Thăm viếng mộ thân nhân… Một nét đẹp tâm linh của GX Châu Sơn

Thăm viếng mộ thân nhân…

Một nét đẹp tâm linh của GX Châu Sơn

A1A2A3

          Không biết tang quyến nào đã khởi đầu nghĩa cử thăm viếng mộ thân nhân (cha mẹ, ông bà, anh chị em..) hằng tuần, sau thánh lễ sáng Chúa Nhật năm này qua năm nọ, đến bây giờ nghĩa cử này đã hiệu ứng với cả GX, để trở thành một nét đẹp tâm linh rất đáng biểu dương, rất đáng trân trọng, và cũng là nét đặc trưng của GX chúng ta mà khó có GX nào trong giáo phận có được.

A2A3

 

          Thông thường trước đây, khi người thân qua đời, tang quyến con cái cháu chắt chỉ đi lễ sáng rồi ra thăm viếng mộ cho đến tuần bảy, mời đọc kinh và kết thúc việc viếng mộ. Và cũng là lúc cánh nam bỏ khăn tang để đeo mảnh tang ở trước ngực nữa mà thôi. Riêng cánh nữ vẫn đeo tang cho đến 6 tháng hoặc 1 năm, có khi đến giỗ hết tang hai năm mới thôi khăn tang.

Điều này, đã có lần Cha cố Phao Lô Võ Quốc Ngữ nhắc nhở: “Thương cha mẹ thì biểu hiện hiếu đạo khi các ngài con sống là, luôn năng lui tới chăm sóc thuốc thang nuôi dưỡng…các ngài. Chứ khi chết rồi hãy để niềm tiếc nhớ trong lòng mà siêng năng đi lễ cầu nguyện cho cha mẹ sớm hưởng dung nhan Chúa; Đồng thời sống tốt đạo đẹp đời cho xứng đáng với các bậc cha ông tiền nhân, chứ không phải mang khăn tang, đội nón rách rườm rà mới là hiếu đạo. Đó chỉ là biểu hiện hình thức bên ngoài mà thôi, không cần thiết. Mà tang chế lại biểu hiện khăn tang khi đi lễ, khiến cho thánh lễ mang màu sắc buồn thảm là không nên”.

A4

          Cha nhắc nhở là thế, những chỉ được một thời gian rồi cánh nữ vẫn “vũ như cẩn” theo tập quán cũ đến giỗ mãn tang. Trong khi cánh nam thì bỏ từ sau tuần bảy. Xem ra, việc tang chế này là chỉ dành riêng cho cánh nữ hay sao? Như thế thì không công bằng với cánh nữ chút nào. Ở một GX miền quê, đôi khi dư luận xã hội vẫn là một áp lực nghiệt ngã, một sự trói chặt tập quán đã lâu đời, khiến cho khó lòng cởi bỏ một thói quen cũ. Bởi cô nào hay bà nào lỡ bỏ khăn tang sớm sẽ bị xì xầm: “Hiếu đạo chi con nớ, cha chết chưa ráo nước mắt đã bỏ tang rồi…”. Vậy chứ cánh nam hiếu đạo lắm ạ!?? Cuộc sống vẫn chưa hết bất công với phụ nữ!!

A5

          Không biết nghĩa cử thăm viếng mồ cha mẹ này có từ khi nào, nhưng dễ cũng đã hơn 10 năm nay. Ban đầu tang quyến chỉ thăm viếng mộ thân nhân sau thánh lễ Chúa Nhật đến mãn tang thôi, nhưng rồi ông chết chưa dứt tang thì đến bà, bà chết chưa dứt tang thì đến cha, rồi đến mẹ…Đó là chưa nói đến những cái chết đột tử của anh chị em, của con cái do tai nạn, bất trắc…Và những sự nối tiếp như thế, lâu ngày tạo thành tập quán thăm viếng thân nhân năm này qua năm nọ là thế đấy!

A6

          Thực ra, nếu chỉ nói việc viếng mộ người thân sau thánh lễ sáng Chúa Nhật là chưa đủ. Trước đó, sáng thứ bảy cũng phải ra chợ đầu làng mua hoa, nến, hương…cho sẵn, đến chiều đưa hoa ra chưng, rồi lau chùi sửa sang lại ngôi mộ cho tươm tất. Xem thế thì, nghĩa cử viếng mộ người thân không phải là việc tùy tiện đơn giản như mọi người nghĩ, mà phải do cái tâm hiếu đạo với người chết mới có thể duy trì được lâu dài như thế.

A1

          Thế là sáng Chúa Nhật nào, sau lễ cũng nườm nượp xe ga, xe số…đôi khi có cả xế hộp ra thăm mộ người thân, chen lấn nhau đậu kín lối đi vào nghĩa trang, khiến cho khung cảnh buổi mai hôm đó rộn ràng và ấm áp hơn trong nắng mai vừa ló dạng. Cánh cổng mở ra với dòng chữ: “An nghỉ nơi đây”. Những hàng thông, những hàng phi lao cũng đỡ quạnh quẽ để vi vu theo gió reo ca “người chết nối linh thiêng vào đời”.

A7

          Chẳng nói thì cha mẹ, ông bà, tiên tổ cũng nhoẻn miệng cười thỏa lòng với đám “con đàn cháu đống” còn biết giữ hiếu đạo làm người trong cái dòng chảy vô cảm hững hờ của thời đại này. Chắc là các ngài mừng lắm! Vì các ngài biết rằng, mình đã không bị con cháu lãng quên tháng ngày. Nhưng còn với những người nằm xuống không có con cháu ra thăm viếng mộ các ngài thì sao? Chắc các ngài buồn tủi với bạn bè lối xóm láng giềng ở chung quanh đó lắm! Cũng sinh thành dưỡng dục, cũng nuôi con nhọc nhằn như người ta, mà sao cha mẹ ông bà người ta có được diễm phúc được con cái hiếu đạo năng lui tới, chứ đâu xấu số như “ta với trời bơ vơ” một mình quạnh quẽ chốn này.

A8

          Cũng may, hàng xóm với nhau nên cũng được thơm lây những nén hương người dưng thắp cho đỡ tủi phận “có con, có cái mà như không”. Rồi cũng được nghe tiếng kinh rân vang để được thông công cùng hội thánh ấy! Thông thường thì các nhóm có mộ người thân gần nhau sẽ chờ đông đủ rồi mới đọc kinh chung: Cầu xin Chúa Thánh Thần…Lạy cha chúng tôi…Tôi tin kính…Lạy Chúa tôi, tôi dưới vực sâu kêu lên…Rồi đến ba câu cầu: xin Chúa cho các linh hồn ở lửa luyện ngục được lên thiên đàng…và bài hát kết thúc: Chúa là gia nghiệp đời con.

          Có những tang quyến đi thăm mộ thân nhân, kéo cả bồ đoàn thê tử như đi rước xách, hết đọc kinh nguyện cho cha, rồi đến mẹ, rồi đến anh em…hết lượt người này qua người khác.

A9

Chậm rãi bước lại phía bàn thờ. Tượng Chúa Giêsu sống lại đang dang rộng vòng tay để cứu độ những người luôn cậy trông Ngài. Nếu không có sự phục sinh của ngài, thì những người an nghỉ nơi đây cũng sẽ là vô vọng biết bao. Mọi hy sinh, mọi đạo đức cũng bị chôn vùi lãng quên trong nấm mộ này.

A4

Lúc này, nắng đã lên cao, hàng phi lao cũng vun vút gió thoảng vi vu. Cây Bằng lăng ngày nào vẫn còn có đó, và vẫn luôn nở hoa màu tím buồn, như thời mới lập nghĩa trang, mặc cho những cây Móng cái cổ thụ đã tàn lụi theo thời gian.

Và trước mắt, khi rời bước ra khỏi cổng Nghĩa trang với dòng chữ “Chờ ngày sống lại”…Câu này đối với người ngoại đạo nghe có vẻ buồn cười, ngớ ngẫn và mê tín, nhưng nếu không có được sự sống lại thì đã không có đạo Công giáo nữa rồi.

b6

Và chúng tôi tin Ngài, tin Đức Kitô đã phục sinh…Tin vào sự sống đời sau.

Và vì thế mà nghĩa cử thăm viếng mộ thân nhân, vẫn luôn là một nét đẹp tâm linh của GX Châu Sơn chúng ta, mãi mãi đáng biểu dương và đáng trân quý.

Nguyễn Vĩnh Căn

 

 

Check Also

CÁO PHÓ: CỐ ÔNG PHÊ RÔ NGUYỄN VĂN KINH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …