Vẫn còn nợ anh một ân tình…

Nếu không có chỉ thị 16 phong tỏa làng Châu Sơn ta, ngày anh đi xa em đã vào thăm viếng anh rồi. Em thăm anh không chỉ vì trang web TĐCS có con anh: chị Hồng và anh Điệp con rể của anh sinh hoạt trong trang web TĐCS, nhưng là vì tình thân của người bạn vong niên, một thời đã cùng làm ruộng với nhau ở gia đình Tám bác, nay là khu dân cư thôn 8.

Trước khi bày tỏ tâm tình với anh, thay mặt trang Web TĐCS cũng xin được tạ lỗi với anh là, ngày anh ra đi, TĐCS đã không có được lời Cáo phó lần cuối cho anh trên trang web TĐCS, vì sự cố trang web bị trục trặc, mong anh thông cảm.

Nhớ ngày ấy sau 75…

 Không biết lý do nào mà ông trời run rủi để đun đẩy 8 người vào làm ruộng ở suối Nước Đục – Khi đó chưa có một người dân thôn 8 nào vào lập nghiệp.

Phải nói sau cái ngày 75 đó, người dân miền Nam phải sống trong nỗi lo âu khắc khoải, dường như nín thở để chờ từng ngày qua đi trong nỗi hoang mang khiếp sợ đòn thù sau chiến cuộc.

Và việc gia đình Tám bác vào làm ruộng trong khu vực Nước Đục cũng không ngoài lý do muốn lẩn tránh thời cuộc.

Nhờ thế mà tôi được làm quen và sinh sống hàng tuần với gia đình Tám bác: Liên, Trọng, Kính, Diễn, Chương, Khánh, Cường, Tịnh…sau này còn có thêm ông Minh và ông Lan góp mặt. Và anh Khánh là một trong số đó…

Tiếng là ở trong cùng làng, biết anh Khánh là biết vậy thôi, chứ mấy khi gặp nhau, và hơn nữa tuổi của anh hơn tôi một giáp nên không có mối thân quen nào điều dễ hiểu.

Cái nhìn ban đầu về anh, một con người to cao khệnh khạng, có lẽ sẽ có chút cao ngạo lắm đây!? Nhưng không, cái tầm vóc ấy đã tố cáo hoàn toàn sai về anh. Một con người khiếm tốn với giọng nói nhẹ nhàng, vừa đủ chuyển tải cái tình thân đằm thắm. Tính anh hiền hòa, vui vẻ và hòa đồng với mọi người. Những khi vui, anh kể những câu chuyện hài tếu rất lôi cuốn. Tôi còn nhớ anh kể câu chuyện một người đàn bà chồng chết, mời thầy cúng đến…với những lời khóc tỉ tê của người vợ với chồng nghe rất “dung …”, nhưng khoái nhĩ lắm!

Tôi mến anh, vì mặc dù lớn tuổi, nhưng anh vẫn luôn hòa đồng trò chuyện trong những lúc tán gẫu hay ăn nhậu…Cứ một điều anh Trọng, anh Cường, anh Liên, anh Kính…và chỉ xưng mình, nghe thân tình chi lạ!!! Anh cũng rất thật tâm và chân tình khi kể lại đời lính của anh với biết bao gian lao cam khổ và tủi nhục của thân phận kẻ đào binh…Tính anh ít để bụng, thậm chí là hay cả nể, ai nói chi không phải anh cũng cười trừ…hề hà.

Thời gian làm ruộng ở lại lều cả tuần lễ, ngày làm, tối về lều trại ăn ngủ nghỉ nên tôi có nhiều thời gian chuyện trò với anh, mới biết được nhiều điều lý thú về anh.

Tôi khá bất ngờ, khi biết anh chính là con mọt sách, nếu tính về đầu sách, ở Châu Sơn ít người sánh được với anh. Có điều anh rất dễ tính, sách hầm bà lằng thượng vàng hạ cám nào anh cũng đọc tuốt. Có lần anh nói: mình đọc không kén sách, miễn sao sách có chữ là được. Từ truyện kiếm hiệp Kim Dung, đến truyện ba xu bà Tùng Long, truyện ngôn tình Lệ Hằng, Quỳnh Dao chơi tuốt. Truyện văn học Duyên Anh, Mai Thảo…không chừa.

Nhưng bất ngờ nhất là anh đọc truyện văn học cổ điển nước ngoài: H. Banzac, A. Dumas, L. Tontois…và văn học Mỹ La Tinh thời hiện đại, rất khó đọc như Gacia Markez với tác phẩm “Trăm năm cô đơn”. Có lần anh hỏi: anh Kính đã đọc truyện Trăm năm cô đơn chưa, nếu chưa, mình có, lấy mà đọc. Lúc đó tôi khá ngạc nhiên, bởi truyện văn học Mỹ La tinh rất khó đọc, vậy mà anh cũng “gặm” được mới là hay chứ! Tôi không dám khiếm nhã để hỏi: anh mà cũng đọc được tác phẩm đó ạ!? Nên chỉ hỏi: anh thấy truyện đó thế nào? Anh trả lời: truyện hơi khó đọc, vì cấu trúc thời gian và huyền thoại xen lẫn nhau, nhưng mình vẫn khoái.

Xem ra, tầm hiểu biết sách vở của anh khá rộng. Được một điều là anh không bao giờ phô trương, khoe mẻ cái đọc của mình, chỉ khi nào nhắc tới các lĩnh vực nào đó anh mới góp chuyện.

Con người anh cũng khá đa năng, kiểu nào cũng chiều. Ăn nhậu, tới luôn bác tài. Những lúc có chút men vào anh kể chuyện tếu vui lắm. Những lúc rãnh rỗi trong lều, anh em đưa bài xập xám ra binh cho vui nhà. Cờ nào bài nào anh cũng chơi rất khá. Nhưng tôi biết, anh thích đánh Đomino hơn cả. Nhìn chung, anh tham gia hòa đồng cho vui bạn vui bè mà thôi, chứ không đam mê sát phạt nhau.

Tôi chia tay anh một năm sau đó, khi ruộng đã thành hình lô thuở, có nước suối tưới tiêu khá ổn định, rồi bị nhà nước quy hoạch lấy mất, mà không hề có một tiếng nói thông báo nào cho gia đình Tám bác.

Thời gian như một dòng chảy trôi đi…Mỗi người mỗi thân phận, mỗi ngã rẽ, và chia xa từ đó. Anh làm bên ban Hợp tác xã Thôn 3. Tôi miệt mài đời sống nông dân, nên ít khi gặp nhau.

Sau này, một đôi lần gặp lại, anh vẫn tỏ ra vồn vã thăm hỏi thân tình, tưởng như thời còn làm ruộng ở gia đình Tám bác. “Chà, lâu nay không gặp anh Kính, gia đình vẫn khỏe cả chứ!! Có chi mới lạ không?”. Rồi hai anh em hàn huyên ôn lại chuyện gia đình Tám bác thời làm ruộng trong nỗi tiếc nuối một thời tình thân bên nhau.

Sau này nghe anh bị tai biến, tôi có vào thăm anh vài lần nhưng không gặp, vì anh xuống Sài Gòn dưỡng bệnh. Có lần biết anh về, tôi vào thăm.

Ngôi nhà xưa đã xuống màu và hằn dấu rêu phong…Cửa nhà đóng kín, càng làm cho ngôi nhà thêm hoang tàn lạnh lẽo. Nhưng tôi mừng vì thấy mấy chậu hoa trước nhà vẫn nở tươi, chứng tỏ chủ nhân vẫn còn chăm sóc cây hoa.

Tôi men theo vào lối nhà sau…cánh cửa đang mở. Dường như anh vừa ăn sáng xong…Thấy tôi vào, anh thoáng chút bỡ ngỡ, vì dường như ít có người đến thăm anh vào buổi sáng. “Ủa, anh Kính vào thăm tôi đấy ạ!”. “Chào anh, lâu lắm rồi không gặp anh! Nghe nói anh bị tai biến, mấy lần vào thăm anh, nhưng anh ở Sài Gòn”. Vẫn nụ cười xởi lởi và nhẹ nhàng trên môi. “Cám ơn anh nhiều. Không ngờ anh vẫn còn nhớ để tới thăm tôi”. “Sao lại không nhớ anh được, một thời chúng ta đã là chiến hữu làm ruộng trong thôn 8 với biết bao kỷ niệm vui buồn”. “Anh bị bệnh vậy mà không có con cháu đến nuôi ạ!?? “Con cái nó cho cháu đến ở với ông cho vui, nhưng tôi bảo, ba chưa cần đến…. Tính tôi vẫn thích ở một mình chứ không muốn làm phiền con cháu”. “Rồi ai mua thức ăn và nấu nướng cho anh?”. “Tôi còn đi lại được thì lên chị Nguyệt (Sơn) mua về rồi tự nấu lấy”.

Mặc dầu căn bệnh đã làm cho thân hình anh tiều tụy đi nhiều, nhưng nét mặt anh vẫn lạc quan như tính anh xưa nay. “Nếu đêm hôm lỡ có bề gì thì sao?”. “Có sao đâu anh, nếu sáng mai không thấy tôi lên quán, đã dặn chị Nguyệt gọi cho mấy đứa con tôi”. “Xem ra anh gan thật, tuổi già lại đau ốm, đêm hôm ở một mình vậy mà không sợ sao?”. “Can chi anh, sống chết đã có Chúa Mẹ quan phòng hết rồi”. “Sống đến tuổi này, nếu được ước một điều, anh ước điều gì?”. Ngần ngừ một lúc rồi anh nói: “Đời tôi, sống đến tuổi này là mãn nguyện lắm rồi, chẳng còn điều chi để mơ ước nữa. Con cái bây giờ cũng thành gia thất rỡ ràng cả rồi. Chỉ tiếc thương cho hai đứa con gái bị chết thảm khốc và ra đi trước tôi”. Khuôn mặt ngấn lệ như muốn làm tan chảy nỗi đau trong cõi lòng.

Lần cuối gặp anh, chắc cũng đã hơn hai năm rồi. Lúc này nghe anh chết, tôi không cảm thấy ngạc nhiên, vì thấy anh đã tự tin để sẵn sàng phó thác trong Đấng quan phòng.

Chỉ tiếc một điều là, những ngày cuối đời anh về quê nhà dưỡng bệnh, lòng những muốn đến thăm anh lần cuối, nhưng dịch Covid đã ngăn không cho chúng ta được gặp nhau.

Vì thế, em vẫn còn nợ anh chút ân tình cũ ngày xưa.

Đường đời đã hết tám mươi

Ra đi buông nhẹ kiếp người phù vân

Tiếc chi một cõi đường trần

Nghĩa trang nằm xuống mộ phần bình yên

Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn

Anh về hưởng phúc suối nguồn Thánh ân

Vĩnh biệt anh! Cầu chúc anh ra đi bình an!!!

Nguyễn Văn Kính

Check Also

THĂM THẦY GIÁO CŨ

Hôm qua, ngày 01/09,như thường lệ mỗi đầu tháng, ACE trang TIẾN ĐỨC Châu Sơn …