Sự khác biệt giữa Xứ đạo miền Bắc và miền Nam – Phần I

Khi đưa vấn đề khác biệt giữa hai miền xứ đạo, có người đã lên tiếng: đã là xứ đạo Công giáo, hiệp nhất, tông truyền thì ở đâu mà chẳng giống nhau…Xin bạn khoan hãy vội bức mình, để nhà em phân anh cho tỏ tường nha các bạn.

Bạn cứ thử nghĩ xem, con cái cùng một cha mẹ mà chẳng mấy ai giống tính nhau, giống mặt nhau nữa là các giáo xứ, lại là trong Nam ngoài Bắc, mỗi nơi có những điều kiện văn hóa, sinh thái, chính trị, thổ nhượng khác nhau… bảo sao mà không có những nét khác nhau.

Rất may, tôi đã từng đi Bắc những 5 lần, nên ít nhiều cũng có thể biết được đôi điều về sinh hoạt các xứ đạo miền Bắc.

Chỉ nhìn vào nhà thờ thôi, cũng đã thấy các nhà thờ Nam và Bắc khác hẳn nhau rồi. Miền Bắc xây nhà thờ cổ kính theo kiểu Gotic có tháp đôi lên cao, ở cung thánh còn xây một hình trụ tròn xoay như tòa thánh Roma. Đi ở đàng xa là đã trông thấy nhà thờ. Ở bên trong vòm cung thánh chạm trổ công phu và tinh xảo, đôi khi hơi quá cầu kỳ. Nhà thờ miền Nam đơn giản hơn nhiều, kể cả bên trong cũng cực kỳ đơn giản, chỉ có tượng Khổ giá và hai bên là Tượng Đức mẹ và Thánh Giuse, có trần tôn hay thạch cao…phẳng phiu, chứ không như miền Bắc, nhà thờ uốn vòm cong, và thường được trần gỗ mít màu vàng tươi, rực rỡ cả nhà thờ.

Có người nhận xét rằng: nhà thờ miền Nam thiết kế tân thời theo kiểu công xưởng thoáng rộng, tầm nhìn không bị che chắn. Nhà thờ miền Bắc xây dựng theo kiểu cổ kính Gotic Châu Âu, bên trong có nhiều cột chạm trổ kỳ công, nhưng đó chính là vật cản tầm nhìn khi xem lễ.

Nhà thờ miền Bắc bề ngoài trông bề thế đẹp mắt và cổ kính. Nhưng nhà thờ miền Nam bên trong lại trông thông thoáng mát mẻ, chứ không chật chội như miền Bắc. Cả hai đều có những ưu khuyết điểm riêng.

Về nhà xứ, Miền Bắc thường đổ mê lên lầu và kết cấu nhiều phòng ngủ, phòng khách có gắn máy điều hòa, chứ không chỉ riêng cho mình cha Chính và cha phó như ở miền Nam. Nhà xứ miền Bắc phòng khách có thể chứa được vài chục người khách trú ngụ.

Có lần, tôi đặt ra câu hỏi cho cậu tôi, Lm Võ Thanh Tâm, Nguyên Tổng Đại Diện GP Vinh: “Xin cậu cho một vài nhận xét về việc sống đạo giữa hai miền Nam và Bắc?”. Hình như câu hỏi này khá tế nhị, để cậu có chút tránh né: “Miền Bắc trọng hình thức, đọc kinh, đi lễ nhiều hơn, còn trong Nam xem nhẹ hình thức, và trọng ý thức hơn, bên nào cũng có cái hay của nó, nhưng có hình thức thì mới chuyển tải được nội dung, mà thừa nội dung mà không có hình thức chuyển tải thì cũng thiếu vậy…”.

Hỏi là hỏi thế thôi, nhưng là người ở trong Nam ra, tôi vẫn thấy giáo dân miền Bắc GP Vinh đạo đức hơn hẳn các GX đàng trong. Đi lễ ngày thường vẫn đông và xem ra nghiêm túc, sốt sắng hơn trong Nam. Đến bây giờ mà họ vẫn duy trì đọc kinh lần hạt dài dòng như thời di cư 1954. Còn chầu lượt thì khỏi phải nói, vui hơn tết, đông vui hơn lễ hội là cái chắc! Ngày thứ bảy trước đó, bà con GX lân cận đã bồ đoàn thê tử cũng như các cha kéo đến nườm nượp. Trong khi các xứ đạo miền Nam, dường như đã đánh mất việc đọc kinh tối, có chăng chỉ còn thế hệ các ông bà già thời di cư 54 nữa mà thôi. Nói đến chầu lượt thì bây giờ giáo dân các GX lân cận cũng chẳng còn mặn mà chi nữa, chỉ còn đóng khung trong GX đó mà thôi.

Mối tương quan của giáo dân đối với cha xứ? Điều này thì tôi dám chắc rằng: giáo dân miền Nam không theo nổi miền Bắc đâu. Giáo dân miền Nam, nếu có, thì chỉ kính nể cha xứ vì cái chức quyền hơn là kính mến cha với cái tình con cái với cha mẹ. Giáo dân miền Bắc trọng thị cha xứ lắm! Họ kính mến cha xứ còn hơn cả người con cái trọng kính cha mẹ mình. Vì ngoài cái tình cha con, họ cảm thấy cha xứ có cái thiên chức linh mục của một Đức Kitô thứ 2.  Họ yêu mến cha xứ bằng cái tình thân thương. Có miếng ngon của lạ đều đưa vào kính biếu cha như người cha mẹ của mình vậy.

Bữa hôm tôi ra ở một Giáo xứ nọ…thấy có bà đưa biếu cha xứ 2 con cá lóc đồng to đùng, những mấy cân ấy chứ! Cha xứ bảo: bà đưa về mà nấu cháo cho gia đình ăn nghe bà, ở đây cha cũng dư đầy thức ăn rồi! Bà già tỏ ra buồn bả lắm: cha không lấy của con, thì quả là cha chê tấm lòng của con rồi. Nói hờn lẫy kiểu đó, bố bảo cha xứ không nhận có mà lạ!!! Hôm khác, lại có người đưa đến cho một cặp gà. Cha xứ bảo: anh thấy đấy! ở nhà xứ có chuồng gà, họ xem nếu số gà ít đi thì tự động họ sẽ đưa tiếp cho đủ quân số. Cái tấm lòng của họ quý mến mình như thế, không nhận là không được đâu anh ạ! Có khi nhận rồi phải đưa đi cho những nơi giáo xứ nghèo hơn mình.

Lần khác, có người đưa nải chuối hương ở vườn đến biếu cha, rồi số nải còn lại bà đem ra bán ở chợ…Tức thì chiều đó, mấy người giáo dân đưa vào 7 nải chuối giống hệt như nải buổi sáng. Đem xếp lại thì thấy, quả đúng đây nguyên là một buồng chuối. May là buồng chuối có 8 nải, chứ nếu 18 nải, thì chắc là có mặt đủ 18 nải ở nhà xứ rồi.

Cha xứ kể chuyện giáo dân đây họ thật thà và chân chất đến mức không thể tưởng tượng nổi. Số là bà nhà vườn nọ, có 2 cây ổi: một cây quả ngon thì để dành cho cha, cấm con cháu không được hái, cây còn lại không mấy ngon thì để người nhà ăn. Vậy mà có lần, bà ấy vào xưng tội: cha ơi! Con thật có tội với cha, vì đi làm ruộng rồi để cho con cái ở nhà hái cây ổi của cha. Cha bảo: cha ăn vài quả thôi chứ sức đâu mà ăn được hết cây ổi của bà. Bà về cứ cho con cháu bà hái ăn thoải mái đi, chứ không tội vạ gì đâu nghe bà. Rồi giáo dân có được trái bưởi đầu mùa cũng dành cho cha. Họ bảo: nhờ cha ăn giùm xem bưởi đã ngọt chưa, để nhà con hái đưa vô cha.

Có vẻ như sự tự nguyện phục vụ của giáo dân với cha xứ là một niềm vui, một sự thỏa lòng và có chút hãnh diện giống như khi được phục vụ Đức Ki Tô thứ hai, giống như cô Matta trong phúc âm vậy. Trong thâm tâm họ không có điều gì phải bận tâm suy nghĩ.

Người giáo dân miền Nam chắc chắn là không có được những tình cảm thân thương trìu mến với cha xứ mình như người giáo dân miền Bắc rồi. Họ quan niệm: linh mục là con người được mặc chức thánh, họ kính trọng cha là do cha xứ có được đặc ân ấy, chứ cha xứ không phải là vương tướng trần gian để phải phục vụ, cung phụng cha xứ như thế! Mà trái lại, theo Chúa Giêsu, Con người được sai đến để phục vụ muôn dân.

Nguyễn Văn Kính – GX Châu Sơn

 

 

Check Also

Trúng số!!!

TRÚNG SỐ 1. Cuối cùng, ba ngày Tết rồi cũng đã qua đi. Và ai …