MỘT VÀI SUY TƯ CỦA NGƯỜI CON TRONG GIÁO XỨ – PHẦN I

        Những ai ưu tư và tâm huyết với giới trẻ GX, xin hãy đọc bài viết này: vừa có tâm vừa có tầm!!

        Những năm tháng dài vừa qua là thời gian tôi sống trong khắc khoải lo âu khi từng ngày chứng kiến cảnh giới trẻ GX tuột dốc về nhiều mặt. Tệ nạn không còn len lõi, mà chính thức dừng chân để ngày ngày từng bước hủy diệt dần tương lai của GX. Nhiều lúc muốn chạy đến với những vị hữu trách để bày tỏ nguồn cơn trước thảm họa đó nhưng không đủ can đảm bởi nghĩ rằng mình không đủ tư cách, sợ rằng tiếng nói của mình không được đón nhận, không được lắng nghe.

           Hôm qua, chợt mở trang web tienducchauson.net, thấy một bài viết với tựa đề: Đi tìm giải pháp chấn chỉnh lại giới trẻ GX. Mừng mừng tủi tủi, tôi đã đọc ngấu nghiến từ đầu đến cuối. Không mừng sao được khi mà hôm nay GX chính thức quan tâm đến vấn đề mà nhiều người đang đau đáu lo toan, nhiều người đang đau nỗi đau của toàn GX khi chứng kiến cảnh tuột dốc của con em mình.

Không đau sao được khi biết rằng Giới trẻ đang sống trong tâm lý bầy đàn (như lời của một Lm cựu QX). Có nghĩa là những tệ nạn này đang ảnh hưởng cấp số nhân tới người trẻ trong GX. Bạn bè sinh hoạt trong đoàn thể sẽ kéo thêm nhiều người vào sinh hoạt. Trái lai bạn bè sa đà trong ăn nhậu, hút xách, bỏ học giáo lý….ắt hắn sẽ kéo theo một thế hệ trẻ nối tiếp trong sự sa đà đó, bởi “trong thế giới bất lương,người không bất lương là người bất lương”.

           Vui mừng vì hội nghị đã đưa ra được một số giải pháp, nhưng tất cả đang chỉ là giải pháp trên giấy bút mà thôi. Ước mong rằng GX sẽ tìm ra được đường hướng tốt đẹp khả dĩ có thể níu kéo được những gì sắp tuột khỏi tầm tay. Có thể hơi muộn màng nhưng better late than never. – muộn còn hơn  không.

          Đọc xong bài viết, tôi đồng tình với một số ý kiến trong cuộc họp. Nhưng có hai ý tôi rất tâm đắc và xin được đào sâu hai ý kiến đó. Nhưng trước khi góp ý, tôi xin thưa trước là những suy nghĩ của mình chỉ là quan điểm cá nhân hoàn toàn mang tính xây dựng, chứ không nhằm đã kích chê bai một cá nhân hay một tập thể nào. Trong khi diễn đạt ý tưởng, nếu có gì sơ suất xin tất cả vì tình thương thông cảm bỏ qua cho. Ước mong rằng tất cả những suy nghĩ của mình đóng góp được một chút nào đó cho giải pháp chấn chỉnh giới trẻ GX.

  1.         Một ý kiến: chúng ta thử tìm nguyên nhân bắt nguồn từ đâu: Cha QX, HĐGX, GLV, các phụ huynh cha mẹ, ban ngành đoàn thể thiếu quan tâm, thiếu đường hướng giáo dục thích hợp, hay do tự bản thân các em…( Trích nguyên văn bài viết trong tienducchauson.net).

            Vậy muốn tìm hiểu tại sao giới trẻ GX đang tuột dốc, thì việc đầu tiên phải làm là tìm ra nguyên nhân của sự việc. Gia đình là trường học đầu tiên, trong đó cha mẹ là những thầy cô đầu đời hình thành nên nhân cách đứa trẻ. Nhưng nhiều khi vì nhiều lý do, đặc biệt lo cơm áo gạo tiền cha mẹ đành nhờ cậy nơi cộng đoàn GX, qua sự hướng dẫn của quý Cha QX, ban TV/HĐGX, các ban ngành đoàn thể….. Vì thế xin được đi từ trên xuống dưới theo cơ cấu của một GX

  1.         Quý Cha QX

            Theo nguyên ngữ, các Linh mục QX là những mục tử, nghĩa là những người được sai đến để chăn dắt đoàn chiên của mình: tìm đồng cỏ non xanh tươi, chọn nguồn nước mát trong. Như thế vai trò của linh mục là hướng dẫn, dìu dắt tạo điều kiện cho giới trẻ phát triển về nhiều mặt, đặc biệt trong lĩnh vực Đức tin. Các Ngài biết rằng, một con chiên đang đứng ngoài đàn sẽ rất dễ lây nhiễm những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội, và từ những con chiên lạc này sẽ tiếp tục lây nhiễm theo cách số nhân cho cộng đoàn vì tính cách tâm lý bầy đàn của giới trẻ hiện nay. Giáo dục ngày nay không còn là những chỉ thị từ trên xuống dưới, mà phải bám sát, hoà nhập, để kịp thời phát giác và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm làm ảnh hưởng tới cộng đoàn.

            Thế nhưng hiện nay có biết bao nhiêu phần trăm giới trẻ đang sinh hoạt trong đoàn thể? 40%? 50%? Hay 60%. Như thế số còn lại đang đứng ngoài đoàn thể mà không kéo theo sự tuột dốc của đoàn thì mới là chuyện lạ!!!!

           Hiện náy quý Linh mục đang đứng ở vị trí nào trong việc giáo dục giới trẻ trong GX? Hay các Ngài đang tự mãn vì GX mình đang đầy đủ đoàn thể ban ngành, còn việc sinh hoạt như thế nào thì đang có những cấp dưới cáng đáng lo thay…..có bao giờ các Ngài chịu khó bớt chút thời gian rảo qua các lớp học giáo lý (chưa nói là đi vào trong lớp ban huấn từ) để coi giáo dân trẻ của mình đang làm gì? Có bao nhiêu em tham gia? Giáo lí viên đang truyền đạt điều gì? Và những gì GLV truyền đạt có đúng với giáo lý của GH, có đúng với thần học không?

Chúng ta cứ nghĩ rằng phải giáo dục chúng bằng tình thương, nhưng tình thương đó không chỉ diễn tả bằng môi miệng, mà phải biến thành hành động cụ thể, bằng sự quan tâm chăm sóc, và nếu cần ” bỏ 99 con để đi tìm con chiên lạc…”  Thương cho roi cho vọt – quan niệm của người xưa vẫn còn giá trị trong ngày hôm nay. Bởi trong GX mà những biện pháp trợ huấn đang được phụ huynh đồng tình ủng hộ, tại sao chúng ta không áp dụng mà chỉ dừng lại ở chổ ai muốn tham gia thì tham gia còn không đành chịu. Đã có GLV tâm sự: có những buổi học chỉ vỏn ven 2,3 em thì làm sao lên lớp!!!!!!

  1.             Ban TV/HĐGX

Là những người được giáo dân trong GX bầu lên để điều hành tất cả mọi sinh hoạt trong cộng đoàn GX qua từng nhiệm kỳ. HĐGX đã chọn ra những ủy viên đặc trách từng mảng một. Nói chung quý vị đã đóng góp rất nhiều cho cộng đoàn GX , đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng các cơ sở vật chất. Thế nhưng trong công việc xây dựng con người chắc còn nhiều hạn chế, đang bị chùn tay. Lý do chính có lẽ là ” lực bất tòng tâm” bởi quý vị đang được lãnh đạo bởi các vị bề trên. Qua cuộc họp ĐI TÌM GIẢI PHÁP….,

có lẽ đây là thời điểm để quý vị bắt đầu một chu trình mới trong vấn đề giáo dục giới trẻ. Ước gì quý vị mạnh tay hơn, bởi chúng ta biết rằng: các Cha ở rồi đi theo sự sắp xếp của ĐGM GP, nhưng GX tồn tại mãi, nhưng GX sẽ tiếp tuc tồn tai như thế nào trong tương lai là do chúng ta chuẩn bị được những gì trong ngày hôm nay, bởi tuổi trẻ hôm nay, GX ngày mai đó quý vị. Cơ sở vật chất đã tạm đủ, chúng ta hãy dừng lại để tập trung vào đào tạo con người. Điều này là điều toàn thể phụ huynh đang mong đợi, và xin được ký thác niềm mong đợi đó cho những người chúng tôi đã tin tưởng bầu chọn. Mong thay!!!!

  1.           Các GLV

                 Trong Thánh Kinh, các ông chủ thường trao đàn chiên cho con cái mình chăm sóc, bởi giao cho người làm thuê chắc hẵn không toàn tâm toàn ý lo cho đoàn chiên. GLV là một ơn gọi. Thế thì giờ đây quý anh chị đang đứng ở vị trí nào trong on gọi đó.???

                  Trong tư cách là những người con, nghĩa là những cánh tay nối dài của quý Cha QX trong vai trò hướng dẫn dìu dắt giới trẻ  trong GX. Đồng thời GLV là người đưa ra những chương trình dài hạn, những sáng kiến cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của giới trẻ để tham mưu cho quý cha QX. GLV là một ơn gọi, là sứ mệnh chính thức được Chúa Giêsu trao ban qua Hội Thánh, cụ thể qua Lm QX. Chính vì thế GLV phải biết ý thức trách nhiệm của mình, biết quảng đại hy sinh, biết trau dồi bản thân, trau dồi kiến thức giáo lý, biết sống gương mẫu làm chứng cho những gì mình tuyên xưng cũng như những gì mình truyền đạt cho các em như lời của ĐTC PHAOLO VI trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi: “Con người ngày nay tin vào chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân “.

               Qua cuộc họp ” Đi tìm giải pháp…….” Có lẽ giờ đây mỗi GLV cần nhìn lại chính mình, cần tự vấn lương tâm trong thời gian vừa qua mình đã làm gì trong tư cách một GLV, tôi đã thực sự quan tâm đến các em mà mình đã được giao phó chưa? Hay là chỉ cỡi ngựa xem hoa và chỉ coi GLV như một nhãn mác tô vẽ thêm cho bản thân mình. Và chúng ta cũng nên nhớ một câu ngạn ngữ xa xưa: nemo dat quod non habet (không ai có thể cho những gì mình không có) để rồi phấn đấu trau dồi mở rộng kiến thức bản thân hơn,hầu có thể trọn vẹn toàn tâm toàn ý đáp trả ơn gọi.

…………………………………………………………………………………………………..

THI PHU

Vì bài viết khá dài, nên BBT chia ra hai phần để bạn đọc dễ tiếp thu hơn. Mong bạn đọc và tác giả bài viết thông cảm. Xin cám ơn.

Ở phần II BBT sẽ đăng trọn bài để các bạn có thể có cái nhìn tổng quát của bài viết.

Mời quý bạn, đọc tiếp phần II

***

 

Check Also

Cây Ngô Đồng Yên Phú…cả 100 năm tuổi ấy chứ!!!

Đã về quê đến 3 lần, và lần nào cũng ghé thăm và ghi hình …