Bi kịch của lương tâm chúng ta!!!

Bi kịch của lương tâm chúng ta!!!

đám đông 7

        Đã từng có một thời, sau 75, khi những sinh hoạt tôn giáo “bị cấm vận” và gặp muôn vàn khó khăn trước thời cuộc, chính GX Châu Sơn chúng ta đã mạnh dạn đi đầu giáo phận trong các sinh hoạt: đoàn thể, dạy giáo lý, lễ lạt, kinh nguyện và đặc biệt là các ca đoàn nở rộ “trăm hoa đua nở”…khiến cho nhiều GX ngưỡng mộ, muốn có được một một mô hình sinh hoạt như thế! Và người Châu Sơn, một cách nào đó cũng thầm hãnh diện, vì được dư luận ngầm phong tặng là một GX tiêu biểu của GP. Những năm tháng đó, đi đâu GX Châu Sơn cũng được cao rao…(có thật như thế! chứ chẳng phải mẹ hát con khen đâu).

đám đông 8

      Thời gian biến trôi. Thời thế vần xoay. Thế thái nhân tình thay trắng đổi đen…Để bây giờ, buồn lắm! Nhục lắm! Đi đâu cũng nghe chuyện không hay về Châu Sơn. Thanh niên đi đâu là rách việc đấy! Đi chầu lượt GX khác thì uống rượu gây gỗ đánh lộn. Đi tham dự đại hội giới trẻ thì vô kỷ luật, rượu chè, bài bạc, vô tổ chức…Đến nỗi, nghe đâu BTC dự tính không mời GX Châu Sơn tham dự những lần đại hội tới nữa? Còn nỗi buồn, nỗi nhục nhã nào hơn nữa đây trời!!!

        Chưa hết, sự cố “xikenđồ chầu lượt” tháng 7 vừa qua như một cao trào đỉnh điểm của “một thời kỳ đen tối nhất”  trong GX chúng ta.

      Vừa rồi về Sài Gòn, cứ nghĩ là dân đô thị xô bồ vô cảm để “sống chết mặc bay”, chả ai quan tâm và tò mò chuyện “xikenđồ chầu lượt” ở cái xứ “có cái nắng, có cái gió…” Châu Sơn chứ! Lầm to rồi đấy các bạn ạ! Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa…

     GX Thanh Đa, giống như một GX hợp chủng người dân khu tư di cư: Đức Minh, Hà Lan, Châu Sơn, Duy Hoà…có cả. Trong một bữa tiệc cưới, tình cờ tôi nghe người dân Hà Lan và Đức Minh kháo chuyện nhau: “Trời ơi! Hết nước nói với GX Châu Sơn chưa, đơn vị đăng cai đại diện cho toàn giáo phận, mời khách đến nhà chầu lượt mà hành xử một cách tàn bạo, vô nhân tính như những quân man rợ!”. Chắc là họ không biết sự có mặt người Châu Sơn đứng đó! Còn tôi, đứng chết trân như trời trồng, có nước độn thổ đi cho rồi.

        Chưa hết đâu. Việt kiều ở bên Mỹ cũng gọi về đôi ba cuộc, hỏi: “Tại sao lại để sự cố xẩy ra đáng tiếc như vậy!  Mất mặt Châu Sơn quá!”. Tôi đắng nghẹn họng để trả lời: “Bác hỏi em, thế em biết hỏi ai đây!?”.

     Nhục nhã và đắng cay là hai cụm từ xác đáng cho mỗi người Châu Sơn chúng ta phải nhận lãnh.

      Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!!! Thửa vàng son đã hết rồi!!! Hết thật rồi. Tiếc nuối chỉ cũng thêm thừa.

     “Xìkendồ chầu lượt” chỉ làm mặt nổi của tảng băng chìm mà thôi. Cái sâu thẳm của vấn đề ở đây là, người Châu Sơn trở thành ông phỗng đá, để cứ bình chân như vại, xem chuyện đó, “nhỏ như con thỏ” ấy mà!

       Khi sự cố xẩy ra, người ta chỉ tò mò thăm hỏi diễn tiến sự việc .…rồi tếu táo hư cấu câu chuyện lên cho hấp dẫn, chứ chẳng ai cảm thấy đau xót, nhục nhã ê chề, và cũng chẳng có người nào đặt ra câu hỏi: “Trách nhiệm này thuộc về ai?”. Về BHG? GLV? Hay mọi người chúng ta? Người dân xứ Châu tưởng như chẳng có việc gì liên quan đến mình để phải suy xét và tự vấn lại lương tâm!!!

        Và cái cách đối phó, để có người tự biện hộ: “Sự cố đó, chỉ là tai nạn, là con sâu làm rầu nồi canh mà thôi, chứ GX chúng ta cũng còn tốt chán!”. Họ lập lờ, lấp liếm, đánh lận con đen để giữ chút sĩ diện hão. Không dám đâu ạ! GX chúng ta đã thâu tóm hết toàn bộ tệ nạn xã hội: đâm chém, hiếp dâm, giết người, cướp giật, xì ke ma tuý, trai gái, bài bạc…Và thậm chí, có đủ các hồ sơ hình sự nữa đấy!

       Bi kịch ở đây là lương tâm của mỗi người chúng ta dường như đã bị sơ cứng, chai lỳ ra mất rồi, để vẫn cứ sống bình thản mà không hề cay rứt, vò xé lương tâm! Mới là chuyện lạ! Tưởng như chưa có việc gì xẩy ra trong GX mình. Và cứ thế, tiến trình nội tâm đi từ: vô tư, vô tình đến vô cảm, dần dần biến thái sang vô tâm, vô đạo đức…và cuối cùng là vô nhân, vô nghĩa. Chính điều đó đã làm cho chúng ta mù loà, để không còn nhận ra sự liên đới trách nhiệm trong cuộc sống của mỗi con dân GX.

        Tác giả Nguyễn Cao Nguyên trong bài “Không của riêng ai” đã quy kết: Ai đó bàng quan tự hỏi: “Những tình huống khốn nạn ấy, liên quan gì đến tôi? Có đấy, bạn ạ! Nếu bạn biết rằng, trong tất cả những biến dạng tiêu cực trên đời, chúng ta đều có phần đóng góp, vô tình hay cố ý…”.

       Chính văn hào Pháp, Albert Camus trong tác phẩm “Dịch hạch” – La peste cũng đã lên tiếng: “Xã hội chúng ta gây ra thảm hoạ, thì chính chúng ta phải gánh chịu trách nhiệm và phải can đảm để đối mặt giải quyết vấn đề, chứ không phải chạy trốn một cách hèn nhát”.

     Đại văn hào Nga, F. Dostoievsky trong tác phẩm nổi tiếng “Anh em nhà Karamazop” đã cho nhân vật Ivan – một nhà trí thức, nhận tội giết cha mình là Fedor Pavlovich thay cho người em ngoài giá thú, chỉ vì sự đầu độc tư tưởng cho  người em, bởi câu nói: “Với tự do, con người có thể làm bất cứ việc gì”. Tâm đắc điều đó, đã khiến cho Xmerdiakov giết cha mình.

       Chính chúng ta cũng đã không ít lần đầu độc giới trẻ bằng sự dối trá, bằng sự lấp liếm sự thật…bằng sự manh động xào xáo trong cuộc sống. Chẳng phải chúng ta đang hằng ngày gieo rắc những tệ nạn cờ bạc, rượu chè…đó sao?! Và chính những mầm mống đó, đã đem lại những thảm hoạ khôn lường cho cuộc sống chúng ta.

       Vậy thì tại sao chúng ta không dám can đảm đứng ra nhận lỗi cho “tội đồ” cơ chứ!? Bởi, bất cứ sản phẩm độc hại nào ở GX cũng đều có sự liên đới chịu trách nhiệm của mọi người chúng ta. Vì chính chúng ta đã hun đúc, đã nhào nặn ra những sản phẩm đó. Chẳng lẽ, vô lý chúng ta lại đổ tội cho xã hội, cho tôn giáo, cho BHG, cho GLV…???

       Một vài ý kiến nêu trên, có thể lời ngay khó nghe, nhưng chúng ta cũng nên một lần nhận chân sự thật, dù rất cay đắng: liều đau, cắt bỏ những khối ung nhọt trong tâm hồn, và để cùng nhau chấn hưng lại: nền giáo dục thiếu sự định hướng, một nền đạo đức đang suy thoái, một kỷ cương đang buông lỏng…ngõ hầu đem lại trật tự mới: một nền nếp gia phong, một nền giáo dục nhân bản và một nền đạo đức tôn giáo “sống tốt đạo đẹp đời”…như thửa nào. Có như thế, mới mong đem lại sự đầm ấm yên vui cho cuộc sống, và dần lấy lại danh dự cho GX, đã từng có một thời vang bóng…

Đoàn Hư Trúc

 

Check Also

Trúng số!!!

TRÚNG SỐ 1. Cuối cùng, ba ngày Tết rồi cũng đã qua đi. Và ai …

14 comments

  1. Bài viết sâu sắc. Đọc thấy tâm đắc. Cám ơn tác giả.

  2. Rất tâm đắc với bài viết trên, dám nói lên sự thật và nhìn nhận trach nhiệm.

  3. Một bài viết xuất sắc, phân tích đến ngọn nguồn của sự việc từ lương tri con người đến đạo đức luân lý và sự liên đới của tính cộng đồng, Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Một con sâu làm rầu nồi canh. Và khó có ai chối cãi nổi, chúng ta không liên đới chịu trách nhiệm. Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuối cay thế nào! Tôi nghĩ người Châu Sơn rất khó chấp nhận được, vì họ quen lấp liếm và trốn chạy trách nhiệm lâu nay tồi. Nói gì thì cũng còn sĩ diện hão để tự lãng quên sự việc này…Cám ơn tác giả đã gióng lên hồi chuông cảnh thức cho dân ta…

  4. Đọc bài này cũng vài lần rồi. Thấy hay và cứ bắt phải suy nghĩ mãi.
    Nhưng nhìn ở phương diện khác, lại thấy có cái gì đấy không ổn. Đành rằng trong tình liên đới thì cộng đồng phải gánh tiếng xấu cho một thành viên. Cá nhân làm cộng đồng mất mặt. Nhưng một vài hành vi tiêu cực của cá nhân nào đó lại bắt người khác « thức tỉnh lương tâm » là thức tỉnh làm sao ? Nếu tôi suốt đời cố gắng chí thú làm ăn, sống có trên có dưới, nuôi dạy con cái đàng hoàng, sống tình làng nghĩa xóm đầy trách nhiệm và không bao giờ lừa dối giới trẻ. Tôi phải thức tỉnh lương tâm thế nào đây ? Mặt khác, trách nhiệm giáo dục người trẻ thuộc nhiều cấp độ khác nhau, nhưng có lẽ trách nhiệm cao nhất thuộc cha mẹ là những người trực tiếp gần gũi đương sự nhất. Nhưng ngay cả cha mẹ nhiều khi cũng được miễn trách nhiệm vì họ cũng đã nỗ lực hết mình. Cuối cùng chính cá nhân là người chịu trách nhiệm chính. Hay nhìn ở góc độ khác: có thể do sự xuống cấp của xã hội nói chúng dẫn đến những hệ quả đó?
    Và nếu như thế, vấn đề nằm ở chỗ khác chứ không phải ở sự xuống cấp của Châu Sơn xét như một cộng đồng như tác giả muốn nói.
    Tôi cũng suy nghĩ mãi và nhận thấy dường như có một sự so sánh khập khiễng khi nói đến xưa và nay, khen và chê, xứ này với xứ khác. Thực tế không hẳn là thế đâu. Tôi chợt nhớ câu chuyện lạc quan và bi quan. Người lạc quan nhìn nửa chai rượu và nói : còn những nửa chai nữa cơ đấy. Còn người bi quan thì buồn bã : chỉ còn có nửa chai thôi à. Có lẽ Châu Sơn còn nhiều chuyện khác đáng vui và đáng tự hào lắm chứ.
    Nhưng đọc bài này, vẫn nhận thấy tác giả phải là người có lương tâm chặt chẽ lắm lắm mới đặt vấn đề như thế. Và bài viết hay quá, có lẽ phải đọc thêm nhiều lần để suy nghĩ.
    Thân mến.

  5. Tôi khá đồng ý với bạn Paroussia là, bài viết của Hư Trúc là sâu sắc, nhưng vẫn mang màu bi quan. Có thể bạn Hư Trúc quá tâm huyết, quá thao thức để hơi quá bi luỵ về chuyện đó chăng? Có thể nó không còn màu hồng nữa, nhưng cũng chỉ là hơi xám chứ chưa đen như bạn nghĩ đâu.
    Nhưng hỏi thật bạn Paroussia là: bạn có nhậu được không mà đem chuyện:Tôi chợt nhớ câu chuyện lạc quan và bi quan. Người lạc quan nhìn nửa chai rượu và nói : còn những nửa chai nữa cơ đấy. Còn người bi quan thì buồn bã : chỉ còn có nửa chai thôi à. Có lẽ Châu Sơn còn nhiều chuyện khác đáng vui và đáng tự hào lắm chứ! Nếu bạn là là dân nhậu, thì đang nhậu dở chừng với bạn bè, mà chỉ còn có nửa chai rượu nữa, quả là đáng buồn vậy! HI, Hi, Hi…Xi xọm với bạn một chút thôi mà.
    Tôi cũng Hy vọng như bạn Paroussia là, GX chúng ta còn nhiều mảng sáng nữa, để rọi sáng vào vấn đề xám xịt đó!

  6. Cám ơn Nguyễn Cung Miên Trường nhiều.
    Rất đồng ý sự phản hồi của bạn, và tôi nghĩ cái bạn lập luận là điều khiến bài viết của Hư Trúc đáng quan tâm. Chúc bạn khỏe.

  7. Thưa Author,
    Nhà em cũng xin xí xọm với bác : nhà em uống rượu thuộc hàng khá. Nhưng nếu còn nửa chai nữa thì chuẩn bị đi mua tiếp chứ nhất quyết không buồn. hihihihi.
    Nhưng dẫu sao rượu của mình nhiều chất hóa học quá, có rượu tây uống an toàn hơn. Và quan trọng hơn cả, phải chuẩn bị trước một nền tảng nhân bản tốt để khi say không làm chuyện … buồn.

  8. Khá lắm! Một hảo tửu nhân!!! Hết rượu là đi mua tiếp và nhất quyết không buồn. “Và quan trọng hơn cả, phải chuẩn bị trước một nền tảng nhân bản tốt để khi say không làm chuyện … buồn”. Chuẩn bị tác phong cho việc uống rượu đầy nhân bản như thế là điều các bạn trẻ nên làm trang bị. Nhưng hỏi thật bạn: “Khi say rồi, biết “đếch” chi nữa mà phân biệt chuyện hay chuyện dở nữa đây bạn Paroussia!!!???”
    Xin được sửa lưng một chút nhé bạn Paroussia: “Và quan trọng hơn cả, phải chuẩn bị trước một nền tảng nhân bản tốt, biết dừng lại trước khi say, để không bao giờ làm chuyện buồn”
    Thông cảm chút nha bạn!

  9. Tùy quan điểm của mỗi người. Đúng là “Khi say rồi, biết “đếch” chi nữa mà phân biệt chuyện hay chuyện dở », nên khi say người ta hay làm theo bản năng. Nếu người có nền tảng nhân bản tốt, không bao giờ nói tục, khi say người ta sẽ không nói tục. Còn người lúc nào cũng chưởi “đếch” khi say sẽ dễ dàng nói đếch. Hihihhihi. Một người luôn nhìn người khác bằng cái nhìn gây hấn, khi say dễ đánh lộn hơn là người hiền hòa và luôn tôn trọng người khác, khi tỉnh.
    Người có nhân bản cũng không nhất thiết phải dừng lại trước khi say, bởi có những tình huống không say, anh em mất vui. Thỉnh thoảng cũng phải vui với mọi người. Nhưng khổ một nỗi, người thỉnh thoảng mới uống rượu lại dễ say. Tôi nghĩ cái quan trọng của sự “chuẩn bị” nhân bản là ở chỗ đấy. Dĩ nhiên, tuyệt đối không nên say thường xuyên được vì như thế dễ gây ra đau khổ cho người khác.
    Từ suy nghĩ đấy, dù Anh Cô sửa lưng, tôi vẫn quay thẳng trở lại và nở một nụ cười … tủm tỉm.
    Mến

  10. Bạn Paroussia ơi! bạn khéo nguỵ biện khi viết: “Người có nhân bản cũng không nhất thiết phải dừng lại trước khi say, bởi có những tình huống không say, anh em mất vui”. Nhưng người nhân bản cách mấy, khi say rồi còn lý trí đâu mà nhân bản với nhân cách nữa. Chuyện nói không say mà vẫn làm mất vui, có đầy trong cuộc sống…thành ra, say rồi thì không nói trước được chuyện gì?
    Bạn nói: “Tôi nghĩ cái quan trọng của sự “chuẩn bị” nhân bản là ở chỗ đấy”. Tôi nghĩ, chuẩn bị nhân bản không phải là lao vào say xỉn để rồi đối phó tình huống, mà là tránh tình huống xấu xảy ra cơ. Trong đạo đức tôn giáo: tránh những cơn cám dỗ chứ không phải sa chước cám dỗ rồi mới chống lại. Mất linh hồn là cái chắc!
    Nhưng rồi cuối cùng bạn cũng hạ vũ khí khi viết:”Dĩ nhiên, tuyệt đối không nên say thường xuyên được vì như thế dễ gây ra đau khổ cho người khác”. Bạn đã nhận chân ra là dễ gây đau khổ cho người khác rồi đấy! Nếu có nhân bản thì say thường xuyên vẫn được chứ sao!? Đâu có gì phảlo i sợ. Chắc là bạn cũng không đảm bảo được cái say xỉn của người có nhân bản rồi chứ! Hình như bạn bắt đầu sợ rồi!!??
    Còn một điều nữa, rắn ít cắn nhưng cắn là chết người. Người nhân bản say xỉn, có thể vì kiềm giữ lâu ngày bị ước chế, nên khi say có thể tầm ngầm mà đấm chết voi vậy.
    Mạn đàm cho vui một chút nha! Chúc bạn vui vẻ

  11. Trước hết tôi xin tự giới thiệu tôi là một người Châu Sơn. Trước mắt tạm thời tôi xin biết như vậy.

    Tôi đã đọc bài viết của tác giả Đoàn Hư Trúc, tôi không biết là ông hay là bà có lẽ là ông, tại sao phải dấu diếm lý lịch và giới tính để làm gì ? Trong bài viết ông có nói đến tác giả Nguyễn Cao Nguyên không hiểu lại là ông hay là bà chắc cũng là ông. Tôi đã tìm đọc luôn bài của Nguyễn Cao Nguyên. Nội dung cả hai bài đăng rõ ràng nói vào chuyện đáng tiếc xảy ra ngay trong ngày Chầu lượt tại giáo xứ Châu Sơn thuộc giáo phận Buôn ma thuột vào giữa năm 2013 vừa qua.

    Tôi xin có vài ý kiến như sau :

    Về bài viết của Nguyễn Cao Nguyên, chúng tôi hoàn toàn không đồng ý khi tác giả bài viết cho rằng pháp đình của đấng tối cao không hành sự như pháp đình trần thế. Ở đây, tác giả đã không rõ ràng rằng điều đó có hay không, đúng hay sai, bởi vì đoạn văn sau đó, rõ ràng là theo ý riêng của tác giả, thì pháp đình đó lại xét xử theo kiểu khác. Tác giả lấy quyền gì, lấy hiểu biết gì để dám nói lên những vấn đề hệ trọng như vậy ?

    Chúng tôi muốn đối thoại với tác giả Nguyễn Cao Nguyên về chuyện này. Nhìn chung bài viết của tác giả Nguyễn Cao Nguyên là còn chấp nhận được.

    Nhưng bài viết của tác giả Đoàn Hư Trúc là một sự đạo đức giả hoàn toàn nhục nhã cho chính tác giả chứ không phải cho ai khác, đừng có đem vấn đề danh dự địa phương ra mà nhục thay cho những chuyện cá nhân như vậy. Đạo đức giả như thế nào , nếu ông có ngon thì chúng ta sẽ tranh luận. Tôi dám chắc tên NCN và ĐHT chỉ là tên mạo, che dấu hành tung. Nếu hai ông có ngon thì xưng tên xưng tuổi, tôi cũng sẵn sàng xưng tên xưng tuổi để chúng ta tiện bề đối thoại. Đừng cần phải dấu tên dấu tuổi hèn hạ như thế. Đừng lấy cái trang Web này làm diễn đàn để mà nói lên những ý kiến riêng tư của cá nhân, không được chấp nhận với đạo lý chung. Về việc này thì tôi cũng xin lưu ý giáo xứ Châu Sơn nên coi lại, đừng để ai lợi dụng danh nghĩa để làm những việc phi đạo lý như vậy. Có ngon thì chúng ta tranh luận công khai với nhau, không cần gì phải ném đá dấu tay như vậy hèn mạt lắm, hỡi những kẻ đạo đức giả, viết mà phải dấu tên thì không ra gì rồi. Hãy xưng tên tuổi ra giữa thanh thiên bạch nhật, chúng ta ba mặt một lời với nhau. Còn nếu tự biết mình cũng chẳng ra chi, thì nên tự cầm đá mà ném mình trước khi đạo đức giả ném kẻ khác. Không ai đủ tư cách để ném đá kẻ khác, không ai đủ tư cách để nhục thay cho kẻ khác, trừ khi kẻ đó là một người đạo đức giả.

    Nguyễn Thiện Chí
    Châu Sơn- BMT.

  12. Những người đạo đức giả hay xấu hổ nhục nhã cho địa phương vì sai phạm của người khác, cho mình là tốt, cho mình có quyền ném đá kẻ khác thì cũng coi như là đưa cái ngu của mình ra, đưa những cái nhìn thiển cận nông cạn, sao lại dàn cái nông cạn của mình ra cho thiên hạ cười trong cái đầu nông cạn. Thanh Đa với thanh đót, đồ buôn chuyện.

    Nguyễn Thiện Chí

    Châu Sơn- BMT.

  13. Tôi không hiểu sao bạn Thiện Chí lại cho những cảm xúc hổ thẹn, ray rứt lương tâm trước những tội ác lại là đạo đức giả…Thế bạn dửng dưng trước những tội ác thì đạo đức gì đây? Là vô cảm, là vô tâm, hay vô đạo đức? Ngay cả bạn vẫn chưa dám đưa tên thật ra, sao bạn lại mắng mỏ người khác giấu tên là hèn nhát, vậy có phải là bạn đạng tự chửi bạn chăng!?
    Khi nào bạn dám lộ diện tên thật ra, tôi mới tin bạn là người đạo đức, còn không bạn cũng là đạo đức giả như bạn Hư Trúc vậy thôi. Chào bạn. Mạn đàm vui vẻ chút thôi, bạn đừng quá bức xúc mà giận mất khôn nha!

  14. Nhìn thấy sự giận dữ bùng phát dữ dội của Thiện Chí. Chắc bạn có tâm sự và định kiến về điều nhạy cảm này chăng ?
    Nhưng cũng mong được chỉ giáo : thế người đạo đức thật là người thế nào ?
    Mến.