TA KHÔNG CHÊ CỦA NGƯỜI,TA KHÔNG KHEN CỦA TA

 TA KHÔNG CHÊ CỦA NGƯỜI,                   

  TA KHÔNG KHEN CỦA TA

   Trước hết, ta hãy “luận bàn” về khái niệm KHEN – CHÊ. Thông thường ở đời, điều gì ta thấy thích thú hay lạ lẫm, ta khen. Còn điều gì xấu xí hay dị hợm, ta chê. Đó là lẽ đương nhiên theo cảm tính, vì con người vốn luôn hướng đến điều hoàn thiện.

         Nếu phân tích một cách khái quát, KHEN sẽ có hai trường hợp:

  • Khen để khuyến khích (điều này nên nghe)

  • Khen để nịnh bợ (phải đề phòng)

Và CHÊ cũng có hai trường hợp:

  • Chê đúng (càng nên nghe để phục thiện)

  • Chê có mưu đồ, có ý hãm hại (phải cảnh giác)

        Đứng trước những lời khen chê, cho dù nói tốt hay nói xấu về mình, ta cần phải giữ cho mình thái độ thật bình thản, không bị cuốn hút theo người ta. Lời khen chê của người khác cũng chỉ có giá trị tương đối thôi. Không hẳn vì được người ta khen, là mình tốt. Và ngược lại, là mình xấu. Tốt hay xấu tự chúng ta phải biết. Đừng để cho sự đàm tiếu hoặc bưng bít của người khác thao túng đưa ta vào mê hồn trận.

         Hãy coi lời khen như một sự động viên, một lời khích lệ  và tiếng chê là một lời cảnh báo. Và nhất là phải thận trọng suy xét trước sự khen chê. Cho nên Tuân Tử đã nói rằng: “Kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta, người khen ta mà khen đúng là bạn ta,/và kẻ vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta vậy/”.Câu nói của Tuân Tử như một “kính chiếu yêu”, một kim chỉ nam giúp ta phân biệt đâu là thầy, đâu là bạn, đâu là thù vì thế ta cũng nên cho một tràng vỗ tay tán thưởng để ông Tuân Tử, nếu có sống lại, sẽ cho ta nhiều lời khuyên chí lý hơn nữa (!!).

         Thói thường, tâm lý ở đời ai mà chẳng thích được khen. Ai khen mình thì mình có cảm tình với người đó hơn. Và dĩ nhiên, mình sẽ không thích những kẻ chê mình. Và điều cốt yếu là khi được khen hay chê như thế mình đừng tỏ ra bị cuốn hút. Tâm lý phải vững vàng chứ không phải khi được khen khoái quá mặt đỏ, môi run, mũi nở rồi kên kên theo sự tâng bốc của đối tượng cho rằng mình xứng đáng với lời khen. Hay chỉ mới bị chê vài câu đã sửng cồ đòi ăn thua đủ với người ta. Đó là những điều ta luôn luôn phải cảnh tỉnh không thôi sẽ lọt vào bẫy của những kẻ đang muốn chơi xấu mình.

         Ai đó đã nói, khen chê cũng phải có trình độ, có đạo đức. Thoạt nghe, điều này có vẻ như là một sự mỉa mai. Nhưng quả thật thế người khen chê phải công tâm, phải đạt tới một trình độ phân tích vấn đề một cách thấu đáo thì khen chê mới đúng. Khen chê, cũng cần phải có sự tế nhị và, đôi khi, nó chính là một nghệ thuật. Cũng cùng ý nghĩa của lời khen chê đó nhưng nịnh thần thì thăng quan tiến chức còn trung thần thì bị ném vào vạc dầu sôi, lửa bỏng. Ôi ! trung ngôn nghịch nhĩ đã bao đời nay bị hàm oan. Té ra ở đời cũng cần thái (trình) độ của người nghe nữa, trời ạ !!!

         Vâng, chẳng những cần trình độ, đạo đức của người khen chê và người bị khen chê mà còn cần đến cả cảm tính của họ nữa. Khi thương thì quả ấu cũng tròn, ngậm bồ hòn cũng ngọt, còn không thì…ngược lại.

         Trong Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện về tâm lý khen chê của Di Tử Hà và vua nước Vệ như sau :

Đêm khuya, được tin mẹ bệnh nặng, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua mà đi về lo thuốc thang cho mẹ. Vua nghe chuyện khen rằng :Tử Hà có hiếu thật. Vì hết lòng với mẹ mà quên cả chuyện chặt chân. (Đối với luật nước Vệ ai đi trộm xe Vua thì phải chặt chân.)

Lại một hôm khác theo Vua dạo ngoài vườn. Đang ăn quả đào thấy ngon ngọt mà còn một nửa đem dâng Vua ăn. Vua nói : yêu ta thật. Của đang ăn thấy ngon miệng mà biết nhường cho ta. Nhưng về sau các quan ganh tỵ mới dèm pha nói xấu Di Tử Hà. Vua không còn thương như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, Vua giận dữ nói rằng: “Di Tử Hà lúc trước dám tự tiện lấy xe của ta đi, lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã quá lâu ngày rồi”. Nói xong bèn bắt giam trị tội. Ôi! Di Tử Hà ở với Vua trước sau như một. Thế mà trước Vua khen, sau lại bắt tội, tại vì yêu ghét khác nhau mà thôi.(Hàn Phi Tử)

         Qua câu chuyện, ta thấy, cũng những con người đó nhưng ở mỗi thời điểm, tâm lý con người đã thay đổi và cách nhận định khen chê khác nhau. Cho nên, khen chê chỉ có giá trị tương đối chứ không nhất thiết phải là một chân lý.

         Sống ở trên đời này, vì chúng ta không phải là vua chúa hay quan quyền nên cũng đừng cố chấp bắt mọi người điều gì cũng phải khen, bởi đó là điều không đắc nhân tâm. Đức Phật đã dạy: “Trên thế gian này, không thể tìm một người không bị chê, cho dù người đó là một người đẹp nhất, một người thanh tịnh nhất hay là một người hiếu quý nhất”.

         Và điều này đã được lịch sử thế giới chứng minh cho dù đó là Đức Khổng Tử, Đức Phật và kể cả Đức Giê Su…

 

                                                                  NGÀI VẪN THẾ

 

 

 

 

 

 

Check Also

Một tri âm tri kỷ: Đời vắng em rồi, say với ai!!??

Mỗi lần nhớ đến Hùng, anh lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà …