Thương thay! Một phận đời bi ai!!!

Chỉ đến khi bài viết “Dấu tích của một thời quá vãng” của Nguyễn Khải được đăng lên TĐCS, tôi mới chợt thấy mình đã quá thiếu sót, khi không có được một vài dòng cho bà Tứ Hoà. Một con người mà số phận quá đỗi bi ai. Bà sống lẻ loi cô quạnh, không bà con họ hàng thân thích. Mặc dầu có con có cháu mà cũng bằng không.

Ngày ấy! Lần đầu tiên tôi biết đến bà, khi thấy bà hằng ngày cứ cầm một chiếc giỏ lác tha thẩn trên mọi nẻo đường thôn xóm. Có lẽ, bà thuộc “cái bang 7 túi” để lúc nào tay cũng cầm chiếc gậy khua đuổi chó. Của đáng tội, thật khốn khổ cho bà, hễ bà có mặt ở đâu là có tiếng chó sủa đến đó. Đúng là chó cắm bị ăn mày…Bà cầm bị, nhưng không phải đi xin đâu nha, mà đi hái lá cây: chó đẻ, cây cỏ mực, cây nhọ nồi…đưa về phơi khô làm thuốc. Chẳng ai biết bà có tay nghề về thuốc nam ra sao? Nhưng những bệnh thông thường: đau bụng kinh, hiếm muộn, rối loạn tiền đình, đau nhức răng, ho hen, cảm sốt, trẻ khóc đêm, cam quýt…đều được bà chữa khỏi.

Thú thật, lúc đầu chẳng mấy ai tin tưởng thuốc của bà đâu. Vì nhìn nhân dạng bà vừa gầy guộc, áo quần lại lôi thôi lếch thếch, đố ai mà dám uống thuốc của bà cho nổi. Người ta mua thuốc của bà vì lòng từ tâm, giúp bà có cái ăn cái mặc qua ngày. Lối xóm thương hoàn cảnh bà côi cút, nên vẫn thường cho bà quả bí, quả mướp hay mấy lon gạo… Bà vẫn thường hay ghé nhà tôi và chuyện trò thân thương với vợ tôi lắm! Gặp lúc vợ tôi lại luôn sa sẩy, 6 năm trời không có con…Vợ tôi tin bà lắm! Giọng bà tưng tửng: “vợ mi bị hiếm muộn rồi, uống lá cây ni, cây nớ…mấy tháng sau đẻ cho co”. Sau đó bà lấy thuốc cho uống, không hiểu sao, một năm sau nhà tôi sinh đứa con trai đầu lòng, rồi sau đó đi liền một lốc 3 trai…Nhà tôi sinh tứ quý trai, hơi bị buồn. Tôi nghĩ, giá lúc đó mình tin tưởng, yêu cầu bà điều chỉnh thuốc cho có con gái, biết đâu nhà tôi đã có lòn có nếp rồi.

Cuộc sống của bà quá đỗi bình dị, cái ăn cái mặc qua loa, mỗi ngày như mọi ngày, chẳng làm điều gì phiền lòng ai. Bà thường hay giúp đỡ người khác: chích lễ máu bầm, mắt mộng, nhổ lông cặm trong mắt…

Sau này, bà được nhà nước cấp vườn ra ở khu vực thôn I, lại già cả đi đứng khó khăn, nên ít lui tới nhà tôi. Bà nặng nợ với đứa con gái cứ ăn bám theo bà, bỏ thì thương vương thì nặng…

Mỗi năm, nhóm “Quỹ tấm lòng vàng” TĐCS vẫn đi thăm và tặng quà cho bà.

Những lần đến thăm bà trông thảm cảnh lắm! Bà ở trong một căn phòng tù túng bức bối như một ổ chuột. Quần áo, đồ vật bề bộn ngỗn ngang không ai sắp xếp. Không cảm cảnh sao được, khi bà ngồi ủ rũ một mình trong góc nhà tối tăm. Mái tóc bạc ngã mầu ố vàng rối bời. Khuôn mặt hốc hác với thân hình gầy guộc tiều tuỵ một cách thảm hại. Cặp mắt trắng dã thất thần, tưởng như vô vọng với cuộc sống! Chúng tôi đến thăm, bà mừng lắm. Vẻ mặt của bà sáng lên hẳn, dường như khi chúng tôi đến, căn phòng của bà như được thắp sáng lên, để bà vui vẻ nhắc tên từng người.

Càng về cuối đời, bà càng khốn khổ! Bà phải trượt mo cau lê lết từ nhà ra đầu làng để ăn xin. Ai nhìn cũng mủi lòng thương cảm cho bà, người cho miếng bánh, kẻ cho đồng tiền lẻ để sống qua ngày. Cuộc sống bà lê lết mãi, cho đến một ngày bà không lết ra chợ nổi để ăn xin nữa. Một vài người bâng quơ hỏi: “chứ bà Tứ Hoà lâu ni đau ốm ở mô mà không chộ bà ra đâu nữa hè!”. “Đau nằm mẹp giường chứ đâu mà đi lại…”

Than ôi, cũng một kiếp làm người, mà sao bà lại khổ luỵ như thế chứ! Khổ đời là thế, nhưng gặp bà trong hoàn cảnh nào bà vẫn vui vẻ chuyện trò thăm hỏi ríu rít người này, người kia…

Một vài lời hỏi thăm bà, chỉ như gió thoảng mây trôi…Rồi cuộc sống tất bật cuốn trôi người ta vào cái vòng xoáy nợ đời: cơm áo gạo tiền, để đành lãng quên đi một số phận đầy thương tâm! Đến khi bà chết rồi mà có người vẫn còn hỏi bâng quơ: “ủa, tưởng bà Tứ chết mô lâu rồi, chứ bây giờ mới chết ạ!!”. Những tháng ngày cuối đời, bà sống mà dường như không còn tồn tại trong tâm tư của người Châu Sơn.

Đó là một sự vô tình hững hờ của cuộc đời, mà chính tôi cũng tự trách mình không có được một sự quan tâm đến bà trong những ngày tháng cuối đời. “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du).

Thương thay cho một kiếp người

Một đời lay lất đong đầy thương đau

Nguyện xin Chúa giàu lòng xót thương, rửa sạch những nỗi nhục nhằn cho bà khi ở trần thế, để đưa bà về trong vòng tay ấm êm của Ngài.

Châu Sơn choa

 

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …