ĐẤT TRỜI RỘNG SAO EM KHÔNG BẾN ĐỖ

 Chuyện Phiếm

      ĐẤT TRỜI RỘNG SAO EM KHÔNG BẾN ĐỖ    

Mỗi một con người chúng ta sinh ra trên cõi đời này ai nấy đều có  một số phận riêng biệt. Không ai giống ai và cũng không ai lẫn vào ai. Cũng có thể có nhiều số phận na ná nhau nhưng chỉ ở một thời điểm hay một giai đoạn nào đó thôi. Có nhiều cách để gọi về số phận như: số mệnh, định mệnh, vận mệnh hay phần số. Tất cả đều được định nghĩa như là phần họa phúc, sướng khổ dành riêng cho mỗi người đã được định sẵn từ trước. Nhưng khi để cập đến vấn đề này người ta thường liên tưởng đến cái họa nhiều hơn là cái phúc. Số phận tuy không nắm bắt được, sờ mó được nhưng ai cũng cảm nhận được và tin là nó có thật và vận vào mỗi con người. Chả thế mà những tay tiếu lâm đã khẳng định: “giày dép còn có số huống gì là con người”. Thi hào Nguyễn Du cũng rất tin tưởng ở thuyết định mệnh nên cũng đã khẳng định trong truyện Kiều.

                           Ngẫm hay muôn sự tại trời

                           Trời kia đã bắt làm người có thân.

                           Bắt phong trần phải phong trần,

                           Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

       Hay:

                           Đã mang lấy nghiệp vào thân,

                           Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.

Trong bài phiếm này, tôi không dám đào sâu đến phần huyền bí hay triết lý mà chỉ nói lên mặt nổi phần thời sự mà thôi. Chẳng những thế,  tôi chỉ muốn tập trung vào số phận của những cô gái, những người đàn bà số phận (duyên phận) hẩm hiu sống một đời quanh quẽ không chồng, không con, không gia đình.

hai1

 Bởi vì, hễ mỗi lần nghe câu hát: Đất trời rộng sao em không bên đỗ trong bài Bay đi cánh chim biển của Nhạc Sĩ Đức Huy lòng tôi sao cứ quặn thắt bồi hồi và cảm thông với số phận của những cảnh đời lẻ loi vô vị này. Vâng, em là cánh Hải Âu hiền lành. Em lượn lờ trên những con sóng vỗ về. Em lang thang bay qua ghềnh đá cheo leo. Nhưng đất trời rộng thế mà sao không có bến đỗ cho em. Ôi! Sao đời em buồn thế? Sao cuộc đời lại dành cho em một phần số hẩm hiu như thế nhỉ? Và đó chính là một điều đáng buồn trong cuộc sống đầy rẫy những điều bất thường này.

Hiện tượng những người phụ nữ sống lẻ loi một mình thì thời nào cũng có nhưng xuất phát từ rất nhiều lý do khác nhau. Hiện nay, thế giới ngày càng văn minh, xuất hiện những quan niệm thông thoáng nên đã tạo ra nhiều lối sống mới kỳ quái hay lạ đời không hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc ta. Chẳng hạn những cặp đôi thích sống thử với nhau vài ba năm rồi chia tay để đi tìm kiếm những mối tình khác, họ viện cớ sống thử nếu hợp nhau sẽ tiến tới hôn nhân kẻo sau này ân hận. Hay có những phụ nữ thích sống đơn thân không lấy chồng hoặc bỏ chồng để tự nuôi con ngày càng nhiều. Những phụ nữ này phần đa nằm trong giới nghệ thuật: ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay là các nữ doanh nhân thành đạt. Họ thoáng thật đấy nhưng theo tôi là thoáng (ui), sống vô trách nhiệm, thích tự do không khuôn phép. Họ đang phá cái giềng mối của người xưa để lại. Họ mang một trái tim kiêu hãnh, đầy cá tính.

hao4Họ tự cho mình là thành phần ưu tú nên không muốn ràng buộc vào bổn phận một người vợ. Có người “bênh” bảo rằng như thế họ mới thảnh thơi sáng tạo và thăng hoa trong nghệ thuật. Điêu này chỉ là ngụy biện, vậy thì từ cổ chí kim các nghệ sĩ nổi danh họ cũng sống như thế cả hay sao? Và họ là những người đàn bà tôi không muốn đề cập đến trong bài này.

hau9

Những người đàn bà mà tôi muốn đề cập đến ở đây, trong bài phiếm này, họ có một thân phận thật đáng thương và đầy buồn tủi. Tôi còn nhớ, cách nay khá lâu, qua một bài báo của tác giả Hoàng Văn Cảnh đăng trên tờ  An Ninh Thế Giới Cuối Tháng, ông gọi họ là Những-Người-Đàn-Bà-Bị-Động-Duyên. Thật tình cụm từ này tôi cũng chưa nắm bắt một cách rõ ràng lắm, dù tôi đã tìm trong các Từ Điển wikipedia hay trên Google. Chỉ biết rằng Tác giả đã diễn tả đó là những người phụ nữ có số phận bắt phải sống đời độc thân không chồng, không con, không có gia đình riêng cho mình.  

hai7

 

Còn ở Giáo Xứ  Châu Sơn ta thì gọi những cô gái, những phụ nữ quá xổi mang thân phận hẩm hiu ấy là “ngồi cồn”. “Ngồi cồn” là một từ, một thuật ngữ do cố “Kính Hèo” “sáng tác”. Không hiểu sao tôi cảm thấy rất tâm đắc và thán phục cố Kính với từ này. “Ngồi cồn” làm ta tưởng tượng đến một cô gái ngồi trên một cồn đất cách biệt mà chung quanh là đồng nước, là bùn lầy. Rồi họ sống lui cui, luẩn quẩn trong thế giới thu hẹp đó. Chỉ nghĩ đến hoàn cảnh đó mà đã thấy thương tâm và thông cảm với thân phận của họ rồi.

Như chúng ta đã biết là những người phụ nữ ở vậy không lấy chồng thì thời nào, nơi nào cũng có, không bất kỳ thành thị hay nông thôn. Và phải biết rằng họ không phải là những người đàn bà “trời bất xấu” mà trái lại có nhiều người cũng rất đẹp, cũng rất duyên dáng. Tuổi thanh xuân của họ cũng rực rỡ tươi thắm lắm. Họ là địa chỉ đáng mơ ước cho những chàng trai thanh lịch lui tới. Nhưng rồi vì duyên phận lỡ làng, vì số kiếp run rủi, họ sống lủi thủi trong gia đình như một cái bóng. Họ sống mặc cảm không hòa nhập và cũng không ai nhập với họ. Người trong gia đình từ ông bà, cha mẹ, anh chị em hay cháu chắt đều ít chú ý đến họ, xem như họ đang ở một hành tinh xa lạ nào khác. Đôi khi, chính họ tự động tách riêng ra nấu ăn một mình. Sự cô đơn thường trực bám vào họ khiến họ chỉ biết thở dài nuốt hờn tủi vào lòng. Mỗi lần các anh chị em lập gia đình là mỗi lần lòng họ quặn thắt. Và hằng đêm họ âm thầm khóc thương cho mình. Nỗi buồn cùng sự mặc cảm đó khiến họ trở nên cáu gắt. Và họ trở thành một “bà cô” khó tính lúc nào không hay. Không biết có phải vì mang tâm lý tách rời và xa cách đó nên, theo tôi nhận xét, khi về già họ hầu như mang căn bệnh trầm uất và đãng trí sớm.

hai5

Như đã nói có nhiều nguyên nhân, nhiều lý do khiến họ phải mang lấy kiếp phận hẩm hiu đó. Đôi khi là những lý do không thể tin nổi. Chẳng hạn  tác giả Hoàng văn Cảnh (như đã đề cập ở đoạn trên) kể rằng: Chị Lò thị Én ở Mai Châu, Hòa Bình, năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng nét đẹp thời con gái còn phảng phất trên gương mặt. Thời con gái, chị đẹp rực rỡ và rất nhiều trai bản mơ ước được đến với chị. Nhưng một lần ra suối, do sơ ý và điều kiện vệ sinh không tốt, những chàng trai phát hiện ra dấu kinh của chị. Thế là tiếng đồn dậy lên. Chị đẹp vì bị ma cà rồng ám ảnh. Cứ vậy, những người đàn ông bỏ chạy. Có chàng trai nào can đảm thì cũng bi gia đình ngăn cấm, vì hồi đó bị mang tiếng ma cà rồng nhập còn khủng khiếp như án chung thân vậy. Chị chẳng thấy mình có điều gì khác cả. Chị vẫn đẹp, vẫn ra suối tắm…

Cũng còn một vài câu chuyện na ná như vậy nhưng thiên về mê tín dị đoan do trình độ dân trí thấp kém đã vận vào không ít những số phận hẩm hiu mà tôi không muốn trích ra đây. Ở đây, tôi chỉ muốn kể thêm  một vài số phận mà tôi đã nghe hoặc đã chứng kiến trong thời gian gần đây để chúng ta cùng thông cảm.

hai8

Trường hợp thứ nhất. Tôi có một người cháu ở CL lấy một cô gái TH. Họ quen nhau qua mối lái như thế nào tôi không biết rõ lắm nhưng ngày cưới của họ tôi cũng được mời đến dự. Và đám cưới của họ xảy ra vui vẻ bình thường như tất cả các đám cưới khác. Nhưng mấy ngày sau tôi nghe tin là cô dâu sau đó đã bỏ đi biền biệt. Nghe người ta nói giữa hai người đã không có đêm động phòng hoa chúc. Người chồng sau đó đã xin phép chuẩn từ tòa thánh Roma để được cưới vợ khác. Còn cô gái thì dĩ nhiên được xếp vào hàng “ngồi cồn”.

Trường hợp thứ hai. Chuyện xẩy ra ở gần Châu Sơn đây thôi. Có đôi hôn phối nọ ngày cưới gần kề. Tất cả đã chuẩn bị xong xuôi. Thiếp mời đã gửi. Rạp cưới đã hoàn tất. Mọi sự đã đề đính đâu vào đó. Sáng mai, xong lễ cưới là vào đám. Tân lang, tân nương hớn hở chở nhau đi lấy áo cưới. Nhưng, (ôi! một chữ nhưng làm hỏng cả hai cuộc đời) một tai nạn xảy ra trên đường về. Chú rể chết bất đắc kỳ tử. Thế là đám cưới không xảy ra nữa. Cô dâu không chết nhưng từ đó cô ở vậy không còn màng đến chuyện hôn nhân nữa.

Còn rất  nhiều trường hợp ly kỳ và quái dị nữa mà chúng ta, trong một lúc, không thể kể ra hết về những nỗi động duyên hay ngồi cồn. Chỉ biết rằng, trong một chừng mực nào đó, ta phải biết thông cảm cho những số phận hẩm hiu ấy. Bởi, biết đâu, họ là những định mệnh, những số kiếp  giơ đầu chịu báng thay ta.

                                                   NGÀI VẪN THẾ

 

 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …