TÀO LAO KÝ SỰ

 TÀO LAO KÝ SỰ 

(Đây là bài viết mang tính ẩn dụ về thời cuộc xã hội. Bạn đọc cố gắng suy nghĩ một chút mới ra vấn đề) BĐD

ông ba bi 0Bữa đó, sau khi đi một vòng trong nhân gian về, ông Ba Bị ngồi thừ người bên cái chuồng gà dịch, lòng buồn vô kể. Ông buồn không phải vì bầy gà dở chứng bỏ ăn, mà buồn vì qua chuyến ngao du vừa rồi, ông phát hiện ra một sự thật phũ phàng, đó là bọn con nít khóc dai, chúng không còn biết sợ ông nữa. Khác với xưa kia, đám lè nhè khó chịu, dù gân cổ đến mấy, chỉ cần nghe mẹ nó thốt ra một câu ngắn gọn, báo động về sự xuất hiện của ông Ba Bị, lập tức mọi tiếng mè nheo ỉ ôi đều câm bặt. Trật tự được vãn hồi ngay vô điều kiện. Cái thanh âm của ba tiếng ông Ba Bị, nổ ra như một chum sấm sét, để lại ngay khoảng không gian lặng tờ, chấm dứt ngay màn cựa quậy cả những đứa lỳ lợm, cứng đầu nhất. Hòa bình đến luôn không cần thương thuyết.

Ngồi nuối tiếc những ngày xưa huy hoàng, ông Ba Bị hiểu rằng thời của ông đã qua, chỉ còn lại chút tro tàn quá khứ. Không có gì là vĩnh cửu trước sự tàn khốc của thời gian, ông nhận thức rõ điều ấy, và bình tĩnh nhìn sự đời đi vào quên lãng. Tất cả, chỉ còn là kỷ niệm, một thứ kỷ niệm rẻ tiền. Tất cả sẽ trở thành huyền thoại, một thứ huyền thoại ba xu. Ông không hề có chín lỗ tai, mười hai con mắt như trò đồn đại. Ông là một người bình thường, nhưng dẫu sao, tạo hóa cũng oái ăm khi tạo nên ông với thể chất như con ma trơi còm cõi, khá hơn một chút so với bộ xương cách trí. Cái đầu vuông đen đủi, hốc hác, hai con mắt ốc nhồi, hàm răng vàng khè nhe ra, chẳng khác chi nụ cười của cái đầu lâu. Hành tung của ông lắm kỳ bí với cây gậy trúc, bộ đồ bà ba rộng thùng thình khá dơ dáy. Tóc râu lâu ngày phơ phất, hình thù cổ quái, trông ông còn dễ nể hơn cả me xừ Mạc Đại tiên sinh của sư phụ Kim Dung.

ông ba bi 02Ông cứ tưởng người ta thay ông để lập lại trật tự trị an bằng một nhân vật nào khiếp đảm hơn, dễ dàng trấn áp bọn con nít làm loạn, nhưng ông rất bất ngờ khi biết, không có ai cả. Bây giờ, để dẹp loạn người ta chỉ cần dùng vài hiện trạng kinh tế khó khăn, dăm viễn cảnh bi thảm, quá đủ cho tất cả đều im thin thít. Không cứ gì bọn nhóc, đám người lớn cũng sốc nặng, đờ người, tắt tiếng luôn. Ông không khỏi chua chat khi nghe một bà mẹ hét đứa con nhỏ đang tỉ tê:


ông kẹ– Mày có im đi không! Gà chết toi hết rồi kìa!

 Đứa trẻ tức thì nín ngay. Có lẽ thời nay chúng nó khôn sớm hơn, hiểu được rằng gà mà chết toi thì đời nó và cả gia đình cũng toi luôn, tốt nhất nên liệu mà im, không thì gà sẽ toi nhiều hơn nữa chăng!

Ở nhiều nơi, ông lại nghe người ta dọa con nít bằng chuyện vật giá leo thang, bệnh viện hết chỗ, quan liêu cửa quyền, bia rượu phát triển, giới trẻ phạm pháp, đạo đức suy vong, bài bạc tá lả v.v…, toàn là chuyện rác rưởi. Thế mà, giờ đây, những trò rác rưởi ấy, đã trở thành nỗi kinh hoàng khiến niềm sợ hãi ông Ba Bị chẳng còn gờ ram nào. Ông cười gằn khi thấy có vài nơi người ta vẫn còn dựa vào ông để khai thác nhưng không mấy hiệu quả. Có đứa khi nghe mẹ nó kêu tên ông, nó lại ré lên to hơn, hoặc có đứa cũng im, nhưng nhìn vào mặt nó, ông biết nó im không phải vì sợ hãi, mà là nó ngạc nhiên không hiểu ông Ba Bị là cái quái gì mà mẹ nó cứ toáng lên như thế!

ông kẹ 2Thôi vậy cũng được! Ông Ba Bị thở dài, chống gậy đứng lên, lê cái than tàn ma dại đi về cuối chuồng gà. Đâu trong xóm có tiếng một vị khóc nhè đang nỉ non, chợt im ngay khi nghe ai đó quát lên:

– Nín đi! Heo tai xanh kìa!

 

                                                                                CÀ LĂM. 

Đón xem hồi hai: Ba Bị Phiêu Lưu Ký.

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …

One comment

  1. Một cách nhìn trào phúng về xã hội, đánh trúng điểm cần đánh. Nhưng có lẽ còn nhiều cái còn khủng khiếp hơn ông Ba Bị.
    Dân Tiến Đức Châu Sơn có ai giỏi thử nêu ra những “đại ca” của ông Ba Bị thời nay xem thế nào, trong khi chờ ông ấy đi du ngoạn trở lại.
    Nhà em vân đang tìm đây.
    Kính