21.9 C
Buon Ma Thuot
Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024
More

    Cây Bằng Lăng già rũ bóng, vẫn đứng đó với những cuộc tiễn biệt…

    Không biết từ bao giờ, cây bằng lăng đã hiện diện trước cổng nghiã trang Đất Thánh GX Châu Sơn? Lối dẫn vào bàn thờ nghĩa trang. Nhưng có lẽ, nó phải mọc lên sau những cây Móng Tay…

    Nghĩa trang GX được thành lập năm 1957, sau một năm định cư.

    Năm 1969, lúc tôi lên 7 tuổi đã theo thầy tôi (cha) tiễn đưa cố ông Nguyễn Ngọc Thu (cố ông tôi) ra nghĩa trang này. Chỉ với 7 tuổi non nớt, nhưng tôi cũng kịp ghi nhận một đám táng với nhà tang kết những hoa lá và những cành dứa bên thân chuối đơn sơ (một loài cây lá giống lá dừa thường mọc ở đầm lầy). Và một nhà đòn gỗ thô sơ …Cùng với mấy người gánh nhà đòn, trong đó có những ông: Thuận, Huyến, Hương Bá, Đặng, Uyên…Sở dĩ tôi biết rõ, vì thời gian đầu khi ở PleiKu về, gia đình tôi ở đợ nhà chị Sĩ Lộc (bà Xuân) bên cạnh nhà ông cố Thu, xóm ông Đặng – Xóm trong – Thôn 3 bây giờ.

    Nghĩa trang hồi đó, còn hoang sơ lắm! Những vạt cỏ dại tung tẩy nở hoa vàng tím, chen lấn bên những lùm cây Thẹn (Trinh nữ) giăng đầy bên những cây Trường…Nhưng những khóm Dã quỳ bao chung quanh nghĩa trang với một màu vàng rực rỡ mới là ấn tượng với tôi làm sao, vì tuổi thơ tôi ở PleiKu cũng lớn lên với màu hoa vàng và mùi hương hăng hắc đó.

    Không biết vào thời điểm đó, đã có cây Băng Lăng chưa, nhưng tôi đã thấy những cây Móng Tay rãi rác trong nghĩa trang. Cây Móng Tay thuộc giống gỗ tạp, thân cây lớn lên rất nhanh, cành lá mỏng manh và rủ xuống trông khá giống như cây liễu rũ..…Những khi gió lên, cành lá reo lên với thanh âm vi vu…làm cho nghĩa trang vốn đã hoang vắng, lại càng thêm điu hiu quạnh quẽ, gây cho ta cảm giác ghê rợn như tiếng ma hú đâu đây.

    Đó là ký ức về một nghĩa trang hồi ấy…Không biết ký ức thơ dại của tôi có phản ánh trung thực không?

    Bẵng đi một thời gian dài tôi không có dịp ra nghĩa trang, vì không có ai thân thích qua đời nên không biết sự lớn dậy của nghĩa trang như thế nào??

    Đến năm 1973 tôi có dịp tiễn đưa bạn tôi, anh Nguyễn Đình Từ tử trận tại Mộc Hóa, Kiến Tường là những điểm nóng chiến trận thời đó. Lúc này, tôi mới thấy cây bằng lăng đã “vươn hình hài lớn dậy” với bóng cây cao, tỏa cành lá xum xuê bên những sắc màu hoa tím lặng lẽ buồn, như để tang cho những người qua đời nằm tại nghĩa trang này.

    Và những cây Móng Tay cũng đã vươn dậy để trở thành những cây cổ thụ cao vút với bóng cây lan tỏa vươn dài, ngự trị sừng sửng trong nghĩa trang này. Và mùa mưa đến, những loài chim về đậu trên cành, cất tiếng kêu chiêm chiếp bi ai, như than khóc cho thân phận người vắn số, phải về an nghỉ nơi nghĩa trang này.

    Sau chiến cuộc 75, tất cả mọi người con dân đều quy hồi cố hương về GX Châu Sơn…thì việc sinh tử trong một GX sẽ ngày một nhiều hơn.

    Nếu tôi nhớ không lầm, cây bằng lăng này đã bị sét đánh gãy mất một phần thân ngoài vào những năm 1980…Và phần mới của cây bằng lăng phát triển lên tầm cao sum xuê như bây giờ.

    Và rồi đi theo năm tháng, chí ít cây bằng lăng này cũng đã có tuổi đời hơn 60 năm cuộc đời. Cây Bằng Lăng già vẫn lặng lẽ rũ bóng đứng đó, qua biết bao mùa nắng mưa giông bão, mà hầu như chẳng mấy ai quan tâm ngó ngàng đến. Trong khi những cây Móng tay cao to đã bị đốn hạ, để quy hoạch lại đường lối ngang dọc…và quy định mẫu mã cho các ngôi mộ theo một kiểu, vào thời LMQX Đa Minh Vũ Đức Hậu.

    Đáng tiếc cho những cây Móng tay cổ thụ đã bị chặt đi, vì chính nó đã chứng kiến bao cuộc tiễn đưa đầy nước mắt với tiếng khóc bi ai…của một thời lập cư.

    Nhưng theo cùng năm tháng, cây bằng lăng già vẫn rũ bóng để nghe tỷ tê những lời than khóc…

    Có người phụ nữ nọ, tuổi hãy còn “nửa chừng xuân”, sao Chúa bắt phải oan khiên tội nghiệp đến thế!! Chồng chết chưa bao lâu, thì cha chết, rồi đến con chết…không có ngày nào ngơi nghỉ tang tóc.

    Có bà mẹ khóc hết nước mắt khi “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi là trời!!!”. Người mẹ khóc đứa con tuổi hãy còn xuân xanh, thế mà tuổi trẻ nông nổi để phải chết một cách oan uổng.

    Có người chồng tuổi thất thập, già lọm cọm, vợ chết mà yêu thương da diết khôn nguôi, để sáng nào sau thánh lễ cũng không quên ra thăm người vợ dấu yêu với áo tang, nón rách thê lương, cho đến ngày ông lão về với bà.

    Có những người con khóc mẹ nỉ nước nỉ non, nửa đường đời bỗng bị tai nạn phải chia tay chồng con, để cảnh cha già “gà trống nuôi con” trong ngậm ngùi thương đau.

    Và còn nhiều chuyện đời oan khiên thương cảm ở nơi miền đất này nữa…mà chỉ có cây Bằng lăng vẫn miệt mài, theo cùng năm tháng để chứng kiến bao cuộc chia ly não lòng…

    Và mãi mãi, cây Bằng Lăng già vẫn rũ bóng, đứng đó chứng kiến những cuộc tiễn biệt đong đầy nước mắt…

    Nhân tháng linh hồn, xin mọi người giáo dân chúng ta đi viếng nghĩa trang và chung lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên và thân nhân của chúng ta sớm được Chúa đón nhận vào cõi vĩnh phúc nước trời.

    Nguyễn Văn Kính

    Bình luận

    Bài liên quan

    Thông báo

    Chúng tôi vừa nâng cấp phần mềm lõi của website nên lượt xem của một số bài viết có thể hiển thị sai.

    Thời tiết bây giờ tại Châu Sơn

    Buon Ma Thuot
    scattered clouds
    21.9 ° C
    21.9 °
    21.9 °
    81 %
    2.7kmh
    47 %
    T3
    29 °
    T4
    29 °
    T5
    24 °
    T6
    29 °
    T7
    29 °

    Chuyên mục chính

    Bài mới