Nỗi đau và lời van xin của một người con xứ Châu

 (Chào chị Mary Lưu, xin chị hứa đừng hỏi em tên gì, bao nhiêu tuổi, và con của ai nhé. Nếu chị hứa, thì mong chị giúp em viết ra những gì em sắp nói, và em rất mong được đăng lên hai trang web Tiến Đức Châu Sơn và Giáo Xứ Châu Sơn, hoặc chị có thể dùng bất cứ cách nào để người Châu Sơn cũng như gia đình em đọc, hay nghe được câu chuyện này mà không phải dùng mạng không chị? Em cám ơn chị trước nha. Chị cho em gửi lời hỏi thăm sức khỏe đến ông bà Tuấn và gia đình của chị nhé).

Sau khi đọc những câu tin nhắn trên, thì trong lòng Mary Lưu cảm thấy có một chút lo lắng và hồi hộp; nhưng rồi Mary cũng tìm hiểu câu chuyện như thế nào. Lúc đầu thì Mary đã từ chối vì cảm thấy ngần ngại khi phải viết ra một câu chuyện đau lòng này; nhưng sau những lời tâm sự của em thì Mary đã hứa, và cũng nhận lời để thay em ấy viết và kể ra câu truyện sau đây. Mong mọi người cùng đón đọc để hiểu và thông cảm cho em nhé).

Kết quả hình ảnh cho nỗi đau của một người

NỖI ĐAU VÀ LỜI VAN XIN CỦA MỘT NGƯỜI CON XỨ CHÂU SƠN

Thanh ( tên tạm gọi) là một người con của giáo xứ Châu Sơn. Từ bé Thanh cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác được sống tại xứ đạo rất bình yên. Nhiều việc đã thay đổi kể từ ngày Châu Sơn trở thành đô thị hóa. Làng Châu Sơn yên bình thuở nào giờ đây đã thay đổi rất nhiều. Thay đổi từng con đường, từng lối sống, tình cảm, lòng người, và cả về phần đạo đức nữa. Sự thay đổi này không ảnh hưởng tới tất cả mọi người mà chỉ một số nhỏ trong làng mà thôi. Trong đó có gia đình của Thanh.

Chuyện bắt đầu xảy ra kể từ làng Châu Sơn thay đổi và phát triển lên. Từ khi mở đường vòng đai Châu Sơn ( hoặc là một thời gian trước đó). Châu Sơn không còn được yên bình và thơ mộng như xưa. Thay vào đó hai bên đường quán xá đua nhau mọc lên như nấm. Rồi quán nhậu, quán cà phê… Tối đến hoặc cuối tuần thì tụ tập ăn nhậu, bài bạc.v.v.

Cũng kể từ thời gian đó thì Thanh bắt đầu thường xuyên phải chứng kiến cảnh ba mẹ chửi bới, mắng nhiếc, và tranh cãi với nhau (cũng chỉ vì say xỉn và thua bài bạc). Mỗi lần như vậy thì họ đã dùng những từ ngữ rất nặng nề, thô tục để nói với nhau trước mặt con cái. Sau đó thì cả hai đều trút giận lên đầu con cái của họ trong đó có Thanh.

Khi gần đến tuổi trưởng thành. Đó là lứa tuổi đẹp nhất, ngang bướng nhất, và cũng là “dại khờ ” nhất của tuổi trẻ. Trong một lần thấy ba mẹ cãi nhau, Thanh cảm thấy sợ và buồn lắm. Thanh đã vào ngăn cản thì được ba tặng một cái bạt tai đến kinh hồn. Trong lúc đang cảm thấy buồn, nóng giận, và không còn làm chủ được bản thân mình nữa. Thanh đã chạy vào phòng đóng cửa lại rồi hất tung chiếc giỏ của mẹ xuống khỏi tủ. Thanh đã thấy một sấp tiền khá dày rớt ra ngoài; vậy là Thanh nảy sinh ra ý định lấy trộm số tiền đó cho hả giận. Trong lúc đang buồn và bối rối thì bạn của Thanh gọi điện đến rủ ra phố nhậu. Thanh đã không còn kịp suy nghĩ mà nhận lời ngay.

Lần đầu tiên Thanh được ngồi trong phòng có máy lạnh, được uống những ly bia có đá thật ngon. Cảm giác thật đã khi được bạn bè tung hô và nịnh bợ khi thấy Thanh rút trong túi một xấp tiền ra trả tất cả cho bữa nhậu. Ôi! Đời đẹp biết bao khi mình có tiền…..

Kết quả hình ảnh cho nỗi đau của một ngườiKhi trên đường về nhà thì Thanh đã biết hối hận. Thanh muốn về nhà nói với ba mẹ một câu xin lỗi cho việc làm của mình, và hứa sẽ không bao giờ có lần sau. Thanh nghĩ rằng, chắc chắn giờ này ba mẹ đang lo lắng và sẽ trông mong mình về lắm. Nhưng khác với những gì Thanh nghĩ. Vừa vào đến nhà là Thanh đã lãnh tiếp một cái bạt tai của ba ngay, kèm theo lời chửi mắng của mẹ. Điều làm lòng Thanh đau lúc bấy giờ không phải là cái tát của ba, hoặc là lời mắng nhiếc của mẹ. Điều làm Thanh đau lòng và hụt hẫng nhất là ba mẹ của Thanh không hề quan tâm hoặc hỏi Thanh một câu, dù chỉ một câu thôi…..nếu được như vậy thì Thanh sẽ tự quỳ gối xuống xin lỗi để cầu xin được thứ tha.

Những ngày tháng tiếp theo sau đó, Thanh luôn nhận được những ánh mắt khinh khi cùng những lời nói mỉa mai từ gia đình,người thân, và cả những người hàng xóm nữa. Họ luôn để ý Thanh, kèm theo những câu như: “Để ý thằng đó nhé, nó là đồ hư hỏng, đồ ăn cắp, tiền của cha mẹ nó mà nó còn lấy trộm được huống chi là…!”

Buồn thay vì không ai hiểu cho Thanh. Lòng Thanh đang cảm thấy áy náy cho việc làm hôm đó biết bao. Thanh đã biết mình có lỗi. Thanh muốn trở lại với cuộc sống trước đây, nhưng đời thật đắng cay và phủ phàng đối với Thanh. Đúng với câu “một lần bất tín, vạn lần mất tin.” Trong một lần người bà con trong gia đình Thanh không hiểu vì lý do gì mà họ đã để mất 10 triệu đồng. Vậy là tất cả đều nghi ngờ Thanh. Thậm chí họ còn cấm Thanh không được bước vào nhà. Bởi vì họ nói Thanh là một thằng ăn trộm.

Gia đình Thanh đã không hề cho Thanh cơ hội để giải thích, và cũng không thèm nghe bất cứ điều gì Thanh nói. Cũng vì lý do đó mà gia đình đã vô tình đẩy Thanh vào chốn địa ngục của trần gian. Bạn bè của Thanh đã lợi dụng thời cơ đó mà rủ rê Thanh kiếm tiền bằng cách mua bán ma túy, và cuối cùng thì Thanh cũng đã trở thành nạn nhân của ma túy.

Kể từ đó,Thanh luôn phải chịu những cảnh bị gia đình xua đuổi, đánh đập. Thậm chí gia đình còn đổ lỗi cho sự hư hỏng của Thanh là do các ban ngành trong giáo xứ….

Kết quả hình ảnh cho nỗi đau của một người

Những lúc tỉnh táo nằm suy nghĩ, Thanh đã tự hỏi rằng:

“Ba mẹ ơi! Đã bao giờ ba mẹ nghĩ đến chuyện chúng con hư hỏng là lỗi do ai chưa? Con mong ba mẹ đừng đỗ lỗi cho Cha xứ và các ban ngành trong giáo xứ nữa. Bởi những người đó họ không có lỗi trong sự hư hỏng của chúng con đâu ba mẹ à.

Đã bao giờ ba mẹ nghĩ đến chưa? Chỉ một gia đình nhỏ mà ba mẹ còn chưa lo chu toàn được. Huống chi là cả một giáo xứ có đến hơn 1,500 gia đình, và gần 6,000 giáo dân.

Theo con được biết thì bổn phận của các cha là rao giảng lời Chúa và chăm lo phần hồn cho giáo dân của các ngài. Hội đồng giáo xứ là phụ giúp việc phụng vụ cùng các cha trong xứ. Các anh chị trưởng giúp chúng con học hỏi lời của Chúa. Còn cha mẹ, cha mẹ là động lực cũng là nền tảng lớn nhất để giúp chúng con bước vào đời. Tất cả hợp lại sẽ cho chúng con đời sống tốt đẹp, hạnh phúc, và vững chắc để chúng con bước vào đời. Nếu được như vậy thì chắc chắn chúng con sẽ là những người hữu ích cho gia đình, cho giáo xứ, cho giáo hội, và xã hội mai sau.

Vậy ba mẹ hãy tự hỏi lòng mình. Ba mẹ có phải là nền tảng vững chắc cho chúng con dựa vào chưa? Khi mà cách đây một thời gian con đã trở về và rất thật lòng quỳ xuống van xin được tha thứ. Lúc đó con chỉ ước mơ được ba mẹ ôm con vào lòng, và cho con được nghe lời khuyên bảo của ba mẹ. Được nghe lời tha thứ và ôm chặt con vào lòng như hồi con còn thơ bé. Nhưng ba mẹ ơi! Đó mãi mãi chỉ là mơ ước của con mà thôi. Vì chính những người sinh ra con một lần nữa lại xua đuổi và đánh đập con, khi mà lòng con đã cảm thấy đau, hối hận, ăn năn, và muốn được quay trở lại kia mà.

Một lần nữa con lại phải cất bước ra đi trong đau đớn, tủi nhục. Cũng chỉ vì hai chữ MẶT MŨI và SĨ DIỆN của ba mẹ mà thôi. Ba mẹ đã không muốn mở lòng và giang rộng cánh tay để đón nhận đứa “con hư” quay trở về. Ba mẹ không muốn bị bà con và làng xóm chê bai. Lòng con hiểu, và rất hiểu điều đó ba mẹ à.

Kết quả hình ảnh cho nỗi đau của một người

Cũng chính vì hiểu được những điều đó và thương ba mẹ, nên hơn một lần con đã cố gắng từ bỏ. Con đã tự vào rẫy cà phê và nhờ bạn trói chân mình và lều, vào gốc cây, sau đó thì một mình vật lộn và chống chọi với cơn nghiện. Rồi hẹn những đứa bạn thân sáng sớm tinh mơ vào để mở trói cho con. Có một điều con luôn muốn được hỏi ba mẹ là, “Lúc mà con đang vật lộn và đau đớn gọi tên ba mẹ, để con cố vượt qua cơn nghiện ngập mà tưởng chừng như con đã chết đi rồi sống lại, thì lúc ấy ba mẹ đang ở đâu và làm gì? Ba mẹ có nhớ và gọi tên con như con đang gọi ba mẹ không? Ba mẹ có đi tìm con không? Có nhớ và cầu nguyện cho con như là con đang cầu xin Chúa cho con được trở về như trước đây không? Hay là ba đang say sưa bên cạnh những chai rượu, lon bia. Còn mẹ thì đang “lét lút” lao vào những canh bạc thâu đêm suốt sáng, mà chẳng hề quan tâm đến chúng con. Ba mẹ ơi! Con là một đứa con hư hỏng đáng được ba mẹ từ bỏ. Còn các em thì sao? Các em là những người vô tội. Các em cũng đang rất cần tình yêu thương của ba mẹ. Con van xin ba mẹ hãy từ bỏ cờ bạc, rượu bia, thì cuộc sống gia đình mình mới được hạnh phúc ba mẹ à.

Nhiều khi con nhìn những gia đình bạn bè của con trong xứ mình, họ được cha mẹ thương yêu, chăm sóc, quan tâm. Những lúc ấy con cảm thấy tủi thân lắm. Con ước mong con cũng có được tình thương yêu và sự qua tâm như vậy từ ba mẹ và gia đình mình. Nếu được như vậy thì chắc là con sẽ hạnh phúc lắm. Mãi mãi con sẽ không hư hỏng như ngày hôm nay.”

Có một điều mà Thanh muốn được nhắn nhủ với các bậc làm cha mẹ là, “Các bậc cha mẹ ơi! ngoài đời bây giờ nhiều cạm bẫy và chông gai lắm! Nếu như cha mẹ không dõi bước, quan tâm, chăm sóc, và đồng hành với chúng con bằng tình yêu thương, thì chúng con cũng giống như những con chim non sẽ sa vào lưới bẫy mà người đời đã và đang giăng sẵn. Khi đó thì chúng con chỉ biết vùng vẫy trong sự tàn nhẫn, đánh đập của người đời mà thôi. Mà chúng con càng vùng vẫy, thì lưới lại càng xiết chặt chúng con hơn!!! Nên một lần nữa con tha thiết van xin các bậc cha mẹ đừng thờ ơ, bỏ bê, hoặc là thiếu sự quan tâm đến chúng con. Kể cả khi chúng con đang trong vòng tay thương yêu của cha mẹ, hoặc là khi chúng con đã sa vào “lưới” của người đời, thì chúng con cũng xin các cha mẹ đừng vì hai chữ mặt mũi hay là xấu hổ rồi bỏ rơi chúng con, và tìm cách gỡ bỏ “lưới đời” để đưa chúng vào về bên cạnh cha mẹ và gia đình nhé.

Kết quả hình ảnh cho nỗi đau của một người

Còn phần con (Thanh), con đã, đang, và sẽ cố gắng từ bỏ những thói hư tật xấu ấy. Xin ba mẹ hãy cho con thời gian nhé. Vì con là một người Công Giáo, nên con không muốn đánh mất linh hồn của mình. Nếu như muốn làm được điều này thì con rất cần sự quan tâm cùng tình thương của ba mẹ và gia đình, và cả sự cảm thông của giáo xứ và xóm làng nữa. Xin hãy đón nhận ” đứa con hoang” trở về trong tình thương yêu. Xin ba mẹ đừng xấu hổ vì con, mà hãy một lần rộng lượng tha thứ. Để giúp con có thêm động lực thoát khỏi “lưới đời ” và trở về với gia đình và giáo xứ thân yêu của mình ba mẹ nhé.

Đối với con, dù ba mẹ có thế nào đi chăng nữa. Thì ba mẹ mãi mãi vẫn là những người mà con thương yêu nhất!!!!”
_ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _

( Mary Lưu rất cảm ơn Thanh đã tin tưởng và tâm sự với chị những điều trên. Chị hy vọng sau khi gia đình của em đọc được câu chuyện này, thì ba mẹ và gia đình của em sẽ hiểu và thông cảm cho em nhiều hơn.
Qua đây con cũng xin hai trang web Tiến Đức Châu Sơn và Giáo Xứ Châu Sơn giúp con đăng bài này theo ước mong của em nhé. Còn về chuyện làm sao và làm cách nào để những người không dùng mạng cũng có thể đọc được, thì chắc là con phải nhờ đến những người còn ở lại quê nhà, giúp em Thanh trong chuyện này nhé.
Một lần nữa con ( Mary Lưu) xin cảm ơn tất cả mọi người đã theo dõi và đọc các câu chuyện của con viết!!!!).

Người con xa xứ
Mary Lưu

(Hình ảnh minh hoạ)

 

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …