc, bơi ngắm cảnh trên hồ, hay ghé thăm các bản làng nuôi voi nơi đây.

Buôn Đôn có ông Y Prông E Ban, chuyên săn bắt và thuần dưỡng voi.

Buôn Đôn thường tổ chức đua voi. Muốn đua voi, người tổ chức phải tìm bãi đất rộng rãi, bằng phẳng với chiều dài khoảng nửa cây số và chiều rộng đủ 10 con voi đứng hàng ngang, mỗi con cách nhau 3m đến 5m. Chọn 10 con voi lanh lợi và khoẻ khoắn, rồi cho đứng hàng ngang, voi được điều khiển bởi người quản tượng (thằng nài, người chăn voi), khi nghe tiếng tù và, voi thi thố chạy đến ranh ấn định, con voi nào đến ranh trước sẽ nghểnh vòi rống to, mừng thắng giải, để đón nhận những phần thưởng là mía, chuối… của người dự hội.

Vườn quốc gia Yokdon, ở phía tây thành phố Ban Mê Thuột 40 km, nơi đây bản làng của người Ê Đê, Gia Rai, MNông lưa thưa, họ là những người già giặn kinh nghiệm săn bắt voi.

Vườn quốc gia Yokdon là vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, với diện tích 115.000 ha, tính cả rừng rú phụ cận xung quanh có tổng diện tích 133.800 ha. Nơi đây có bò rừng, bò tót, trâu rừng, hổ, báo, khỉ, vượn… Có khoảng 200 loài chim các loại, với 460 loài thực vật. Ngoài ra, nơi đây có nhiều loại thú quí hiếm.

Tháp Yang Prong là ngôi tháp cổ của người Chăm, bên dòng sông Ea H Léo, trông cổ kính, là di tích đã gìn giữ còn lại.

Nước Non Đắc Lắc mỹ miều
Thác hồ xinh xắn, quá nhiều vấn vương

Cảm tác: Non nước Đắk Lắk

Cao nguyên Đắk Lắk, núi bao la
Đông giáp Phú Yên, với Khánh Hoà
Kinh tế vững vàng, rừng rậm rạp
Đất đai rộng rãi, phố nguy nga
.
Tục lễ đua voi, lựa hẳn hoi
Bãi đua bằng phẳng, dễ dàng coi
Mười con thi thố, thua dừng cẳng
Một chú hân hoan, thắng nghểnh vòi
.
Giỏi giang săn thú, ở buôn Đôn
Danh tiếng săn voi, nức tiếng đồn
Thuần dưỡng đàn voi, luôn dạn dĩ
Tập tành bầy thú, mãi khôn ngoan
.
Hồ Dakmin rộng rãi giữa non cao
Tôm cá trong hồ có biết bao!
Đông đảo bầy voi thường tụ tập
Lưa thưa nhà cửa của đồng bào
.
Yang Prong đền tháp của người Chăm
Cổ kính lâu đời, nghe tiếng tăm
Dáng dấp xa xưa bao thế kỷ
Hình hài cũ kỹ mấy nghìn năm
.
Đến Hồ Lắk, gió lộng thông reo
Hoa súng, hoa sen, chen chúc bèo
Đắk Lắk ly kỳ, từng khúc thác
Nước non xinh xắn, mỗi đường đèo.

Nguyễn Lộc Yên

Trang Đất Việt: Tỉnh Đắk Lắk

(01/30/2014)


Check Also

Trúng số!!!

TRÚNG SỐ 1. Cuối cùng, ba ngày Tết rồi cũng đã qua đi. Và ai …