VÀI DÒNG TÁI BÚT.

Không hiểu sao, sau khi viết xong bài cảm nhận CHÂU SƠN MÌNH CHUẨN BỊ ĐÓN MỪNG LỄ GIÁNG SINH NHƯ THẾ NÀO? Tôi, bỗng dưng, muốn viết thêm vài dòng tái bút để dàn trải một đôi điều thị phi, một đôi điều chưa thanh thản lắm mà bấy lâu nay vẫn canh cánh trong lòng.

 Có lẽ mọi người đều biết, mấy năm gần đây, Châu Sơn mình, hễ cứ đến mùa Giáng Sinh là thi đua làm Hang Đá như một phong trào. Năm trước trễ  hơn năm sau. Năm sau  hoành tráng hơn năm trước. Rồi cứ thế phát triển  mãi không ngừng. Nhưng phát triển như thế nhưng trong lòng vẫn cảm thấy thích thú. Và tôi tin chắc Chúa ở trên trời ngài cũng sẽ mỉn cười hài lòng.

Và thế là mọi sự đều diễn tiến tốt đẹp trong những năm qua. Nhưng đâu đó vẫn có vài tiếng ì sèo không tán đồng. Nào là tạo dịp để  các tay tổ nốc bia rượu cho sướng, cho thoải mái. Nào là bia chất cao hơn Hang Đá. Nào là khiến vợ con nheo nhóc. Thiếu trách nhiệm !!! Nhất là nhấn mạnh vào giới Tráng niên là đầu tàu của mỗi Gia Đình.

Kể ra thị phi cũng đúng phần nào. Dĩ nhiên, đằng sau tấm huy chương đôi khi cũng có thể là giọt nước mắt. Bởi cũng đã có một vài buổi tiệc nhậu hơi quá đà. Hay cũng có vài tiếng phàn nàn của các Mẹ Gấu. Nhưng tất cả chỉ là lẻ tẻ. Rất lẻ tẻ…Chẳng những thế, ở một vài xóm, (như xóm tôi chẳng hạn) các Mẹ Gấu còn đứng ra hô hào mọi người cùng chung tay góp sức nữa kìa. Bởi các bà mẹ bao giờ cũng đạo đức hơn các ông bố, nên thực hiện Hang Đá trong xóm là muốn cột chân các ông tham gia trong những buổi quây quần đọc kinh trước Hang Đá tạo nên sự đạo đức và mật thiết của xóm giềng. Điều đó thật là chính đáng, phải không?

Vả lại, Tráng  niên chúng ta nào phải chuyện đùa. Có tính toán cả đấy. Họ đang mua nước thiên đàng theo cách thế của họ. Chả thế mà tác giả Nguyễn Vĩnh Căn, cách đây khá lâu, đã viết bài NHẬU ĐỂ NÊN THÁNH đó sao? Đến đây, tôi lại chợt nhớ sơ cha cố Võ Quốc Ngữ nhận xét về người Châu Sơn như sau: “ lờ đờ vậy chứ khôn như ma”. Vâng, họ khôn lắm chứ. Họ biết giá trị đồng tiền do chính mồ hôi nước mắt của mình tạo ra trong cả một năm trời là rất quý, nhưng đối với Chúa họ không dè sẻn. Họ bảo nếu mình dè sẻn với Chúa thì Chúa sẽ không rộng lượng với mình.

Năm nay, một lần, khi đi viếng Hang Đá do Đoàn Tráng Niên thực hiện trước tiền đường Nhà Thờ, anh Đoàn Trưởng tâm sự với tôi: “Để có một Hang Đá hoành tráng và đẹp đẽ như thế này hoàn toàn nhờ vào sự chung tay góp sức  của mọi Đoàn Viên đó anh. Trước khi bắt tay vào thực hiện, Đoàn không có gì cả ngoài một số tài sản ít ỏi được bàn giao (mới lên Đoàn chưa được một tháng). Nhưng anh em đều khuyến khích, Cứ làm đi. Đừng ngại. Mọi sự đều ổn cả thôi. Thế là người một triệu, người hai triệu hoặc năm bảy triệu họ đem đến cho Đoàn khiến em phải ngỡ ngàng. Mà cách họ đem đến cũng tế nhị lắm. Bằng một phong thư hay mời một bữa nhậu để dễ bề tâm sự. Anh nghĩ xem, ngoài những vật dụng mình phải mua sắm hoặc thay thế cái cũ, mỗi ngày có khoảng 50 anh em miệt mài hy sinh giúp công góp của mà công việc lại kéo dài cả tuần như thế cũng rất là tốn kém. Mà ai nỡ để họ về ăn cơm nhà bao giờ. Cho nên, để công việc hoàn tất thế này tính ra cũng gần 50 chai đó anh. Quả thật em không thể ngờ”.

Vâng, quả thật chúng ta không thể ngờ!!!

 Bởi, ngoài những Hang Đá của Xứ, của Giáo Họ, của Đoàn mọi người còn phải thực hiện Hang Đá của Toán, của Xóm nữa. Và ở đây cũng có những cuộc thi đua ngầm. Bởi Toán nào, Xóm nào cũng không muốn mình thua em, kém chị cả  (Ừ mà thi đua để dâng lên Chúa Hài Nhi món quà  Lễ Giáng Sinh đẹp đẽ thì cũng đáng quá đi chứ, phải không?). Bằng chứng là một toán nhỏ như Anphongsô năm ngoái đã thực hiện một Hang Đá hoành tráng mà ai cũng phải tấm tắc khen ngợi. Ngoài nghệ thuật sáng tạo cao cường họ còn có một  địa điểm rất thuận lợi. Hang Đá này nằm bên cạnh điểm giao của ngã tư đường Vành đai và Tỉnh lộ. Thật là một dịp để cao rao nước Chúa đối với dân ngoại. Đã có nhiều người đến thăm viếng. Đã có nhiều đoàn đến tham quan. Ngay như đài PTTH Đaklak cũng đã đến chụp ảnh, ghi hình.(nghe đâu ngoài đóng góp công cán họ phải chi ra khoảng gần 25 chai).

Xem ra việc tôn tạo làm đẹp Giáo Xứ, Giáo Dân Châu Sơn mình nhiệt tình và rộng rãi với Chúa thật. Để nước Chúa được vinh danh ta không hề tiếc điều gì. À, nhân đề cập đến vấn đề này tôi lại chợt nhớ một việc lùm xùm vào ngày lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo Xứ (thực ra, tôi không được tận mắt mục sở thị ngày lễ này vì tôi có việc phải đi xa, chỉ nghe loáng thoáng kể lại nên có thể tam sao thất bản). Hôm đó, trong chia sẻ, Đấng Bề Trên không được bằng lòng lắm về những công trình của Giáo Xứ nhà. Cho rằng tại sao không dùng của cải đó để giúp các nơi nghèo khổ dang cần bàn tay tương trợ, khiến Giáo Xứ mất lửa.

Rồi sau đó đã nổ ra các tranh luận lùm xùm nơi các Ấm Nước Mới. Người thì cho rằng Bề Trên nói đúng, bởi trách nhiệm của Ngài là phải bảo ban, phải hướng dẫn đem tinh thần phúc âm san sẻ trên cùng khắp địa phận. Kẻ thì cho rằng: Vâng, Bề Trên nói đúng nhưng sao thấy nhột nhạt quá, không hợp hoàn cảnh, dễ làm mất lửa và làm giảm đi sự sung sướng của Giáo Dân.

Vả lại, Giáo Xứ Châu Sơn chẳng những tự làm tốt mình mà trong chia sẻ cũng rất hào phóng đối với những“người anh chị em” thân thiết chung quanh. Chẳng hạn Giáo Họ Phan xi cô hay các Giáo điểm Mân Côi – Tân Hòa – Tân Lập nếu không có xứ Mẹ thì làm sao, bây giờ, đã có những Nhà Thờ khang trang. Đừng nói rằng chuyện đó Giáo Xứ nào cũng làm được thì đau lòng lắm đó nghe, người ơi!

Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể để chứng minh cho điều này nhé. Ngay trong đầu tháng 12 này đã có hai Giáo Xứ: một là Giáo Xứ Sài Quất Địa Phận Thái Bình và một là Giáo Xứ Gò Duối Địa phận Quy Nhơn đã tìm đến với chúng ta. Và chỉ diễn tả khúc nhôi một cách nhẹ nhàng là đã đạt được hiệu quả ngoài mong đợi. Nghe đâu Giáo Xứ Sài Quất đã nhận được trên 207 triệu và Giáo Xứ Gò Duối nhận được trên 244 triệu.

Xem ra Giáo Dân Châu Sơn cũng biết san sẻ đấy chứ!!!

                                                                              NVT

 

Check Also

NHỮNG CÁI CHẾT BẤT ĐẮC KỲ TỬ TẠI GX CHÂU SƠN

Sống trên đời này chuyện “sinh ký tử quy” – sống gửi thác về – …