Đẹp thay! Thanh Tịnh thay! Những đóa hoa trong vườn tu viện

Đẹp thay! Thanh Tịnh thay!

Những đóa hoa trong vườn tu viện

Tâm tình với các chị (Soeurs), nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Trong tâm tưởng của tôi, hình ảnh người nữ tu luôn toát lên vẻ đẹp: thanh thoát, trong sáng, trung trinh và thánh thiện như một thiên thần; nhưng cũng không thiếu sự thương cảm cho cuộc đời tu của các chị, luôn phải chịu thiệt thòi trong đời sống đạo cũng như trong đời thường

Cũng đi tu, nhưng bên nam tu sĩ có được sự ưu ái, và đặc quyền mà xã hội cũng như bên đạo dành cho họ hơn bên nữ tu sĩ.

Là giáo dân bình thường, nên tôi thực sự không biết tu luật của nam tu sĩ và nữ tu có giống hoặc khác nhau(?), và không biết bên nào nghiêm nhặt hơn bên nào? Nhưng tôi thấy cánh nam đi tu, về hình thức bên ngoài không khác đời thường là mấy, kể cả đang đi tu, họ vẫn có thể đi quán cà phê, hút thuốc lá, đi xem phim… xã hội đến tôn giáo vẫn xem là chuyện bình thường. Nhưng bên nữ tu sĩ, ngay từ hình thức bên ngoài đã thấy khác hẳn: từ dáng đi đứng, lời nói, cho đến cử chỉ đều phải kín đáo, nhẹ nhàng, phải rất giữ gìn ý tứ, đến áo quần ăn mặc phải giản dị kín đáo, không được mốt, màu mè…, và thậm chí là anh trai chở xe, cũng cảm thấy ái ngại…sợ bị dị nghị này nọ…Và nếu nữ tu nào đó, có một chút chảnh chọe, ăn nói không ý tứ, áo quần ăn mặc tùy tiện là mọi người xì xầm: “tu chi con nớ, ba bảy hai mốt là ra đó dừ!”. Vì thế, ngoài lời 3 lời khấn như bên tu sĩ nam: Vâng lời, Thanh tịnh, Khó nghèo, tôi nghĩ các chị còn khấn thêm cả đức Nhẫn nhục nữa.

Cái thiên kiến nghiệt ngã đầy bất công này, có lẽ không phải do bên đạo, nhưng là do ảnh hưởng của mấy ngàn năm phong kiến nho giáo, đã hình thành tư tưởng trọng nam khinh nữ để: “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Cuối cùng là, bi lụy mãi tới bây giờ, người nữ tu vẫn còn bị gò bó trong sự khắc khe của dư luận xã hội!

Ngày nay, dù thế giới có hô hào, có cổ súy cách mấy cho khẩu hiệu “nam nữ bình quyền”, thì đó cũng chỉ là những slogan làm đẹp dòng văn tự trên báo đài, phương tiện truyền thông mà thôi, chứ dòng chảy xã hội vẫn cứ mackêno (mặc kệ nó) để người phụ nữ luôn bị coi thấp hơn cánh đàn ông và bị đối xử bất công là khó tránh khỏi, chí ít là ở Châu Á và Châu Phi…

Nhân 8/3 – ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi có chút tâm tình chia sẻ với các chị, đặc biệt các nữ tu, vì phụ nữ ngoài đời đã có báo chí, phương tiện truyền thông, luật pháp, hội đoàn…ca ngợi và bênh đỡ họ nhiều rồi, nên những lời của tôi “nói năng chi cũng thừa” mà thôi.

Duy có các nữ tu sĩ, một cuộc đời vốn đã thầm lặng trong sự khép kín của tu viện, thì với cuộc đời và xã hội, hình như họ đã bị quên lãng, để không ai quan tâm đến. Trong khi, những đóng góp của họ cho cuộc sống là không nhỏ! Những trại phong cùi, viện HIV…ai cũng ái ngại, xa lánh, thì chính các nữ tu sĩ là những người đã âm thầm hy sinh, tự nguyện phục vụ lau chùi vết thương chảy máu mủ, để xoa dịu nỗi đau cho các bệnh nhân. Đó là chưa nói đến các viện mồ côi, dưỡng lão, bệnh viện, nhà trẻ, mầm non…họ cũng đã góp tay làm đẹp cho xã hội rất nhiều. Nhưng khi họ có những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, hoặc xin chuyển đổi nơi ở, nơi sinh hoạt thì, chẳng những chính quyền không có sự quan tâm ưu đãi, mà còn hoạnh hoẹ, gây khó dễ với họ! Chúng ta vô cùng cảm thông nỗi niềm sâu sắc với các chị!!!

Ngay cả bên đạo, cũng đi tu như nam giới, có khi còn đắc đạo hơn, nhưng con đường của họ giống như trong toán học: tiến đến giới hạn, mà không bao giờ đến giới hạn. Ngày bắt đầu vào dòng tu, họ được gọi là tu sinh và sau đó là nữ tu. Sau một vài lần khấn tạm, rồi đến vĩnh khấn, danh xưng của họ cũng vẫn chỉ là nữ tu, mặc dầu có lên đến chức Bà Tổng, Mẹ Bề Trên…, cùng lắm, thì được chào hai tiếng: ma soeur! Xét cho cùng, họ cũng chỉ là giáo dân cấp cao mà thôi!

Trong khi bên nam tu sĩ, vừa vào tu đã được gọi là thầy rồi. Mấy năm sau lên chức Thầy Sáu Phó Tế, và trơn vọt bọt lành là lên thiên chức Linh Mục, được gọi là cha, danh cao vọng trọng, mở tiệc ăn mừng tưng bừng. Có quyền bính trong tay, chí ít là một giáo xứ. Nếu có năng lực và đạo đức thì sẽ được giáo hội cất nhắc lên: Giám Mục, Tổng Giám Mục, Hồng Y…Xem thế thì, nam tu sĩ có một sự thăng tiến bậc thứ rõ ràng hơn nữ tu sĩ.

Xét về cuộc đời, linh mục có bổng lễ và được yên bề nơi ăn chốn ở, do giáo họ hoặc giáo xứ lo liệu. Trong khi các nữ tu phải tự bươn chải “bươi đất lặt cỏ” để mưu sinh cho cuộc sống mà không có sự trợ giúp, hổ tương nào của Giáo hội, Giáo phận và cũng như Giáo xứ.

Ngày nay, vì hoàn cảnh nhà Mẹ gặp muôn vàn khó khăn trong việc tự lo cung cầu mưu sinh, mà các dòng nữ tu phải chia 5 sẻ 7 các nhóm về giáo xứ; trước là phục vụ cộng đoàn GX, nhưng kỳ thực là kiếm chỗ dựa thân giáo xứ, để mưu sinh cuộc sống. Xem thế thì, số phận của các chị thật long đong và nhọc nhằn biết bao. Người ngoài nhìn các chị, cứ tưởng vào dòng tu là ngồi mát ăn bát vàng và đọc kinh cầu nguyện, thật là an nhàn vui sướng. Có biết đâu…

Nhớ những năm sau 75, thời hậu chiến, ngoài đời rộng đường làm ăn mà còn vất vả, truân chuyên thì, nói chi đến các chị, với đôi bàn tay trắng, thân nữ nhi liễu yếu, chưa quen dầm mưa, giãi nắng, gội gió bụi trần ai, thế mà phải đầu tắt mặt tối, tần tảo với nợ cơm áo trong cái dòng đời bon chen xô bồ, thì thật là thương tâm và cảm cảnh biết dường nào!!!

Còn nhớ ngày đó, không có nghề gì mà các chị từ nan: Hết truân chuyên chăn nuôi: bò, heo, gà, dê, ong…đến làm vườn vất vả với những luống: rau, hoa quả…rồi gian nan tưới tắm cà phê thâu đêm. Chưa hết, các chị lại phải thức khuya dậy sớm để đi chợ bán rau quả và hoa…Một thời gian sau, cả tu viện người đau, kẻ ốm, giống như một bệnh viện, và không mấy ai sót đi chữa bệnh TP. Nghĩ mà ái ngại và cảm cảnh cho các chị phải lấm láp trong cái nợ đời, để kiếm miếng cơm manh áo một cách nhục nhằn không bút sách nào tả xiết.

Dù chỉ là ý kiến cá nhân nhỏ nhoi, có thể chủ quan, nhưng người viết cũng mong muốn Giáo Hội, Giáo Phận và Giáo Dân quan tâm, nâng đỡ các chị về mặt tinh thần cũng như vật chất, vì nữ tu là một phần không thể thiếu trong giáo hội nữa rồi.

Để người phụ nữ có được sự bình đẳng, bình quyền với nam giới như ngày nay, nhân loại phải nhọc nhằn đấu tranh tư tưởng đến cả hàng ngàn năm, con người mới nhận ra được phẩm chất cao quý của người phụ nữ, để đề cao, nâng họ lên ngang hàng với nam giới, thì đạo Công Giáo đã sớm tôn vinh người phụ nữ là, Mẹ Maria cách đây trên 2000 năm, với muôn lời tụng xưng: Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Đồng Trinh, Đức Mẹ Chẳng Hề Mắc Tội Tông Truyền…Và với kinh Cầu Đức Bà thì có cả hằng trăm lời xưng tụng mỹ miều: Đức Bà là Đấng Trọng Thiêng, Đức Bà là Đấng Khôn Ngoan, Đức Bà có tài có phép, Đức Bà có lòng khoan dung…

Tôi trộm nghĩ, tại sao đã có Đức Mẹ là một tượng đài cao cả của Phụ nữ, được nâng lên bậc Thánh thiêng, không có người trần gian nào sánh bằng, tại sao không quy chiếu qua đó để nâng cao vị thế của người phụ nữ lên theo, mà để số phận người phụ nữ ở vị thế quá khiêm tốn trong phẩm trật giáo hội? Nếu sau này, giáo hội xét lại mà cho các chị có được vị thế phẩm trật trong giáo hội thì, cá nhân tôi xin ủng hộ hết mình.

Một vài tâm tình của một giáo dân, xin được chia sẻ với các chị – Nữ tu, không phải là để phân bì hơn thiệt với tu sĩ nam, nhưng là để làm sáng lên phẩm chất cao đẹp, thánh thiện nơi các chị. Cuộc đời tu trì của các chị hoàn toàn vô vị lợi, bỏ hết mọi sự phồn hoa thế gian để một lòng trung trinh theo Chúa trọn đời, thật đáng ca ngợi và biểu dương. Chính Thánh Nữ Teresa Hài Đồng Giêsu là biểu tượng lớn lao cho sự nghiệp tu trì của các tu viện nữ, khi được Giáo hội hiển dương và phong tặng cho chị phẩm hàm Tiến sĩ Hội Thánh và là Thánh Bổn Mạng các xứ truyền giáo.

Nhân ngày Phụ nữ 8/3, xin cầu chúc các chị luôn được hồn an xác mạnh, để trọn đời trung trinh theo Chúa và góp phần làm đẹp cho cuộc sống hơn. Xin các chị cầu nguyện cho cánh đàn ông chúng tôi, luôn biết nhận thức phẩm chất cao quý của người Phụ nữ, để luôn biết “yêu thương và tôn trọng bạn tình của mình trong suốt đời”, như lời đã thề hứa của ngày hôn lễ, và để luôn tán dương các chị với câu Slogan:

– “Lady first! Lady is number one! Long live! Long live!”. (dịch theo lối trào phúng dân gian Việt Nam: “Nhất vợ, nhì trời, thứ ba mới là tôi, muôn năm!”).

Quý Soeurs ơi! Chúng tôi yêu mến và trân quý các chị lắm đó! Nguyễn Vĩnh Căn – GX Châu Sơn

Check Also

Một tri âm tri kỷ: Đời vắng em rồi, say với ai!!??

Mỗi lần nhớ đến Hùng, anh lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà …