Còn đâu một thời liệt oanh của một Chế Độ?

  • “Người khôn tìm đến chốn lao xao” (NK). Sau khi tham quan một vài chốn phồn hoa đô hội của Sài Gòn, tưởng đôi khi cũng nên “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”. Đi thăm thú ngôi mộ của một vài nhân vật đã từng “vang bóng một thời”, chắc sẽ đáp ứng được “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”…

Nghĩa trang Lái Thiêu cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30km, đi theo hướng Thủ Ðức qua cầu Bình Triệu, thẳng tiến quốc lộ 13 qua ngã tư Bình Phước, khoảng 10km là đến ngã tư thuộc ấp Ðông Ba, xã Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, thì quẹo phải vào đường DT743 đi thêm 2km nữa là đến nghĩa trang Lái Thiêu.

Một con đường phủ bóng mát cây xanh chia nghĩa trang làm hai. Nhóm chúng tôi đến vừa hỏi thăm, thì đã có một nhóm người cò mối chỉ đường vào đến tận nơi… Tại đây, phía tay phải, mặt tiền đường DT743 là nghĩa trang Lái Thiêu A. Mộ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và thân quyến nằm góc cuối nghĩa trang, dãy thứ 4 (tính từ mặt tiền đường vào).

Dù cho cuộc đời chính trị của TT NĐD thế nào đi nữa, thì người dân di cư vào thời 1954 cũng vẫn luôn biết ơn ông. Trước hết là nhờ ông, để dân ta thoát nạn CS miền Bắc, sau đó là định cư được một nơi đất đai phì nhiêu mênh mông để ngày nay an cư lạc nghiệp.

Gẫm suy cuộc đời thịnh suy, vinh nhục chẳng mấy hồi. 9 năm của chế độ Đệ I Cộng Hoà với bao: hào quang, danh vọng, quyền lực…

Mới ngày nào nhậm chức muôn dân miền Nam “Suy tôn Ngô Tổng Thống” bằng lời ca: “Toàn dân VN, nhớ ơn Ngô Tổng Thống. Ngô Tổng Thống, Ngô Tổng Thống muôn năm”. Vậy mà sau ngày lật đổ, Duyên Anh trong Luật hè phố đã rêu rao nhạo báng: “Toàn dân VN nhớ ơn tô hủ tíu…”.

Mới ngày nào, có hàng chục tướng tá thuộc hàng con cháu, tôi tớ ra vào thưa bẩm một tiếng Cụ hai tiếng Cụ. Vậy mà khốn thay, lòng người thay trắng đổi đen để chỉ vì tiền tài, tham vọng mà thay ngôi đổi chủ một cách tán tận lương tâm. Một lũ Hội Đồng Quân Nhân Cách mạng, làm tay sai nô bộc cho CIA của Mỹ để chuyển từ cuộc đảo chánh giả Bravo I của ngài cố vấn Ngô Đình Nhu thành Bravo II, rồi ra tay tàn độc, bằm nát thi thể của huynh đệ nhà họ Ngô.

Vinh quang một thời là thế, vậy mà khi chết cũng bị vùi lấp, đến không có lấy một ngôi mộ cho tươm tất để hương nến giỗ chạp. Dời Mộ đến lần thứ hai, nhưng vẫn không được ghi tên mà trên mộ chí, mà chỉ đề vọn vẹn hai chữ Gioan Baotixita HUYNH và Giacobe ĐỆ thì đau xót cho thân phận người làm chính trị cực nhục đến dường nào.

Không hiểu sao, nhà nước lại còn đặt hai camera canh phòng, để người đã nằm xuống mà vẫn chưa được yên nghĩ?? Có một điều an ủi là, người mẹ Phạm Thị Thân được nằm đoàn tụ ấm cúng giữa hai con mình, và cách đó vài mộ là mộ của chú em GB Ngô Đình Cẩn, cũng bị lãnh án tử để mấy mẹ con nằm chung với nhau.

Báo chí nước ngoài thời đó đã nhận xét: chưa có một đất nước nào trên thế giới có cuộc đảo chánh lại đối xử với người bị hạ bệ tàn khốc và dã man như cuộc đảo chánh 1963 của VN mình.

Trách người rồi chính họ Ngô cũng nên tự trách mình. Người làm chế độ sụp đổ đầu tiên phải là Đức Cha Ngô Đình Thục, vì đã gây ra chuyện thù oán giữa Phật giáo và chế độ. Rồi đến tay trùm mật vụ khét tiếng Ngô Đình Cẩn đã thao túng tác quái, gây nhiều hiềm khích giữa báo chí và chế độ. Bà Ngô Đình Nhu cũng là con rối làm cho tình hình thêm rối ren, và sau cùng là ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã quá chủ quan để tin tưởng với đám tướng tá thuộc hạ chế độ để đến nỗi phải thất bại thảm hại như thế!!!

Nhưng rồi trời có mắt, thiên cao báo tốc. Chính kẻ thủ phạm giấu mặt cũng chỉ 20 ngày sau đã bị ám sát với cái chết thê thảm. Đó là TT John Kenedy 22.11.1963. Rồi Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cũng tan tác, tàn lụi…kẻ bị tù tội, kẻ điên khùng, kẻ phẫn chí túng quẩn…Và người làm chính trị dại khờ nhất thế giới, ngày 75 cũng đứng ra hứng chịu nỗi nhục nhã mất nước để bị bắt làm tù binh chính trị. Đó là nguyên Đại tướng Dương Văn Minh.

Có một điều lạ lùng là, những tướng tá…chiến sĩ Đệ II VNCH, chính họ là những người đã tiếp tay cho cuộc đảo chính 1963, lúc này mới cảm thấy hối hận, thương tiếc và ngưỡng mộ chí sĩ họ Ngô. Ở hải ngoại, mỗi năm cứ đến ngày giỗ 02.11, Việt kiều tổ chức lễ giỗ rất trang trọng để tri ân và tưởng nhớ đến người chí sĩ một đời trung trinh ái quốc. Lúc này họ mới ngộ ra, chỉ vì Mỹ đã loại bỏ họ Ngô ra khỏi cuộc chiến – một bức tường thành kiên vững của miền nam, nên mới ra nông nổi mất nước như thế.

“Thôi rồi một đoá trà mi”, nói chi thì cũng đã quá muộn màng cho một khúc quanh lịch sử đã sang trang.

Xin được thương cảm cho số phận của TT Ngô Đình Diệm bằng bài thơ của bà Huyện Thanh Quan

“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đây luống đoạn trường!”.

Di Tĩnh Đắc

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …