Tản mạn “Ăn chưa no, mà cứ lo xa…”

Tản mạn “Ăn chưa no, mà cứ lo xa…”

Những cơn mưa phùn phảng phất mang theo những cơn gió lạnh của những ngày cuối đông, bầu trời ảm đạm xám xịt mịt mờ, có lẽ năm nay lạnh nhiều hơn so với năm trước, mọi người không còn tất bật như ngày mùa thu hoạch cà phê, ai cũng tự thưởng cho mình những ngày nghỉ không cần giấy phép để lấy lại năng lượng đã hao tổn trong ngày mùa vất vả đã qua…!

Mặc cho thời tiết không mấy thuận lợi, khắp các nẻo đường người ta nao nức chuẩn bị cho ngày lễ giáng sinh, hang đá Bê Lem được từng nhà từng xóm mọc lên khắp nơi, những ngôi sao và những dây đèn nháy muôn màu treo trang trí, ban đêm  tỏa sáng muôn màu trông rực rỡ vui vui đẹp mắt…. Có lẽ lễ giáng sinh là lễ vui nhất trong năm là vì lễ giáng sinh cũng là lễ của tình yêu, và người ta thường gọi là mùa cưới…!     

Mùa này cũng là mùa lễ hội và ăn uống, các khu đất trống  được tận dụng để tổ chức hội chợ thương mại, các nhà hàng, quán bar, người ta tổ chức tiệc tùng dày đặc, muốn tổ chức một sự kiện gì đúng ngày có khi phải đặt chỗ trước cả tháng. Còn những quán nhậu bình dân cao điểm là từ giờ tan tầm trở đi luôn luôn kín chỗ và rôm rả. Không biết cái văn hóa nhậu nhẹt, uống, dzô, cạn, đã xâm nhập vào trong dân gian Việt Nam từ bao giờ. Làm cái gì xong cũng phải rửa…Rảnh rỗi là chén chú chén bác, ít tiền thì vào quán cóc ba xị rượu đế con mực nướng, quả xoài chua. Trung lưu một chút thì vào quán lẫu bò, dĩa bê ghim, thùng bia đỏ. Cao cấp hơn nữa thì vào nhà hàng đặc sản, chai rượu ngoại XO, còn cùng lắm một mình thì tô, ly, điếu. Hình như người ta uống không phải vì ngon mà uống để chứng tỏ bản lĩnh. Cụng ly dzô trăm phần trăm, ai nâng lên mà hạ xuống là không chấp nhận! ép uống bằng được và phải uống công bằng!!! So với cách uống của tây phương, người ta  uống chỉ một phần ly rượu vang, vẫn cụng ly, nhưng người ta uống nhấm nháp thưởng thức, thật lịch sự và sang trọng.

Các cụ ngày xưa uống một ly rượu nhỏ trước bữa cơm để kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon, giãn gân cốt, họ sống rất khỏe mạnh tuổi già. Còn ở miền nam có kiểu uống bằng chén và chỉ một cái chén một chậu thau rượu cứ thế mà uống xoay theo vòng tròn, mồi chỉ là một quả xoài chua, hay quả ổi, uống suông vậy thôi, và đã vào cuộc thì cứ trăm phần trăm, tàn cuộc ra sao thì mọi người đã hiểu…!!!

Người ta hay nói “trẻ thường ỷ sức, về già mới thấy tiếc ” nhìn chung trong giới tráng niên nhiều anh còn ít tuổi mà xuống cấp trầm trọng, bởi nhiều nguyên nhân, có thể do lao động quá sức, đặc biệt là do bia rượu!!! Đá bóng về là nhậu, nhậu ăn mừng bất kể, thắng cũng nhậu, thua cũng nhậu, có những toán tời sơ sơ  một bữa 16 két bia.!!!!  Có nhiều dư luận đặc biệt trong giới chị em  đã lên tiếng phàn nàn về các anh uống nhiều quá..!!! Vừa hại sức khỏe vừa lãng phí. Đá banh về đã mệt lả rồi lại uống say nằm bẹp trên giường hai ba ngày mới dậy được. Trên gói thuốc lá luật buộc là phải in cảnh báo nguy hại cho sức khỏe, không chừng đến một ngày nào đó người ta cũng có luật in cảnh báo có hại cho sức khỏe trên chai bia, rượu…!!! Và cũng đã có rất nhiều trường hợp ung thư, bệnh mãn tính do dùng bia rượu quá nhiều mà ra…!!!

Hồi xưa cha ông gian khổ….với chủ trương  “ăn chắc mặc bền”  “ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa “, sống giản dị, lo xa, nhớ lại lời kể của ông bà, khiếp cái nạn đói năm 45, rồi chi tiêu trong nhà luôn luôn dè dặt tiết kiệm tích lũy, ăn bữa nay lo tháng sau, lo năm sau còn có mà ăn không..!!! Thời đại bây giờ khác hẳn xưa sống xa hoa phung phí, sĩ diện không khó để nhìn thấy điều này, bước vào nhà hàng quán nhậu kêu một mâm đầy ắp, bia khui tá lả, có những món chỉ mới đụng đũa, để nguyên mâm rồi tính tiền…!!! Ở các nước phát triển họ giàu như vậy nhưng họ rất tiết kiệm, khi vào quán ăn họ dọn lên cho bạn rất ít, với mục đích để bạn ăn không bị thừa, nhưng nếu bạn là người ăn nhiều, bạn có thể lấy thêm thoải mái mà không phải tính thêm tiền với một điều kiện, bạn phải ăn hết nếu không người ta sẽ phạt tiền bạn rất nặng!!!

Nói đến chuyện ăn uống thì rất tế nhị và nhạy cảm, và ở đời, nói thật thì hay mất lòng chẳng ai muốn chỉa mũi dùi dư luận đâm vào mình cả, một giáo xứ toàn tòng, bà con dây mơ rễ má! Đôi khi “con sâu làm rầu nồi canh” chỉ một số phần tử nhỏ không vì thế mà đánh giá xấu cả một cộng đoàn lớn được, nhìn lại những thành quả mà gx gặt hái được cũng rất đỗi tự hào! Nhà đa năng hoành tráng! Khuôn viên nhà thờ đẹp có hạng trong giáo phận!! Đường đi lối lại bê tông hóa tương đối, đường cao tốc đi cắt ngang qua tạo nên bộ mặt mới của thôn xóm, nhà cửa xây dựng khang trang, hồ tiêu có nhiều nhà trồng được vài ngàn trụ doanh thu hằng năm lên đến bạc tỷ… Nỗi lo bây giờ không còn là thiếu đói, mà là lo giáo dục con cái thành người, trong gia đình, dòng họ có được người nào ưu tú hay không, giáo xứ có giữ và phát huy được truyền thống của cha ông và vẻ vang hơn các xứ khác hay không..? Tương lai thế hệ trẻ đất nước sau này có được bền vững hay không…? Nỗi lo thiếu những người có tài năng, bản lĩnh để kế tục lèo lái gia đình, giáo xứ, theo kịp với đà phát triển của thời đại..!! Cứ đau đáu trong lòng của người có trách nhiệm, tâm huyết…

Giới trẻ ngày nay có nhiều người học rộng, tài cao, nhưng kinh nghiệm sống, trải nghiệm thực tế vẫn còn non trẻ, cần có sự đầu tư, giúp đỡ của gia đình và xã hội. Có một điều Việt Nam chúng ta là một nước, chảy máu chất xám quá nhiều do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là vì kinh tế…

 Ước mong nhà nước có những chính sách ưu đãi hơn nữa cho giới sinh viên học sinh. Hỗ trợ tạo việc làm cho các sinh viên ra trường, mở cửa rộng hơn cho nước ngoài đầu tư các nhà máy sản xuất tận dụng nguồn nhân lực trong nước. Có như thế Việt Nam mới có cơ hội thoát nghèo và lạc hậu!

Những tản mạn chia sẻ trên đây, không biết có phải là người viết rỗi hơi để “ăn chưa no, mà, cứ lo xa” chăng? Nếu có điều gì thất thố, mong quý bạn đọc bỏ quá cho, cũng là vì “ăn chưa no…” vậy.

Ga. Nam Hồng

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …