BIẾN ĐỒNG NÁT THÀNH TẤM LÒNG VÀNG.

Nhạc Sĩ TRỊNH CÔNG SƠN, khi còn sống, trong một bài hát nổi tiếng của mình, đã viết: Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…

Vâng, chỉ cần có một tấm lòng thôi, một tấm lòng  thiện chí, một tấm lòng khát khao nhân ái, yêu thương tha nhân, chúng ta sẽ thực hiện được rất nhiều điều kỳ diệu. Và điều kỳ diệu ấy lại có thể biến những điều nhỏ nhặt nhất thành những điều kỳ vĩ, có thể biến những mớ đồng nát , ve chai phế thải thành những tấm lòng vàng từ thiện đáng được trân trọng.

Riêng với đạo Công Giáo của chúng ta, Chúa cũng đã dạy chúng ta giữ hai điều:  trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Chính vì thấm đẫm nền giáo lý yêu thương đó nên chúng ta luôn nghĩ đến mọi phương thế thiện nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khốn khó.

Cũng vì thấm nhuần nền giáo lý cơ bản đó, nên nhóm VE CHAI ĐỒNG NÁT Châu Sơn ra đời. Nhóm manh nha sinh hoạt bắt đầu từ một Ấm Nước Mới thuộc toán tráng niên Đa-Minh và một vài gia đình chòm xóm lân cận. Đã hơn hai năm nay, họ hoạt động không mệt mỏi trong niềm vui thiện nguyện. Và cứ thế niềm vui ấy lan tỏa dần. Hiện nay con số tham gia nhóm đã lên gần 60 thành viên (theo danh sách ghi nhận) rải đều khắp Giáo Xứ. Nhiệm vụ của họ là xin và thu gom những vật dụng phế thải trong các gia đình  Giáo Xứ.

Các thành viên của nhóm không quy định tuổi tác hay thành phần. Có gia đình gồm cha mẹ và con cái cùng sinh hoạt chung một cách đề huề  không câu nệ các tiểu tiết. Quan sát các buổi thị phạm của họ ta thấy được một vài hoạt cảnh thật dễ thương: cha lái xe chạy rề rề, trong khi đó mẹ và con khệ nệ ôm những đồ vật phế thải chạy theo bốc lên xe. Mệt phờ người nhưng vẫn cười nói huyên thuyên tạo nên một bầu không khí vui tươi, cởi mở.

Họ làm công việc thu gom đồng nát và ve chai khắp trong Giáo Xứ với mục đích kiếm những đồng tiền từ những phế phẩm bỏ đi để biến chúng thành những món quà quý giá  giúp đỡ cho những trường hợp  đang gặp khó khăn. Và vì sự tự nguyện, tự phát một cách âm thầm không làm màu, không hoa lá cành hay nói như cách nói thời hiện đại: không PR, nên mọi người ít biết về những sinh hoạt nội bộ của nhóm VE CHAI ĐỒNG NÁT này.

Thế cho nên tác giả phải làm một chuyến xâm nhập để tìm hiểu cho rõ ràng theo kiểu: nói-có-sách-mách-có-chứng. Và sau đây xin mọi người theo dõi một đoạn ký khi tác giả đến gặp gỡ ông Lê Thanh Hải, một nhân vật được coi là linh hồn của nhóm.

Vào một ngày Chúa Nhật…

Lúc đó đã là 10h30…Nắng bắt đầu chói chang. Không gian như ngưng đọng. Hứa hẹn một ngày oi bức nóng nảy. Nhà ông Lê Thanh Hải vắng lặng khi tôi tìm đến. Phải một lúc lâu ông Hải mới xuất hiện với thái độ vồn vã.

–        A, chào bác! Không hiểu hôm nay có điều gì mà rồng đến nhà tôm thế nhỉ ?

–        Tôm rồng gì chú ? Chả là cũng có chút việc nên tìm đến chú đây mà…

–        Dù sao thì cũng mời bác vào trong nhà uống miếng nước đã, rồi bác cần gì anh em mình sẽ hạ-hồi- phân- giải.

… Sau khi phân ngôi chủ khách, tôi đi ngay vào vấn đề.

–        Mình đến đây muốn tìm hiểu về  công việc mà nhóm các chú đang đeo đuổi…

–        Bác nói sao, em chưa hiểu.

–        Thì nhóm các chú đang gom ve chai, đồng nát quy đổi ra tiền để làm việc từ thiện ấy mà…

–        À, tưởng gì, việc đó có to tát đâu bác?

–        Ừ, thì việc nhỏ nhưng nó có võ đấy chú à. Vả lại, mình cũng muốn tìm hiểu cho rõ ràng để viết bài tụng ca trên trang Tiến Đức.

Đến đây thì ông Lê Thanh Hải chân thành tâm sự:

–        Thật ra, ý tưởng thực hiện công việc nầy manh nha từ Ấm Nước Mới xóm em (phần đa thuộc Toán Đa Minh và một vài anh chị em lân cận). Đây là một công việc tự nguyện, tự phát chứ không phụ thuộc vào một đoàn thể hay hội đoàn nào.

Và tuổi trẻ hăng say nói là làm nên từ sau tết Nguyên Đán Mậu Tuất (năm 2018) nhóm quyết định liều ra quân. Và không thể ngờ bác ạ ! Buổi ra quân đầu tiên ấy đã thành công ngoài mong đợi. Giáo Dân đã hưởng ứng nhiệt liệt khiến anh chị em rất phấn khởi. Cho đến nay, sau hơn hai năm hoạt động theo lịch trình tháng một lần (vào ngày Chúa Nhật cuối tháng) nhóm đã thu về (quy ra tiền) mỗi lần như vậy trung bình khoảng mười triệu đồng.  

Em nghĩ, ngoài ơn Chúa ra, cũng phải ghi nhận sự hết mình của tất cả mọi thành viên. Họ đã phục vụ một cách hăng say không quản ngại nắng mưa khắc nghiệt hay gió táp bão bùng. Bởi, chẳng phải như chỉ thấy qua phần thu gom mà thôi đâu, đến cái phần phân loại mới là quan trọng. Cứ mỗi Chúa Nhật cuối tháng, theo lịch  trình thu gom, khoảng chừng 11 giờ “ hàng” từ các tuyến trong Giáo Xứ tấp nập về bãi. Cảnh náo nhiệt bắt đầu. Tiếng xe nổ râm ran. Hòa vào tiếng gọi nhau í ới. Hoạt cảnh bốc hàng, phân loại hàng, cũng nhiêu khê và tốn thời gian lắm, đôi lúc qua trưa . Có khi họ rất đói nhưng vẫn vui vẻ ra về. Nhiều lần một vài người hảo tâm thấy thương đãi họ ít ổ bánh mì hay dăm ba tô bún lót lòng đỡ dạ.

Còn số tiền kiếm được gom lại dùng vào việc Từ Thiện dành cho những người cô khổ, các ban Loan Báo Tin Mừng, Ban Caritas và đặc biệt là nhóm Thai Nhi GX TÂN HÒA… Những điều này nhóm đã có những báo cáo minh bạch gửi  Cha Quản Xứ cũng như HĐGX để tránh những điều đàm tiếu, dị nghị.

Làm việc cho đến nay đã dần trưởng thành về nhân lực và đi vào ổn định nên nhóm tự đặt cho mình biệt danh là 2020. Và đó cũng được xem như nội lệ của nhóm:

       Hai không trước:

  • Không ép buộc tham gia.

  • Không bỏ bê công việc.

           Hai không sau:

  • Không tư lợi cá nhân

  • Không đòi hỏi điều kiện

Có một điều cuối cùng em muốn nói với bác, nhóm 2020 là một nhóm thiện nguyện tự phát đồng lòng làm việc công ích chứ không phải là một tổ chức nên không có ai là trưởng hay phó cả. Anh chị em tự động bảo ban nhau mà làm thôi. Bản thân em khẳng định mình không phải là đầu tàu mà chỉ là một thành viên bình thường như mọi người.

Bác ơi, đấy là tất cả những điều em nhớ được còn các điều khác em quên sót, mong bác thông cảm và tìm  hiểu thêm.

Đến đây cuộc gặp gỡ chấm dứt… Tôi ra về trong cái nắng nóng càng lúc càng gay gắt. Nhưng trong đầu tôi vẫn nghĩ chúng ta nên tán thưởng họ bằng một tràng pháo tay trân trọng .

                                                               NGÀI VẪN THẾ

 

     

 

 

 

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …