Sau cơn mưa trời lại sáng… Phần III

Hôm nay ngày tang lễ của anh Phê Rô Lê Ngọc Chương ở bên Mỹ. Xin cho tôi được chút tâm tình với anh lần cuối, để tiễn đưa anh về lòng đất xứ người, cho trọn tình bạn tri âm tri kỷ.

Sau 75, miền nam dường như ngập lụt trong trận hồng thủy đầy bão tố, đã nhận chìm cả miền nam vào  cảnh màn trời chiếu đất. Có lẽ, trong chiều dài lịch sử, chưa bao giờ người dân phải rơi vào tình cảnh khốn đốn, cực nhục và gian nan như thế. Đói khát cùng cực, cũng chưa bằng sự tra tấn của chế độ trong ý thức hệ với những lời mỉa mai, nguyền rủa: Ngụy quân, Ngụy quyền…Tất cả người dân miền nam được xếp vào phó thường dân nam bộ.

Nhưng trong tầng địa ngục đó, có lẽ anh Chương là người bị xếp vào tầng đáy địa ngục…Cuộc sống trước 75, ăn nhờ vào đồng lương chính phủ, lại có nhà mua rẻ khu công chức, nên rất ổn định. Sau 75, anh mất nhà và trắng tay. Từ một nhân viên văn phòng ngồi mát ăn bát vàng để sau 75, anh phải tất bật đầu tắt mặt tối với muôn vàn khó khăn của cái nợ nhân sinh: cơm, áo, gạo, tiền.

 

Cũng rẫy cà phê tưới tắm với bao mùa khô hạn, đến cả mồ hôi và nước mắt cũng cạn kiệt theo. Cũng theo nhà làng trồng mía, ép mật. Có năm mía cháy vào dịp tết, trông hai vợ chồng đen thui như quỷ dạ xoa. Ô là là cơ khổ làm sao hả trời!!! Nhìn anh lúc ấy, hình ảnh như sách ngắm diễn tả: “Con mắt thì lỏm vào, mặt mũi thì xanh xao, trông chẳng còn ra hình tượng con người nữa!!!”. Có lần gặp anh, tôi bảo: bác làm chi mà lam lũ cho khổ cả một đời thế hả? Anh gượng cười, nhại lại câu đối của Ngô Thời Nhiệm với Đặng Trần Thường: “Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế” chứ biết răng chừ!

Rồi sau mùa mía, vợ chồng lại đi đánh xe bò cọc cạch đi mua mật về bán cho các nhà lò đường kết tinh. Con người anh còm cõi là thế, mà mỗi lần đẩy phi mật lên xe bò, thấy anh vất vả và bầm trầy, thảm thương chi lạ!? Nhiều khi thấy cuộc đời anh lấm láp với nợ áo cơm, tôi thấy câu kinh này rất đúng với anh: “sa vào kiếp lầm than, không xứng đáng với phẩm giá con người”.

Hoàn cảnh lúc đó, sau 75 ai cũng rơi vào cảnh lao đao lận đận, nhưng của phải tội, nhà anh con đông, lại cho con cái đi học đại học đến nơi đến chốn, nên “đố khỏi đói khổ”. Mọi nhọc nhằn đều trĩu nặng trên đôi vai gầy của hai vợ chồng.

Chị Hoàn cũng hết sức đa đoan. 4 giờ sáng đánh xe máy cọc cạch vào Buôn Ba (Nghĩa Bình) để lấy thịt về bán. Bán xong hết thịt rồi lại phải đi rẫy….Chị kể: có nhiều hôm, vừa chạy xe vừa ngủ gật dọc đường, nhiều khi xe đâm vào bụi bờ… Nhưng rồi cũng phải cố rán mà làm lụng, dẫu vất vả và cực nhọc, cũng cam chịu, chỉ vì gánh nặng gia đình để nuôi con ăn học. Có một dịp trông chị xanh xao và gầy rạc hẳn đi, phải đi chữa bệnh Sài Gòn. Quả là chó cắn bị ăn mày…Đúng là giàu dồn khó dập.

Rồi nợ nần chồng chất…Có lẽ không có ai cực nhục như anh chị vào giai đoạn đó…hết chạy vát nơi này đến nơi kia. Mà tiền vào nhà nghèo thì khác nào gió vào nhà trống.

Nói về gian truân và cực nhục đời nông nghiệp thì anh chị đã từng nếm trải đủ mùi tân toan khổ đau mà không bút sách nào tả xiết. Có lẽ, Chúa trên trời cao cũng động lòng trắc ẩn, cảm thương cho hoàn cảnh gia đình anh chị, nên khi Chúa đóng cửa này lại, Ngài lại mở cánh cửa khác ra cho anh chị một con đường sống mới.

Đó là cây đũa thần…

Tôi vẫn thường đùa với anh: nhà nào có con gái đẹp, lấy được Việt kiều là có phúc phần, có ngay cây đũa thần, làm xoay chuyển cuộc sống gia đình một cách thần kỳ. Mà quả thật, gia đình anh có phúc phần nên đã có cây đũa thần.

Phải nói, cả Châu Sơn mừng cho gia đình anh chị thoát được cái nợ đời nhà nông để về phố thị Bình Dương. Mấy lần về Châu Sơn, anh mời tôi lên chơi cho biết nhà.

Lần đó, tôi với người bạn tới chơi nhà anh chị, và được anh chị tiếp đại trọng hậu. Thấy anh chị có cơ ngơi nhà ở, rồi lại có mấy dãy phòng cho thuê…Con cái đi làm công ty. Xem ra, cuộc sống của gia đình anh ổn định lắm rồi! Thế là, “nợ tang bồng trắng trắng vỗ tay reo” rồi đó nha! Tôi bảo với người bạn: mừng cho gia đinh anh Chương có cơ ngơi vững bền như thế, chắc là thoát khỏi cảnh cơ nhục đói khổ nữa rồi.

Lúc này thấy anh cuộc sống nhàn nhã và phong lưu lắm! Sáng mai uống cà phê, đọc báo rồi đấu láo về chuyện thời thế, chuyện nhân sinh…Anh bảo tôi: nhìn người mi, sức đếch mô mà làm rẫy, vào đây tau xin công việc cho mà làm.

Sau đó, anh giới thiệu cho tôi vào công ty Trần Đức…Tôi vào làm được hơn 1 tháng và thấy kham không nổi, nên đành phải go home!! Anh tiếc cho tôi lắm, vì ở đó anh có bầu bạn để nói chuyện Châu Sơn cho đỡ buồn. Nhưng vào ở với anh một tháng trời, tôi mới thấy cái bản lĩnh của anh. Một công ty người nhà mà cũng đấu đá nhau không kém người ngoài. Để tồn tại được ở công ty những 6,7 năm không phải dễ dàng một chút nào. Anh phải ở tư thế trung dung để không mất lòng thợ và phải được lòng thầy…Sau này tôi mới biết được anh là chỗ dựa cho hai bên, nhưng cái giỏi của anh là khéo luồn lách để không làm mất lòng bên nào.

Mỗi lần về Châu Sơn, anh thường ra nhà tôi chơi, gợi lại những chuyện khi xưa. Tưởng hai đứa như làm một chuyến tàu về dĩ vãng, đầy ắp bao kỷ niệm ngày xưa thân ái như chợt sống lại, nghe sao thú vị chi lạ!!! Anh bảo: mình ở trong đó bị trầm cảm, cứ thấy đám đông là sợ, và rồi có cảm giác chán sống…Về lại đây không khí thân thương nhà quê, lại có bạn bè chia sẻ tâm tình làm cho mình phấn chấn và yêu đời hơn.

Sau đó, gia đình anh được bão lãnh sang Mỹ…Mấy lần anh về tâm sự: Mình sang bên, bước đầu cũng cam go và bầm dập lắm, chứ không mọi người nghĩ: sang Mỹ là lên thiên đàng đâu.

Những tưởng sau cơn mưa trời đã sáng…

Nào ngờ, mừng chưa no mà lo lại tới, anh bị bạo bệnh…Và hỡi ơi! Anh đã đoạn kiếp gian trần để một cõi đi về.

Xin được lấy lời cuối của anh trong “Tâm sự một người bệnh – Lá sắp rời cành” để làm lời kết cho bài “sau cơn mưa trời lại sáng”.

Anh viết: “Niềm hi vọng mỏng manh tôi cố gắng thắp lên là thế nhưng vẫn không đủ xóa tan nỗi hoài nghi: có không sau cơn mưa trời lại sáng, hay sau cơn mưa lại đến mưa gió bão bùng, thì nghĩ cho cùng cũng thế mà thôi. Nhân sinh phù thế như mây trời hợp tan, tan hợp. Muốn được phục sinh sống mãi con người phải đi qua cái chết. Những đau khổ ở đời này chẳng là gì so với vinh quang sẽ dành cho ta trong cõi vĩnh hằng.

 “Đối với tôi, sống là Đức Kitô thì chết là một mối lợi” (PL 1, 21) phải thế không ạ?

Lời cuối, tôi xin tiễn biệt anh:

– Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng xót thương, hãy đón nhận linh hồn Phê Rô vào lòng tay từ ái của Ngài. Xin Ngài hãy an ủi và lau khô những giọt nước mắt trên khuôn mặt tang quyến, để họ biết tín thác vào Ngài trong niềm hy vọng cứu rỗi.

Vĩnh biệt anh!!!

Nguyễn Vĩnh Căn – Một người bạn tri tình

Check Also

Cây Ngô Đồng Yên Phú…cả 100 năm tuổi ấy chứ!!!

Đã về quê đến 3 lần, và lần nào cũng ghé thăm và ghi hình …