Tết và những cung bậc cảm xúc…

Gớm, cái chị Đông nhà mình, mê chơi mảng nhởi chốn nảo chốn nao, sao không chịu về giao thời, để cái Xuân sang hơn một tháng nay rồi, mà cái giá lạnh cứ thản nhiên lấn sân, báo hại cho nhà làng rét co ro, đi đâu cùng phải quần dày áo thụng, hai ba lớp cộm, mà vẫn cứ suýt soa run khẩy. Chỉ còn mấy ngày nữa là tết, chẳng lẽ chị Đông nhà ta không biết tính lịch? Hay chị lại lầm tưởng, các tiết mùa tính theo Âm Lịch? Rõ khổ cho nhà chị, tứ thời bát tiết đều tính theo tháng Dương lịch tất tần tật đấy chị ạ!

      Mà thú thực với chị, nhà làng cũng chẳng mặn mòi chi với tết lắm mô, nên cầu cho chị đi chơi đâu, quên cả lối về, để đừng có cái ngày tết làm chi cho rắc rối cuộc đời. Há chị chẳng nghe bài hát kích động nhạc AVT ngày xưa: “Tết nhất làm chi, ai bày, tết nhất làm chi, lo quần lo áo, lo đi chạy tiền. Người người mà vui tết liên miên, riêng tôi nghĩ tết mà điên cái đầu. Lo nhiều đến nỗi mọc cả râu…”.

      Nghĩ cũng lạ, không biết ai bày ra cái tết cơ chứ! Cả thế giới, người ta mừng năm mới chỉ có mỗi một ngày, có đâu như nước ta, hào phóng, ăn tết những ba mồng…nhưng rềnh ranh chơi mãi cho đến mồng mười tết mới thôi. Mà bản thân chữ “Tết” nó chẳng dính dáng gì đến mùa xuân một tẹo nào, làm sao tiền nhân ta lại tạo ra được một chữ “Tết” độc đáo như thế chứ! Khốn khổ cho người nước ngoài phải sái hàm mới đọc ra được chữ tết; là bởi vì lục lọi các ngôn ngữ từ cổ đại Hy Lạp đến cho đến La tinh cũng chẳng có từ nào tương đồng để dịch sang, nói chi đến tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga…sinh sau đẻ muộn, sao mà dịch cho nổi chữ tết đây!? Cùng lắm thì Happy new year dịch ra tiếng Việt “chúc mừng năm mới”, phiên âm tếu táo ra tiếng Việt, chỉ là “hết bia nẫu dìa”.

      Nói về cung bậc cảm xúc về ngày tết thì quả là bao la thiên địa, đa dạng và phong phú lắm, thật khó có thể tóm gọn vào một bài viết được. Nhưng nhìn chung, mọi người ai cũng hăm hở để đón tết một cách hồ hởi phấn khởi, chẳng thế mà có người ngoại quốc nói: người VN làm tất bật cả năm mà chỉ để dành cho mấy ngày tết…ra giêng lại kéo cày trả nợ.

Bắt đầu từ những tháng cuối năm 11, 12 thu hoạch xong mùa màng là lo cho cái tết…Nhưng xem ra việc chuẩn bị đón tết cũng rất thuận lợi, vì mùa màng mới thu hoạch xong, nên nhà làng cũng “rủng rỉnh xu hào”. Buôn bán kinh doanh cũng ăn theo được mùa, vì người dân đi mua sắm tới tấp. Sắm đồ gia dụng trong nhà: bếp ga, điện từ, sắm xoong chảo, tủ lạnh, TV….Sửa sang lại nhà cửa: sơn phết, ốp lát, xây dựng công trình phụ… Trang bị tủ bàn…nội thất cho khang trang nhà cửa. Thôi thì không có thứ gì là không muốn sắm…

Nhưng trước mắt, con trẻ là phải có quần áo, giày dép mới để “ba ngày xuân đi khoe xóm làng”. Anh chị chúng nó cũng phải sắm cái I phone, I pad…và một vài bộ đồ kiểng du xuân, để khoe sắc màu hoa thơm bướm lượn, nam thanh nữ tú mà lị! Còn các cụ ông cụ bà cũng phải đãi món nhung lụa xúng xính cho đáng bậc trưởng thượng. Trên bàn thờ cũng phải hoa nến và mâm ngũ quả thờ kính ông bà ba ngày tết cho phải đạo. Rồi phải lo lễ vật đi mừng tuổi ông bà, cha mẹ, anh em, cô dì chú bác…Chỉ khốn khổ cho bậc trung niên cha mẹ, phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhịn ăn nhịn mặc để lo trang trải cho cái tết được tươm tất. Quả là trăm dâu đổ đầu tằm, việc gì cũng đến tay. Sắm sửa là thế, mà cũng không quên trang trải nợ nần cuối năm: tiền phân tro mùa qua, tiền ăn tiêu cả năm…để ăn cái tết cho thư thái và không phải vướng bận công nợ! Khổ nỗi, đầu vào thu hoạch chỉ một, mà đầu ra thì mười, mới là khó xử. Đụng đến cái nào cũng cần thiết và cấp bách cho cuộc sống.

Nhà làng năm nay lại mất mùa cà, mùa tiêu. Cà về chưa đến nhà, con nợ đã chực sẵn, đưa thẳng về kho lậm nhà buôn. Tiêu lác đác choẻn, thưa thớt trái, đưa về được mẻ nào là mì ăn liền ngay, không kịp để ấm trong nhà. Cũng có nhà túng quá, phải vay nợ để trang trải cho cái tết để được nở mày nở mặt, bằng chị bằng em với người ta. Ai cũng quan niệm: cả năm, được một cái tết chứ nhiều nhặn chi, nên cũng phải “bán cốt lột xương” mà lo cho cái tết được tươm tất, để tin cái vía, đầu xuôi đuôi lọt. Đầu năm đàng hoàng sung túc, ắt hẳn, cả năm cũng được thênh thang bạc tiền vào…

      Mỗi gia đình lấy rẻ, chi phí cho cái tết là 10 triệu VNĐ.  Tính ra 90 triệu dân ta, khoảng 20 triệu nhà ăn tết, quy ra thóc cũng ngót: 20 ngàn tỷ VNĐ, quy ra tiền đô là 1 tỷ USD. GX Châu Sơn cũng ngót ngoét hết 10 tỷ VN đồng cho việc ăn tết. Kể ra cũng thật lãng phí, chỉ 3 ngày tết mà nhà làng phải tiêu tốn đến số tiền khổng lồ như thế, nghĩ cũng của đau con xót. Nhưng mà thôi, đổi lấy niềm vui, đổi lấy niềm hạnh phúc, sao lại phải tính toán so đo làm chi cho cực lòng, phải không các bạn!

      Ca cẩm thế thôi, nhưng bên mảnh tối, cũng nhận diện ra được những điểm sáng qua bức họa đa sắc màu của cái tết truyền thống VN đấy chứ!
Trời sang xuân, mây cao và trong xanh hơn. Nắng mới lung linh và ấm áp hơn. Vườn tược nhà cửa được bài trí tươm tất và khang trang hơn. Đường sá lối ngang rẽ dọc cũng sạch gọn và thông thoáng hơn.
Trời mới và đất mới, bộ mặt của GX và gia đình cũng rạng rỡ hơn, khi có được một mùa xuân đoàn tụ đông vui đầm ấm. Những cánh áo đen – hoa trái tinh thần: quý cha, quý thầy, sơ đoàn tụ về GX, làm cho mùa xuân toát lên vẻ thanh cao và linh thiêng.

Những chàng trai sinh viên dáng vẻ tinh anh, những cô nàng sinh viên duyên dáng, đi học miền xa về, mang “túi kinh luân” trong tư thế ngẫng cao đầu, vì họ được xem là những tài năng triển vọng cho tương lai GX và gia đình, hứa hẹn cho nhiều hoài bão sẽ trở thành hiện thực sáng lạn trong nay mai.
Những người con tha phương cầu thực cũng không kém phần phấn khởi, để sau một năm lao nhọc ở xứ người, vợ chồng tay bồng tay bế con dại, về đoàn tụ với ông bà cha mẹ trong niềm vui gia đình hạnh ngộ của ngày tết, càng làm cho ngày đoàn tụ gia tộc thêm thiêng liêng.

Tất cả đã tạo nên những cung bậc cảm xúc của ngày tết rất đỗi truyền thống dân tộc. Những niềm vui dạt dào vỡ òa, những niềm ấm áp hạnh phúc đoàn viên cho mỗi nhà…Cuộc sống khởi sắc, và tinh thần con người hưng phấn hơn để bước vào một năm mới, hứa hẹn nhiều an vui thịnh đạt và nhiều phúc lộc may mắn.
Nguyện xin Chúa Xuân chúc lành cho mọi nhà trong GX, một năm mới tràn đầy ân sủng và bình an trong Đức KiTô, Chúa chúng ta.

Nguyễn Vĩnh Căn

 

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …